Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácCâu chuyện của các bạn nhỏ trong hai văn bản Bầy chim chìa vôi và Đi lấy mật chắc hẳn gợi cho em nhiều suy nghĩ và cảm xúc về thế giới tuổi thơ. Từ thực tế cuộc sống của mình và những điều học hỏi được qua sách báo, phương tiện nghe nhìn, em hãy trao đổi với các bạn về một vấn đề mà em quan tâm.
a. Trước khi nói
- Dựa vào chính thực tế cuộc sống của mình và những điều em viết được từ sách báo, phương tiện nghe nhìn để trao đổi về một vấn đề mà em cho là quan trọng, có ý nghĩa. Tham khảo một số đề tài sau:
+ Trẻ em và việc sử dụng các thiết bị công nghệ (ti vi, điện thoại, máy tính,...).
+ Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu.
+ Trẻ em với việc học tập.
+ Bạo hành trẻ em (trong gia đình, ngoài xã hội).
Ngoài những đề tài gợi ý trên, em cũng có thể tự tìm một đề tài mà mình am hiểu và cảm thấy có ý nghĩa để trình bày.
- Thu thập tư liệu cho nội dung trình bày:
+ Nhớ lại những trải nghiệm của em.
+ Tìm thêm thông tin liên quan từ sách báo hoặc các phương tiện nghe nhìn để có được cái nhìn toàn diện hơn về đề tài muốn nói.
- Ghi ngắn gọn một số ý quan trọng cần trình bày như: vấn đề trao đổi và các biểu hiện của nó, ý kiến của em, tác động của vấn đề đối với trẻ em và bài học rút ra sau khi bàn luận.
Ví dụ: Trao đổi về vấn đề trẻ em cần được người lớn lắng nghe, thấu hiểu.
Em có thể tìm ý cho nội dung trao đổi bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi như:
+ Theo em, người lớn đã thực sự lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của trẻ em chưa? Những biểu hiện nào cho thấy nhiều người lớn chưa thực sự lắng nghe và thấu hiểu trẻ.
+ Chuyện gì có thể xảy ra khi người lớn không lắng nghe, thấu hiểu trẻ? Em có thể lấy bằng chứng từ chính trải nghiệm của mình hoặc từ sách báo và các phương tiện nghe nhìn để thuyết phục người nghe.
+ Trẻ em mong muốn được người lớn lắng nghe, thấu hiểu những điều gì?
+ Trẻ em cần phải làm gì khi chưa được người lớn lắng nghe, thấu hiểu?
- Dự kiến các nội dung người nghe có thể trao đổi để chuẩn bị phản hồi.
b. Tập luyện
Để trình bày tốt bài nói của mình, trước đó, em cần chú ý tập luyện. Em có thể tập trình bày trước nhóm bạn hoặc người thân và lắng nghe các ý kiến nhận xét, góp ý để hoàn thiện bài nói.
Với tư cách người trình bày bài nói, em cần lưu ý:
- Trình bày bài nói theo các nội dung đã được chuẩn bị. Em có thể sử dụng các ghi chú để không bỏ sót những nội dung quan trọng:
+ Nêu vấn đề mà em quan tâm, quan điểm của em về vấn đề, tầm quan trọng của vấn đề đó đối với trẻ em và cả xã hội. Có thể thu hút người nghe bằng cách kể lại một câu chuyện ngắn gắn với trải nghiệm của em để giới thiệu vấn đề.
+ Trình bày các khía cạnh của vấn đề với lí lẽ và bằng chứng thuyết phục; kích thích sự trao đổi, đối thoại của người nghe.
+ Chú ý sử dụng từ ngữ để liên kết các ý trong bài trình bày như: trước tiên, mặt khác, hơn nữa, không chỉ vậy,... giúp cho các ý chính được thể hiện rõ ràng, chặt chẽ.
- Điều chỉnh giọng nói, tốc độ nói; sử dụng cử chỉ, điệu bộ phù hợp với nội dung trình bày và thể hiện sự tương tác với người nghe.
- Có thể sử dụng các phương tiện hỗ trợ (tranh ảnh, đoạn phim ngắn, bài thơ, bài hát,...) để bài nói thuyết phục hơn.
Với tư cách người nghe, em cần lưu ý:
- Tập trung lắng nghe nội dung trình bày của bạn.
- Ghi chép lại các ý quan trọng để nắm được nội dung chính của bài trình bày. Tóm tắt ý chính của bài nói cũng giống như tóm tắt một bài viết. Vì thế, em có thể vận dụng cách tóm tắt văn bản ở hoạt động viết vào việc nghe và tóm tắt ý chính của người nói.
- Chú ý thái độ và cách trình bày vấn đề của người nói.
- Ghi lại một số nội dung sẽ trao đổi với người nói.
Trao đổi về bài nói theo một số gợi ý sau:
Người nghe | Người nói |
Trao đổi về bài nói với tinh thần xây dựng và tôn trọng. Có thể trao đổi một số nội dung như:
| Lắng nghe, phản hồi những ý kiến của người nghe với tinh thần cầu thị:
|
BÀI THAM KHẢO:
Bạo lực luôn là một vấn nạn nhức nhối xã hội. Đặc biệt là tình trạng bạo lực học đường đang xảy ra rất nghiêm trọng, đáng báo động. Bạo lực học đường là tình trạng học sinh dùng lời lẽ miệt thị, hành động để xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc thể xác của người khác. Gần đây, chúng ta có thể thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng rất nhiều vụ việc học sinh sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn. Bạo lực không chỉ xảy ra ở các học sinh nam mà cũng rất phổ biến ở các học sinh nữ. Nhiều trường hợp không chỉ bạo lực thể xác mà còn bạo lực tinh thần với những hành vi như xúc phạm, tẩy chay, miệt thị lẫn nhau... Nguyên nhân chính của tình trạng này là do ý thức của các bạn học sinh chưa tốt, chưa có đủ nhận thức về hậu quả của hành vi. Một nguyên nhân khác nữa dẫn đến tình trạng này là do sự quản lí, giáo dục chưa phù hợp của gia đình, nhà trường. Ngoài ra, ảnh hưởng của mạng in-tơ-nét, thế giới ảo cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Bạo lực học đường để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng như gây ám ảnh tâm lí, gây tổn hại đến sức khỏe của người khác, hình thành tính cách hung hăng,... Qua đó, có thể thấy, bạo lực học đường là một tệ nạn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Hiểu được điều đó, mỗi người học sinh cần có ý thức, chủ động kiểm soát hành vi của bản thân; đồng thời chung tay kêu gọi, tuyên truyền mọi người không sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Người lớn cần có những hành động cụ thể để giáo dục, hình thành nhân cách cho học sinh đúng đắn. Tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Chính vì vậy, mỗi người phải cố gắng phấn đấu để xây dựng xã hội tốt đẹp.