Dế chọi

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

Dế chọi

I. Đọc, tìm hiểu chung văn bản

1. Tác giả Bồ Tùng Linh

a. Tiểu sử 

- Bồ Tùng Linh ( sinh ngày 5/6/1640 - mất ngày 25/2/1715)

- Tự là Liêu Tiên và Kiếm Thần, cũng có người gọi ông là Liễu Tuyền cư sĩ

- Là một văn sĩ người Trung Hoa dưới triều nhà Thanh. Ông được biết đến nhiều với tác phẩm Liêu trai chí dị.

- Ông sinh ra trong một gia đình tiểu thương ở huyện Truy Xuyên (nay là một quận của địa cấp thị Truy Bác, tỉnh Sơn Đông)

* Cuộc đời

- Năm Thuận Trị thứ 14 (1657), ông đỗ tú tài khi mới 18 tuổi, nhưng phải mãi đến năm Khang Hi thứ 50 (1710), khi 71 tuổi mới được bổ làm cống sinh.

- Ông dành hầu hết thời gian trong việc dạy học tư, và sưu tầm những câu chuyện mà sau này được viết trong tác phẩm Liêu trai chí dị.

b. Sự nghiệp văn chương

- Bồ Tùng Linh có các sáng tác trong cả thơ, tiểu thuyết và truyện ngắn.

- Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là đoản thiên tiểu thuyết Liêu trai chí dị bao gồm 16 quyển chia làm 431 tập truyện chính và 17 truyện phụ, vị chi 448 tập về những truyện kỳ quái mà ông sưu tập được.

- Ông có bộ 16 quyển Liêu trai văn tập về tiểu thuyết .

- Về thơ cũng có bộ Liêu trai thi tập bao gồm 6 quyển với hơn 1.000 bài thơ, 170 bài từ, 14 vở ca khúc dân gian và 3 vở tập kịch. 

2. Tác phẩm
a. Xuất xứ

- Được trích từ Liêu Trai chí dị (Những truyện quái dị chép ở Liêu Trai) là tập truyện ngắn gồm 431 thiên.

b. Tóm tắt

- Trong truyện Dế chọi, thông qua câu chuyện ngắn gọn với một số chi tiết li kì, biến ảo về gia đình Thành Danh tìm bắt, nuôi nấng dế chọi để cống nạp cho nhà vua, tác giả đã phê phán chế độ chính trị tàn bạo đương thời đã đè nén, áp bức, gây ra bao đau cho những người dân hiền lành lương thiện.

II. Đọc, khám phá văn bản

- Dế chọi được trích trong tập truyện Liêu Trai chí dị (Những chuyện quái dị chép ở Liêu Trai) của Bùi Tùng Linh, một nhà văn nổi tiếng ở Trung Quốc thời nhà Thanh và dần đi sâu vào văn học Việt Nam và trở nên nổi tiếng từ đầu Thế kỉ mười chín đến nay với nhiều bản dịch khác nhau. Nhan đề “Dế chọi” mang đến nội dung mà tác phẩm đề cập đến. Là một trò chơi nhà vua yêu thích và cũng chính trò chơi ấy đã thay đổi cả một cuộc đời. Với nhan đề này, đã thay lời tóm tắt toàn bộ tác phẩm.

- Mở đầu câu chuyện, mở ra không gian triều đình đời Tuyên Đức nhà Minh mê trò chọi dế, một thú vui chốn cung cấm. Vì để làm hài lòng vua, tốt cho việc thăng quan, tiến chức của mình mà hội quan lại, từ Tri huyện đến lý trưởng, du thủ du thực, tới lí dịch đã làm khổ dân chúng. Ép dân chúng không nộp được con dế tốt sẽ bị chịu mọi hình phạt khiến nhiều nhà khuynh gia bại sản. Chính những cái thói đời ấy mà khiến dân chúng chịu khổ. Chỉ vì lòng hư vinh của bọn quan lại, muốn làm vui lòng vua chúa mà ép người khác phải gánh chịu những bất công.

- Một trong những nạn nhân của chế độ ấy là Thành, chất phác hiền lành, mỗi việc thi mãi không đỗ, bị ép làm lý chính. Đến hạn nộp dế mà không muốn nhiễu đến dân chúng nên bèn tự mình đi tìm. Tìm từ sáng đến đêm, từ ngày này sang ngày khác, lục tung mọi chỗ mà chỉ bắt được hai ba con nhỏ bé nên không đủ quy cách. Thành bị đánh đập dã man, lúc ấy chỉ nghĩ đến việc tự tử. Ta có thể thấy bi kịch của một người chất phác ở Thành xuất phát từ tình thương và sự lo lắng đến người khác. Gia đình nghèo, hiểu được sự đau khổ của dân chúng nên đành phải hy sinh thân mình. Bi kịch của gia đình thành chính ra cũng bắt nguồn từ thú vui chốn cung cấm.

- Để giải quyết nỗi lo sợ, muốn tự tử của Thành, vợ chàng phải nghe ngóng và tìm ra thầy bói giỏi, định bụng tìm đến để xem hướng giải quyết. Sau khi đến, vợ thành nhận được sự chỉ điểm từ bức vẽ: “trong vẽ điện gác là chùa chiền, phía sau có hòn núi nhỏ đầy những tảng đá hình thù kì quái, gai góc tua tủa, có con dế nằm dưới, bên cạnh có con ếch như sắp nhảy lên”. Tin rằng sẽ có kết quả và đoán được đó ở gác Đại Phật phía đông thôn, Thành liền lê cơ thể suy nhược tới đó tìm kiếm và thấy được con dế vô cùng khỏe mạnh, phù hợp với những yêu cầu đặt ra. Mừng rỡ vì có con dế, cả nhà sẽ thoát kiếp nạn, cả nhà ai nấy cũng đều vui mừng. Nếu soi chiếu trong hoàn cảnh ấy, con dế chính là “cọng rơm cứu mạng” của Thành. Trong cái thời đại, một con dế quyết định cuộc sống một con người ấy, ta thấy được sự khắc nghiệt của cuộc sống, sự thực về một xã hội coi tính mạng con người không bằng một sinh vật nhỏ bé.

- Bi kịch lại tiếp tục xảy đến với gia đình khi nhân lúc cha mẹ không có nhà, đứa con trai chín tuổi lén mở chuồng, làm dế nhảy ra, vô tình làm chết con dế nên bị mẹ la. Sợ sau khi cha về bị trách phạt, đứa con trai đã tự nhảy xuống giếng tự tử mà chết. Trong một ngày, vừa mất dế lại mất cả con, gia đình Thành chìm trong nỗi đau không nói nên lời. May chăng đứa con còn chút hơi thở thoi thóp, cứu lại sống được nhưng lại như mất hồn, sống đơ như khúc gỗ. Vui sướng vì con tỉnh lại nhưng cũng lo sợ vì dế đã chết. Gia đình Thành vẫn không thể thoát ra khỏi kiếp sống đau khổ. Chi tiết tái sinh của con trai thành trong trạng thái đơ như khúc gỗ như báo hiệu sẽ xảy đến chi tiết kì quái nào đó và sự biến đổi trong chính cuộc sống gia đình thành. Và chắc hẳn đây chính là dụng ý nghệ thuật, tác giả đưa vào để giúp gia đình Thành có thể hóa giải bi kịch của hiện tại.

- Sau khi con trai tỉnh dậy, sáng hôm sau Thành lại bắt được con dế có hình dạng kì quái: “hình dáng như con chó, cánh hoa mai, đầu vuông chân dài”, có vẻ đây là một con dế có thể giúp Thành thay đổi cuộc đời. May thay, nhờ có con dế này mà chọi đâu thắng đó. Thắng từ con dế tốt nhất làng, tới con gà cũng bị đánh bại. Có lẽ đây không phải là điều trùng hợp, không thể trùng hợp đến mức hôm trước mất dế hôm sau đổi lại một chú dế tốt hơn được. Chắc chắn sau đó đang ẩn chứa những chi tiết mà cần người đọc phải suy nghĩ. Suy nghĩ xem sự xuất hiện của dế có phải ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt, phải chăng con dế ấy mang điểm bất thường mà những con dế khác không có. Và chắc hẳn con dế ấy sẽ thay đổi chính cuộc sống hiện tại của gia đình Thành. 

- Tiếng của con dế đồn xa, sau khi được mang vào cung đấu với các loài dế đặc biệt khác mà vua nhận được, từ “hồ điệp, đường lang, du lợi đạt, thanh ti đầu”, con nào cũng bị dế chọi đánh thắng. Đã vậy khi nghe tiếng nhạc, dế còn biết nhảy theo. Hài lòng vua, tri huyện mừng rỡ, thưởng cho cả nhà Thành. Từ đó gia đình Thành trở nên giàu có, được thăng quan tiến chức, “giàu sang hơn cả các nhà thế gia”.

- Đặc biệt, sau một năm, con trai gia đình Thành tỉnh táo lại như thường, nói về một năm trở thành dế chọi. Phải chăng phần hồn của người con đã hóa thành con dế, giúp cha có được ngày hôm nay. Đứa con trai tuy đưa câu chuyện trở nên kịch tính, làm mất đi con dế tốt, nhưng đổi lại lại biến thành con dế tốt nhất cứu được cả gia đình và thay đổi cuộc sống. Chi tiết này là một chi tiết kì ảo, thắt nút và mở nút cho câu chuyện. Cũng từ đó làm nổi bật lên hình ảnh, chỉ nhờ một con dế cũng làm thay đổi cả một cuộc đời. Dưới thời đại ấy, thú vui của chốn cung cấm, sẽ quyết định tính mạng của cả một tầng lớp dân chúng. Câu hỏi được đặt ra, liệu rằng khi của cải đã nhiều, chức tước đã đủ, liệu Thành còn giữ được sự chất phác hiền lành như xưa? 

- Cuối câu chuyện có trích lại câu nói của Dị Sử thị: “Họ Thành vì sâu mọt mà nghèo, nhờ dế chọi mà giàu, áo cừu ngựa tốt vênh vang, lúc làm lí chính bị trách phạt không nghĩ rằng mình được thế đâu. Trời đền đáp cho kẻ trưởng giả trọng hậu, tới nỗi tuần phủ tri huyện cũng được hưởng phúc ấm nhờ con dế. Thường nghe một người lên trời, gà chó cũng thành tiên, đúng lắm thay.” Có thể sau khi đọc tác phẩm, nghe câu bình này, ta nhận ra được kết thúc có hậu cho người hiền lành biết lo nghĩ cho người khác sẽ là những phần thưởng to lớn mà ông trời bạn tặng. Phúc khí của Thành còn được lan đến cả tri huyện, những vị quan trên. Có cái khen cũng có cái chê ở đây. Khen cho nhân vật sống một đời hiền lành chất phác. Chê cho cái xã hội tham quan không từ cách để hài lòng vua mà chà đạp lên nhân dân. Và cũng hướng tới một tương lai lo lắng, lo khi con người nhận và hưởng quá nhiều lợi ích, lương tâm cũng sẽ bị tha hóa. 

Câu chuyện mang yếu tố hoang đường, kì ảo đúng với chất trong thiên truyện Liêu Trai chí dị.  mang giá trị hiện thực sâu sắc, câu chuyện đi sâu tái hiện hiện thực thời kì xã hội đen tối. “Dế chọi” đã phản ánh bộ mặt của tầng lớp quan lại, vui lòng vua ham chơi, ham thú vui mà dẫn đến những thảm cảnh của dân chúng bằng ngôn từ dễ hiểu, gần gũi và dễ đọc. Ý nghĩa được truyền tải và bộc bạch rõ ràng theo trình tự thắt nút - cao trào - mở nút hoàn chỉnh mà không có xung đột mạnh, giúp cho người đọc có thể tiếp cận và thấy được rõ bối cảnh và cuộc sống của thời kỳ. 

III. Tổng kết

1. Giá trị nội dung

- Nội dung kết cấu của truyện hết sức chặt chẽ. Chặt chẽ mà lại biến hóa khôn lường bởi sự thay đổi xen kẽ liên tục mà hợp lí những tình huống may rủi của Thành Danh, bởi những chi tiết bất ngờ và thú vị. Truyện đã thành công bởi tấm lòng của nhà văn đối với con người và cuộc sống, mang giá trị nhân đạo cao cả, đáng quý. 

2.    Giá trị nghệ thuật

- Truyện thành công không chỉ bằng ngòi bút tài hoa, sắc sảo, (không có hình ảnh ma quái, hồ li nhưng biến ảo, li kì, lôi cuốn, hấp dẫn) thể hiện nội dung châm biếm, mang giá trị tố cáo đanh thép (giá trị tố cáo hiện thực).