Bài 1: Cách mạng tư sản ở châu Âu và Bắc Mỹ

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Khái quát về cách mạng tư sản (thế kỉ XVI – XVIII)

- Nguyên nhân bùng nổ cách mạng tư sản (thế kỉ XVI - XVIII):

+ Sau các cuộc phát kiến địa lí (thế kỉ XV − XVI), phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở châu Âu ra đời và phát triển cùng với lực lượng xã hội mới – giai cấp tư sản. 

+ Bị chế độ phong kiến cản trở, giai cấp tư sản đấu tranh nhằm gạt bỏ rào cản của chế độ phong kiến, đòi quyền tự do, dân chủ dưới nhiều hình thức, nhưng không thành công.

=>Từ giữa thế kỉ XVI, cách mạng tư sản bùng nổ và từng bước giành được thắng lợi ở nhiều nước châu Âu và Bắc Mỹ.

II. Một số cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu

1. Cách mạng tư sản Anh

a) Nguyên nhân bùng nổ

- Đầu thế kỉ XVII, Anh là nước có nền kinh tế phát triển nhất châu Âu. 

- Giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc mới có thế lực về kinh tế nhưng không có thực quyền về chính trị, bị phong kiến chèn ép. Nền thống trị của vua Sác-lơ I dựa vào các địa chủ lớn và Giáo hội đã cản trở kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Anh phát triển.

- Mâu thuẫn giữa tư sản và quý tộc mới với chế độ phong kiến ngày càng sâu sắc. 

- Đầu năm 1642, nhà vua chạy lên phía bắc Luân Đôn, tập hợp lực lượng chống lại Quốc hội. Tháng 8-1642, cách mạng bùng nổ. 

b) Kết quả, tính chất, đặc điểm và ý nghĩa

- Kết quả: Cách mạng tư sản Anh kết thúc thắng lợi. Chế độ phong kiến chuyên chế bị lật đổ, chế độ quân chủ lập hiến được thiết lập đã hạn chế quyền lực của nhà vua.

- Tính chất: Cách mạng tư sản Anh là cuộc cách mạng tư sản không triệt để vì không xoá bỏ hoàn toàn chế độ phong kiến, không giải quyết được vấn đề ruộng đất cho nông dân,...

- Đặc điểm: Diễn ra dưới hình thức một cuộc nội chiến, do giai cấp tư sản liên minh với quý tộc mới lãnh đạo. 

- Ý nghĩa: Thắng lợi của Cách mạng tư sản Anh là thắng lợi của chế độ xã hội mới – chế độ tư bản chủ nghĩa đối với chế độ phong kiến. Cuộc cách mạng đã mở đường cho chủ nghĩa tư bản ở Anh phát triển mạnh mẽ, đồng thời cổ vũ nhân dân các nước Âu – Mỹ đứng lên làm cách mạng.

2. Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ

a) Nguyên nhân bùng nổ

- Từ năm 1603 đến năm 1732, thực dân Anh đã xâm lược và lập nên 13 thuộc địa ở Bắc Mỹ. 

- Đến giữa thế kỉ XVIII, kinh tế tư bản chủ nghĩa của 13 thuộc địa phát triển mạnh, cạnh tranh gay gắt với chính quốc. Vì vậy, thực dân Anh tìm mọi cách ngăn cản sự phát triển của kinh tế công thương nghiệp ở 13 thuộc địa như độc quyền buôn bán, đặt ra nhiều loại thuế nặng nề,...

Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ

- Tháng 12-1773, để phản đối chế độ thuế vô lí của thực dân Anh, nhân dân địa phương tấn công ba tàu chở chè của Anh ở cảng Bô-xtơn. Thực dân Anh liền ra lệnh phong toả cảng này. Năm 1774, đại biểu các thuộc địa Bắc Mỹ họp, đòi vua Anh xoá bỏ các luật cấm vô lí. Vua Anh không chấp nhận yêu cầu đó, tuyên bố trừng trị nếu các thuộc địa nổi loạn, đồng thời chuẩn bị lực lượng để đàn áp. 

- Tháng 4-1775, cuộc chiến tranh bùng nổ.

b) Kết quả, tính chất, đặc điểm và ý nghĩa

- Kết quả: Với Hoà ước Pa-ri (1783), Chính phủ Anh đã công nhận nền độc lập của 13 thuộc địa ở Bắc Mỹ. Hợp chúng quốc Mỹ (ra đời năm 1776) đã được thừa nhận.

- Tính chất: Cách mạng tư sản.

- Đặc điểm: Diễn ra dưới hình thức chiến tranh giải phóng dân tộc, do giai cấp tư sản và chủ nô lãnh đạo, có sự tham gia đông đảo của nô lệ và phụ nữ.

- Ý nghĩa: Cuộc cách mạng Mỹ đã ảnh hưởng lớn đến châu Âu, châu Mỹ và cả thế giới: thúc đẩy phong trào đấu tranh chống phong kiến ở châu Âu, trước hết là Cách mạng Pháp (1789), cổ vũ các phong trào đấu tranh giành độc lập ở khu vực Mỹ La-tinh (cuối thế kỉ XVIII, đầu thế ki XIX)....

3. Cách mạng tư sản Pháp

a) Nguyên nhân bùng nổ

- Về kinh tế:

+ Cuối thế kỉ XVIII, Pháp vẫn là nước nông nghiệp lạc hậu nhưng kinh tế công thương nghiệp đã phát triển khá mạnh, xuất hiện nhiều thành thị lớn như Boóc-đô, Năng-tơ, Ha-vrơ,... 

+ Rào cản của chế độ phong kiến (thuế má nặng nề, đơn vị đo lường và tiền tệ không thống nhất,...). Đời sống nhân dân lao động Pháp, nhất là nông dân, gặp nhiều khó khăn.

- Về chính trị – xã hội:

+ Chế độ quân chủ chuyên chế ở Pháp đang trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng. 

+ Vua Lu-i XVI (lên ngôi năm 1774) nắm giữ mọi quyền hành, mải mê ăn chơi, không quan tâm phát triển đất nước. 

+ Xã hội phong kiến Pháp phân chia thành ba đẳng cấp với địa vị chính trị, kinh tế khác nhau, trong đó nông dân là lực lượng đông đảo nhất, bị tước đoạt ruộng đất, bị nhiều tầng lớp áp bức bóc lột. 

- Về tư tưởng:

+ Trào lưu Triết học Ánh sáng đại diện cho giai cấp tư sản đang lên với các đại diện tiêu biểu là S. Mông-te-xki-ơ, Vôn-te, G.G. Rút-xô.

+ Các nhà tư tưởng kịch liệt phê phán chế độ quân chủ chuyên chế và Giáo hội, đề cao quyền tự do của con người. Hoạt động của họ đã góp phần chuẩn bị về tư tưởng để cách mạng bùng nổ.

b) Kết quả

- Cách mạng tư sản Pháp nổ ra vào cuối thế kỉ XVIII, trải qua nhiều giai đoạn và phát triển theo hướng đi lên, sau đó thoái trào.

- Lật đổ chế độ phong kiến và đưa giai cấp tư sản lên cầm quyền, thiết lập chế độ cộng hoà, xoá bỏ những rào cản trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản. 

- Tuy vậy, cuộc cách mạng này vẫn còn một số hạn chế như chưa đáp ứng được những quyền lợi của nhân dân lao động, chưa giải phóng được con người thoát khỏi chế độ áp bức, bớt lột.

c) Tính chất, đặc điểm và ý nghĩa 

- Tính chất: Cách mạng dân chủ tư sản điển hình.

- Đặc điểm: 

+ Do giai cấp tư sản lãnh đạo (không có sự liên minh với các tầng lớp khác)

+ Diễn ra dưới hình thức nội chiến và chống xâm lược, được sự ủng hộ rộng rãi của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. 

+ Cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt đã dưa cách mạng phát triển đi lên, đỉnh cao là giai đoạn cầm quyền của phái Gia-cô-banh. 

- Ý nghĩa:

+ Đối với nước Pháp: Tấn công và xoá bỏ chế độ phong kiến từng tồn tại trong nhiều thế kỉ, hoàn thành nhiệm vụ của một cuộc cách mạng tư sản. 

+ Đối với thế giới: Tư tưởng “Tự do – Bình đẳng – Bác ái của Cách mạng tư sản Pháp được truyền bá rộng rãi, được nhiều nước đón nhận.