Đề bài : Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác
0
5 coin

Đề bài : Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam

Có thể nói rằng, chiếc nón lá là vật dụng thân thuộc và gần gũi với mọi người dân Việt, vật dụng mà có lẽ không ai là chưa từng cầm vào hay nhìn thấy. Đã từ lâu nón được xem là biểu tượng của người nông dân Việt Nam nói chung, người phụ nữ Việt Nam nói riêng. Thế nhưng đã bao giờ bạn tìm hiểu kĩ về vật dụng này chưa? Bạn đã có những hiểu biết gì về nó? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé?
Chẳng biết nón lá ra đời từ bao giờ và cũng chẳng ai biết được từ bao giờ nón gắn liền với đời sống văn hóa người Việt đến thế. Qua kho tàng văn học dân gian, qua bao bài thơ bài hát về nón thì ta chỉ có thể khẳng định rằng nón lá ra đời có lẽ từ rất lâu rồi và cũng đã rất lâu rồi vật dụng ấy gắn bó, chia sẻ vất vả khó khăn với bao thế hệ người Việt Nam ta.
Mỏng manh chiếc nón ấy mà
Che mưa che nắng đường xa mẹ về
Từ phố thị đến làng quê
Ở đâu nón cũng nguyện che mái đầu
Nón có ở bất cứ đâu, nón thân thuộc, nón giản dị đơn sơ:
Sao anh không về thăm quê em
Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên
Bàn tay xây lá, tay xuyên nón
Mười sáu vành, mười sáu trăng lên
Phải! Nón thường có hình chóp, màu trắng ngà và vật liệu chính chỉ có 16 vành nan với lá thôi. Nan làm từ lũy tre quanh làng. Lá cũng gần gũi giản dị với người, đó là lá cọ, lá dừa. Nhìn có vẻ cũng đơn giản song có làm nón mới biết không hề đơn giản một chút nào để có thể làm ra chiếc nón. Để làm ra vật dụng rẻ tiền, thông dụng ấy, người làm nón phải vất vả khổ công không ít. Đầu tiên là chuẩn bị lá làm nón. Người ta phải chặt lá cây dừa, cây cọ, thậm trí phải lên rừng mới hái được lá, rồi đóng bè chở về. Sau đó lá được lựa chọn ra những lá đều, đẹp, không sâu, không rách rồi được đem phơi. Sau phơi, lá còn được cắt ra, được là phẳng từng chiếc một. Nghe thôi đã thấy công việc ấy đủ vất vả rồi. Nhưng nào phải chỉ có thế thôi đâu là sẽ có nón. Công đoạn làm nan tre, mỗi nan phải vót tròn trằn chặn, và tiếp nữa là công đoạn chằm nón có lẽ mới là công đoạn vất vả nhất. Lá nón sau khi được chuẩn bị sẵn sàng sẽ được xếp khéo léo lên khung, để không bị chỗ dày quá, chỗ lá mỏng quá. Sau đó người ta khâu lá nón vào nan. Như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết: “ mười sáu vành, mười sáu trăng lên”, khâu xong được 16 vành nan lâu tưởng như đến 16 ngày vậy. Câu thơ đã diễn tả một cách rất khái quát về quá trình chằm nón – hay nói khác đi là khâu nón. Thật vậy, mỗi mũi kim đòi hỏi người thợ phải thật khéo léo, mỗi nút thắt chỉ phải đều chằn chặn, phải không để lộ ra, không làm thủng nón. Công việc ấy đòi hỏi phải thật kiên nhẫn, thật tỉ mỉ. Tôi chợt nghĩ, những người làm nón quả thật đúng là những người nghệ sĩ tài ba, họ là những người nghệ nhân đang mỗi ngày chăm chỉ khâu yêu thương, khâu hồn quê đất Việt vào từng chiếc nón. Cái đặc biệt để người ta yêu nón, trân trọng nón có lẽ cũng chính vì điểm này. Nón sau khi khâu xong còn được tráng dầu, được lắp quai và có khi chiếc nón lá còn được trang trí cho đẹp hơn với những bức hình về vẻ đẹp quê hương, về thiếu nữ hay có khi là một bài thơ dân dã, ý nhị nào đó.
Sau bao nhiêu công đoạn vất vả, nón sẽ được đưa đến tay người sử dụng.
Nón che cái nắng qua cầu
Chị đi đến lớp mặc dầu nắng ơi
Nón che từng giọt mưa rơi
Chiều đông cha vẫn ra nơi ruộng đồng
Giúp người nón mãi ước mong
Dẫu bao mưa nắng nón không ngại ngần
Nón bên người, nón che mưa rồi che nắng, thậm trí nón còn dùng để quạt. Chiếc nón lá còn dùng để làm duyên tôn lên vẻ đẹp của người thiếu nữ, để trao duyên:
Vành vạnh vầng trăng chiếc nón anh cầm
Trên mặt lá mịn màng hương tóc ấy
Có ai đề câu thơ nào chưa vậy ?
Mà bên cầu em cứ đứng phân vân
Hay : Ôi chiếc nón bài thơ mà chưa có bài thơ
Xui anh nhẩm trong lòng câu hát mãi
Vầng trăng kia đến rằm chưa có phải
Nên em cầm vành nón cứ nghiêng nghiêng
Có lẽ bởi những giá trị ấy nên nón lá còn được xem là một một quà trao gửi yêu thương
Ai ra xứ Huế mộng mơ
Về đem chiếc nón bài thơ làm quà
Ngày nay, dù trên thị trường có không ít các loại mũ nón với màu sắc, chất liệu, kiểu dáng khác nhau được ra đời, nhưng nón vẫn không mất đi vai trò giá trị của mình, thậm trí nón còn trở nên cao cấp hơn, phổ biến hơn khi nón trở thành những món quà mà bao du khách nước ngoài đến Việt Nam luôn muốn mua về tặng cho bạn bè người thân ở đất nước của họ. Vì là món quà không nơi nào trên thế giới có được, vì là một món quà không thể mua vội bên đường, vì món quà ấy không máy móc nào làm ra nổi... nên nón ngày càng trở nên đẹp hơn, có giá trị hơn trong đời sống tinh thần và cả trong đời sống kinh tế. Nhờ có thế mà bao nhiêu nhân công làng nón có cuộc sống ổn định hơn, nền kinh tế đất nước thu về nguồn ngoại tệ lớn hơn.
Qua việc biết được quá trình làm ra một chiếc nón rất vất vả, kì công như thế, hi vọng rằng bạn và tôi hãy luôn gìn giữ chiếc nón của mình để nó luôn mới, luôn bền đẹp nhé. Chỉ cần cẩn thận hơn một chút như dùng xong ta treo lên cẩn thận, không phơi nón ngoài mưa ngoài gió, không giẫm đạp hay ngồi lên nón thì chắc chắn chiếc nón sẽ không thể nào hư hỏng được...
Tóm lại có thể nói rằng, chiếc nón lá là sản phẩm của đôi bàn tay khéo léo, của lòng yêu nghề, yêu quê hương đất nước của người nghệ nhân làng nón. Đó còn là biểu tượng cho vẻ đẹp bình yên của đất nước. Bạn và tôi hãy chung tay để vẻ đẹp văn hóa này, để những làng nghề truyền thống này mãi giữ vững vai trò vị trí trong đời sống văn hóa, kinh tế đất nước.

Khách