Bài 15: Sinh quyển, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của sinh vật

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. SINH QUYỂN

1. Khái niệm và giới hạn của sinh quyển

- Khái niệm: là một trong những quyển của lớp vỏ Trái Đất. Thành phần cấu trúc và năng lượng được xác định bởi hoạt động của cơ thể sống.

- Giới hạn bao gồm: phần thấp của khí quyển, toàn bộ thuỷ quyển và phần trên của thạch quyển.

- Sinh vật phân bố không đều trong toàn bộ bề dày của sinh quyển mà thường tập trung với mật độ cao nhất ở nơi có thực vật sinh sống.

giới hạn của sinh quyển

2. Đặc điểm của sinh quyển

- Khối lượng vật chất trong sinh quyển nhỏ hơn nhiều so với khối lượng vật chất của các quyển khác.

- Sinh quyển có đặc tính tích luỹ năng lượng nhờ khả năng tổng hợp chất hữu cơ từ chất vô cơ.

- Sinh vật tham gia tích cực vào các vòng tuần hoàn vật chất rất quan trọng đối với sự sống.

II. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ CỦA SINH VẬT

1. Khí hậu và nguồn nước

- Ánh sáng: ảnh hưởng tới sự trao đổi chất và năng lượng cùng nhiều hoạt động sinh lí của cơ thể sống.

- Nhiệt độ: mỗi loài thích nghi với một giới hạn nhiệt nhất định. Nhiệt độ còn quyết định đến sự phân bố các loài.

- Nước và độ ẩm không khí: nước là thành phần tham gia vào hầu hết các hoạt động sống của sinh vật, là môi trường sống của nhiều loài sinh vật. Nhu cầu về nước và độ ẩm không khí của các loài sinh vật không giống nhau.

2. Đất

- Đất là giá thể cho cây, cung cấp nước, chất khoáng, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Nhiều sinh vật có môi trường sống trong đất, ở trong đất để tránh các điều kiện không thuận lợi. Độ phì của đất ảnh hưởng lớn tới sự phát triển và phân bố của sinh vật.

3. Địa hình

- Các kiểu thảm thực vật thay đổi theo độ cao, càng lên cao các loài cây chịu lạnh càng nhiều, các loài cây gỗ lớn càng thưa.

- Hướng sườn và độ dốc khác nhau gây sự khác biệt về nhiệt, ẩm và chế độ chiếu sáng, ảnh hưởng tới độ cao xuất hiện và kết thúc của các vành đai thực vật.

4. Sinh vật

- Các sinh vật cùng sống trong môi trường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau thể hiện qua chuỗi thức ăn – lưới thức ăn và nơi cư trú (động vật ăn thực vật cũng là thức ăn của động vật ăn thịt).

- Sinh vật chết đi sẽ được sinh vật phân huỷ trở thành vật chất hữu cơ cung cấp trả lại cho đất.

5. Con người

- Con người thể tạo nên các giống loài mới, mở rộng phạm vi phân bố của các loài.

- Con người làm thu hẹp nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật do hoạt động khai thác không hợp lí.