Đọc: Bến sông tuổi thơ

Nội dung lý thuyết

1. Giới thiệu

- Chủ điểm: Bài đọc "Bến sông tuổi thơ" thuộc chủ điểm "Thế giới tuổi thơ".

- Tác giả: Lê Văn Trường sinh năm 1978 tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Hiện ông đang sống tại quê nhà. Ông có các bút danh khác như: Đường Lãng Du, Đường Lang và đang là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng. Ông có các tác phẩm như "Khúc Vĩ Cầm Quê", "Mưu Gia Cát".

Lê Văn Trường

- Tóm tắt nội dung: Từ khi sinh ra và lớn lên, nhân vật tôi đã thấy bến sông trước nhà. Đó là nơi ghi dấu bao kỉ niệm của tuổi thơ với những người bạn của mình: tụ năm tụ bảy vui đùa đủ các trò chơi của tuổi con nít. Vẻ đẹp quê hương dần hiện lên với những hàng bần nở hoa tím, trái bần chín, canh cá bống, … mà khi nhắc đến bạn nhỏ lại thấy tự hào và nhớ da diết mỗi lần đi xa.

2. Luyện đọc

Bến sông tuổi thơ

   Từ khi sinh ra và lớn lên, tôi đã thấy trước nhà có một dòng sông êm đềm lững lờ con nước, có hàng bần xanh soi bóng nghiêng nghiêng...

   Mỗi chiều, bọn trẻ chúng tôi tụ năm tụ bảy ở bến sông, vui đùa đủ các trò của tuổi con nít. Chúng tôi thường lấy chén muối ớt hoặc chén mắm đồng rồi rủ nhau hái những trái bần để ăn. Hôm nào lỡ tay cho nhiều ớt quá thì cả bọn vừa ăn vừa hít hà vì cay.

   Những ngày nước ròng nước lớn, con sông mang phù sa bồi đắp cho cây bần ngày một lấn ra sông. Chiều chiều, gió từ phía sông thổi về man mác, những bông hoa bần tim tím nở xoè, từng cánh hoa thi nhau rơi xuống rồi cuốn trôi theo dòng nước. Thỉnh thoảng lại nghe những trái bần chín rớt tỏm xuống sông, âm thanh rất đỗi quen thuộc và gần gũi với bọn trẻ sống ở xứ cù lao này.

   Trái bần chua cũng là một đặc sản của quê tôi. Vì trái bần mà đem nấu canh chua cá bống sao hay cá bông lau thì khó có món nào ngon hơn được. Cá bông lau là thứ cá ngon quý hiếm, chỉ có theo mùa, còn cá bống sao thì ngược lại, có quanh năm. Khi rảnh rỗi, chúng tôi chỉ cần xuống bãi sông lội một lát là kiếm được cá, lượm vài ba trái bần là nấu được nồi canh chua. Ai đến cù lao quê tôi mà chưa từng thưởng thức món canh này thì cũng xem như chưa đến.

   Mỗi lần đi đâu xa nhà, tôi lại nhớ bến sông quê có hàng bần nở hoa tím chờ gió thổi qua. Khi đó, tôi tưởng đâu như có hương thơm của những trái bần chín và mùi vị của canh cá bống sao nấu với trái bần chua. Những cây bần con bên sông vẫn cứ tiếp tục mọc lên để duy trì màu xanh bờ bãi cù lao quê hương tôi.

Bến sông tuổi thơ

 a. Giọng đọc

- Đọc được cả bài "Bến sông tuổi thơ" với giọng đọc diễn cảm, linh hoạt, thể hiện tình cảm thiết tha với quê hương.

- Hiểu từ ngữ mới trong bài (bần, cù lao,…); đọc đúng các từ dễ phát âm sai; nhấn giọng ở những câu văn hoài niệm về kỉ niệm tuổi thơ.

b. Chia đoạn

Văn bản Bến sông tuổi thơ gồm 3 phần:

- Phần 1: Từ đầu đến “soi bóng nghiêng nghiêng”: Giới thiệu khái quát bến sông tuổi thơ của nhân vật tôi.

- Phần 2: Tiếp theo đến “xem như chưa đến”: Những kỉ niệm của bạn nhỏ cùng bạn bè trên bến sông tuổi thơ. 

- Phần 3: Đoạn còn lại: Tình cảm của bạn nhỏ với bến sông tuổi thơ. 

3. Nội dung, ý nghĩa

Bến sông tuổi thơ với kỉ niệm khó quên thời đã qua. Những hình ảnh, những hàng cây, con sông hiện lên vương vấn, làm nao lòng những người yêu quê hương cù lao. Bài đọc kể, tả về kỉ niệm của các bạn nhỏ bên bến sông tuổi thơ. Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp của miền sông nước; thấy được tình yêu quê hương tha thiết của bạn nhỏ.

 

​@6406981@ @6407630@