Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácSử thi.
- Phần 1: (Từ đầu đến “cắt đầu Mtao Mxây đem bêu ngoài đường”): Trận đánh giữa hai tù trưởng.
- Phần 2: (Tiếp đến “Họ đến bãi ngoài làng, rồi vào làng”): Đăm Săn cùng nô lệ ra về sau chiến thắng.
- Phần 3: (Còn lại): Cảnh Đăm Săn ăn mừng chiến thắng.
Đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây thuộc phần giữa của tác phẩm: Sau khi về làm chồng hai chị em tù trưởng Hơ Nhị và Hơ Bhị, Đăm Săn trở nên một tù trưởng giàu có và uy danh lừng lẫy. Các tù trưởng Kên Kên (Mtao Grứ) và tù trưởng Sắt (Mtao Mxây) lừa lúc Đăm Săn cùng các nô lệ lên rẫy, ra sông lao động sản xuất đã kéo người tới cướp phá buôn làng của chàng và bắt Hơ Nhị về làm vợ. Cả hai lần ấy Đăm Săn đều tổ chức đánh trả và chiến thắng, vừa cứu được vợ lại vừa sáp nhập được đất đai của cải của kẻ địch khiến cho oai danh của chàng càng lừng lẫy, bộ tộc càng giàu có và đông đúc hơn.. Sau đó Đăm Săn cùng các nô lệ trở về sau chiến thắng và tổ chức ăn mừng, tiệc tùng linh đình.
a) Nguyên nhân và mục đích của cuộc chiến
- Nguyên nhân: Đăm Săn khiêu chiến với Mtao Mxây vì Mtao Mxây đã cướp vợ của Đăm Săn. Điều này chứng tỏ Đăm săn là người trọng danh dự cá nhân, cộng đồng, gắn bó hạnh phúc gia đình với bộ tộc.
- Mục đích:
+ Đòi lại vợ.
+ Bảo vệ danh dự của tù trưởng anh hùng, của bộ tộc.
+ Trừng phạt kẻ cướp, đem lại sự yên ổn cho buôn làng.
+ Là cái cớ làm nảy sinh mâu thuẫn giữa các bộ tộc dẫn tới chiến tranh mở rộng bờ cõi, làm nổi uy danh cộng đồng.
b) Cuộc chiến giữa hai tù trưởng
- Thái độ của Đăm Săn và Mtao Mxây trước khi bắt đầu trận chiến:
+ Đăm Săn là người khiêu chiến: “Ta thách nhà ngươi đọ dao với ta đấy”, “ta sẽ lấy cái sàn hiên của nhà ngươi ta bổ đôi”, “lấy cầu thang…ta chẻ ra kéo lửa”, “ta hụn cái nhà của nhà ngươi”..
-> Cho thấy Đăm Săn là người thông minh, tự tin, đường hoàng, bản lĩnh và có khí phách.
+ Mtao Mxây: “tay ta đang còn bận ôm vợ hai chúng ta”, “ta sợ ngươi đâm ta khi ta đang đi lắm”.
-> Mtao Mxây là người dữ tợn nhưng sợ sệt, hèn nhát, do dự trước kẻ thù.
- Cuộc chiến giữa Đăm Săn và Mtao Mxây
+ Hiệp đấu thứ nhất:
• Mtao Mxây: Múa khiên như trò chơi, khiên kêu lạch xạch như quả mướp khô, chạy bước cao bước thấp, chạy hết từ bãi tây sang bãi đông, tự xem mình là tướng quen đánh trăm trận, quen xéo nát đất đai thiên hạ. Cho thấy Mtao Mxây kém cỏi nhưng huênh hoang, khoác lác.
• Đăm Săn: thách Mtao Mxây múa khiên trước, lúc Mtao Mxây múa khiên Đăm Săn không hề nhúc nhích. Lúc Đăm Săn múa “Một lầm xốc tới, chàng vượt qua đồi tranh. Một lần xôc tới nữa chàng vượt qua đồi lồ ô. Chạy vun vút qua phái đông, vun vút qua phía tây.”
+ Hiệp đấu thứ hai: Đăm Săn đớp được miếng trầu mà Mtao Mxây bảo Hơ Nhị quăng cho hắn, sức chàng như tăng lên gấp bội, múa khiên càng mạnh, càng nhanh, càng đẹp, “chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thác, gió như lốc…”. Đăm Săn múa khiên đuổi theo Mtao Mxây nhưng không đâm thủng y. Miếng trầu là phần thưởng cho Đăm Săn, là sức mạnh của cả cộng đồng, là tấm lòng thủy chung của vợ.
+ Hiệp đấu thứ ba: Nhờ Trời mách kế, Đăm Săn đuổi theo và đánh thắng được Mtao Mxây. Qua đó thấy được, ông Trời là hình ảnh tượng trưng cho công lí, sức mạnh trí tuệ của đấng tối cao, sự thiên vị rõ ràng đối với Đăm Săn và là lời khẳng định chính nghãi thuộc về chàng. Đồng thời, chi tiết ông Trời còn thể hiện mối quan hệ gần gũi, gắn bó mật thiết giữa con người với thần linh.
=> Với lối mô tả song hành, ngôn ngữ trang trọng, giàu hình ảnh; bút pháp phóng đại,… đã giúp chúng ta thấy Đăm Săn hơn hẳn Mtao Mxây cả về tài năng, sức lực, phong độ, phẩm chất. Sự chiến thắng của Đăm Săn làm nổi bật hình ảnh, tầm vóc của người anh hùng sử thi Đam Săn.
- Đăm Săn thuyết phục tôi tớ của Mtao Mxây, kêu gọi mọi người đi theo mình.
- Cuộc đối thoại giữa Đăm Săn và dân làng: Đăm Săn và dân làng đã đối đáp với nhau 3 lần và mỗi lần ấy đều có sự khác nhau. Qua mỗi lần, Đăm Săn đều để dân làng tự quyết định số phận của mình. Thể hiện lòng khoan dung, nhân hậu của chàng.
-> Những điều đó đã khiến tôi tớ của Mtao Mxây hoàn toàn bị thuyết phục và tự nguyện đi theo chàng. Thể hiện lòng mến phục, sự hưởng ứng tuyệt đối và lòng trung thành của mọi người dành cho Đăm Săn.
- Ý nghĩa cảnh mọi người nô nức theo Đăm Săn trở về:
+ Sự thống nhất cao độ giữa quyền lợi, khát vọng của cá nhân anh hùng với quyền lợi, khát vọng của tập thể cộng đồng.
+ Thể hiện lòng yêu mến, cảm phục của toàn thể cộng đồng đối với người anh hùng. Đó chính là ý chí thống nhất của toàn thể cộng đồng Ê-đê.
=> Sự ngưỡng mộ và tình cảm mến phục của nhân dân dành cho người anh hùng.
- Lời ra lệnh mở tiệc: sự tự hào, tự tin vì sức mạnh và sự giàu có của thị tộc mình.
- Ra lệnh đánh nhiều cồng chiêng: thể hiện niềm vui chiến thắng và sự giàu có, sung túc, trang trọng cùng vẻ đẹp tinh thần, vật chất của tù trưởng và của cả thị tộc.
- Quang cảnh nhà Đăm Săn: mở tiệc to, khách đông nghịt, tôi tớ chật ních cả nhà. Tác giả dân gian sử dụng nghệ thuật phóng đại, qua đó thể hiện sự tự hào về một bộ tộc giàu mạnh và sự đồng tâm, thống nhất của cả cộng đồng.
- Hình ảnh Đăm Săn: Nằm trên võng, tóc thả trên, uống không biết say, ăn không biết no, chuyện trò không biết chán, đôi mắt long lanh, bắp chân to bằng xà ngang…
-> Hình ảnh Đăm Săn trở thành trung tâm của bức tranh hoành tráng về cảnh chiến thắng. Hình ảnh Đăm Săn hiện lên đẹp một cách mạnh mẽ, oai hùng, có sự lớn lao cả về hình thể, tầm vóc lẫn chiến công. Qua đó cho thấy cái nhìn đầy ngưỡng mộ, mến phục, tự hào của nhân dân với người anh hùng của cộng đồng.
1. Nghệ thuật
- Ngôn ngữ của người kể biến hóa linh hoạt, hướng tới nhiều đối tượng; ngôn ngữ đối thoại được khai thác ở nhiều góc độ. Ngôn ngữ trang trọng, kết hợp ngôn ngữ kể, tả của người dẫn truyện và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, ngôn ngữ giàu âm thanh và hình ảnh.
- Nghệ thuật kể xem lẫn tả.
2. Nội dung
Đoạn trích khẳng định sức mạnh và ngợi ca vẻ đẹp của người anh hùng Đăm Săn - một người trọng danh dự, gắn bó với hạnh phúc gia đình và thiết tha với cuộc sống bình yên, phồn vinh của thị tộc, xứng đáng là người anh hùng mang tầm vóc sử thi của dân tộc Ê-đê thời cổ dại.