Đề bài : Thuyết minh về cây lúa nước.
***Dàn ý:
I. Mở bài:
- Cây lúa tự giới thiệu chung về bản thân
(Chúng tôi sinh ra, lớn lên và gắn liền với nền văn minh lúa nước sông Hồng. Nói như vậy chắc hẳn các bạn đã biết chúng tôi là ai rồi phải không. Tôi là lúa nếp cái hoa vàng, một thành viên khá quan trọng không thể thiếu trong tập thể họ hàng nhà lúa. Họ nhà lúa không chỉ là nguồn sống, đem lại những giá trị vật chất nuôi sống con người mà chúng tôi còn là người bạn tâm giao, cùng sẻ chia những vui buồn, ước vọng của người nông dân Việt Nam nữa cơ đấy.)
II. Thân bài:
1. Nguồn gốc:
- Lúa là một loại cây trồng cổ có vai trò quan trọng trong đời sống và lịch sử phát triển của hàng triệu, triệu người trên Trái đất từ xa xưa đến nay…
( Không rõ họ hàng nhà lúa chúng tôi có mặt trên Trái đất từ bao giờ, nhưng nghe cha ông kể lại thì đã từ lâu, rất lâu rồi, chúng tôi đã là một loại cây lương thực cổ có vị trí quan trọng trong đời sống và lịch sử phát triển của hàng triệu , triệu người từ xa xưa đến nay. Đi khắp đất nước Việt Nam, từ Bắc vào Nam, từ miền ngược đến miền xuôi,… đâu đâu các bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh họ hàng nhà lúa chúng tôi trải rộng trên các cánh đồng thẳng cánh cò bay. Cây lúa chuíng tôi đã góp phần tạo nên vẻ đẹp tuyệt vời vời cho đất nước:
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn…”
(Nguyễn Đình Thi)
2. Đặc điểm:
- Lúa là loại cây lương thực quan trọng nhất thuộc nhóm ngũ cốc.
- Lúa là cây có một lá mầm, rễ chùm, thân cỏ rỗng
- Lá lúa có phiến dài mỏng, mọc bao quanh thân
- Hoa lưỡng tính, không có bao hoa; quả có vỏ trấu bao ngoài gọi là hạt thóc.
- Khi lúa chín, cả thân, lá, quả đều ngả màu vàng
- Hạt gạo nằm bên trong vỏ trấu màu trắng…
3. Các loại lúa:
- Có nhiều loại: lúa tẻ, lúa nếp. Mỗi loại lại có nhiều loại nhỏ khác nhau…………………
- Căn cứ vào thời vụ gieo trồng, có: lúa chiêm, lúa mùa, lúa xuân hè, lúa hè thu,…
- Căn cứ cách gieo trồng, có: lúa cấy, lúa sạ, lúa trời,…
4. Quá trình sinh trưởng: trải qua nhiều giai đoạn
- Từ hạt thóc – nẩy mầm – lên mạ - thành cây lúa – bén rễ - hồi xanh – rồi đẻ nhánh – làm đốt – làm đòng – trổ bông – làm hạt – nở hoa – thụ phấn – hình thành hạt chín
- Quá trình tạo hạt: từ chín sữa chín sáp chín hoàn toàn.
5. Ích lợi và vai trò của cây lúa:
- Là cây lương thực chính nuôi sống con người (40% dân số thế giới coi lúa là lương thực chính). Tổ chức dinh dưỡng quốc tế gọi htj gạo là “hạt của sự sống”. Lúa có đầy đủ các chất din hdưỡng như tinh bột, prôtêin, lipit, xenlulôzơ, nước,…
- Gạo để xuất khẩu (Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới)
- Lúa gạo dùng để chăn nuôi
- Lúa còn chế biến ra nhiều sản phẩm như: bánh, cốm, rượu,…
- Sản phẩm phụ từ lúa được sử dụng trong nhiều lĩnh vực:
+ Tấm để sản xuất tinh bột, rượu, cồn, a-xê-tôn, phấn mịn,thuốc chữa bệnh,…
+ Cám làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, trong côn gfnghiệp dược (sản xuất B1, chữa tê phù., làm mỹ phẩm, dầu cám,…)
+ Trấu dùng sản xuất men làm thức ăn gia súc, sản xuất vật liệu đóng lót hàng, độn chuồng, làm phân bón, chất đốt,…
+ Rơm, rạ làm thức ăn cho gia súc, sản xuất giấy, đồ gia dụng, làm đồ thủ công mỹ nghệ, trồng nấm rơm, làm chất đốt…
- Cây lúa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam:
+ Đó là loại cây tiêu biểu của xứ sở Việt Nam, gắn với văn hoá ẩm thực, với nhiều phong tục, tập quán của người dân Việt như : tục gói bánh chưng, bánh giầy, lễ hội xuống đồng, tục cúng cơm mới, thổi cơm thi,...
+ Cây lúa đã đi vào nhiều câu ca dao tục ngữ, nhiều câu chuyện dân gian, nhiều bài thơ bài hát…
- Nhánh lúa vàng được thể hiện trên quốc huy nước Việt Nam dân chủ công hoà, nay là nước CHXHCN Việt Nam
- Bó lúa còn là biểu trưng cho tình đoàn kết hữu nghị của các dân tộc Đông Nam Á trên lá cờ Asian
6. Cách gieo trồng chăm sóc lúa:
- Trồng trên ruộng nước
- Chăm sóc lúa gồm nhiều công việc: làm cỏ, sục bùn, diệt cỏ dại, kích thích ra rễ mới, tưới nước, bó phân…
(Với vai trò và tác dụng to lớn như trên, nên họ nhà lúa chúng tôi được loài người chăm sóc rất cẩn thận. Từ nhận thức giá trị và lòng yêu mến cây lúa chúng tôi, con người đã gắn sự sống của mình với chúng tôi, nâng chúng tôi lên thành một biểu tượng cao đẹp, coi cư dân nhà lúa như con người. Có lẽ vì thế mà các bác nông dân đi làm đồng thường nói là đi thăm đồng, thăm lúa. Chúng tôi được người nông dân gieo trồng trên những ruộng lúa nước (vì chúng tôi là lúa nước mà lại). Các bác ấy chăm sóc chúng tôi vô cùng cẩn thận với nhiều công việc như……)
III. Kết bài:
- Cảm nghĩ chung về cây lúa.
***Bài văn
"Việt Nam đất nước ta ơi,
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn."
Từ ngàn đời nay, cây lúa đã gắn bó thân thiết với con người, làng quê Việt Nam.Bằng hạt gạo – hạt ngọc trời ban cho, Lang Liêu đã làm nên bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho trời và đất – để kính dâng vua Hùng. Chính vì thế, cây lúa nước đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt. Hình ảnh của cây lúa và người nông dân đã trở thành những mảnh màu không thể thiếu trong bức tranh của làng quê Việt Nam bây giờ và mãi mãi về sau.
Lúa là một thực vật quý giá, là cây trồng quan trọng nhất trong nhóm ngũ cốc, là cây lương thực chính của người Việt Nam nói riêng và người dân Châu Á nói chung. Lúa thuộc loài thân thảo. Thân cây lúa tròn chia thành từng lóng và mắt. Lóng thường rỗng ruột, chỉ có phần mắt là đặc. Lá lúa có phiến dài và mỏng,mọc bao quanh thân, mặt lá nhám, gân lá chạy song song . Tùy thời kì sinh trưởng, phát triền mà lá lúa có màu khác nhau.Khi lúa chín ngả sang màu vàng. Rễ của cây lúa không dài lắm, thường mọc với nhau thành chùm bám chặt vào bùn để giữ cho thân lúa thẳng đồng thời hút dưỡng chất nuôi thân cây. Hoa lúa nhỏ nhắn, mọc thành nhiều chùm dài. Điều đặc biệt của cây lúa mà ít ai để ý đến. Hoa lúa cũng chính là quả lúa đồng thời trở thành hạt lúa sau này. Hoa lúa không có cánh hoa, chỉ có những vảy nhỏ bao bọc lấy nhuỵ ở bên trong. Lúc hoa lúa nở, đầu nhuỵ thò ra ngoài, có một chùm lông để quét hạt phấn. Hoa lúa tự thụ phấn rồi biến thành quả. Chất tinh bột trong quả khô đặc lại dần và biến thành hạt lúa chín vàng.
Trước đây, người Việt chỉ có hai vụ lúa:chiêm và mùa. Ngày nay, khoa học phát triển, mỗi năm có nhiều vụ nối tiếp nhau. Trồng lúa phải qua nhiều giai đoạn: từ hạt thóc nản mầm thành cây mạ; rồi nhổ cây mạ cấy xuống ruộng.Ruộng phải cày bừa,làm đất, bón phân. Ruộng phải sâm sấp nước. Khi lúa đẻ nhánh thành từng bụi (đang thì con gái) lại phải làm cỏ, bón phân, diệt sâu bọ. Rồi lúa làm đòng, trổ bông rồi hạt lúa chắc hạt,chín vàng.Người nông dân cắt lúa về tuốt hạt, phơi khô,xay xát thành hạt gạo…Biết bao công sức của nhà nông để có hạt gạo nuôi sống con người.
Hạt gạo có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống vật chất của chúng ta.Hạt gạo cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu,rất cần thiết cho cơ thể con người.Ngoài việc nuôi sống con người,hạt lúa,hạt gạo còn gắn bó với đời sống tinh thần của người Việt.Có nhiều loại gạo:gạo tẻ, gạo nếp…Gạo nếp dùng làm bánh chưng, bánh giầy là hai loại bánh truyền thống của con người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán.Bánh chưng, bánh giầy còn gắn liền với Lang Liêu thời vua Hùng dựng nước. Lúa nếp non còn dùng để làm cốm- một thức quà thanh lịch của người Hà Nội.Gạo nếp dùng để đồ các loại xôi – một món đồ lễ không thể thiếu trên bàn thờ của người Việt Nam trong ngày Tết và ngày cúng giỗ tổ tiên. Đồng thời xôi cũng là thức quà quen thuộc hằng ngày. Từ lúa gạo, người Việt còn làm rất nhiều loại bánh như:bánh đa,bánh đúc, bánh giò, bánh tẻ,bánh nếp,bánh phở,cháo…Nếu không có gạo, thật là khó khăn trong việc tạo nên nền văn hóa ẩm thực mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Ngày nay, nước ta đã lai tạo được gần 30 giống lúa được công nhận là giống lúa quốc gia.Việt Nam từ một nước đói nghèo đã trở thành một nước đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan về xuất khẩu gạo.
Tóm lại, cây lúa có tầm quan trọng rất lớn đối với nền kinh tế nước nhà chủ yếu còn dựa vào nông nghiệp. Cây lúa bao đời là bạn thân thiết của người nông dân Việt Nam, không chỉ về mặt vật chất mà còn cả về mặt tinh thần. Mãi mãi vẫn còn nghe mọi người nhắc nhau những vần điệu ca dao thấp thoáng bóng hình con trâu và cây lúa:
"Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn".