Bài 15: Đặc điểm tự nhiên, môi trường và tài nguyên vùng biển đảo Việt Nam

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Đặc điểm tự nhiên vùng biển đảo 

a) Địa hình

- Địa hình ven biển nước ta rất đa dạng, bao gồm các dạng bờ biển bồi tụ, bờ biển mài mòn, vịnh cửa sông, bãi cát phẳng, đầm, phá, đảo ven bờ,... 

- Địa hình thềm lục địa có sự tiếp nối với địa hình trên đất liền. 

- Việt Nam có nhiều đảo và quần đảo, trong đó có hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa (thuộc thành phố Đà Nẵng) và Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hoà). 

- Ba đảo lớn nhất nước ta (diện tích trên 100 km2) là đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Cát Bà (Hải Phòng) và Cái Bầu (Quảng Ninh), còn lại chủ yếu là đảo nhỏ. 

- Các đảo và quần đảo của nước ta đóng vai trò rất quan trọng về kinh tế – chính trị và an ninh quốc phòng.

b) Khí hậu

- Khí hậu vùng biển nước ta có tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa. 

- Nhiệt độ không khí trung bình năm khá cao, khoảng 26°C và có sự phân hoá theo chiều bắc – nam, có xu hướng tăng dần từ vùng biển phía bắc xuống vùng biển phía nam.

- Lượng mưa trung bình trên biển từ 1 100 đến 1 300 mm/năm, thấp hơn lượng mưa trung bình trên đất liền của nước ta.

- Gió trên Biển Đông có vai trò quan trọng trong việc hình thành dòng biển theo mùa và sóng trên biển. Gió trên biển mạnh hơn trên đất liền rõ rệt. Tốc độ gió trung bình đạt 5 – 6 m/s và cực đại tới 50 m/s.

c) Đặc điểm hải văn

- Hoạt động của gió mùa đã hình thành các dòng biển bao gồm dòng biển lạnh theo gió mùa đông và dòng biển nóng theo gió mùa hạ.

- Gió mùa cũng là nguyên nhân chủ yếu tạo nên sóng trên Biển Đông, trong đó sóng vào mùa đông thường mạnh hơn mùa hạ.

- Vùng biển ven bờ nước ta có nhiều chế độ thuỷ triều khác nhau. 

Đặc điểm hải văn

2. Môi trường biển đảo Việt Nam 

a) Đặc điểm môi trường biển đảo Việt Nam

- Môi trường biển là một bộ phận quan trọng trong môi trường sống của chúng ta. 

- Môi trường biển ở nước ta bao gồm: các yếu tố tự nhiên và các yếu tố vật chất nhân tạo.

+ Môi trường nước biển: chất lượng nước biển tương đối ổn định và ít biến động qua các năm.

+ Môi trường bờ biển, bãi biển: vùng bờ biển nước ta có nhiều dạng địa hình, đa dạng sinh học cao.

+ Môi trường các đảo, cụm đảo: phần lớn các chỉ số môi trường nằm trong giới hạn cho phép.

- Tuy nhiên, trong những năm qua, sự gia tăng các nguồn thải từ đất liền dẫn đến môi trường biển nhiều nơi đang có xu hướng suy giảm về chất lượng. Vì thế, bảo vệ và cải thiện môi trường biển chính là điều kiện cấp thiết đảm bảo cho sự phát triển kinh tế biển của nước ta.

b) Vấn đề bảo vệ môi trường biển đảo Việt Nam

- Tham gia vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về bảo vệ môi trường biển, đảo.

- Thường xuyên và tích cực tham gia các hoạt động làm sạch bờ biển, làm đẹp cảnh quan, môi trường biển đảo, tổ chức trồng cây và bảo vệ, chăm sóc cây.

- Tích cực tham gia vào các hoạt động khắc phục và làm giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai gây ra tại địa phương. 

- Tổ chức học tập và thực hành các kĩ năng sống thích ứng với những thay đổi của tự nhiên vùng biển đảo,...

3. Tài nguyên biển và thềm lục địa 

a) Tài nguyên sinh vật

- Tài nguyên sinh vật vùng biển nước ta rất phong phú và đa dạng. 

+ Về thực vật, nước ta có diện tích rừng ngập mặn đứng thứ hai thế giới.

+ Về động vật, biển nước ta có hơn 2.000 loài cá, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế như: cá nục, cá trích, cá thu, cá chuồn,...

b) Tài nguyên khoáng sản

- Dầu mỏ và khí tự nhiên

+ Vùng biển nước ta có nguồn tài nguyên dầu khí phong phú với trữ lượng ước tính khoảng vài tỉ tấn dầu và hàng trăm tỉ m3 khí.

+ Nước ta đã thăm dò ở vùng thềm lục địa có 8 bể trầm tích gồm: Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Ma Lay – Thổ Chu, Tư Chính – Vũng Mây, Hoàng Sa và nhóm bể Trường Sa, với diện tích gần 1 triệu km2.

- Muối

+ Nước ta có đường bờ biển dài, biển có độ muối trung bình cao, kết hợp nền nhiệt độ cao và nhiều nắng nên có điều kiện thuận lợi để sản xuất muối. 

+ Những cánh đồng muối lớn phân bố chủ yếu ở một số tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ của nước ta như: Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Ninh Thuận,...

- Một số tài nguyên khoáng sản khác

+ Titan là một trong những vật liệu quan trọng của kĩ thuật mới. 

+ Ở Việt Nam, quặng titan có nhiều trong sa khoáng ven biển miền Trung, tập trung nhiều ở khu vực ven biển Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu.

- Vùng ven biển nước ta còn có tiềm năng lớn về cát thuỷ tinh. 

- Ngoài ra, vùng Biển Đông Việt Nam còn có phốt pho ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; băng cháy, đồng, chì, kẽm,... phân bố ở đáy biển hoặc nằm trong lòng đất dưới đáy biển.

Muối - tài nguyên biển

c) Tài nguyên du lịch

- Dọc bờ biển nước ta có khoảng hơn 120 bãi biển, bãi cát bằng phẳng, độ dốc trung bình phù hợp cho hoạt động du lịch, có nhiều bãi tắm đẹp, đặc biệt là dải bờ biển từ Đại Lãnh (Khánh Hoà) cho đến Phan Thiết (Bình Thuận).

- Các đảo và quần đảo của nước ta cũng có giá trị du lịch rất lớn: vịnh Hạ Long; đảo Phú Quốc;… đang thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước.

d) Các tài nguyên khác ở vùng biển và thềm lục địa Việt Nam

- Nước ta nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, gió thổi thường xuyên với tốc độ trung bình ở nhiều nơi đạt trên 6 m/s, có nơi trên 10 m/s (vùng biển phía nam). Chính vì vậy, tiềm năng và triển vọng năng lượng điện gió ở nước ta là rất lớn.

- Nước ta còn có nguồn năng lượng thuỷ triều ổn định. 

- Ngoài ra, dọc theo bờ biển nước ta có nhiều khu vực nước sâu, thuận lợi để xây dựng cảng biển, nhất là các cảng nước sâu như: Cái Lân (Quảng Ninh), Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Dung Quất (Quảng Ngãi),...

Tài nguyên du lịch