Nói và nghe: Trình bày suy nghĩ về một vấn đề đời sống (được gợi ra từ tác phẩm văn học đã đọc)

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

Ở phần Đọc, hai bài thơ Đồng dao mùa xuân và Gặp lá cơm nếp hẳn đã gợi cho em những suy nghĩ về người lính, về tình yêu đất nước, về sự hòa quyện giữa tình yêu gia đình với tình yêu quê hương... Trong phần Nói và nghe dưới đây, em sẽ chia sẻ suy nghĩ về một vấn đề đời sống được gợi ra từ tác phẩm văn học đã đọc để phát triển kĩ năng nói của bản thân. Sự hấp dẫn và thuyết phục trong cách trình bày, tinh thần cầu thị khi tiếp thu ý kiến nhận xét của người nghe, cách trao đổi với bạn trên tình thần tôn trọng lẫn nhau,... là những điều em sẽ được rèn luyện trong phần thực hành này.

1. TRƯỚC KHI NÓI

a. Chuẩn bị nội dung nói 

- Trước hết, em cần dựa vào các tác phẩm văn học đã đọc kết hợp với chính trải nghiệm của bản thân và thông tin từ sách báo hoặc các phương tiện nghe nhìn để chọn một nội dung phù hợp.

Chẳng hạn, ngoài chủ đề về người lính, về tình yêu đất nước, về sự hòa quyện giữa tình yêu gia đình với tình yêu quê hương, em cũng có thể nói về lòng biết ơn đối với những người đang hằng ngày cống hiến cho xã hội một cách thầm lặng, về những đổi thay của cuộc sống hôm nay,...

- Sưu tầm tranh ảnh, bài hát, bài thơ, đoạn phim ngắn,... để minh họa cho bài nói.

- Lập dàn ý cho bài nói. Chẳng hạn, nếu em chọn trình bày suy nghĩ về hình ảnh người lính thì các ý chính có thể là: vẻ đẹp của người lính, những biểu hiện cụ thể của vẻ đẹp ấy, suy nghĩ của em về vẻ đẹp của người lính,...

+ Giới thiệu về người lính (người lính nói chung hay người lính ở một binh chủng, đơn vị cụ thể), ấn tượng chung của em về người lính đó.

+ Nêu cụ thể những việc làm, hành động của người lính đã để lại ấn tượng đậm nét cho em (cần chú ý dựng lại được bối cảnh thời gian, không gian của các việc làm, hành động đó).

+ Nêu những suy nghĩ của em về việc làm của người lính, rút ra bài học từ thái độ sống và tinh thần xả thân vì nhân dân của người lính.

b. Tập luyện 

Để bài nói đạt kết quả tốt, em hãy tập luyện trước khi trình bày.

- Em có thể tập nói một mình để tự điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể và ngữ điệu nói sao cho phù hợp. Em cũng có thể tập nói trước bạn bè, người thân và nhờ họ góp ý.

- Điều chỉnh dung lượng bài nói sao cho phù hợp với thời gian quy định.

2. TRÌNH BÀY BÀI NÓI

- Trình bày đầy đủ, mạch lạc những nội dung đã chuẩn bị.

- Kết hợp trình bày bài nói với việc sử dụng các phương tiện hỗ trợ như tranh, ảnh, đoạn phim ngắn, bài thơ minh họa,...

- Chú ý điều chỉnh âm lượng, tốc độ nói, sắc thái biểu cảm phù hợp với nội dung nói; thể hiện sự tương tác tích cực với người nghe.

- Trình bày bài nói trong thời gian quy định.

3. SAU KHI NÓI

Trao đổi về bài nói theo một số gợi ý sau:

Người ngheNgười nói

Nhận xét về bài trình bày của bạn với thái độ chân thành, tinh thần xây dựng. Có thể trao đổi về một số nội dung như:

  • Bài nói đã thể hiện rõ suy nghĩ của người nói về vấn đề đời sống chưa?
  • Nội dung bài nói có thuyết phục không?
  • Người nói đã sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ (cử chỉ, điệu bộ, nét mặt,...) phù hợp với nội dung trình bày chưa?
  • Hiệu quả của các phương tiện hỗ trợ (tranh ảnh, đoạn phim ngắn, bài thơ,...) trong khi trình bày thế nào?

Lắng nghe, phản hồi những ý kiến của người nghe với tinh thần cầu thị:

  • Tiếp thu những ý kiến góp ý mà em cho là xác đáng.
  • Giải thích những chỗ người nghe còn thắc mắc.
  • Bảo vệ ý kiến của mình nếu nhận thấy ý kiến đó đúng.

BÀI NÓI THAM KHẢO:

(Chiếu video đoạn nhạc trong bài hát: "Sống như những đóa hoa")

Xin chào cô và các bạn. Em là... Các bạn vừa lắng nghe giai điệu sâu lắng trong bài hát "Sống như những đóa hóa". Bài hát ca ngợi lối sống cống hiến, sống yêu thương, cho đi mà không cần nhận lại. Đó chính là cách sống của những người lính trong bài thơ Đồng dao mùa xuân cũng như tất cả những người lính đã và đang bảo vệ cuộc sống hòa bình.

Khi nhắc đến những người lính, mỗi người đều cảm thấy biết ơn, trân trọng. Họ là những con người hết sức kiên cường, dũng cảm, không ngại gian khó, thậm chí là hi sinh để mang lại tự do, hành phúc cho dân tộc.

Người lính vô cùng giản dị, gần gũi. Họ hiện lên với chiếc áo màu xanh quen thuộc, đeo trên lưng ba lô con cóc. Đó là những trang phục gắn liền với người lính trong các cuộc kháng chiến trường kì của đất nước. Hình ảnh người lính còn được hiện lên với những hành động thể hiện sự anh dũng, không ngại hi sinh. Họ sẵn sàng xông vào bom đạn để chiến đấu bảo vệ dân tộc, đất nước. Những người lính còn hiện lên với tình yêu thương, tinh thần đồng chí đồng đội. Họ luôn đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ, chia sẻ với nhau trong chiến đấu... (HS tự phân tích, nêu cảm nhận thêm)

Là người học sinh, em cảm thấy rất tự hào về những người anh hùng dân tộc. Chính họ đã dùng máu xương để mang lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân. Hiểu được điều đó, em luôn không ngừng nhắc nhở bản thân luôn luôn cố gắng học tập, rèn luyện tốt để giữ gìn những giá trị tốt đẹp mà các anh đã đem đến, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, vững bền hơn. Mỗi người chúng ta đều cần có những suy nghĩ đúng đắn và hành động thiết thực để báo đáp công ơn của những người lính... (HS tự phân tích, nêu cảm nhận thêm)

Bài trình bày của em đến đây là hết. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Bài trình bày còn nhiều thiếu sót, em rất mong nhận được sự góp ý để hoàn thiện hơn.