Đây là phiên bản do Dương Ngọc Nguyễn
đóng góp và sửa đổi vào 12 tháng 9 2021 lúc 10:41. Xem phiên bản hiện hành
Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khác"Khi nhắc đến bạo lực, bắt nạt học đường, nhiều người nói “đây là chuyện trẻ con”, “đi học ai chẳng thế”…
Nhưng nhiều vụ việc có hậu quả không thể khắc phục đã xảy ra như bị thương, mất mạng vì đánh nhau, trả thù. Cũng có những trường hợp không tổn thương thể xác, nhưng vết thương tinh thần vì từng bị bắt nạt vẫn còn cho đến khi trưởng thành, thậm chí đến hết cuộc đời.
Tháng 8 năm 2019, một người đàn ông 69 tuổi trong buổi họp lớp đã rút súng bắn chết một người bạn từng bắt nạt mình 53 năm trước. Nhiều người thả “haha” trong bài đăng về chuyện này, nhưng khi nghĩ đến việc mỗi lần say rượu, người đàn ông này đều nhắc đến chuyện từng bị bắt nạt, chắc hẳn sẽ còn ít người muốn cười. Và ở tuổi 69, ông ta vẫn yêu cầu người kia xin lỗi, sau đó nổ súng khi không nhận được lời xin lỗi đã chờ 53 năm.
Theo các nghiên cứu, 40% người trên 25 tuổi từng bị bắt nạt đều gặp phải dấu hiệu về tâm thần, 15% số người từng bị bắt nạt nghĩ đến chuyện trả thù khi lớn lên. Không chỉ vậy, 5% số người từng bị bắt nạt trở thành kẻ đi bắt nạt để thoả mãn những tổn thương tâm lý."
(Trung tâm tin tức VTV24)
Từ đoạn trích trên, hãy viết một bài văn ngắn bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề bạo lực học đường hiện nay.
BÀI LÀM (By me)
“Em yêu trường em, với bao bạn thân, và cô giáo hiền như yêu quê hương, cắp sách đến trường trong muôn vàn yêu thương...”
Mỗi khi đọc về nạn bạo lực học đường, tâm trí em cứ văng vẳng câu hát ấy vang lên từ một ngôi trường tiểu học. Thế đấy, “tuổi thần tiên” sớm đã được dạy thế nào là tình bạn, tình thầy trò để nuôi dưỡng tâm hồn nhân ái. Ấy vậy mà “trong muôn vàn yêu thương” nghe gần gũi ấy, lại là những thứ xa xỉ đối với những đứa trẻ đã và đang là nạn nhân của vụ bắt nạt, đánh hội đồng, “đánh ghen”.... Cùng với đó là tỉ lệ người bị trầm cảm, tự kỷ, thù hận... vì bạo lực học đường ngày càng gia tăng đã dấy lên hồi chuông cảnh báo cho tất cả mọi người, đặc biệt là các bậc phụ huynh và nhà trường: Bạo lực học đường hiện nay không đơn giản với mác “chuyện trẻ con”, “đi học ai chẳng thế”, mà là nỗi trăn trở của toàn xã hội!
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu đúng và đủ về bạo lực học đường. Bạo lực học đường là những hành vi, cử chỉ thô bạo, vi phạm đạo đức; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể của người khác trong phạm vi trường học. Bạo lực học đường bao gồm bạo lực thể xác (đánh đấm và các hình phạt thể chất của nhà trường đối với học sinh) và bạo lực tinh thần (buôn lời nói xúc phạm, bắt nạt, đe dọa bằng vũ khí, bạo lực tình dục). Nhưng dù là bạo lực dưới hình thức nào, thì nạn nhân đều bị “ăn mòn” tinh thần từng ngày, từng tháng, từng năm, thậm chí là cả đời. Vậy nạn nhân sẽ sống ra sao khi với công nghệ hiện đại ngày nay, chỉ cần một cú click chuột là clip bạo lực lập tức phát tán trên mạng xã hội, sau đó là cái nhìn của những người ngoài cuộc? Câu trả lời là một chuỗi bi kịch. Chính vì những lẽ đó, bạo lực học đường tuy mang danh “học đường”, nhưng lại làm hại đến cả một thế hệ, đến “uy tín” của ngành giáo dục và còn là thước đo trình độ văn hóa của một quốc gia.
Ở nước ta, theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, trong một năm học, cả nước có gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, tức 5 vụ/ngày. Tính riêng những tháng đầu năm 2019, toàn quốc đã có 310 vụ bạo lực học đường. Những con số quá nhức nhói và đau lòng! Những ngày qua, dư luận chưa hết phẫn nộ vì vụ một nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị năm nữ sinh khác lột đồ, đánh đấm dã man ngay tại lớp học thì lại một phen bàng hoàng vì cũng bối cảnh lớp học, một nữ sinh lớp 10 bị bạn bè xé áo quần ở Quảng Ninh, thậm chí có sự góp tay của nam sinh. Điều đáng nói là sự việc xảy ra trước sự chứng kiến của nhiều người mà tuyệt nhiên không một ai can ngăn, ngược lại họ còn dửng dưng quay clip và đăng lên mạng, như thể họ muốn san sẻ với tất cả mọi người niềm vui khi thường thức một “trò diễn xiếc người”. Nạn bạo lực học đường chưa bao giờ “nóng sốt” trong xã hội cả mạng xã hội như hiện nay. Than ôi! Những tuổi đời còn rất trẻ mà một bên thật đáng trách khi “máu mặt” không kém gì những gã giang hồ, một bên thật đáng thương khi phải mang trong mình nỗi ám ảnh không thể nào quên!
Bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với nhau, mà còn có thể là giữa học sinh với giáo viên. Không hiếm hoi cho những vụ học sinh chém giáo viên chỉ vì những lý do nhỏ nhặt như bị nhắc nhở về việc học hành, bị mời phụ huynh... Điển hình là vụ học sinh lớp 8 chém thầy giáo bị trọng thương tại Nghệ An vào năm 2016. Hay ngược lại là giáo viên bạo lực với học sinh cũng gây chấn động không kém, như vụ giáo viên trường tiểu học An Đồng (Hải Phòng) xử phạt học sinh bằng cách bắt uống nước giẻ lau bảng trong năm 2018. Hành động phi đạo đức ấy do giáo viên gây ra, làm sao làm gương cho học sinh? Làm ơn đừng bóp méo hai chữ “thầy trò” vì những thứ vô nghĩa này!
Vậy nguyên nhân do đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, chẳng hạn như vì mối tình tay ba mà nữ sinh không ngại từ bỏ hình tượng trong sáng của áo dài để “xù lông” như muốn “ăn thịt” đồng loại; hay thậm chí chỉ vì nghi nhìn “đểu” mà nam sinh sẵn sàng đâm chết bạn học... Nhưng nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức và sự phát triển chưa toàn diện của học sinh. Ở lứa tuồi “nổi loạn” này, nhiều bạn thích dùng bạo lực để thể hiện mình. Chính sự phát triển chưa toàn diện đã “mòi” cho tính ngông, tính háo thắng bùng nổ đỉnh điểm trong các vụ bạo lực. Ngoài ra còn do ý thức kém của một số giáo viên trong việc dạy trẻ. Song, để trở thành một vấn nạn thì bạo lực học đường còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan khác. Đó là sự thiếu quan tâm của gia đình và sự thiếu trách nhiệm của nhà trường đối với trẻ. Ở độ tuổi học sinh, trẻ cần rất nhiều sự quan tâm, yêu thương, dạy dỗ từ người thân và nhà trường để từng bước trưởng thành trong suy nghĩ, từ đó có những hành động biết suy nghĩ hơn và trẻ cũng kiểm soát được hành vi của mình. Một lời nói dịu dàng, một cái vuốt ve âu yếm cũng có thể cảm hóa được chúa sơn lâm cơ mà!
Tuy bạo lực học đường diễn ra trong một thời gian nhất định nhưng để lại nhiều hậu quả lâu dài. Trung tâm tin tức VTV24 cho hay:“Theo các nghiên cứu, 40% người trên 25 tuổi từng bị bắt nạt đều gặp phải dấu hiệu về tâm thần, 15% số người từng bị bắt nạt nghĩ đến chuyện trả thù khi lớn lên. Không chỉ vậy, 5% số người từng bị bắt nạt trở thành kẻ đi bắt nạt để thoả mãn những tổn thương tâm lý\". Dù là hai mươi hay ba mươi tuổi, tâm lý của nạn nhân vẫn không thể coi như chưa từng có vụ bạo lực nào xảy ra. Cho đến già, họ cũng có thể còn nung nấu ý định trả thù. Nguy hiểm hơn khi con người ta lại trả thù bằng cách trút hết quá khứ đau đớn của mình lên người khác, đó cũng là cách mà bạo lực học đường “truyền cảm hứng”, và thậm chí có thể băng hoại cả một thế hệ trẻ. Đấy, phía sau những cú “boxing” mãn nhãn của kẻ bắt nạt là nỗi đau dai dẳng như con mọt gậm nhấm từng ngày của người bị bắt nạt và gia đình. Vết thương tinh thần còn đau gấp vạn lần vết thương thể xác, không gì bù đắp được. Vậy nên những kẻ bạo lực “thể hiện” trình độ văn hóa thấp kém ấy chính là những con sâu làm băng hoại giá trị đạo đức con người, làm “sầu” cả ngành giáo dục và đất nước. Bạo lực học đường ngay cần phải được ngăn chặn ngay hôm nay!
Chúng ta không thể tiêu diệt triệt để nhưng chúng ta có thể làm thuyên giảm vấn nạn này bằng nhiều biện pháp. Tuổi học trò ngây ngô cần được truyền tải yêu thương nhiều hơn để chúng lan tỏa đến bạn bè, vì thế các bậc phụ huynh hãy thực sự quan tâm, lắng nghe, chú ý đến những biểu hiện khác thường của trẻ. Và “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, hãy trang bị cho trẻ những kỹ năng phòng chống bạo lực học đường nhé! Nhà trường cũng cần phải quản lý chặt chẽ hơn, xử lý nghiêm những hành vi bắt nạt, bạo lực và tổ chức các cuộc thi tuyên truyền phòng - chống bạo lực học đường. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đưa ra những mức phạt “xứng đáng” với đối tượng bạo lực và ra sức tuyên truyền phòng - chống bạo lực học đường qua báo, đài... để tất cả mọi người đều có kiến thức về vấn nạn này, từ đó nói không với bạo lực học đường!
Mỗi khi nhìn thấy vụ bạo lực học đường là có lẽ chúng ta bớt đi niềm tin vào môi trường giáo dục. Rồi bỗng dưng tự vấn: Có nên cho con trẻ đến trường? Nhưng mà bạn ơi, suy cho cùng chúng ta nên người cũng là nhờ công ơn to lớn của thầy cô, vậy thì chúng ta không thể “quơ đũa cả nắm” được. Thay vào đó hãy góp phần ngăn chặn nạn bạo lực học đường từ những hành động nhỏ như nhắc nhở, can ngăn những cuộc xích mích, tố cáo những hành vi bạo lực với chính quyền địa phương... Còn riêng em, em sẽ học tập thật tốt để giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc - yêu thương, đoàn kết, tương thân tương ái!