Bài 15 : Nước Âu Lạc (tiếp theo)

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Thành Cổ Loa và lực lượng quốc phòng 

Để tăng cường phòng thủ và bảo vệ  kinh đô mới, An Dương Vương đã cho xây dựng thành Cổ Loa kiên cố, xây dựng quân đội mạnh, trang bị vũ khí nhiều loại.

* Cấu trúc:

    + Theo sử cũ, thành rộng hơn nghìn trượng như hình trôn ốc nên gọi là Loa thành.

    + Thành có 3 vòng khép kín, tổng chiều dài chu vi 16.000m

    + Chiều cao: 5 – 10m.

    + Mặt trành rộng trung bình 10m.

    + Chân thành rộng từ 10 – 20m

    + Các thành đều có hào nước (rộng từ 10 – 30m) bao quanh, các hào thông với nhau vừa nối với Đầm Cả, vừa nối với Sông Hoàng, có thể ra Sông Hồng.

    + Bên trong thành nội là nơi ở và làm việc của vua và các Lạc hầu, Lạc tướng.

Sơ đồ thành Cổ Loa
Sơ đồ thành Cổ Loa
thành trung
Một đoạn thành Trung trong quần thể thành Cổ Loa

 

 

*Nhận xét:

 - Thành Cổ Loa là một công trình kiến trúc to lớn, độc đáo và sáng tạo xây dựng cách đây hơn 2000 năm.

 - Là một căn cứ  quân sự lợi hại, một vị trí phòng thủ kiên cố.

 - Thể hiện trình độ phát triển cao của nước Âu Lạc, là biểu tượng của nền văn minh Việt cổ.

2. Sự sụp đổ của nhà nước Âu Lạc:

 - Năm 207 TCN Triệu Đà đem quân xâm lược Âu Lạc. Quân dân Âu Lạc với vũ khí tốt, tinh thần chiến đấu dũng cảm, có thành Cổ Loa kiên cố, có quân đội mạnh, có tướng giỏi nên đã đánh bại được  quân Triệu Đà, giữ vững được độc lập.

 -Năm 179 TCN sau khi chia rẽ trong nội bộ nhà nước Âu Lạc (tướng giỏi  như Cao Lỗ, Nồi Hầu phải bỏ về quê), Triệu Đà dùng mưu tấn công và chiếm được Âu Lạc. Âu Lạc rơi vào ách đô hộ của nhà Triệu.

* Nguyên nhân thất bại:

- Triệu Đà dùng mọi thủ đoạn: chia rẽ nội bộ, ly gián… dẫn đến việc An Dương Vương mất tướng giỏi.

- An Dương Vương chủ quan, mất cảnh giác.

- Các bí mật quân sự về thành Cổ Loa bị Triệu Đà nắm bắt được.

* Bài học kinh nghiệm:

 - Phải tuyệt đối cảnh giác.

 - Vua phải tin tưởng trung thần.

-  Phải dựa vào dân để đánh giắc, bảo vệ đất nước.

Đền thờ An Dương Vương tại thành Cổ Loa
Đền thờ An Dương Vương tại thành Cổ Loa
Tên đồng
Mũi tên đồng và nỏ thành Cổ Loa

* HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Để tăng cường phòng thủ bảo vệ kinh đô Cổ Loa, An Dương Vương đã làm gì ?

Trả lời:

Để tăng cường phòng thủ bảo vệ kinh đô Cổ Loa, An Dương Vương đã cho xây dựng ở Phong Khê một khu thành kiên cố, xây dựng lực lượng quân đội lớn, gồm bộ binh và thủy binh được trang bị nhiều loại vũ khí, đặc biệt là nỏ.

2. Vì sao thành có tên gọi là Cổ Loa ?

Trả lời :

Thành được xây theo hình xoáy trôn ốc nên gọi là Loa Thành (hay thành Cổ Loa).

3. Em hãy mô tả thành Cổ Loa ?

Trả lời :

- An Dương Vương cho xây dựng ở Phong Khê một khu thành đất lớn mà người sau gọi là Loa Thành hay thành Cổ Loa. "Thành rộng hơn nghìn trượng như hình trôn ốc nên gọi là Loa Thành".

- Thàng có 3 vòng khép kín với tổng chiều dài chu vi khoảng 16.000, chiều cao của thành khoảng 5-10m, mặt thành rộng trung bình 10m, chân thành rộng từ 10-20m. Các thành đều có hào bao quanh, rộng từ 10-30m. Các hào thông nhau, vừa nối với một đầm lớn (Đầm cả) ở giữa thành Trung và thành Ngoại, vừa nối với sông Hoàng. Bên trong thành Nội là những khu nhà ở và làm việc của gia đình An Dương Vương và các Lạc hầu, Lạc tướng.

- Cổ Loa còn là một khu thành quân sự, phục vụ chiến đấu. Ở đây có một lực lượng quân đội lớn gồm bộ binh và thủy binh được trang bị các vũ khí bằng đồng như giáo, rìu chiến, dao găm và đặc biệt là nỏ. Đầm cả là nơi tập trung các thuyền chiến vừa luyện tập, vừa sẵn sàng chiến đấu.

4. Vì sao Cổ Loa được xem là một quân thành ?

Trả lời :

Cổ Loa được xem là một quân thành vì : ở đây có một lực lượng quân đội lớn gồm  bộ binh và thủy binh được trang bị các vũ khí bằng đồng như giáo, rìu chiến, dao găm và đặc biệt là nỏ. Việc bố trí trong thành là một căn cứ lợi hại, là một vị trí phòng thủ kiên cố, bảo vệ được sự tấn công từ bên ngoài vào.

5. Em có nhận xét gì về việc xây dựng công trình thàng Cổ Loa vào thế kỉ III TCN ở nước Âu Lạc ?

Trả lời :

Việc xây dựng công trình thàng Cổ Loa vào thế kỉ III TCN đã thể hiện trình độ phát triển của nước Âu Lạc. Cách bố trí thành Cổ Loa đã thể hiện trí tài giỏi của con người thời đó. Đây là một biểu tượng của nền Văn minh Việt Cổ rất đáng tự hào của dân tộc ta.

6. Nêu những điểm giống nhau và khác nhau của nhà nước Văn Lang và nhà nước Âu Lạc ?

Trả lời :

- Giống nhau về tổ chức nhà nước :

  + Là tổ chức bộ máy nhà nước đầu tiên, còn sơ khai, đơn giản, vua có quyền quyết định tối cao

  + Giúp vua cai trị là các Lạc Hầu, Lạc Tương. Lạc Tướng đứng đầu các bộ; Bồ chính đứng đầu các chiền, chạ

- Khác nhau :

  + Nước Văn Lang đóng đô ở vùng trung du : Bạch Hạc (Phú Thọ) 

  + Nước Âu Lạc đóng đô ở vùng đồng bằng : Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội)

  + Nhà nước Âu Lạc phát triển hơn, có thành Cổ Loa vừa là kinh đô, trung tâm chính trị, kinh tế, vừa là công trình quân sự độc đáo bảo vệ an ninh quốc gia, thể hiện trình độ phát triển cao hơn.

  + Vua An Dương Vương có quyền lực cao hơn vua Hùng, có quân đội mạnh được trang bị đầy đủ, đặc biệt là "nỏ thần"

7. Nhà nước Âu Lạc sụp đổ trong hoàn cảnh nào ?

Trả lời :

- Năm 207 TCN, Triệu Đà đem quân đánh Âu Lạc nhưng không thể đánh bại được quân ta.

- Năm 179 TCN, sau khi dùng mưu kế chia rẽ nội bộ nhà nước Âu Lạc, Triệu Đà sai quân đánh Âu Lạc. Do An Dương Vương không đề phòng, lại bị mất tướng giỏi nên thất bại nhanh chóng. Nhà nước Âu Lạc sụp đổ.

8. Vì sao quân Triệu bị quân Âu Lạc đánh bại ?

Trả lời :

- Do tinh thần đoàn kết chiến đấu dũng cảm

- Do có vũ khí tốt

- Chủ động đánh giặc

9. Theo em truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy nói lên điều gì ?

Trả lời :

Truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy chỉ là một cách đơn giản hóa sự thực về âm mưu cướp Âu Lạc của Triệu Đà, đó là :

- Không đánh được thì dùng mưu kế

- Tìm hiểu sức mạnh của Âu Lạc

10. Sự thất bại của An Dương Vương để lại cho chúng ta bài học gì ?

Trả lời :

Sự thất bại của An Dương Vương để lại cho đời sau bài học là không được chủ quan, phải cảnh giác trước mọi âm mưu của kẻ thù. Đây là bài học lớn về chống giặc ngoại xâm của lịch sử dân tộc.

11. Em hãy đọc bốn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu nói về bài học rút ra từ thất bại của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Triệu Đà ?

Trả lời :

"Tôi kể người nghe truyện Mỵ Châu

Trái tim nhầm chỗ để trên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu"

12. Dựa vào tư liệu và truyền thuyết, em hãy trình bày nguyên nhân thất bại của An Dương Vương trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm Triệu Đà ?

Trả lời :

- Do Triệu Đà dùng quỷ kế, chia rẽ nội bộ nước ta.

- Do An Dương Vương chủ quan mất cảnh giác, quá tự tin vào lực lượng của mình nên đã mắc mưu kế, nội bộ không còn thống nhất để cùng nhau chống giặc. Đất nước rơi vào thời kì đen tối kéo dài hơn 1000 năm.