Bài 4. Dân cư và dân tộc ở Việt Nam

Nội dung lý thuyết

1. Dân cư

Bảng số dân các quốc gia khu vực Đông Nam Á năm 2021

- Việt Nam là quốc gia đông dân. Năm 2021, số dân của nước ta đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới.

Biểu đồ số dân Việt Nam qua các năm

a. Gia tăng dân số

- Dân số Việt Nam tăng nhanh, trung bình mỗi năm tăng thêm khoảng 1 triệu người. Những năm gần đây, tốc độ tăng dân số đã giảm hơn so với trước.

- Dân số tăng nhanh tạo ra nguồn lao động dồi dào, tuy nhiên cũng gây nhiều hậu quả như: suy giảm tài nguyên, gia tăng ô nhiễm môi trường, gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân (giải quyết việc làm, nhà ở, cơ hội giáo dục, chăm sóc y tế,...).

Ùn tắc giao thông ở đô thị

b. Phân bố dân cư

- Dân cư Việt Nam phân bố chưa hợp lí. Ở đồng bằng và ven biển, dân cư tập trung đông đúc; ở miền núi, dân cư thưa thớt. Phân bố dân cư nước ta còn có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Ở thành thị có mật độ dân số cao hơn ở nông thôn.

- Sự phân bố dân cư chưa hợp lí gây khó khăn cho việc khai thác tài nguyên và sử dụng nguồn lao động. Nhà nước đã và đang có sự điều chỉnh phân bố dân cư giữa các khu vực.

2. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam

a. Các dân tộc

- Việt Nam có 54 dân tộc như: Kinh, Tày, Thái, Gia Rai, Ê Đê, Chăm, Hoa,...; trong đó dân tộc Kinh có số dân đông nhất. Mỗi dân tộc có nét văn hoá riêng, thể hiện trong ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán,... tạo nên tính đa dạng, giàu bản sắc của văn hoá Việt Nam.

b. Tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam

- Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, các dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cho đến nay, đã có nhiều câu chuyện cảm động về tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được ghi lại.