Người lái đò Sông Đà

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác
0
5 coin

NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ (Trích)

Nguyễn Tuân

I/ Tìm hiểu chung

1. Hoàn cảnh sáng tác
– “Người lái đò sông Đà” trích trong tập tùy bút “Sông Đà”(1960). Đây là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ của Nguyễn Tuân trong chuyến đi đến miền Tây Bắc rộng lớn của Tổ quốc. “Sông Đà” gồm 15 thiên tùy bút và một bài thơ ở dạng phác thảo.

– Tấc phẩm ra đời trong bối cảnh miền Bắc đang tiến hành xây dựng cuộc sống mới.

2. Cảm hứng chủ đạo

– Là tìm kiếm chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc và nhất là chất vàng mười “thứ vàng đã được thử lửa” ở tâm hồn những con người lao động, chiến đấu trên miền núi sông hùng vĩ và thơ mộng.

3. Thể loại: Tùy bút (bút kí) ghi chép người thật, việc thật, in đậm cảm xúc chủ quan của người viết, đậm chất trữ tình.

II. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

1. Hình tượng con Sông Đà:

a. Lời đề từ: Khẳng định vẻ đẹp và sự độc đáo của sông Đà. Trên trang văn Nguyễn Tuân, sông Đà đại diện cho thiên nhiên Tây Bắc và là một sinh thể có hồn, sống động, có tính cách, có tâm hồn, vừa hùng vĩ hung bạo vừa thơ mộng, trữ tình.

b. Lai lịch:

- “Chúng thuỷ giai Đông tẩu; Đà giang độc Bắc lưu” (mọi con sông đều chảy theo hướng Đông, chỉ có sông Đà theo hướng Bắc)

- Thơ Ba Lan: Đẹp vậy thay tiếng hát dòng sông

- Ý nghĩa: Sông Đà như một nhân vật có diện mạo, có cá tính độc đáo.

c. Tính cách:

    Sông Đà trên trang văn của Nguyễn Tuân hiện lên như một nhân vật có hai tính cách trái ngược “như kẻ thù số một” của con người, như mụ dì ghẻ:

* Sông Đà hung bạo

- Vách đá "đá bờ sông dựng vách thành" và những bức thành vách đá cao chẹt chặt lấy lòng sông hẹp. Cái hẹp của lòng sông tác giả tả theo đủ cách: "Mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời"

+ Con hổ con nai có thể vọt qua sông, và chỉ cần nhẹ tay thôi cũng có thể ném hòn đá từ bờ bên này qua bên kia vách

+ "Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một cái khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện"

-> So sánh vừa chính xác, tinh tế, vừa bất ngờ và lạ lùng.

- Gió trên sông Đà: "Dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm " -> bằng lối viết tài hoa, những câu văn diễn đạt theo kiểu móc xích, cấu trúc câu trùng điệp, gợi hình ảnh con sông Đà cuồng nộ, dữ dằn như lúc nào cũng muốn tiêu diệt con người.

- Những hút nước ở quãng Tà Mường Vát: "nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc", "chỗ giếng nước sâu ặc ặc lên những cái hút nước lôi tuột bè gỗ xuống hoặc hút những chiếc thuyền xuống rồi đánh chúng tan xác" -> Lối so sánh độc đáo khiến con sông Đà không khác gì loài thủy quái với những tiếng kêu ghê rợn như muốn khủng bố tinh thần và uy hiếp con người.

- Âm thanh thác nước sông Đà:

+ Nguyễn Tuân như một nhạc trưởng đang điều khiển một dàn giao hưởng chơi thật hùng tráng bài ca của gió thác xô sóng đá.

+ Ban đầu tác giả mới để cất lên khúc như đang "oán trách", "van xin", "khiêu khích", "giọng gằn mà chế nhạo". Thế rồi bất ngờ âm thanh được phóng to hết cỡ, các nhạc khí bừng bừng thét lên khúc nhạc của một thiên nhiên đang ở đỉnh điểm của một cơn phấn khích mạnh mẽ và man dại: "nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng…" -> Sự liên tưởng vô cùng phong phú, âm thanh của thác nước sông Đà được Nguyễn Tuân miêu tả không khác gì âm thanh của một trận động rừng, động đất hay nạn núi lửa thời tiền sử. Lấy lửa để tả nước, lấy rừng để tả sông, Nguyễn Tuân quả là đã chơi ngông lắm trong nghệ thuật.

- Bằng thủ pháp nhân hóa, người đọc nhận ra từng sắc diện người trong những hình thù đá vô tri. Nguyễn Tuân đã dùng sức mạnh điêu khắc của ngôn từ để thổi hồn vào từng thớ đá: "Cả một chân trời đá mặt hòn nào trông cũng "ngỗ ngược", "nhăn nhúm", "méo mó"

-> Những hòn đá vô tri vô giác nhưng qua cái nhìn của Nguyễn Tuân chúng mang vẻ du côn của thiên nhiên hoang dại và hung dữ với ba trùng vi thạch trận.

- Trùng vi thạch trận thứ I: Bọn đá đứa thì "hất hàm" đứa thì "thách thức", "mặt nước hò la ùa vào bẻ gãy cán chèo", sóng nước "đá trái, thúc gối vào bụng vào hông thuyền"

- Trùng vi thạch trận thứ II: Sông nước bài binh bố trận ở khắp nơi, tăng nhiều cửa tử, cửa sinh nằm ở phía hữu ngạn

- Trùng vi thạch trận thứ III: Sông Đà sắp đặt bên phải bên trái đều là luồng chết, luồng sống ở ngay giữa.

-> Con sông Đà hung bạo, tàn ác không khác gì "kẻ thù số một của con người". Nhưng cũng chính từ hình ảnh con sông ấy lại là kẻ tôn vinh tài năng nghệ thuật tài hoa, tài tử và cực kì uyên bác của một ngòi bút số một về thể loại tùy bút VN.

* Sông Đà thơ mộng, trữ tình

 - Từ trên cao nhìn xuống: Dòng chảy uốn lượn của con sông như mái tóc của người thiếu nữ Tây Bắc diễm kiều “con sông Đà … đốt nương xuân”.

 -  Ngắm nhìn sông Đà từ không gian, thời gian khác nhau: Nước sông Đà biến đổi theo mùa, mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng:

- Mùa xuân, nước sông Đà xanh màu xang ngọc bích chứ không phải màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô.

- Mùa thu, nước sông Đà “lừ lừ … rượu bữa”.

-> Sông Đà mỗi mùa mang một vẻ đẹp riêng, quyến rũ và tình tứ.

- Khẳng định chưa bao giờ con sông Đà lại có màu đen như TD Pháp đã “đè ngửa con sông … mực tây vào”   tôn vinh vẻ đẹp của dòng sông, trực tiếp bày tỏ tình yêu mến đối với sông Đà.

  - Khi nhìn sông Đà như cố nhân: sông Đà gợi cảm, chất thơ như ngấm vào từng cảnh sắc thiên nhiên sông Đà. Đó là cái nắng tháng ba Đường thi “yên hoa … Dương Châu”.

 - Từ điểm nhìn của khách hải hồ du thuyền trên sông Đà: cảnh vật hai bên bờ sông Đà được khắc họa với:

- Vẻ đẹp tĩnh lặng, yên ả, thanh bình, hoang sơ, nhuốm màu cổ tích “cảnh ven sông … mà thôi”.

- Vẻ đẹp tươi mới, trù phú, tràn trề nhựa nhựa sống “nương ngô … đầu mùa”, “cỏ gianh đồi núi … nón búp”, “đàn hươu … sương đêm”.

   Câu văn dài, mềm mại, yên ả, trải dài như chính dòng nước; dụng công tạo ra một không khí mơ màng người đọc có cảm giác say đắm, ngất ngây như được lạc vào một thế giới kì ảo.

-> Nguyễn Tuân say mê miêu tả dòng sông với tất cả sự tinh tế của cảm xúc, và bằng một tình yêu thiết tha thiên nhiên đất nước. Lòng ngưỡng mộ, trân trọng, nâng niu tự hào về một dòng sông, một ngọn thác, một dòng chảy đã tạo nên những trang văn đẹp hiếm có Nguyễn Tuân xứng đáng là một cây bút tài hoa bậc nhất của nền văn học Việt Nam.

2. Hình tượng người lái đò.

* Vẻ đẹp bình dị của người dân lao động:

- Ông lái đò sinh ra đã gắn bó với dòng sông Đà. Có thể nói ông lái đò là con người của sông nước.

- Ông là người hiểu biết sâu rộng về dòng sông:

+ Đó là một người lái đò lão luyện: “Trên dòng sông Đà, ông xuôi, ông ngược hơn một trăm lần rồi chỉnh tay giữ lái độ sáu chục lần...” trong thời gian hơn chục năm làm cái nghề đầy nguy hiểm và gian khổ này.

+ Ông hiểu biết sâu rộng và rất thành thạo, thành thạo đến mức sông Đà “đối với ông lái đò ấy, như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả cái chấm than, chấm câu và những đoạn xuống dòng. Trên dòng sông Đà, ông xuôi, ông ngược hơn một trăm lần rồi, chỉnh tay giữ lái độ sáu chục lần... Cho nên ông có thể bằng cách lấy mắt mà nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở.”

+ Ông có trình độ lái đò hết sức điêu luyện và là vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm. Giờ đây khi đã rời xa nghề chèo đò nhưng ông vẫn hoài niệm về những ngày tháng gian nan mà vui vẻ đó.

* Là người mưu trí dũng cảm, bản lĩnh và tài ba:


- Thủy quái sông Đà: có diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số 1, nguy hiểm và hung bạo, đầy cạm bẫy với những ghềnh, thác, hút nước, sóng nước, với thạch trận trùng điệp, đầy luồng chết chầu chực nuốt chửng, đập tan con thuyền.

- Người lái đò bước vào cuộc vượt thác giống như vị chỉ huy bước vào trận đánh. Phải đặt nhân vật vào trong môi trường chiến trận mới có thể bộc lộ hết phẩm chất của người lái đò:

+ Ông đò vượt trùng vây thứ nhất: Đá thác hiếu chiến (bệ vệ oai phong, hất hàm), nước thác làm thanh viện ùa vào đòi bẻ cán chèo, đội thuyền, túm lấy thắt lưng, bóp chặt hạ bộ, ông cố nén vết thương, kẹp chặt cuống lái, tiếng chỉ huy vẫn ngắn gọn tỉnh táo.

+ Ông đò vượt trùng vây thứ hai: trùng vây thứ 2 tăng thêm cửa tử để đánh lừa con thuyền, cửa sinh bị bố trí lệch đi, ông đò thay đổi chiến thuật, cưỡi lên thác sông Đà, lái miết một đường chéo, rảo bơi chèo lên… sấn lên chặt đôi ra để mở đường vào cửa sinh.

+ Ông đò vượt qua trùng vây thứ ba: vòng 3 bên phải, bên trái đều là luồng chết, luồng sống ở giữa bọn đá hậu vệ, ông đò phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa.. lượn được.

* Là người tài hoa nghệ sĩ:
+ Ông đối đầu với ghềnh thác cuồng bạo bằng sự tự tin, ung dung nghệ sĩ. Tay lái linh hoạt, khéo léo, tài hoa như một nghệ sĩ trên sông nước

+ Sau cuộc vượt thác gian nan, ông đò lại có phong thái ung dung của một nghệ sĩ “Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nước ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh…”.

=> Ông đò là người anh hùng, người nghệ sĩ trong công việc chèo đò, vượt thác. Đây là hình ảnh về một người lao động mới mang vẻ đẹp khác thường. Qua hình tượng người lái đò sông Đà, nhà văn muốn phát biểu quan niệm : người anh hùng không phải chỉ có trong chiến đấu mà còn có trong cuộc sống lao động thường ngày.

III. TỔNG KẾT

 1. Nghệ thuật

- Những ví von, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và rất thú vị.

- Từ ngữ phong phú, sống động, giàu hình ảnh và có sức gợi cảm cao.

- Câu văn đa dạng, nhiều tầng, giàu nhịp điệu, lúc thì hối hả, gân guốc, khi thì chậm rãi, trữ tình…

2. Ý nghĩa văn bản

- Giới thiệu, khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và con người lao động ở miền Tây Bắc của Tổ quốc.

- Thể hiện tình yêu mến, sự gắn bó thiết tha của Nguyễn Tuân đối với đất nước và con người Việt Nam.

Khách