Đề bài : Thuyết minh về con trâu

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác
0
5 coin

Đề bài : Thuyết minh về con trâu

"Trâu ơi, ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây, trâu đấy ai mà quản công…"
Mấy vần thơ mộc mạc nhưng thắm đượm nghĩa tình, đã nói lên sự gắn bó giữa người và một loài gia súc thân thương, Hình ảnh những con trâu đang ra sức cày bừa trên cánh đồng bao la, bát ngát hoặc đang thong dong gặm cỏ dưới một tàn cây cổ thụ ở đầu làng; mục đồng ngồi thổi sáo trên lưng trâu trong những buổi hoàng hôn êm ả ... là những hình ảnh thật gần gũi, thân thiết với người nông dân chân chất tại các miền quê VIệt Nam thương yêu của chúng ta ...
Có câu chuyện kể rằng : Thuở xưa, Ngọc Hoàng sai một vị Thần tên là Kim Quang xuống trần gian mang theo 1 bao hạt giống lúa và 1 bao cỏ để phổ độ chúng sanh. Trước khi xuống trần, Ngọc Hoàng đã tỉ mỉ căn dặn, đến trần gian phải gieo rắc bao hạt giống lúa trước để dân có dư giả mà ăn, còn bao cỏ thì gieo sau để nuôi thú vật. Nhưng khi vị Thần đến trần gian, thấy phong cảnh khác lạ, nên mãi mê xem mà quên lời căn dặn của Ngọc Hoàng, để rồi gieo bao cỏ trước và bao hạt giống lúa sau. Từ đó, cỏ không cần trồng cũng mọc tràn lan khắp mọi nơi, các thú vật ăn không bao giờ hết vì quá dư thừa và không làm sao diệt cỏ hết được. Còn lúa phải gieo trồng rất cực khổ và khó khăn mới có ăn, bởi vì bị cỏ mọc lấn áp làm lúa phát triển chậm hơn cỏ. Bởi lỗi ấy của vị Thần, làm cho người trần gian trồng lúa rất khó nhọc mới có ăn và cỏ thì mọc tự nhiên quá nhiều, cho nên Ngọc Hoàng mới đày vị Thần này xuống trần gian hóa thành con Trâu để giúp người trần gian cày bừa trồng lúa và ăn cỏ, chừng nào hết cỏ sẽ được tha thứ cùng phục hồi địa vị cũ, nhưng ăn hoài vẫn không bao giờ hết cỏ được, nên Trâu chưa thoát kiếp. Do lý do trên, nên Trâu thường đi cày bừa giúp nông gia và ăn cỏ. Trong dân gian xem Trâu là vị Thần, có tính tình hiền, nên ít ăn thịt hơn Bò là thế.
Huyền thoại là một cách thức tư duy, cảm nghĩ của người xưa cổ, đầy mộng mơ siêu thực song và vẫn bắt nguồn từ hiện thực...
Trâu là loài sinh vật thích nghi với hệ sinh thái đầm lầy - ấm - ẩm, vốn sinh sống thành bầy, có thủ lĩnh đầu đàn. Quanh đầm lầy là rừng tốt tươi cỏ dại, lúa dại trâu ăn. Trâu rừng (Bubalus bubalis), tổ tiên của các loại trâu nhà, vốn sinh sống ở vùng đầm lầy Đông - Nam Á nhiệt đới - gió mùa - thấp ẩm. Cách đây không lâu, trâu rừng còn tồn tại khá phổ biến ở miền trung nước ta. Trâu rừng nhìn chung giống trâu nhà nhưng có vóc sừng rộng và dài hơn, chúng di động nhanh và nhẹ nhàng hơn trâu nhà, trong đàn trâu rừng cũng có những con "bạch biến", gọi là trâu trắng, như hiện tượng thường thấy ở trâu nhà...
Giới cổ sinh và khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy hóa thạch loài trâu trong các hang động Thẩm Khuyên, Phai Vệ, Kéo Lèng (Lạng Sơn), Hang Hùm (Hòa Bình), Thẩm Òm (Hà Tĩnh)... cách ngày nay trên dưới vài chục vạn năm: người tối cổ Lạng Sơn, người cổ Hang Hùm đã săn bắt trâu rừng cùng các loài voi, đười ươi, lợn vòi, gấu mèo, khỉ, vượn... mà sinh sống.
Muộn hơn nữa, trong các hang động chứa đựng di tích văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn, cách ngày nay trên dưới một vạn năm, bên cạnh hóa thạch một số hạt cây trồng, người ta cũng tìm thấy xương trâu bò (Bovinae).
Đến cuối thời đá mới, cách ngày nay 5 - 6.000 năm cùng với sự ra đời của nghề nông trồng lúa ở các thung lũng chân núi và đồng bằng ven biển, con trâu đã được thuần phục và thuần dưỡng. Xương trâu bò nhà đã được giới khảo cổ học tìm thấy phổ biến trong các di chỉ đá mới và đồng thau ở Tràng Kênh (Hải Phòng), Tiên Hội, Đình Chàng (Hà Nội), Đồng Đậu (Phú Thọ) và nhiều nơi khác.
…Trâu là động vật da đen, sừng nhọn, móng guốc, thuộc loài nhai lại, chỉ có một hàm răng.
Trâu thuộc loại đại gia súc, chân có bộ guốc chẵn, là động vật có vú. Chu kì mang thai của trâu khoảng 12 tháng. Một chú nghé con khoẻ mạnh khi chàn đời thường có trọng lượng hơn chục kg. Nghé con bú sữa mẹ, lẵng nhẵng chạy theo mẹ, thỉnh thoảng lại hếch cái mõm đen mướt nũng nịu kêu nghé ọ…
Con nào mắt ốc nhồi, to, lồi là trâu khoẻ ; tai to, rộng xoè, sừng cong như cánh nỏ thì có đắt một chút cũng nên mua. Tối kị là trâu có lưỡi trắng. Trâu khoẻ là trâu có lưỡi đen, sờ thấy ram ráp, mồm gầu giai. Trâu khoẻ, trâu tốt mình thon, số vú chẵn. Dạ dày trâu có bốn ngăn chứa thức ăn thô rồi đén lúc nghỉ ngơi lại ợ lên, bỏm bẻm nhai lại. đuuoi trâu tuy không to, dài bằng đuôi bò, đuôi ngựa nhưng cũng đủ để đuổi ruồi, muỗi…Trâu chỉ có hàm dưới. Hàm trên là lợi thịt nhẵn thín và rất cứng…
Trâu là động vật to lớn , rất khoẻ. Trâu trưởng thành có thể nặng từ ba đến năm trăm kg…
Con trâu là bạn chí thân của người nông dân. Từ tờ mờ sáng, người và vật đã ra đồng, cày bừa, trục đất, hoặc kéo mạ, chở lúa, chở rơm. Tiếng "dí, thá" vang vang trong ánh bình minh, trong làn sương sớm. Lúc đêm về, trong ánh lữa bập bùng và mùi khói rơm nhè nhẹ, người nông dân ân cần xông muỗi cho đàn trâu thương yêu của mình, nói lên sự gắn bó giữa người và con vật vô cùng thân thiết tại miền quê Việt Nam chúng ta...
Với bản chất hiền lành, hoà đồng và chăm chỉ, hình ảnh con trâu gần gũi, thân mật với người dân trong nền văn minh lúa nước của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Trâu Vàng (còn gọi là Kim Ngưu) gắn với sự tích Hồ Tây của Thủ đô Hà Nội. Trâu Vàng tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt".
Sự gần gũi đã tạo nên quan hệ gắn bó của người với trâu. Nhưng có lẽ chính quá trình lao động bên nhau cùng những nét tương đồng về số phận, tính cách giữa người nông dân và con trâu mới là yếu tố quan trọng khiến cho trâu và người trở thành đôi bạn thân thiết, thủy chung. Con trâu hiền lành chăm chỉ, vất vả một nắng hai sương "làm không kịp thở, ăn chẳng kịp nhai" như người, trâu cũng thật thà, chất phác, chịu thiệt thòi do "trâu chậm uống nước đục", trâu cũng vững chãi, mạnh mẽ như người, chỉ người có sức khỏe, người ta thường nói "khỏe như trâu". Ai đó nói trâu ngu dốt "ngu như bò" (như trâu) hay vô cảm "đàn gẩy tai trâu" là chưa đúng, trâu cũng thông minh, "tinh quái" ra phết, biết "sáng tai họ, điếc tai cày", biết được thái độ của chủ mà xử trí.
Trâu cũng là con vật tình nghĩa, thủy chung, xa cách nhiều năm vẫn nhớ chủ, đi xa vẫn nhớ đường về, trả công cho người chăm sóc hậu hĩ, xứng đáng, đến chết lại xả thân vì con người.
Bản tính hiền lành, nhiều khi quá thật thà nên phải chịu thiệt thòi, song trâu cũng là một loài vật dũng mãnh, thiện chiến, không dễ bắt nạt. Với sức khỏe phi thường "ốm trâu hơn khỏe bò" và cặp sừng lợi hại, trâu là một chiến binh xuất sắc. Câu chuyện "Trâu đoàn kết giết hổ" là một bài học về tinh thần đoàn kết, hiệp đồng sức mạnh để chống lại kẻ thù. Người nông dân Việt Nam tìm thấy trong con trâu sức mạnh quật cường của một dân tộc yêu hòa bình nhưng thượng võ, bất khuất, kiên cường. Giai thoại dân gian cũng kể rằng cậu bé Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ chăn trâu đã lấy cờ lau tập trận, sau thành Vạn Thắng Vương lẫy lừng.
Có lẽ chỉ ở một vùng có nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời mới có những phong tục, lễ hội như chọi trâu, thi trâu, đâm trâu, tạ ơn trâu…ở nước ta. Và như một lẽ tự nhiên con trâu đã đi vào nghệ thuật, trở thành đề tài, nguồn cảm hứng phong phú của văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc…Thật khó lòng thống kê hết các tác phẩm nghệ thuật có liên quan đến hình tượng con trâu. Trong kí ức của mọi người vẫn có một hình ảnh chú bé chăn trâu thổi sáo của bức tranh làng Hồ nổi tiếng, bài đồng dao "Ai bảo chăn trâu là khổ?" rồi con trâu trong các bài thơ của các danh nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Hồ Chí Minh. Giữa cảnh "Gió sắc tựa gươm mài đá núi. Rét như dùi nhọn chích cành cây", người tù vĩ đại Hồ Chí Minh vẫn tìm thấy sự thanh thản, ung dung trong hình ảnh "Trẻ dẫn trâu về, tiếng sáo bay" (Hoàng hôn).
Với nền kinh tế nông nghiệp lúa nước, trâu được người nông dân coi như bạn thân.
Thời Lý - Trần (thế kỷ XI-XIV), với chính sách "trọng ruộng, khuyến khích chăm lo phát triển kinh tế nông nghiệp", Nhà nước phong kiến rất quan tâm tới việc bảo vệ nguồn sức kéo. Năm 1123, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu nhắc nhở: "Trâu là con vật quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người. Từ nay cấm không được giết trâu ăn thịt. Ai làm trái thì trị tội theo pháp luật". Luật Hình như (thời Lý), Hình luật (thời Trần) đều có những điều khoản cụ thể quy định hình phạt về tội ăn trộm và giết hại trâu bò. Những nhà láng giềng biết mà không tố giác cũng bị trừng phạt. Vào đầu xuân, theo lệ, vua thân chinh làm lễ tế Thần nông và cày ruộng Tịch điền. Có một khu ruộng dành riêng để làm nghi lễ này. Trâu cày ruộng tịch điền phải là trâu đực, nuôi theo chế độ riêng và chay tịnh (!). Ngày làm lễ, vua bước xuống ruộng cày và đường cày có tính tượng trưng cho một năm cày cấy "phong đăng hòa cốc", mùa vụ tốt tươi.
Con trâu được quý trọng là vậy, nên một số vùng nông thôn nước ta có tục lệ là làm Tết Trâu. Trước Tết vài hôm, người ta tìm các thứ cỏ thật ngon, chọn mớ rơm được nắng để thưởng trâu ngày Tết. Trâu được tắm rửa sạch sẽ, chuồng trại được dọn dẹp chu đáo. Sáng mùng 1 Tết, mỗi con trâu được dán trước trán 1 lá bùa bằng giấy hồng điều để "trừ tà yểm quái", xua đuổi vận hạn năm cũ, cầu cho trâu sang năm mới được bình an, vô sự, ăn no, cày khỏe. Sau khi cúng "thần chuồng", trâu được ăn cỗ, được nếm các món bánh chưng, bánh gai, thịt, cá hay xôi chè... Và chọn "ngày tốt lành" người ta dắt trâu đi dạo một vòng để trâu... thưởng xuân, đồng thời ướm vai cày cho trâu để lấy may.
Trâu còn gắn liền với các lễ hội như chọi trâu, đâm trâu... Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) có lẽ là nổi tiếng nhất. Dù ai đi đâu về đâu/ Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về. Lễ hội là một phong tục tín ngưỡng để tạ ơn Thần Biển của người dân ở đây. Những con trâu khỏe mạnh nhất sẽ ra chọi với nhau để tìm ra con giành chiến thắng. Con trâu này sẽ đem giết để cúng thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa. Đó là một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của Hải Phòng nói riêng và của Việt Nam nói chung. Gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của người dân, trâu còn góp mặt trong đời sống văn hóa. Cùng với cây lúa nước, trâu cũng gắn liền với nền văn minh lúa nước Việt Nam và cả Đông Nam Á. Trâu đã trở thành linh vật của SEA Game 22 năm 2003. Hình tượng trâu vàng đã từng là biểu tượng của thể thao Việt Nam trong SEA Game.
Hình tượng con trâu đã đi vào và trở thành “điểm nhấn” trong bức tranh văn hoá làng xã Việt Nam là vậy nhưng mà giờ đây trong thời hội nhập, trước sự đi lên, đổi thay của đất nước, nhiều làng quê mộc mạc đã bị “cơn lốc” đô thị hoá xoá nhòa; làm biến dạng thì con trâu cũng đang đứng trước nguy cơ lùi vào quá vãng. Ở nhiều vùng nông thôn, vai trò của con trâu ngày càng bị cắt dần bởi máy móc nên người ta nuôi trâu ít dần. Con trâu sắp trở thành của hiếm khi cả làng, cả huyện cũng không tìm thấy nhà nào nuôi trâu nữa. Thay vào chỗ những cánh đồng lúa, nương ngô của người nông dân hàng ngày thâm canh sản xuất là sự hiện diện của những khu đô thị, các toà nhà cao chọc trời, phố xá lầm bụi khói xe nghi ngút… Thế là ở nhiều làng quê, con trâu mang đậm nét văn hóa Việt cũng đang dần biến mất sau luỹ tre làng. Không biết có quá sớm hay không nhưng, có lẽ nhiều làng quê, người ta nên nghĩ đến trường hợp phải “cứu”… trâu vì sợ rồi một ngày nào đó, con cháu trong làng lớn lên chúng sẽ chỉ còn biết đến con trâu trong sách giáo khoa và qua tiếng ru ầu ơi của mẹ.

Danh sách các phiên bản khác của bài học này. Xem hướng dẫn
Trúc Giang đã đóng góp một phiên bản khác cho bài học này (8 tháng 8 2021 lúc 20:12) 0 lượt thích

Khách