Những đứa con trong gia đình (Trích - Nguyễn Thi)

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác
1
7 gp

NHỮNG ĐỨA CON TRONG GIA ĐÌNH

 

I.CÂU HỎI LUYỆN TẬP

Câu 1: Truyện Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi được trần thuật theo phương thức nào? Phương thức trần thuật đó có gì đặc biệt?

Trần thuật theo phương thức thứ ba, là cách trần thuật người trần thuật tự giấu mình, nhưng cách nhìn và lời kể lại theo nhôn ngữ, giọng điệu của nhân vật (lời nửa trực tiếp).

Cách trần thuật trên có hai tác dụng về mặt nghệ thuật:

-Câu chuyện vừa được thuật kể, cùng một lúc, tính cách nhân vật cũng được khắc họa.

-Câu chuyện dù không có gì đặc sắc cũng trở nên mới mẻ, hấp dẫn vì được kể qua con mắt, tấm lòng và bằng ngôn ngữ, giọng điệu của nhân vật.

 

Câu 2: Anh (chị) có nhận xét gì về nội dung cuốn sổ gia đình trong truyện Những đứa con trong gia đình? Chú Năm đã dùng lời lẽ như thế nào trong cuốn sổ đó? Điều đó có giá trị gì cho sự thành công của tác phẩm?

Cuốn sổ gia đình trong truyện được chia làm hai phần. Phần một tác giả đã ghi lại những nỗi oan ức của gia đình, đó là việc thím Năm bơi xuồng đi rọc lá chuối bị ca-nông Mỏ Cày bắn chết, là chuyện ông nội bị bắn vào giữa bụng, là chuyện lính Tây bót Kinh Ngang chặt đầu ba Việt,… Qua phần một của cuốn sổ, ta thấy được tội ác của giặc, là sự mất mát hi sinh của người dân Nam Bộ sau phong trào miền Nam nổi dậy (phong trào Đồng Khởi của nhân dân miền Nam, 1960).

Nếu phần một cuốn sổ gia đình là những đau thương mất mát thì phần hai của cuốn sổ đó chú Năm đã ghi lại Công tác gia đình. Trong phần hai, ta bắt gặp những chiến công của ông nội, của thằng hai,… Phần hai của cuốn sổ cho thấy rằng không thể nhân nhượng mãi được, nợ máu phải trả bằng máu, phải chiến đấu để giành lấy quyền sống của mình, giành lấy tự do, độc lập cho dân tộc.

Lời văn trong cuốn sổ chất phác, cốt chỉ nêu sự việc (Ví dụ: Ngày hăm chín tháng Chạp âm, đại diện Tỏa cho lính đến cắt lúa của bác Hai, nói là ruộng Việt Minh cấp, nó chửi “đù mẹ” rồi đập bể cái trã kháp rượu) nên rất gần gũi, đời thường, giống như lối sống của người dân Nam Bộ.

Qua cuốn sổ của chú Năm ghi lại, tội ác của giặc chồng chất, con cháu trong gia đình ai cũng căm thù chúng, kiên quyết đánh giặc để đòi lại món nợ máu, đòi lại hòa bình, tự do trên quê hương, đất nước.

 

Câu 3: Nghệ thuật đồng hiện là gì? Trong truyện Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi nghệ thuật đó được thể hiện như thế nào? Nghệ thuật đồng hiện có tác dụng như thế nào trong truyện ngắn này?

a) Nghệ thuật đồng hiện được thể hiện như sau:

-Đồng hiện nghĩa đen là cùng thể hiện.

-Trong truyện ngắn này, nghệ thuật đồng hiện thuộc kết cấu tác phẩm, một yếu tố thuộc về hình thức. Về kết cấu, chính là cách tổ chức, liên kết các yếu tố, các nội dung lại để tác phẩm đạt nghệ thuật cao nhất.

-Nghệ thuật đồng hiện thực ra là một trong nhiều cách kết cấu tác phẩm, ở đó, các sự kiện, tình tiết, các nhân vật (hoặc những nét tính cách nhân vật) cùng một lúc (thông qua các biện pháp nghệ thuật, đặc biệt là lời dẫn truyện tinh tế) được thể hiện trong một thời điểm (hay nhiều thời điểm), trong một không gian (hay nhiều không gian) nào đó.

b) Nghệ thuật đồng hiện trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình được thể hiện như sau:

-Các sự kiện được đồng hiện trong một thời điểm:

+Sau trận đánh diễn ra trên ruộng đồn Nam Bộ giữa đơn vị của Việt và một chiến đoàn Mĩ, hình ảnh chiến trường vẫn còn nguyên vẹn: những xe tăng, xe bọc thép cháy nghi ngút, những vỏ đạn tanh nồng máu, xác lính Mĩ bốc mùi, Việt lết đi, tỉnh rồi lại ngất,… mũi súng vẫn thường hướng về phía trước, đợi chờ giặc tới… Trận đánh chưa kết thúc.

+Bây giờ Việt đã ở quân y viện, cùng một lúc, hai mảng đời trong hiện tại và quá khứ gần và quá khứ tưởng đã xa lắc cùng ùa về trong tâm tưởng với đủ các sự kiện vui buồn, những số phận con người… Những đứa con trong gia đình lần lượt xuất hiện với những nét tính cách riêng và chung rõ mồn một.

-Các nhân vật được đồng hiện trong cả hai mảng thời gian hiện tại và quá khứ:

+Nhân vật Việt:

  ●Hai nét tính cách: Chiến sĩ – trẻ thơ song song thể hiện trong tất cả mọi thời gian, không gian. Nhân vật xuất hiện lúc ở bệnh viện, lúc ở chiến trường, lúc ở gia đình.

  ●Thủ pháp nghệ thuật để thực hiện nghệ thuật đồng hiện trong khi khắc họa nhân vật Việt chủ yếu là phép liên tưởng, bắc cầu từ sự kiện này sang sự kiện khác, từ tình huống nhân vật này gợi đến tình huống nhân vật kia…

Ví dụ:

-Từ chi tiết anh chị em gọi Việt là cậu Tư, Việt chợt nhớ đến chị Chiến, tới Tánh và cái chuyện ai cũng muốn làm anh rể cậu, một cách đùa tếu táo cho vui của lính, Việt viết thư cho chị, nhớ lại lần chị bị trúng bom, nhớ lại trận đánh…

-Trong trận đánh, lúc bị ngất, tự nhiên anh nghe như có tiếng ếch. Tuổi thơ và hình ảnh chú Năm… cùng ùa về một lúc…

- Các nhân vật khác như Chiến, chú Năm, ba mẹ Việt, Tánh… lần lượt xuất hiện và đồng hiện theo dòng độc thoại nội tâm của Việt.

c)Nghệ thuật đồng hiện có tác dụng rất lớn trong truyện “Những đứa con trong gia đình”:

-Làm cho câu chuyện thảm khốc và hào hùng song thấm đượm nghĩa tình này được dựng theo dòng hồi tưởng khi đứt nối, khi chập chờn, tưởng như rời rạc nhưng lại có sức gắn kết chặt chẽ.

-Hai mảng sự kiện, những đoạn đời trong hiện tại và quá khứ đan chéo nhau, bổ sung cho nhau, làm cho tính cách các nhân vật được khắc họa rõ nét, chủ đề truyện được bộc lộ khá nổi bật.

-Lối kết cấu này khiến tác giả buộc phải đi đến tận cùng sự diễn biến tâm lí của nhân vật, phân tích và diễn tả nó một cách sắc sảo và tinh tế trên cơ sở am hiểu và đồng cảm với nhân vật.

 

II. ĐỀ BÀI LÀM VĂN

 Đề 1: Phân tích những điểm giống và khác nhau của hai nhân vật Việt và Chiến trong truyện Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.

a)Mở bài:

Truyện Những đứa con trong gia đình là một trong những tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Thi. Đây là một tác phẩm thành công ở nhiều mặt, trong đó nổi bật lên nghệ thuật xây dựng các tính cách nhân vật với cá tính đậm nét. Trong số những nhân vật ấy, tác giả đã dành nhiều trang đặc sắc nhất để viết về hai nhân vật Việt và Chiến.

b)Thân bài:

+Nhận định chung về hai nhân vật:

Nhân vật chính trong Những đứa con trong gia đình là những thanh niên đã bước sang tuổi mười tám đôi mươi, đã trở thành những chiến sĩ xông pha trận mạc và đã lập được nhiều chiến công. Hai chị em Việt và Chiến – tên những thanh niên sinh ra trong một gia đình mang khá nhiều nét tiêu biểu của một gia đình Nam Bộ trong chiến tranh. Nguyễn Thi đã đầy dụng ý khi kể bản lí lịch của nỗi đau bắt đầu từ thời ông nội bị lính tổng Phòng bắn vào giữa bụng, người cha bị giặc Pháp chặt đầu, người mẹ bị pháo Mĩ giết hại… Một sợi dây hận thù từ thời Pháp đến thời Mĩ, từ thời phong kiến đến thực dân, đế quốc. Một hận thù lớn. Nguyễn Thi đã không ngần ngại ném ra một chi tiết đau thương ghê rợn: chi tiết má Việt cắp rỗ đi đòi đầu ba Việt với hình ảnh cái đầu đẫm máu. Chi tiết này đâu chỉ có tác dụng tố cáo tội ác kẻ thù mà còn mang một chiều sâu lí giải: chính đau thương mà kẻ thù gieo xuống là động lực bên trong buộc chúng ta phải cầm súng, buộc hai chị em Việt phải chiến đấu, giết giặc để báo thù cho cha mẹ, cũng chính là tự bảo vệ cuộc đời mình. Đó là truyền thống của gia đình, cũng là khát vọng mãnh liệt nhất của hai chị em Việt và Chiến. Mang trong mình mối thù sâu sắc với giặc và một khát vọng chiến đấu mãnh liệt như vậy, họ sẽ chiến đấu dũng cảm và sẽ chiến thắng, đó như một cái gì đã trở thành tất yếu.

+Những nét giống nhau:

Thật ra, để nói đến con đường tất yếu từ căm thù giặc đến thắng giặc, Nguyễn Thi có thể chỉ cần nói về Chiến mà không cần nói về Việt, hoặc ngược lại. Nhưng tác giả đã tả hai nhân vật ấy thật sinh động và rõ nét. Trước hết ta thấy hai nhân vật này có nhiều nét giống nhau về bản chất. Họ rất yêu thương cha mẹ, căm thù giặc sâu sắc, cùng một ước nguyện được cầm súng đánh giặc trả thù cho ba má. Tình cảm này thể hiện sâu sắc và cảm động nhất trong cái đêm hai chị em giành nhau ghi tên tòng quân, và sáng hôm sau, khi lên đường nhập ngũ, cùng khiêng bàn thờ ba má sang gửi bên chú Năm: Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, chừng nước nhà độc lập, con lại đưa má về. Việt khiêng trước, chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ có thể rờ được, vì nó đang đè nặng lên vai.

Hai chị em đều là những chiến sĩ dũng cảm, gan góc và từng lập được nhiều chiến công: bắn tàu chiến trên sông Định Thủy, Chiến là tiểu đội trưởng của bộ đội nữ địa phương, còn Việt thì phá được một xe tăng địch trong trận giáp lá cà… Cha mẹ đều là dũng sĩ, họ sinh ra dường như là để cầm súng đánh giặc. Đây là cuộc đối thoại của hai chị em trước lúc lên đường:

-Chú Năm nói với tao kì này là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu.

-Chị có bị chặt đầu thì chặt chứ chừng nào tôi mới bị.

-Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!

+Những nét khác nhau:

Nhưng tài nghệ của Nguyễn Thi không chỉ dừng lại ở đó, cái đặc sắc trong truyện ngắn này là ông đã sáng tạo ra những nét khác nhau giữa Việt và Chiến, mỗi người mỗi vẻ, không lẫn với nhau được.

Việt:

Việt là nhân vật xuất hiện nhiều nhất trên những trang văn của Nguyễn Thi. Việt được bạn đọc yêu thích trước nhất là ở cái vẻ lộc ngộc, vô tư của một cậu con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn, hồn nhiên, hiếu động và hiếu thắng. Việt thích bắt ếch, câu cá, bắn chim… Hai chị em đi bắt ếch, Việt tranh công chính về mình. Có lần cùng chị và đội du kích đi đánh giặc, Việt giành về mình cái thành tích bắn trúng Mĩ. Mồ côi cả cha và mẹ, mọi lo toan Việt đều phó thác cho chị. Đêm trước ngày ra đi, Chiến nói với em những lời trang nghiêm thì Việt lăn kềnh ra ván cười khì, lúc lại rình chụp một con đom đóm úp trong lòng bàn tay. Vào bộ đội, Việt mang theo một…chiếc súng cao su. Khi bị thương nặng, Việt không sợ chết mà lại sợ gặp ma. Sau ba ngày bị lạc, gặp lại đồng đội, Việt khóc đó rồi cười đó… Quả thật, nhân vật này chưa biết lo nghĩa nhiều, chỉ biết đánh giặc để trả thù cho ba, cho má.

Việt gắn bó với những người thân bằng tất cả tình cảm thiết tha. Đối với Việt, tình mẹ con, tình chị em, tình chú cháu, tình đồng đội đều thiêng liêng, sâu nặng. Ngay ở vào những giây phút căng thẳng nhất, bi đát nhất của cuộc đời (bị thương nặng, lạc khỏi đồng đội, trơ trọi giữa chiến địa), Việt vẫn nhớ như in hình ảnh của từng người với những kỉ niệm, khi thì âu yếm ngọt ngào (những đêm trăng cùng chị đi bắt ếch, những buổi dùng ná cao su đi bắn chim…), khi đau đớn xót xa (như cái ngày đi đòi đầu ba, hay hôm má bị trúng đạn giặc…).

Đi bộ đội, Việt đã chiến đấu với tất cả tình cảm yêu thương và căm giận dồn nén từ tuổi ấu thơ. Trong một trận chiến đấu dữ dội giữa quân ta và quân Mĩ, Việt đã dũng cảm leo lên một chiếc xe bọc thép của giặc đang tháo chạy, dùng thủ pháo tiêu diệt nó. Việt bị thương, đến nỗi hai mắt sưng lên không nhìn thấy gì, chân đau đớn và rỏ máu, hai tay, vai, đầu cũng vậy… Nhưng Việt vẫn quyết tâm ăn thua sống mái với kẻ thù: Trên trời có mày, dưới đất có mày, khu rừng này chỉ có mình tao. Mày có bắn tao thì tao cũng bắn được mày. Cứ như vậy, chàng trai ngây thơ, chưa vỡ giọng ấy thấy việc đi đánh giặc nó cũng tự nhiên như đi bắt ếch hay bắn ná thun. Việc đánh giặc là tự nhiên, có gì đâu để bàn, để nghĩ ngợi… (…). Ngay khi chỉ còn một tấm thân trơ trọi và đầy thương tích, Việt vẫn là người đi tìm giặc: Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao thì mày là thằng giặc chạy. Ba ngày bị lạc, bụng đói, không có một hạt cơm, nhưng Việt không chịu đầu hàng hoàn cảnh, luôn sẵn sàng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Và bằng một nghị lực phi thường, bằng sức mạnh tinh thần, Việt cố bò, cố lết, hai cùi tay lôi người theo để đi tìm đồng đội.

Xây dựng hình ảnh Việt hồn nhiên và trẻ thơ nhưng vô cùng dũng cảm, Nguyễn Thi muốn nói với người đọc về một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam bước vào cuộc chiến đấu vì sự sống, cũng là một cuộc chiến đấu đầy chất tươi trẻ và lạc quan.

Chiến:

Bên cạnh nhân vật Việt, còn phải kể tới nhân vật Chiến (chị gái Việt). Chiến là một cô gái có vóc dáng của mẹ mình: hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu nắng,… thân người to và chắc nịch. Sống trong hoàn cảnh bi đát, đau thương, cha mẹ đều bị giặc giết, hai chị em phải cưu mang, đùm bọc nhau. Chiến đã sớm trưởng thành, già dặn trước tuổi. Là con gái, Chiến có cái kiên nhẫn đến gan lì của người phụ nữ đã từng trải cực khổ. Chính là Chiến, chứ không phải Việt, đã bỏ ăn, ngồi đánh vần từng chữ, đọc cho được, đọc cho hết, cuốn sổ ghi chép của gia đình đầy máu và nước mắt để nuôi dưỡng cho mình khát vọng khôn nguôi chiến đấu và trả thù. Là người chị, lúc nào Chiến cũng nhường nhịn em, từ việc lớn đến việc nhỏ. Trong cả truyện ngắn, duy nhất có một lần, Chiến không nhường em, ấy là khi cả hai chị em cùng xin đi bộ đội. Chiến đã nói với anh cán bộ tuyển quân:

-Đề nghị mấy anh xét cho. Nó là em tôi mà cái gì nó cũng giành

(…)

-Đến Tết này nó mới được mười tám anh à! Em nói để em đi trước, nó ở nhà, thủng thẳng để chú Năm thu xếp ròi hãy đi, mà nó không chịu.

Người đọc dễ dàng chấp nhận hành động tranh hơn này của Chiến, không thấy mâu thuẫn gì với bản chất của cô. Bởi vì, ngoài khát vọng chiến đấu, hành động của Chiến còn thể hiện một ý muốn của cô: Chiến không muốn em mình sớm phải bước vào cuộc chiến đấu gian khổ.

Chiến lớn hơn lứa tuổi của mình, suy nghĩ sâu sắc, chín chắn. Trước khi lên đường nhập ngũ, ta thấy một cô Chiến biết lo liệu, tính toán việc nhà thật trọn vẹn trước sau: từ việc viết thư cho chị Hai, đến việc gửi thằng Út ở với chú Năm; từ việc cho xã mượn nhà, mượn giường ván làm lớp học, đến việc gửi một số dụng cụ sinh hoạt gia đình, trao lại ruộng được chia trước đây cho chi bộ; từ việc thu hoạch mía để dành làm giỗ ba, đến việc gửi bàn thờ má sang nhà chú Năm… Chiến lo liệu mọi việc y hệt má, nói nghe y như má vậy. Hình ảnh người mẹ bao bọc lấy Chiến, từ cái lối nằm với thằng Út em trên giường ở trong buồng nói với ra đến lối hứ một cái cóc rồi trở mình. Đến nỗi chỉ trong khoảng một thời gian ngắn ngủi trong đêm, Việt đã không dưới ba lần thấy chị mình giống in người mẹ đã mất.

+Đánh giá chung:

Hai chị em được xây dựng với hai nét tính cách khác nhau, chị đảm đang, tháo vát, nói năng rõ ràng, mạch lạc, lo toan mọi việc chu tất; còn em thì hồn nhiên, vô tư, mọi việc phó mặc cho chị  nhưng vẫn rất đáng yêu. Họ đã tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc. Điều này ghi nhận thành công của Nguyễn Thi trong việc miêu tả tính cách và tâm lí của nhân vật.

c)Kết bài:

Với Chiến và Việt, Nguyễn Thi đã xây dựng được hai nhân vật rất độc đáo. Họ có những nét giống nhau nhưng lại là hai bản sắc khác nhau. Dưới bút pháp nghệ thuật già dặn, điêu luyện, cả hai nhân vật đều rất đáng quý, đáng yêu. Qua hình ảnh của Chiến và Việt, chúng ta có thể hình dung được gương mặt hào hùng của tuổi trẻ miền Nam trong những năm tháng đánh Mĩ. Chính những con người bình dị ấy đã góp phần làm nên chiến thắng lớn lao của dân tộc.

 

  Đề 2: Anh (chị) hãy phân tích nét đặc sắc về tầm khái quát nghệ thuật đồng hiện trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.

a)Mở bài:

Nhà văn Nguyễn Đình Thi tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, người Nam Hà. Ông vào Nam từ năm 1945, gia nhập quân đội và viết văn dưới bút danh Nguyễn Ngọc Tấn. Tập kết ra Bắc năm 1954. Năm 1962, ông trở lại miền Nam lần thứ hai, viết văn dưới bút danh Nguyễn Thi. Năm 1968, ông hi sinh tại Sài Gòn trong lúc ngòi bút còn đầy sung sức và nhiệt huyết. Là nhà văn chiến sĩ, Nguyễn Thi có nhiều đóng góp cho nền văn học cách mạng. Một trong những đóng góp đáng kể của ông về nghệ thuật là sự thể hiện thành công nghệ thuật đồng hiện ở truyện Những đứa con trong gia đình (1966).

b)Thân bài:

Theo nghĩa đen, đồng hiệncùng thể hiện. Trong truyện, đây chỉ là một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc về kết cấu tác phẩm, một yếu tố thuộc về hình thức. Như ta đã biết, kết cấu là việc tổ chức, sắp xếp các yếu tố nội dung trong văn bản tác phẩm để nó đạt được hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Thủ pháp đồng hiện đóng một vai trò quan trọng trong công việc này. Nó là một trong những thủ pháp tạo ra được lối kết cấu độc đáo. Từ đó, cốt truyện, nhân vật, chủ đề được thể hiện, gây hiệu quả nghệ thuật tác động đến độc giả… Nét độc đáo của nghệ thuật đồng hiện là cùng một lúc các sự kiện, các tình tiết, các nhân vật (hay các nét tính cách của nhân vật) được thể hiện trong một thời gian, một không gian hay trong một mảng thời gian và không gian khác nhau.

Trong truyện Những đứa con trong gia đình, nghệ thuật đồng hiện được thể hiện khá tinh tế. Dựa trên kết cấu lấy dòng suy tưởng làm nền, Nguyễn Thi đồng thể hiện các sự kiện trong một thời điểm. Các nhân vật (và các nét tính cách của nó) trong hai mảng thời gian hiện tại và quá khứ đan xen nhau rất có hiệu quả.

Trước hết xin nói về cách đồng hiện các sự kiện trong một thời điểm ở truyện Những đứa con trong gia đình.

Sau cuộc giao tranh ác liệt giữa đơn vị của Việt và một chiến đoàn Mĩ, Việt bị thương nặng, ngất đi. Việt tỉnh dậy, trận địa vắng tanh, trừ tiếng máy bay. Chiến trường vẫn còn nguyên vẹn với những chiếc xe tăng, xe bọc thép cháy, những vỏ đạn tanh máu, xác lính Mĩ bốc mùi…Việt cho mũi lê đi trước, lên đạn… sẵn sàng phụ với các anh. Trận đánh được miêu tả hình như chưa kết thúc. Thời điểm để nhà văn chọn miêu tả thời gian trước và sau trận đánh hình như là thời điểm ở giữa thời gian này? Mặt khác, những chi tiết truyện, theo phân tích trên, không phải là đã kết thúc, cũng không phải là đang xảy ra. Nó là sự kiện đang xảy ra, đã xảy ra và được nhìn trong cái kết thúc, sắp kết thúc. Nói cho dễ hiểu hơn, người ta thấy được trận đánh đã và sẽ xảy ra như thế nào ở một thời điểm ở trong nó. Nhìn vào những gì xảy ra ở thời điểm đó, người ta cho thấy tất cả.

Bây giờ Việt đã ở quân y viện. Anh có thời gian trị vết thương, đồng thời cũng có cả thời gian để mà ôn lại, nhớ lại. Thành ra anh có thể thấy được cả mảng đời trong hiện tại của mình và có thể nhớ lại cả mảng đời của gia đình mình trong quá khứ. Anh như lần lượt về quá khứ từ gần đến xa lắc. Thông qua dòng độc thoại diễn ra trong Việt ở các thời điểm nằm ở quân y viện, bao nhiêu sự kiện vui buồn, bao nhiêu số phận con người trong chiến tranh như và cùng về một lúc. Lần lượt nhưng không theo một trình tự nào. Những đứa con trong gia đình giàu truyền thống các mạng của anh được tái hiện ở những nét tính cách chung và riêng như họ đang ở trước mặt.

Nhân vật trung tâm là Việt. Dù thời gian, không gian nào, nhân vật cũng được khắc họa song song hai nét tính cách cơ bản: chiến sĩ – trẻ thơ.

Ở quân y viện, khi hai con mắt còn băng kín mít, dấu tích của người lính dũng cảm, Việt với cây chì… mò mò viết thử. Anh không dám nhờ người khác viết thư cho chị. Anh sợ cái tiếng cậu Tư, sợ mất chị ba Quyết Chiến. Anh giấu chị như giấu của riêng của mình vậy. Thật là ngây thơ! Cái ngây thơ đáng yêu của một người lính trẻ, dũng cảm thật đấy mà cũng khờ khạo thật đấy trước cuộc đời. Ngay cả chuyện đùa vui của anh em theo lối tếu táo của lính, anh cũng tưởng là chuyện thật.

Trên chiến trường ngổn ngang xác giặc, Việt ngất đi rồi tỉnh lại nhiều lần dù đã kiệt sức, người lính trẻ ấy vẫn sẵn sàng chiến đấu tiếp nếu kẻ thù xuất hiện. Thế mà khi nghe ếch nhái kêu dậy lên, Việt bỗng trở thành chú bé con có hai cái đèn soi, lóp ngóp đi soi ếch cùng chị. Chiến và Việt ai cũng giành phần nhiều là của mình, phải nhờ chú Năm đứng ra phân xử. Ngay cả lúc nhập ngũ, hai chị em cũng không ai chịu nhường ai đi trước, chú Năm phải đứng ra xin trên cứ ghi tên cho cả hai.

Qua một vài điều đã nói trên, ta thấy thủ pháp nghệ thuật để thực hiện nghệ thuật đồng hiện trong khi khắc họa nhân vật Việt, chủ yếu dựa trên cơ sở của phép liên tưởng, phép bắc cầu từ sự kiện này sang sự kiện khác; từ chi tiết, nhân vật này sang chi tiết, nhân vật kia… Trong các sự liên kết đó, dòng hồi tưởng của nhân vật vẫn là sợi dây nối quan trọng nhất. Từ chi tiết anh em trong quân y viện gọi anh là cậu Tư, Việt chợt nhớ tới chị Chiến, nhớ tới tiểu đội trưởng Tánh. Anh muốn viết thư cho chị nhưng khó có thể viết được vì hai con mắt vẫn còn bị băng kín. Thế là Việt nhớ lại lần chị bị trúng bom, nhớ lại trận đánh của chính mình… Việt nhớ lại trong trận đánh, anh đã ngất đi; tỉnh lại, bỗng nghe thấy tiếng ếch và cùng lúc đó, tuổi thơ, những ngày xa xưa uất hận cùng ùa về trong trí nhớ… Các tình tiết truyện diễn ra rất tự nhiên. Thủ pháp nghệ thuật này ta đã gặp trong truyện Đôi mắt của Nam Cao. Ở đó, câu chuyện cũng diễn ra theo dòng hồi tưởng của nhân vật Độ. Khác chăng là ở chỗ Nam Cao để Độ tự xưng tôi để kể. Còn ở đây, Nguyễn Thi trực tiếp miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật và để cho tâm trạng ấy nói lên câu chuyện mình muốn kể. Có lẽ đây cũng là một lối kể chuyện độc đáo, sáng tạo.

Vẫn bằng cách trên, theo dòng độc thoại của nhân vật Việt, tác giả lần lượt cho xuất hiện và đồng hiện các nhân vật Chiến, chú Năm, ba mẹ Việt, Tánh…

Cũng như Việt, Chiến tòng quân chiến đấu trong một tiểu đội bộ đội địa phương. Chị đã chiến đấu dũng cảm, coi cái chết cũng chỉ như giấc ngủ, như ta ngủ vậy. Chiến chỉ khác Việt ở chỗ, là người chị cả trong gia đình nên sớm trưởng thành. Chị theo má, nuôi và dạy dỗ các em, lo toan, tính toán tất cả mọi việc trong nhà. Là người chị cả của gia đình, Chiến dứt khoát không nhường em việc ghi tên tòng quân. Nhớ và nghĩ về người chị, dòng tâm tưởng của Việt như cố dừng lại ở những kỉ niệm đẹp, khó quên.

Chú Năm cũng chỉ là một nhân vật thoáng qua trong dòng tâm tưởng, gợi lên từ một tiếng ếch trên chiến trận đã im tiếng súng… Mỗi lần Việt và Chiến soi ếch về, chú đều kiếm con trọng trọng đem về nhậu. Có hai đoạn văn đẹp như thơ là đoạn chú Năm nhậu vào ba hột là chú nói tới, hay hò lên mấy câu. Câu hò khiến chú xúc động, đôi mắt mở to, đọng nước. Đoạn văn khác kể về cuốn sổ gia đình do chú ghi, hầu để sau này giao cho chị em bây. Cuốn sổ lần về quá khứ, lẫn trong hiện tại, không theo năm tháng. Đó là chứng tích lịch sử được khơi lại, chép lại bởi cái nhìn, cái cảm, cái yêu, cái ghét của một tính cách Nam Bộ trọng nghĩa, bộc trực, sôi nổi, yêu đời.

Ba má Việt hiện về trong Việt như những kỉ niệm về lòng yêu thương và căm thù. Tình yêu của ba má, con đường của ba má và tội ác của giặc khiến chị em Việt không thể không lên đường cứu nước. Những đoạn văn này Nguyễn Thi đồng cảm với nhân vật và viết nên bằng nước mắt. Đọc, thấy xúc động cùng nhân vật, đau nỗi đau cùng nhân vật…

Hai nét chính yếu của nghệ thuật đồng hiện trong Những đứa con trong gia đình mà ta vừa phân tích trên, có nhiều tác dụng đối với truyện. Chính nó làm cho câu chuyện thảm khốc và hào hùng, đậm đà tình người…, tư tưởng như chập chờn, đứt nối, rời rạc… liền lại trong mạch ngầm tư tưởng khá chặt chẽ. Chặt chẽ nhưng vẫn giữ được cái vẻ bề bộn của tầng tầng lớp lớp chi tiết trong cuộc sống thường và trong chiến trận hồi chiến tranh. Các mảng sự kiện, những đoạn đời trong quá khứ và hiện tại như được cố tình đan chéo vào nhau, bổ sung cho nhau một cách hợp lí, làm cho tính cách nhân vật được khắc họa rõ nét và chủ đề của truyện được bộc lộ khá nổi bật. Lối kết cấu đặc biệt này buộc tác giả phải đi đến tận cùng trong việc phân tích và diễn đạt diễn biến phức tạp nhưng tinh tế tâm lí của nhân vật. Nó cũng đòi hỏi nhà văn phải nhập thân như những người trong cuộc, am hiểu và đồng cảm với nhân vật. Tất cả những điều này, Nguyễn Thi đều vượt qua và thể hiện rất thành công.

c)Kết bài:

Nghệ thuật đồng hiện trong Những đứa con trong gia đình có tầm khái quát bởi những thủ pháp chính của lối kết cấu này hầu hết đã được Nguyễn Thi thể hiện thành công trong truyện. Thực ra, lối kết cấu này không mới. Cái mới ở đây là nó được thực hiện khá toàn diện và đạt được những đỉnh cao. Những đỉnh cao này ghi dấu những đóng góp quý báu của Nguyễn Thi trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam, đặc biệt là bộ phận văn học viết về đề tài chiến tranh và cách mạng.

(Nguyễn Văn Hiển)

 

Đề 3: Anh (chị) hãy phân tích hình ảnh con người Việt Nam thời kì chống Mĩ cứu nước qua hai tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành và Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.

a)Truyện “Rừng xà nu”:

+Giới thiệu truyện:

Nguyễn Trung Thành viết tác phẩm Rừng xà nu vào một thời điểm đặc biệt của cuộc chiến tranh cục bộ bắt đầu ở miền Nam nước ta (1965). Mĩ đưa quân ồ ạt vào tham gia cuộc chiến tranh này. Rừng xà nu tái hiện lại không khí của một giai đoạn quyết định trong phong trào cách mạng giải phóng ở miền Nam khoảng từ 1955 đến 1959, thông qua hai câu chuyện đan cài vào nhau: chuyện về cuộc đời Tnú và chuyện về cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man. Trong đó chuyện về cuộc đời Tnú giữ vai trò chủ đạo. Trên đại thể, truyện này có thể tóm tắt như sau:

+Tóm tắt truyện:

Làng Xô Man ở trong tầm đại bác của giặc. Đạn giặc tàn phá dã man rừng xà nu. Nhưng cũng như những người dân làng Xô Man, nó vẫn kiên cường vươn tới. Nhân dịp Tnú về thăm làng, nghỉ tại nhà cụ Mết, đêm đó, cụ Mết kể lại cho dân làng nghe về chuyện của Tnú. Những năm ấy, giặc Mĩ và tay sai khủng bố vô cùng dã man phong trào cách mạng, nhưng dân làng Xô Man vẫn tìm cách nuôi dưỡng cán bộ. Tnú vốn là một chú bé cha mẹ chết sớm, được dân làng đùm bọc. Tnú cùng với Mai là hai trong số những thiếu niên hăng hái vào rừng tiếp tế cho cán bộ (sau này Mai trở thành vợ Tnú). Tnú làm liên lạc, sau bị bắt, bị giam. Thoát khỏi tù, anh trở về cùng dân làng chuẩn bị vũ khí chiến đấu chống lại kẻ thù. Được tin này, giặc hùng hổ kéo về làng. Trước cảnh vợ và con bị giặc tra tấn dã man, từ nơi ấn nấp, Tnú đã nhảy vào giữa bọn lính định cứu vợ con. Nhưng anh bị giặc bắt, vợ con bị giết chết. Giặc đốt hai bàn tay Tnú, sau khi đã quấn các ngón tay của anh bằng giẻ có tẩm dầu xà nu. Mười đầu ngón tay của anh bốc cháy thành mười ngọn đuốc. Trước cảnh tượng dã man này, dân làng Xô Man nhất tề vùng dậy tiêu diệt cả tiểu đoàn giặc. Cụ Mết kêu gọi tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tự tìm lấy một cây dáo, một cây mác, một cây dụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông để chiến đấu. Đêm ấy, cả rừng Xô Man ào ào rung động, lửa cháy khắp rừng. Rồi Tnú gia nhập bộ đội, chiến đấu rất dũng cảm. Sau ba năm, hôm nay, Tnú được về phép thăm dân làng thân yêu của anh.

+Phân tích truyện:

Trong truyện ngắn này, hình ảnh dân làng Xô Man vùng dậy tiêu diệt bọn Ngụy quân tàn bạo là hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng cho cuộc đồng khởi của nhân dân miền Nam thời kì Mĩ – Diệm.  Cuộc đồng khởi đã nổ ra theo quy luật mà cụ già Mết đã nói với con cháu: Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tao chết rồi, bay còn sống phải nói lại với con cháu: chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm mác!....

Trong tác phẩm này, hình tượng cây xà nu, rừng xà nu là hình tượng nổi bật xuyên suốt tác phẩm từ mở đầu cho đến kết thúc truyện. Mở đầu truyện là đoạn văn khá dài và hấp dẫn, miêu tả rừng xà nu kiên cường vươn lên trong bom đạn khốc liệt của quân thù: Cả rừng xà nu, hàng vạn cây không cây nào không bị thương (…) ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề thơm ngào ngạt quyện lại thành cục máu lớn… Trong rừng có ít loại cây nào sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây nào ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng (…). Đạn đại bác không giết được chúng, những vết thương chúng chóng lành, như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã… cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng… Kết thúc tác phẩm, nhà văn lấy lại hầu như nguyên vẹn câu văn viết về rừng xà nu ở phần đầu đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp đến chân trời. Cách mở đầu và cách kết thúc nói trên để lại trong lòng người đọc ấn tượng sâu đậm về cây xà nu, rừng xà nu. Ngoài phần mở đầu và phần kết thúc, trong câu chuyện về cuộc đời của Tnú, cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man, cây xà nu luôn được nhắc đến với một dụng ý nghệ thuật rõ ràng. Lửa xà nu cháy giần giật trong bếp của mỗi nhà; trẻ con mặt mày lem luốc khói xà nu, Tnú và Mai dùng xông khói xà nu học, rồi cả làng đốt đuốc xà nu theo cụ Mết vào rừng lấy vũ khí, giặc dùng giẻ tẩm dầu xà nu để đốt tay Tnú, lửa xà nu soi tỏ xác mười tên lính giặc ngổn ngang.

b)Truyện “Những đứa con trong gia đình”:

+Giới thiệu truyện:

Truyện ngắn Những đứa con trong gia đình là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Thi rút từ tập Truyện và kí xuất bản năm 1978.

+Tóm tắt truyện:

Việt – anh chiến sĩ trẻ, nhân vật chính của tác phẩm, sau khi lập công lớn trong trận đánh đã bị thương lạc khỏi đơn vị, phải nằm lại trận địa, khắp người chân tay tê dại, mắt không thể nhìn thấy được gì. Anh lặng lẽ ngoan cường lướt đi, quyết đi tìm đồng đội. Việt thường xuyên bị ngất đi rồi tỉnh lại. Nội dung chính của truyện được kể lại qua dòng hồi ức chập chờn của Việt. Qua đó, người đọc có thể hình dung ra cả cái gia đình mà Việt vô cùng thương yêu. Ở đấy, mọi người sống với nhau trong nghĩa tình sâu nặng. Họ đúng là những đứa con trong gia đình yêu nước và yêu cách mạng, có những tình cảm rất cụ thể và những mối thù với những chiến công rất cụ thể, được ghi rõ trong cuốn sổ gia đình của chú Năm.

+Phân tích truyện:

Tất cả mọi thành viên trong gia đình này, từ má và ba Việt, chú Năm, chị Chiến và Việt đều có những phẩm chất chung là gan góc và dũng cảm, yêu thương anh em, làng xóm sâu sắc và sôi sục ý chí căm thù giặc. Họ đều tự hào về truyền thống gia đình, khao khát được chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc, vì cách mạng để làm rạng rỡ thêm truyền thống đó. Tuy vậy, mỗi người lại có một vẻ riêng và đáng chú ý hơn cả là Việt  và Chiến.

Việt là một cậu con trai mới lớn, 18 tuổi, ngây thơ, chưa vỡ giọng, hồn nhiên, hiếu động và hiếu thắng. Việt thích bắt ếch, câu cá, bắn chim,… Hai chị em đi bắt ếch, Việt tranh công chính về mình; cùng chị và đội du kích đi đánh giặc, Việt giành về mình cái thành tích bắn trúng Mĩ; khi đi bộ đội, cầm súng tự độngcái ná thun vẫn nằm gọn trong túi áo. Mồ côi cả cha và mẹ, mọi lo toan Việt đều phó thác cho chị. Việt thương chị cũng theo cách trẻ con (Việt không bao giờ dám nói thật là mình có chị gái vì sợ mất chị). Bị thương nặng, Việt không sợ chết mà lại sợ gặp ma. Sau ba ngày bị lạc, gặp lại đồng đội, Việt khóc đó rồi cười đó… Quả thật, nhân vật này chưa biết lo nghĩ nhiều, chỉ biết đánh giặc để trả thù cho ba, cho má.

Nhìn chung, Việt là một nhân vật được xây dựng khá thành công, đặc biệt là sự ngây thơ, hồn nhiên và tình cảm sâu nặng của nhân vật này đã gây ấn tượng đậm nét với người đọc.

Bên cạnh nhân vật Việt, còn phải kể đến nhân vật Chiến (chị gái Việt). Sống trong hoàn cảnh bi đát, đau thương, cha mẹ đều bị giặc giết, hai chị em phải cưu mang, đùm bọc lẫn nhau. Chiến đã sớm trưởng thành và trở thành một cô gái già dặn trước tuổi. Cô quán xuyến mọi công việc trong gia đình như một người từng trải. Điều này thể hiện tập trung qua đoạn văn Nguyễn Thi diễn tả cuộc đối thoại của Chiến và em trước ngày lên đường đi chiến đấu. Tính cách riêng biệt của hai chị em đã được nhà văn khắc họa một cách cảm động qua cuộc đối thoại này. Đây có thể coi là một cuộc đối thoại hay nhất tác phẩm.

Trong những câu chuyện của chị, Việt thấy chị Chiến nói như má vậy. Chiến bàn với Việt mọi chuyện: từ việc viết thư cho chị Hai đến gởi thằng út ở với chú Năm, từ việc cho xã mượn nhà mở trường học, mượn giường ván làm bàn ghế, đến việc gửi chú Năm một số dụng cụ gia đình, trao lại công ruộng cho chi bộ thu hoạch mía để giỗ ba má… Hai chị em cũng thương ba má, cùng mang mối thù của gia đình quyết tâm giết giặc; nhưng chị ra chị, em ra em. Chị tỉ mỉ chu  đáo lo mọi việc nhà rõ vẻ người lớn; còn em vẫn vô tâm, mặc dù cả hai đều còn chất trẻ con.

Ngày nay, cuộc chiến đấu đã đi qua, chiến tranh đã kết thúc, đọc lại những đoạn văn trên, chúng ta không thể không thông cảm cho những con người, người chiến sĩ bị chiến tranh đẩy vào cảnh ngộ đau lòng, nhận thức được những hi sinh to lớn để dân tộc có được độc lập, tự do.

(Lê Xuân Lít, Đỗ Kim HồiLuyện văn (chương trình lớp 12),

NXB ĐHQG TP.HCM, 2003)

 

Đề 4: Phân tích tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.

Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ và xâm lược Pháp là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì. Văn học thời kì này đã ghi lại những tấm gương chói ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của một thời ra ngõ gặp anh hùng. Hình ảnh con người Việt Nam thời chống Mĩ được thể hiện sâu sắc và nổi bật qua Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.

Tên truyện là “Những đứa con trong gia đình” nhưng thực ra tầm tư tưởng và phạm vi tác phẩm còn rộng hơn nhiều. Không gian trong câu chuyện gắn bó mật thiết với những sự kiện dồn dập trong một thời gian dài. Cả quá khứ lẫn hiện tại phản chiếu không khí đầy máu và nước mắt nhưng đầy hào hùng, kiêu hãnh của nhân dân miền Nam (Miền Nam trong lửa đạn sáng ngời).  Truyện được kể chủ yếu thông qua hồi ức của nhân vật Việt – anh tân binh 18 tuổi, lạc đơn vị…

Kết cấu dựa vào nhiều diễn biến của trí nhớ… Câu chuyện mang đậm màu sắc tình cảm và tràn đầy cảm xúc, tràn đầy kỉ niệm. Còn gì chân thật và cảm động hơn chính nhân vật lại tự kể về chính mình, truyền thống của gia đình, quê hương yêu dấu?

Quá khứ - tuổi thơ Việt hiện lên thật sinh động. Việt và chị Chiến đã có một tuổi thơ với những việc như câu cá, bắt ếch, bắt chim… đầy thú vị. Việt là con trai nên hiếu thắng, thích giành phần hơn để lấy thành tích. Hoàn cảnh gia đình hai chị em Việt và Chiến cũng có những nỗi đau riêng: Cha bị Tây bắn chết hồi chín năm, mẹ mới bị đạn đại bác giết hồi năm ngoái, ở nhà còn thằng em nhỏ đang ở với chú, còn người chị thứ hai thì lấy chồng xa… Việt sợ mất chị Chiến nên luôn giữ “bí mật”: Việt giấu chị như giấu của riêng vậy. Cậu ta sợ mất chị mà!

Việt đi tòng quân chỉ có một cái võng, một bộ quân phục và cái ná thun. Chính điều này đã làm nên nét đẹp rất riêng của nhân vật mà Nguyễn Thi đã khắc họa; yêu nước sâu sắc nhưng rất đỗi hồn nhiên. Dòng cảm xúc, hồi ức của Việt chập chờn, đứt, nối… Cảnh hiện tại là Việt đang bị thương, lạc đơn vị đã ba ngày. Giữa chiến trường ngổn ngang xe bọc thép, vỏ đạn, xác Mĩ tanh, lạnh, những tấm tăng cháy dở còn nóng hổi, những thùng đạn ngập trong đất… Việt đi đánh xe ở tuốt đằng kia, xa lắm, thủ pháo đã bỏ vào thùng nó, chắc nó cháy rồi… Việt chộp lấy súng lên đạn. Cả mười ngón tay không ngón nào còn lên nổi. Việt ghé răng giật mạnh cơ bẩm. Một viên đạn lên nòng… Việt đã là chiến sĩ dũng cảm, giàu nghị lực căm thù giặc sâu sắc, lập công. Việt chiến đấu bằng tất cả sức mạnh thể chất, tinh thần vì lòng yêu thương và căm thù đã dồn nén từ tuổi ấu thơ. Hình ảnh Việt trong chớp lửa đạn bom của kẻ thù thật rạng rỡ và cao đẹp. Đó là cái chất dữ dội của ngòi bút Nguyễn Thi. Tuy bị thương, gần kiệt sức nhưng nhưng chất Út Tịch ở Việt vẫn còn dữ dội lắm. Việt sẵn sàng nhả đạn vào kẻ thù, nhưng cũng ở nhân vật này, Nguyễn Thi thật tinh tế khi khắc họa tính cách nhân vật Việt. Việt dũng cảm là thế, Việt không sợ chết nhưng Việt lại sợ ma! Gặp anh Tánh, Việt mừng quá bật khóc đó, khóc rồi lại cười đó. Trong kí ức, trong tình cảm của Việt, hình ảnh chị Chiến thật đẹp đẽ, sinh động lạ thường. Chị Chiến hơn Việt hai tuổi, là người chị kiên trì, chịu khó, luôn luôn nhường nhịn em những thành tích. Vết đạn bắn thằng Mĩ trên sông Định Thủy chị cũng nhường. Nhưng chị Chiến đã giành Việt đi tòng quân trước. Cảnh hai chị em Việt – Chiến trong đêm mít tinh để ghi tên thanh niên tòng quân thật cao đẹp và cảm động. Chú Năm đã xin trên cứ ghi tên cho cả hai lên đường nhập ngũ. Nguyễn Thi đã khai thác triệt để tâm lí, tinh cách nhân vật. Chị Chiến đảm đang tháo vát, y hệt như má… Đoạn văn Chiến dặn em, dặn mình trước ngày lên đường thể hiện rõ bản lĩnh kiên cường, dũng cảm, anh hùng của cả hai chị em Việt – Chiến. Và đó cũng chính là vẻ đẹp chung của tuổi trẻ miền Nam Việt Nam anh hùng.

Chú Năm nói mầy với tao đi kì này là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng, học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu…

Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất vậy á! Câu nói của Chiến sắc mạnh, đanh lại như một lời thề quyết tử thiêng liêng. Ta tưởng sang câu nói nổi tiếng của chị Út Tịch: Còn cái lai quần cũng đánh. Đúng là các nhân vật của Nguyễn Thi ít nhiều đều có chất Út Tịch: dũng cảm, yêu nước, khao khát chiến đấu để trả thù nhà, đền nợ nước. Những đứa con trong gia đình có cá tính rất riêng, rất rõ ràng nhưng giữa họ cũng có những nét chung. Họ đều mang trong mình dòng máu nóng của cha ông, đều yêu nước thiết tha, cháy bỏng, đều có khát vọng chiến đấu, lập công, gắn bó trung thành vô hạn với cách mạng. Có lí tưởng sống cao đẹp; yêu thương đồng đội, ân nghĩa, thủy chung… Họ tiêu biểu cho vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là những điển hình sáng chói của tuổi trẻ Việt Nam yêu nước, anh hùng, dũng cảm, ngoan cường. Chính họ đã góp phần làm nên chiến thắng vang dội của dân tộc. Những đứa con trong gia đình đã ghi tiếp những trang sử chói ngời cho truyền thống gia đình, quê hương trăm quý ngàn yêu!

(…)

Để làm nên chiến thắng vang dội của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Những đứa con trong gia đình đã góp nên những chiến công không thầm lặng chút nào. Mãi mãi hình ảnh Miền Nam trong lửa đạn sáng ngời đáng trân trọng, ngợi ca. Ta hãy nhớ:

Bao máu tắm trong lòng đất

Mới ánh hồng lên sắc tự hào

                                                                           (Tố Hữu)

Cám ơn nhà văn đã làm sống lại một thời không thể nào quên, một thời đại hào hùng nhất của đất nước Việt Nam.

(Phạm Quang Vũ)

 

Phân tích truyện Những đứa con trong gia đình

Nguyễn Thi là nhà văn gắn bó sâu sắc với nhân dân miền Nam và thực sự xứng đáng với danh hiệu: Nhà văn của người dân Nam Bộ . Tác phẩm tiêu biểu của ông là “Những đứa con trong gia đình”. Truyện kể về những đứa con trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc và khao khát chiến đấu, son sắt với cách mạng.

 

“Những đứa con trong gia đình” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Thi viết ngay trong những ngày chiến đấu chống Mĩ ác liệt khi ông công tác ở tạp chí Văn nghệ quân giải phóng năm 1966. Nhân vật chính của truyện là Việt .Việt là một chiến sĩ giải phóng quân.Ông nội và bố Việt bị giặc giết hại, Mẹ Việt một mình nuôi con vất vả rồi cũng chết vì bom đạn.Gia đình chỉ còn lại Việt, chi Chiến, thằng Út em, chú Năm, và một người chi nuôi đi lấy chồng xa.Truyền thống ấy được chú Năm ghi tất cả vào cuốn sổ gia đình. Việt và Chiến hăng hái đi tòng quân giết giặc,Trong một trận chiến đấu,Việt hạ được một chiếc xe bọc thép của địch nhưng lại lạc đồng đội và bị thương nặng ngất đi tỉnh lại nhiều lần. Mỗi lần tỉnh lại, dòng hồi ức lại đưa anh về với những kỉ niệm thân thiết đã qua: kỉ niệm về má, về chị Chiến, chú Năm, đồng đội và anh Tánh… Anh Tánh và đồng đội tìm được Việt, đưa về điều trị một bệnh viện và sức khoẻ Việt dần dần hồi phục. Chuyện được kể theo dòng hồi ức của Việt trong những lần ngất đi tỉnh lại ấy.

Đặc sắc của truyện là đã dựng nên được hình tượng những con người trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, thuỷ chung, son sắt với cách mạng. Những con người này có những nét chung thống nhất, thể hiện rõ đặc điểm của nhân vật Nguyễn Thi. Đó là: Căm thù giặc sâu sắc; Gan góc, dũng cảm, khao khát được chiến đấu giết giặc; Giàu tình nghĩa, rất mực thuỷ chung son sắt với quê hương và cách mạng. Tuy nhiên, trong cái dòng sông truyền thống của gia đình ấy, “mỗi người một khúc”, có nét tính cách riêng, không ai giống ai. Đó chính là điểm nói lên tài năng của Nguyễn Thi.

Trong dòng sông truyền thống gia đình này, chú Năm là khúc thượng nguồn, là nơi kết tinh đầy đủ hơn cả truyền thống của gia đình. Chú hay kể sự tích gia đình. Chú là tác giả cuốn sổ gia đình ghi chép tội ác của giặc và chiến công của các thành viên trong gia đình. Chú Năm là người lao động chất phác nhung giàu tình cảm. Tâm hồn chú Năm bay bổng, đạt dào cảm xúc khi cất lên tiếng hò. Những lúc đó, chú Năm như đặt cả trái tim mình vào trong câu hò, tiếng hát.

Cùng với chú Năm, má Việt cũng là một hiện thân của truyền thống. Đây là một hình tượng người phụ nữ mang đậm những nét tính cách của nhân vật Nguyễn Thi. Rất gan góc, căm thù giặc sâu sắc. Rất mực thương chồng, thương con, đảm đang, tháo vát. Cuộc đời lam lũ, vất vả chồng chất đau thương tang tóc, nhưng cắn răng nén chặt nỗi đau thương của mình để nuôi con, đánh giặc. Một tay bồng con, một tay cắp rổ đi theo thằng giặc đòi đầu chồng; hiên ngang đối đáp vời kẻ thù mà “hai bàn tay to bản” vẫn “phủ lên đầu đàn con đang nép dưới chân”; mỗi lần bọn lính bắn doạ “mắt má lại sắc ánh lên nhìn lại bọn lính, đôi mắt của người đã từng vượt sông, vượt biển”… Đó là hình ảnh của sự gan góc, chở che mang ý nghĩa biểu tượng về người phụ nữ ở một xứ sở như đất nước ta, cuộc sống thì lam lũ vất vả, chồng chất đau thương nhưng con người lại rất đỗi kiên cường, cao cả. Má Việt đã ngã xuống trong một cuộc đấu tranh nhưng trái cà-nông lép má nhặt đem về vẫn còn nóng hổi. Trong quan niệm của Nguyễn Thi, người mẹ ấy cái phần thác chỉ là thể phách còn linh hồn thì bất tử, sống mãi trong những đứa con. Không phải ngẫu nhiên mà vào cái đêm sắp xa nhà đi chiến đấu, những đứa con đều cảm nhận không phải ai khác mà chính là người mẹ đã hiện về.

Chiến có những nét giống mẹ: gan góc, đảm đang tháo vát. Nguyễn Thi có ý thức tô đậm nét kế thừa người mẹ ở nhân vật Chiến. Chiến là một tính cách đa dạng: vừa là một cô gái mới lớn, tính khi còn rất trẻ con, vừa là người chị biết nhường em, biết lo toan, đảm đang, tháo vát. So với người mẹ, Chiến không chỉ khác ở cái vẻ trẻ trung thích làm duyên làm dáng. Vận hội mới của cách mạng đã tạo điều kiện cho Chiến được trực tiếp cầm súng đánh giặc để trả thù nhà, thực hiện lới thề như dao chém đá của mình: “Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất” .

Trong tác phẩm, Việt là nhân vật xuất hiện nhiều lần nhất. Việt đã hiện lên cụ thể và sinh động trước mắt ta, vừa là cậu con trai mới lớn, vừa là một chiến sĩ gan góc, dũng cảm, kiên cường. Việt có cái nét riêng dễ mến của một cậu con trai lộc ngộc vô tư, tính anh còn rất trẻ con, rất ngây thơ, hiếu động.

Nếu Chiến luôn biết nhường nhịn em, thì trái lại, Việt lại hay tranh giành phần hơn với chị. Việt rất thích đi câu ca, bắn chim, và đến khi đi bộ đội vẫn còn đem theo cả cái súng cao su ở trong túi. Mọi công việc trong nhà, Việt đều phó thác cho chị. Đêm trước ngày lên đường, Chiến lo toan thu xếp chu đáo việc nhà, từ Út em, nhà cửa, ruộng nương đến nơi gửi bàn thờ má, bàn bạc với em một cách trang nghiêm còn Việt thì vô tư “lăn kềnh ra ván cười khì khì”, vừa nghe vừa chụp một con đom đóm úp trong lòng tay rồi ngủ quên lúc nào không biết. Cách thương chị của Việt cũng rất trẻ con, “giấu chị như giấu của riêng” vì sợ mất chị trước những lới tán tỉnh đùa tếu của anh em. Việt bị thương nằm lại ở chiến trường, đến khi gặp được đồng đội thì cũng giống hệt như thằng Út em ở nhà “khóc đó rồi cười đó”,…

Tuy vẫn còn có vẻ hồn nhiên, vô tư nhưng Việt cũng thật đường hoàng, chững chạc trong tư thế của người chiến sĩ trẻ dũng cảm, kiên cường. Dòng máu nóng chảy trong người Việt là dòng máu gia truyền của những con người gan góc, không bao giờ biết sợ trước sự bạo tàn. Cho nên, còn bé tí mà Việt đã dám xông thẳng vào thằng giặc đã giết hại cha mình. Việt đã nằng nặc đôi đi tòng quân để trả thù cho ba má. Khi xông trận, Việt đã chiến đấu rất dũng cảm, đã dùng thủ pháo tiêu diệt được một xe bọc thép của địch. Và đến khi bị trọng thương, một mình nằm giữa chiến trường, hai mắt không còn nhìn thấy gì, toàn thân đau điếng và rỏ máu, người thì khô khốc đi vì đói khát, Việt vẫn ớ trong tư thế chờ tiêu diệt giặc: “Tao sẽ chờ mày. Mày có bắn tao thì tao cũng bắn được mày.”. Có thể nói, hành động giết giặc để trà thù nhà, đền nợ nước đã trở thành một trong những thước đo quan trọng nhất về phẩm cách con người của nhân vật Nguyễn Thi.

Đọc “Những bứa con trong gia đình”, không ai có thể quên đoạn văn rất cảm động tả cảnh hai chị em Chiến, Việt khiêng bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm: “Chị Chiến ra đứng giữa sân… rồi dang cả thân người to và chắc nịch của mình nhấc bổng một đầu bàn thờ má lên. Việt ghé vào một đầu. Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về. Việt khiêng trước. Chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai”. Trong cái không khí vô cùng thiêng liêng ấy, con người ta bỗng thấy mình thành một người khác, trưởng thành và khôn lớn hơn. Một người hôn nhiên, vô tư như Việt, vào chính chính giờ khắc này mới thấy “thương chị lạ”, mới thấy rõ lòng mình và cảm thấy rất rõ mối thù thằng Mĩ như có hình, có khối, có trọng lượng cụ thể đang đè nặng ở trên vai. Đây là một chi tiết nghệ thuật cô đọng, dồn nén, chất chứa biết bao ý nghĩa, vừa là hành động cụ thể, vừa có yếu tố tâm linh, vừa nặng trĩu căm thù, vừa chan chứa yêu thương,…

 

Truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” có một dòng sông truyền thống gia đình liên tục chảy từ những lớp người đi trước: tổ tiên, ông cha, cho đến đời chị em Chiến, Việt. Sự gắn bó sâu nặng giữa tình cảm gia đình với tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã làm nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Truyện có bút pháp nghệ thuật già dặn, điêu luyện được thể hiện qua giọng trần thuật, trần thuật qua hồi tưởng của nhân vật, miêu tả tâm lí và tính cách sắc sảo, ngôn ngữ phong phú, góc cạnh và đậm chất Nam Bộ.

 

 

Khách