Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácEm hãy đọc thông tin dưới đây và trả lời câu hỏi:
Thông tin: Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh) là nơi cưu mang trẻ nhiễm chất độc màu da cam, trẻ bị bỏ rơi, với đủ mọi lứa tuổi. Có khoảng 2/3 số trẻ bị bố mẹ bỏ rơi từ lúc nhỏ. Giờ đây, trong lòng các em không còn chỗ của hận thù mà chỉ tràn ngập tình thương yêu nhờ sự quan tâm, chăm sóc của các em “mẹ” trong làng. Một số em đã vượt lên số phận và thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng như Đại học sư phạm, Đại học Kiến trúc thành phố HCM...
1. Hoạt động của làng Hòa Bình đã thực hiện quyền nào của trẻ em?
2. Hoạt động trên có ý nghĩa gì?
*Hướng dẫn trả lời câu hỏi:
1. Hoạt động của làng Hòa Bình đã thực hiện quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ của trẻ em.
2. Hoạt động trên có ý nghĩa: thể hiện lòng yêu thương của cộng đồng dành cho trẻ em, nhờ tình yêu thương của các mẹ trong làng trẻ đã bù đắp lại những đau thương, mất mát mà trẻ em phải gánh chịu. Những đứa trẻ được cưu mang tại làng trẻ coi làng là gia đình, là ngôi nhà thân yêu của chúng, nơi đã sưởi ấm trái tim chúng như cha mẹ ruột thịt.
Đọc thông tin sau và trả lời câu hỏi:
Thông tin:
Trích khoản 1 Điều 37 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013
1. Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Trích khoản 3, 5, 6 Điều 47 Luật trẻ em năm 2016
3. Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Việc bảo vệ trẻ em phải tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
5. Bố mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em phải được cung cấp thông tin, được tham gia ý kiến với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc ra quyết định can thiệp, hỗ trợ để bảo vệ trẻ em.
6. Coi trọng phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; kịp thời can thiệp, giải quyết để giảm thiểu hậu quả; tích cực hỗ trợ để phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Trích Khoản 1 Điều 51 Luật trẻ em năm 2016
1. Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc bột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền.
Điều 105 Luật trẻ em năm 2016
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lí kỉ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
*Câu hỏi:
1. Theo quy định của pháp luật, những chủ thể nào có trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em?
2. Hãy kể ra một số việc làm thể hiện trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội và công dân trong việc thực hiện quyền trẻ em.
3. Theo em, những hành vi xâm phạm quyền trẻ em bị xử lí như thế nào?
*Hướng dẫn trả lời câu hỏi
1. Theo quy định của pháp luật, những chủ thể có trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em gồm: cơ qua, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em.
2. Một số việc làm thể hiện trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội và công dân trong việc thực hiện quyền trẻ em:
- Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
- Tạo điều kiện cho các em được đến trường; mở viện mồ côi; ưu tiên khám chữa bệnh cho trẻ em
3. Theo em, những hành vi xâm phạm quyền trẻ em bị xử lý: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lí kỉ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Em hãy đọc các tình huống dưới đây và trả lời câu hỏi:
Tình huống 1: Thắm có một tủ sách rất quý. Mùa hè vừa qua, Thắm được thưởng khá nhiều sách mới. Nhân dịp trường Thắm có phong trào tặng sách cho các bạn vùng sâu vùng xa, Thắm mang một ít sách tặng các bạn. Chị của Thắm không đồng ý với Thắm.
1. Theo em, Thắm có quyền tặng sách cho các vùng sâu vùng xa không? Tại sao?
2. Chị của Thắm có quyền ngăn cản việc làm của Thắm không? Vì sao?
Tình huống 2: Thời gian gần đây, bố mẹ thường xuyên tranh luận bàn về việc học tập của Hùng dù em luôn ở trong các nhóm học tốt nhất lớp. Nguyên nhân do bố Hùng muốn em tham gia học thêm đủ các ngày trong tuần để thi vào trường Trung học phổ thông chuyên của tỉnh. Song, mẹ Hùng lại muốn dành thời gian để Hùng tham gia các hoạt động ngoại khóa. Biết chuyện, ông nội của Hùng đã khuyên bố Hùng nên dành cho bạn thời gian để vui chơi, giải trí vì đây cũng là quyền của trẻ em.
Theo em, trong gia đình Hùng, ai thực hiện tốt quyền trẻ em? Vì sao?
Tình huống 3: Em Hải mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được vợ chồng bà Mùi – chủ một quán ăn nhận nuôi. Mới học hết tiểu học nhưng Hải đã phải nghỉ học để phụ giúp việc trong quán. Suốt 3 năm, Hải phải làm việc quần quật, thường xuyên bị hành hạ. Một bác hàng xóm biết được sự việc trình báo công an, sau đó vợ chồng bà Mùi bị bắt giữ và xét xử theo pháp luật. Còn Hải được nhận vào học tiếp ở một trung tâm giáo dục thường xuyên. Ngoài học văn hóa, Hải còn được học nghề.
1. Vợ chồng, bà Mùi vi phạm những quyền trẻ em nào?
2. Theo em, nhà trường và xã hội có trách nhiệm như thế nào trong việc thực hiện quyền trẻ em?
Gợi ý trả lời câu hỏi
Tình huống 1:
1. Theo em, Thắm có quyền tặng sách cho các bạn vùng sâu vùng xa. Vì đó là những quyển sách thuộc quyền sở hữu của Thắm và Thắm đang chia sẻ sự yêu thương đến các bạn trẻ thiệt thòi hơn mình.
2. Chị của Thắm không quyền ngăn cản việc làm của thắm. Vì thắm đang thực hiện bổn phận chia sẻ giúp đỡ với các bạn khó khăn, đây là việc làm đáng được tuyên dương và khen ngợi.
Tình huống 2: Theo em, trong gia đình Hùng ông nội thực hiện tốt quyền trẻ em. Vì ông tạo điều kiện cho Hùng đươc thoái mái tự do vui chơi sau những ngày học mệt mỏi, như vậy Hùng mới có cơ hội để khám phá và phát triển toàn diện hơn.
Tình huống 3:
1. Vợ chồng bà Mùi vi phạm những quyền trẻ em: quyền được học tập, quyền tự do, quyền bảo vệ và chăm sóc. và quyền được vui chơi.
2. Theo em, nhà trường và xã hội có trách nhiệm tạo mọi điều kiện tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của trẻ em, có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bồi dưỡng trẻ em trở thành công dân có ích cho đất nước.