THAM KHẢO NHÉ BẠN
Thuở nhỏ, tôi thường háo hức chờ đón dịp tết Nguyên Đán. Không phải chỉ là theo tâm lí trẻ con được tiền lì xì và được may quần áo mới, mà còn vì lí do khác háo hức hơn nhiều đó là sau những ngày Nguyên Đán vui vẻ tôi lại được mẹ dẫn đi hội xuân. Hội xuân làng tôi nhiều lắm, nhưng háo hức lớn nhất của tôi vẫn là lễ hội đầu tiên của mùa xuân- khởi đầu một năm vào ngày 8 tháng giêng âm lịch tại đền Hét.
Cây đa, giếng nước, mái đình, con đò nhỏ… giường như tất cả những thứ ấy đã đi vào tiềm thức của bất cứ người dân quê nào để trở thành linh hồn của mỗi làng quê. Ở đó mỗi ngôi đình không biết được hình thành từ bao giờ nữa nhưng đều được thờ một vị Thành Hoàng Làng, và những vị anh hùng có công với đất nước. Bởi thế đình làng vừa là nơi để tưởng nhớ ân đức của các bậc tiền nhân, vừa là nơi diễn ra các hoạt động tâm linh,vừa là nơi giao lưu, sinh hoạt mang đậm nét văn hoá làng quê. Với dân tộc ta đình làng mang đậm bản sắc văn hoá Việt, là nơi lưu giữ truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn” mang quốc hồn, quốc tuý của người Việt. Vì vậy với riêng tôi mỗi lần trảy hội mùa xuân trong đền Hét lòng tôi lại ngập tràn niềm hân hoan, xúc động xốn xang về một nét đẹp văn hoá ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Ðã thành lệ, hàng năm cứ vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch, đông đảo nhân dân xã Thái Thượng, con em xa quê, du khách thập phương lại nô nức trở về tham dự lễ hội đền Hét, hoà mình trong các trò chơi dân gian độc đáo, tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ yên bình cho vùng đất cửa biển nơi đây.
Người dân quê tôi kể lại rằng đền Hét xưa là một ngôi miếu nhỏ thuộc đời nhà Lý ở làng Bích Du, xã Bích Sơn, huyện Thuỵ Anh nay là xã Thái Thượng, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Cách đây hàng 1000 năm Đền được xây dựng thờ vị tướng quân Phạm Ngũ Lão- vị tướng trẻ tuổi lừng danh trong lịch sử dân tộc thời vua Trần Nhân Tông. Ông là người tài cao, tinh thông võ nghệ, giỏi phép dụng binh, chỉ huy đạo quân đánh giặc trăm trận trăm thắng.
Phạm Ngũ Lão- sinh năm Ất Mão năm 1255, mất năm 1320; trong một gia đình lấy nghề nông làm gốc, nhưng ông cha giỏi nghề nho học và y học.Tương truyền thân phụ Ngài rất giỏi nghề thuốc, thân mẫu là Nguyễn Thị Hải. Ngài ở Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Năm ngài lên 3 tuổi diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, thắng lợi vang dội là mốc son lịch sử hào hùng của dân tộc. Năm lên 5 tuổi thì bố mất sớm, mẹ nuôi cho ăn học, trưởng thành vừa có sức khoẻ vừa có trí tuệ hơn người, có chí lớn, thích đọc sách, ngâm thơ, luyện võ nghệ. Năm Ngài 20 tuổi đã về kinh dự thi mong lập nghiệp qua con đường chính tắc, võ nghệ của Ngài hơn các quan giám khảo. Ngài được gặp Trần Hưng Đạo, Hưng Đạo Vương nhìn thấy tướng mạo biết ngay là người tài, ưng cho theo về dinh và giữ lại làm môn khách.Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ 2 năm 1285, Phạm Ngũ Lão được giao mũi chủ công trận Vạn Tây kẹt Hàm Tử Chương Dương. Đây là chiến công lớn nhất chôn vùi quân chủ lực của Thoát Hoan kết thúc cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba. Năm 1287- 1288 được triều đình phong hàm Học phẩm phụng ngự. Phạm Ngũ có nhiều chiến công trong sự nghiệp giữ gìn biên giới. Người đời sau còn lưu truyền mãi những câu thơ:
Múa giáo non sông trải mấy thâu
……….
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu
Phạm Ngũ Lão đã có công lao to lớn cùng với ba quân tướng sĩ lập nên những chiến công hào hùng, góp phần gìn giữ giang sơn và sự bền vững suốt 12 đời vua nhà Trần với chiều dài 175 năm cơ nghiệp (1225 -1400) mà đến nay sử sách vẫn còn lưu danh.Nhờ lập được nhiều chiến công trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông, Phạm Ngũ Lão được vua Trần sùng ái và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nhất mực tin yêu, nhận làm tế tử gả con gái cho và được phong làm Ðiện Suý Thượng tướng quân. Khi được vua Trần giao cho thống lĩnh ba quân, trấn ải miền Duyên hải bảo vệ cửa ngõ phía vùng biên giới Ðông Bắc của Tổ quốc, tướng quân Phạm Ngũ lão đã chọn cửa biển Ðại Toàn (nay là cửa biển Diêm Ðiền)- mảnh đất địa linh nhân kiệt có thế long giáng, hổ vờn làm nơi đóng đồn, dựng trại huấn luyện binh sỹ. Nơi ông đóng quân, sau này nhân dân địa phương xây đền thờ phụng. Hoà chung khí thế đó, quân sỹ đã được nhân dân giúp đỡ lương thảo để hoàn thành nhiệm vụ với giang sơn, xã tắc, giữ trọn đạo nghĩa trung quân ái quốc. Trong huấn luyện quân sỹ, vật Cầu là môn thể thao được ông sáng lập ra và được lưu truyền mãi mãi đến ngày nay.
Đền Hét có khuôn viên không rông lắm nằm trên một u đất cao ráo, thoáng đãng và sạch sẽ nơi trước đây là một cồn cát chỉ cách một con đê là ra đến biển. Toàn bộ khu di tích Đền Hét có diện tích khoảng hơn 4.000m2 . Đền Hét nằm theo hướng Tây Bấc bao gồm 5 khu vực: Khu Đền chính thờ tướng quân Phạm Ngũ lão; trên phương diện văn hoá tâm linh, đền Hét còn phối thờ Đông Hải Đại Vương. Hoàng Giáp Nguyễn Mậu Từ Phú Thánh Mẫu vì vậy bên trái đền chính là cửa Mẫu, bên phải là nhà khách để tiếp khách thập phương về dự lễ hội và sinh hoạt văn hoá làng; trước cửa đền chính là chỗ thờ hai ông Hổ lớn trông rất thâm nghiêm; cách chừng vài trăm mét về bên phải cửa đền chính là khu miếu thờ. Gần đây trước cửa Đền Hét (Trước khu thờ 2 ông hổ) chính quyền địa phương và nhân dân mới xây dựng cổng đền mới cũng theo hướng tây Bấc trông rất đẹp và thâm nghiêm và đã chính thức đi vào sử dụng. Cổng cũ theo hướng Tây. Đền chính có chiều rông khoảng 15 mét, dài khoảng 25 mét chia làm 3 khu thờ với ba gian. Từ ngoài đi vào là một bục sân rộng để dâng hương tế lễ, tiếp theo là khu cửa ngoài, qua hai ông Hộ Pháp lực lưỡng là cửa chính, nơi chủ yếu để cúng lễ, hết cửa chính là cửa trong cùng.
Nhờ tấm lòng của người dân địa phương, con em xa, khách thập phương nên những năm qua chính quyền địa phương, Ban Quản lý di tích đã đầu tư tôn tạo khu di tích, xây dựng thêm một số hạng mục công trình. Tuy nhiên, khuôn viên của đền hiện chỉ có hơn 4.000m2 để tổ chức lễ hội và đón lượng du khách lớn như vậy. Vì vậy, Thái Thượng đề nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ địa phương nguồn kinh phí để mở rộng khuôn viên ngôi đền, đầu tư xây dựng sân để tổ chức thi đấu các môn thể thao một cách truyền thống bài bản, chuyên nghiệp hơn... và xứng tầm với quy mô công trình di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đền Hét là địa điểm tập kết liên lạc và họp bàn kháng chiến của tổ chức cách mạng, dân quân du kích và bộ đội chủ lực. Ðịch đã nhiều lần thả bom, bắn phá bằng đại bác, làng mạc, nhiều nhà cửa bị phá huỷ nhưng ngôi đền vẫn sừng sững uy nghiêm tại đó. Cũng tại nơi này, trong trận càn Mercure (từ ngày 27 đến ngày 30/3/1952), hàng trăm chiến sỹ của Trung đoàn 48, Ðại đoàn 320 đã ngoan cường chiến đấu và anh dũng hi sinh, nhuộm đỏ máu hồng để giữ mảnh đất miền duyên hải này. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đền là nơi tập trung dân quân, du kích tuần tra, canh gác và là địa điểm cất giữ vũ khí, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng.
Tồn tại mấy trăm năm trước sóng gió nơi cửa biển, nắng mưa khắc nghiệt của thời gian, qua năm tháng với bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhiều lần di chuyển, đến nay đền Hét vẫn hiển hiện và được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo khang trang mà không kém phần uy nghi; lưu giữ nguyên vẹn 7 sắc phong thời Lê- Nguyễn, thời Hậu Lê 2 sắc phong và thời Nguyễn 5 sắc, 01 thần tích chữ Hán, 01 bia đá , nhiều đồ tế khí, câu đối, cặp song mã và bia đá cổ. Trên cơ sở đó, ngày 25/12/1993 Bộ Văn hoá & Thông tin đã quyết định công nhận đền Hét là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc Gia.
Hàng năm được sự nhất trí của Đảng uỷ - HĐND – UBND xã Thái Thượng và cán bộ nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ hội truyền thống đền Hét tại thôn Bạch Đằng từ ngày mùng 7 đến mùng 9 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội chính được tổ chức vào ngày mùng 8 ( lấy mốc lịch sử vào ngày mùng 8 tháng Giêng năm Mậu Tý 1288, tướng và quân nhà Trần đã xuất quân đi đánh quân Nguyên tại cửa biển Ðại Bàng -cửa Thái Bình ngày nay). Theo truyền thống của địa phương tổ chức hôi thượng võ khai xuân .Trong lễ hội có các phần lễ và hội thể hiện lòng thành kính của tướng quân Phạm Ngũ Lão và các tướng sỹ như. Phần lễ có tế lễ, rước, dâng hương (tế Nam quan, nữ quan, tế tạ) ; phần hội chính là văn hoá văn nghệ diễn lại các sự kiện của tướng quân như: biểu diễn văn nghệ, vật cầu, vật đô nam nữ, kéo co nam nữ, bóng chuyền và các trò chơi dân gian khác vừa mang sắc thái riêng của cư dân đi biển; vừa để tưởng nhớ vị tướng giỏi một thời, vừa gìn giữ những nét văn hoá truyền thống địa phương.
Tương truyền Đền Hét linh thiêng lắm. Có người thả trâu bò vào khu đền không để ý trâu bò bậy phân ra về nhà ốm liệt suốt mấy tháng mà không biết bệnh gì, mãi sau người nhà đi xem xét mới biết nguyên nhân phải làm lễ xám hối mới khỏi bệnh. Có kẻ lòng tham vô đáy đến đình ăn trộm đồ thờ bán lấy tiền đã bị báo ứng gặp phải những bất hạnh lớn trong cuộc đời mà không có cách nào cứu vãn được. Đền linh thiêng như vây nên những ngày tuần hàng tháng, người dân quê tôi thường lên đình thắp hương xin phúc lành. Đông nhất là một năm 4 tiết sang xuân, hạ, thu, đông, ngày giỗ Thánh Mẫu tháng 3, ngày tết vong nhân xá tôi và tết Đoan Ngọ. Vào những kì thi lớn, hay những bước ngoặt quan trọng trong đường của mỗi người dân làng tôi thường ra thắp hương xin Ngài phù hộ điều may mắn.
Những năm gần đây được sự quan tâm của Nhà nước và Chính quyền Địa Phương đền Hét đã được trùng tu lại rất khang trang nâng cao vẻ uy nghi và tôn nghiêm vốn có. Từ đó đã thu hút rất nhiều du khách thập phương trên khắp mọi miền đất nước về dâng hương tưởng niệm.Về dự với lễ hội có các Đ/c lãnh đạo Tỉnh uỷ - HĐND – UBND tỉnh; các ban ngành của tỉnh; các Đ/c lãnh đạo Huyện uỷ - HĐND – UBND huyện Thái Thụy; các ban ngành cơ quan của huyện; cũng như quý khách thập phương; nhân dân địa phương về dự lễ hội thắp nén hương thơm thể hiện lòng thành kính, tri ân với các bậc tiền nhân quân tử, những người đã có cống hiến lớn lao đối với xã tắc, giang sơn.Thông qua lễ hội giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân về truyền thống yêu quê hương, đất nước, con người, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đồng thời phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần làm cho dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Những người con của quê hương cho dù đi đâu xa, làm ăn ở đâu cũng trở về quê trong ngày hội lớn. Lễ hội rất đông hơn nữa lại đúng vào những ngày còn âm vang của tết Nguyên Đán nên càng đông hơn. Bởi thế hầu hết các nơi người ta chỉ vui xuân rộn ràng trong ba ngày tết có chăng là sang hết mùng 4 hoá vàng cho các cụ là hết tết mà thôi. Nhưng quê tôi thì khác, người dân làng tôi cứ phải hết mùng mười, nghĩa là hội đền Hét tàn mới được coi là hết tết. Nhờ có lễ hôi đền Hét mà tết ở quê tôi rất vui. Hết hội người ở xa mới đi, người ở nhà mới bắt tay vào lao động sản xuất, lũ trẻ ham chơi như tụi tôi mới thực sự nhập hồn vào bài học cô giảng dù việc học năm nào cũng đã bắt đầu vào mùng 6 tết.
Lễ hội là niềm vui lớn của người dân quê tôi sau một năm dài lao động cực nhọc, vất vả, là niềm khích lệ, động viên tiếp sức cho một năm mới tốt lành gặp nhiều thắng lợi mới.Bởi vậy mà giường như ai cũng hân hoan, chờ đón. Với lũ trẻ như chúng tôi thì khỏi phải nói niềm vui háo hức lớn đến nhường nào. Tôi thích tất cả các hoạt động trong lễ hội vì nó mang bản sắc văn hoá dân tộc, là nét đẹp của thuần phong mĩ tục văn hoá làng còn lưu giữ. Song hình như tôi chưa thể lớn lên được khi háo hức đợi lễ hội để được nặn tò he, mua súng ống và đồ chơi….Mẹ tôi cứ mắng hoài, nhưng tôi chỉ cười bởi tôi hiểu với trẻ con như tôi thì những thứ đó làm tôi thêm tự hào hơn về đền Hét và yêu thương, gắn bó với quê hương Thái Thượng của tôi hơn.
Tết Nguyên Đán đang đến gần… Lễ hội Đền Hét cũng đang về. Bạn có muốn đến thăm một công trình lịch sử văn hoá cấp quốc gia, một thắng cảnh sinh động ở làng quê quê lúa như quê tôi? Xin mời bạn đến, với lòng nhiệt tình, hiếu khách tôi tin bạn sẽ ấm lòng khi về nơi đây. Rất hân hạnh đón chào quý khách về thăm danh lam thắng cảnh và thưởng ngoạn khu di tích lịch sử Đền Hét.