Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácĐề bài:Phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt
Bài làm
Kim Lân là nhà văn lão làng trong nền văn học hiện thực Việt Nam. Ngòi bút của ông hướng đến những mảnh đời bất hạnh, làng quê Việt Nam, những người nông dân chân chất mộc mạc, nghèo đói nhưng tràn đầy tính yêu. Truyện ngắn “Vợ nhặt” là một trong những kiệt tác tái hiện lại chân thực nhất hình ảnh người nông dân sống trong nạn đói năm 1945. Đặc biệt tác giả đã khắc họa thành công diễn biến tâm lý của nhân vật chính: anh cu Tràng.
Truyện ngắn “Vợ nhặt” lấy bối cảnh là nạn đói thê thảm, người chết như ngả rạ tại một xóm ngụ cư tiêu điều xác xơ. Nhan đề của tác phẩm đã làm toát lên tư tưởng chủ đạo xuyên suốt tác phẩm, nhan đề cũng chính là tình huống truyện độc đáo, đặc săc làm đòn bẩy đề tác giả có thể vẽ lên được tâm lý của từng nhân vật. Thành công của Kim Lân chính là việc khắc họa được những phẩm chất cao quý bên trong những con người nông dân nghèo đói, bần cùng.
Tràng là nhân vật chính xuyên suốt tác phẩm, Kim Lân đã mượn hình ảnh anh cu Tràng để lột tả lên được diễn biến tâm lý của nhân vật từ chuyển biến này đến chuyển biến khác. Tràng là người đàn ông nghèo khổ, rách rưới, sống với mẹ già. Tràng xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm bằng vài nét chấm phá của tác giả “hắn bước ngật ngưỡng trên con đường khẳng khiu luồn qua cái xóm chợ của những người ngụ cư vào trong bến. Hắn vừa đi vừa tủm tỉm cười, hai còn mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của bắn lúc nào cũng nhấp nhính những ý nghĩ thú vị…”. Chỉ với những chi tiết đó, Kim Lân đã khéo léo vẽ lên một hình tượng anh nông dân nghèo, cô quạnh giữa không gian xóm ngụ cư tiêu điều. Anh cu Tràng dường như khiến người đọc liên tưởng đến nhân vật Chí Phèo của Nam Cao khi xuất hiện ở đầu tác phẩm với điệu bộ “Hắn vừa đi vừa chửi, hắn chửi trời, chửi đất, chửi cái đứa nào đẻ ra hắn…”. Người nông dân trong xã hội phong kiến đều có chung một số phận, chung một điều kiện sống, nhưng họ khác nhau ở cách nghĩ, cách lựa chọn làm người.
Tuy nhiên trong bối cảnh xã hội khắc nghiệt, dở khóc dở cười như vậy Kim Lân đã xây dựng nên tình huống truyện có thể xem là mở nút của mọi vấn đề. Anh cu Tràng “nhặt” được vợ, là nhặt được chứ không phải cưới được mới lạ chứ. Một kẻ xấu xí, nghèo đói, bần cùng, thô kệch như Tràng mà cũng có được vợ trong tình cảnh thê thảm của xã hội như thế này, lại còn được vợ theo. Quả đúng là đám cưới có một không hai trong xã hội hiện nay. Nạn đói đã đưa những con người chung cảnh ngộ, nghèo đói đến với nhau.
Có thể nói rằng tình huống truyện này cực kỳ đắt giá, làm đòn bẩy để Kim Lân có thể qua đó bộc lộ, lột tả được hết tính cách và nhân phẩm của người đàn ông nghèo vừa nhặt được vợ này.
Đặc biệt hơn nữa diễn biến tâm lí nhân vật Tràng thay đổi từ khi “nhặt” được vợ, lúc đó hắn không nghĩ gì hơn ngoài việc nghĩ đến người đàn bà đi bên cạnh “Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chè, tăm tối hằng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mắt. Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên”. Những rung động và cảm xúc rất đời thực của một người đàn ông. Hắn trở nên hiền lành và đáng mến, không phải tình yêu có thể con người ta vui vẻ, có khi chỉ là chút tình nghĩa cỏn con cũng khiến cho bản thân thay đổi theo hướng tích cực.
Diễn biến của anh cu Tràng cứ thể chuyển biến đột ngột, đến khi về đến ngoi nhà, khi thấy một người đàn bà ngồi ngay giữa nhà, hắn mới “ngờ ngợ như không phải thế. Ra là hắn đã có vợ rồi đấy ư”. Chính hắn cũng không tin nổi là mình đã có vợ, mọi thứ đến nhanh và bất ngờ quá khiến cho cả hắn và thị đều không định hình nổi có phải là sự thật. Một sự “ngờ ngợ” rất đáng yêu và đáng trân trọng.
Đặc biệt trong đoạn thoại Tràng trò chuyện với mẹ, người ta nhận ra kẻ nông dân bân hàn, nghèo đói này lại có một trái tim và tấm lòng sáng, vẹn tròn, dung dị như vậy. Anh vừa xót thương cho thân phận người đàn bà xa lạ nghèo khổ ấy, nhưng duyên số đưa đẩy hai người đến với nhau nên hắn đón nhận như một điều trời ban.
Thế là hắn có vợ rồi, đến buổi sáng hôm sau hắn vẫn cảm thấy minh như đang ở trong mơ “Trong người êm ái lơ lửng như vừa ở trong giấc mơ đi ra. Hắn vẫn chưa tin việc mình có vợ. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ…”. Một cuộc sống mới đã đến với hắn trong niềm vui lạ và phấn khởi. Hắn chấp nhận cuộc sống khốn khó cùng vợ vượt qua tất cả.
Cái cách vợ chồng Tràng cùng ăn bữa cơm đầu tiên sau đêm tân hôn thực sự khiến người đọc cảm động. Mặc dù “nồi cháo cám” không ngon, đắng chat và khó ăn nhưng hắn vẫn ăn rất ngon lành. Vì hắn biết, hắn hiểu gia cảnh, hiểu xã hội, hiểu thời thế đang trong cảnh bần hàn. TRàng là một người giàu tình cảm, với mẹ, với vợ. Cái đói nghèo khắc nghiệt dường như không thể ngăn cản được con người chúng ta yêu nhau nhiều hơn là vì thế.
Bằng bút pháp tả thực cùng cách xây dựng tình huống truyện độc đáo, tái hiện diễn biến tâm lý nhân vật một cách cụ thể sắc nét nhất. Kim Lân đã vẽ lên hình ảnh một người nông dân nghèo đói, bần hàn nhưng có cái tâm sáng, giàu tình yêu thương.