Kết thúc Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, khi trả lời một chính khách nước ngoài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Chiến thắng Điện Biên Phủ công đầu thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hồ Chí Minh là một nhà chiến lược thiên tài, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang. Những biến đổi phi thường của lịch sử Việt Nam trong mấy chục năm qua đều gắn liền công lao và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch”.
Bác đã đi xa nhưng những điều Bác để lại vẫn còn vẹn nguyên. Trong số rất nhiều những điều Bác Hồ kính yêu đã để lại thì không thể không kể đến ý chí quyết tâm, niềm tin quyết thắng được Người gửi đến từng cán bộ, chiến sỹ và người dân Việt Nam. Từ những ngày bắt đầu cuộc chiến giành độc lập dân tộc đến Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng, rồi những năm tháng chiến đấu sau khi Bác đã đi xa, ý chí đó vẫn còn nguyên vẹn.
Từ niềm tin quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Ý chí quyết tâm, niềm tin chiến thắng là điều vô cùng quan trọng không chỉ với riêng cá nhân hay dân tộc nào. Đặc biệt với dân tộc ta, một dân tộc còn nghèo, bị mất chủ quyền thì ý chí, niềm tin đó càng trở nên quan trọng. Từ những ngày quyết định ra đi tìm đường cứu nước đến khi trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần này. Trong mỗi đường lối, mỗi lần thực hiện chủ trương, Người đều đưa tinh thần này lên trên hết để vượt qua mọi gian khổ, khó khăn trên con đường cách mạng còn nhiều biến cố. Trong những lần đó, chúng ta nhớ về Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Bởi với tinh thần quyết tâm cao, niềm tin tất thắng ấy, dân tộc ta mới giành được một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Ý chí quyết tâm, niềm tin quyết thắng của Người được thể hiện đầu tiên ở việc trao toàn quyền cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc chỉ huy Chiến dịch. Nhớ lại ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110 phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Trong buổi Lễ đó, Người đã nói: “Các cụ ta qua bao thế hệ chiến đấu cho độc lập mà không thành, nhắm mắt mà chưa thấy được dân tộc tự do. Chúng ta may mắn hơn nhưng còn phải bao nhiêu hy sinh cố gắng. Hôm nay, việc phong Tướng cho chú Giáp là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí, chúng ta phải quyết giành được độc lập, tự do để thỏa lòng những người đã mất”.
Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Hồ Chủ tịch trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ảnh: Tư liệu – TTXVN
Cuối năm 1953, Đại tướng được giao nhiệm vụ ra mặt trận làm Tổng Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi Đại tướng lên đường, Bác Hồ đã căn dặn: “Chú ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, có toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng. Các chú nhất định phải thắng. Chắc thắng thì đánh. Không chắc thắng, không đánh”.
Nhớ lời căn dặn của Bác, khi đến Điện Biên Phủ, trực tiếp theo dõi tình hình địch suốt 11 ngày đêm, thấy địch đã xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố, Đại tướng xét thấy phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” không bảo đảm chắc thắng. Từ đó, Đại tướng đã quyết định thay đổi phương châm từ đánh nhanh, giải quyết nhanh thành đánh chắc, tiến chắc. Về sau, trong hồi ức “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng đã thổ lộ: “Ngày hôm đó (tức ngày 26-1-1954), tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!”.Và thực tế đã chứng minh sự thay đổi ấy là một yếu tố cực kỳ quan trọng để làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Kết quả toàn thắng của Chiến dịch cũng đã khẳng định sự đúng đắn của Bác khi đã đặt trọn niềm tin ở Đại tướng.
Hơn thế, để hướng niềm tin quyết thắng đến cán bộ, chiến sỹ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo dõi diễn biến từng giờ, từng ngày. Chính vì vậy, Người luôn kịp thời động viên cán bộ, chiến sỹ, đồng bào ta. Thực tế minh chứng Người đã đem tới cho quân và dân ta một sức mạnh chiến đấu lớn lao và niềm tin vào thắng lợi, niềm tin bắt nguồn từ chính Người và lòng tin con người. Người đã truyền một ý chí quyết tâm, một niềm tin chiến thắng mạnh mẽ đến từng cán bộ, từng chiến sỹ, từng đồng bào ta. Ý chí đó, niềm tin đó không có gì có thể xoay chuyển nổi.
Cụ thể, tinh thần quyết tâm, ý chí quyết thắng ấy được nhấn mạnh trong từng lá thư Người gửi cho cán bộ, chiến sỹ. Bởi hơn ai hết, Người hiểu những khó khăn, gian khổ trên mặt trận mà cán bộ, chiến sỹ và đồng bào ta phải đối mặt. Thậm chí, có những nhiệm vụ được đưa ra mà chính thực dân Pháp cũng không thể tin là quân dân ta có thể thực hiện được. Như Pháp nhận định thì những nhiệm vụ đó gần như bất khả thi. Nhưng với lòng quyết tâm mạnh mẽ, quân dân ta đã cùng nhau cố gắng, nỗ lực vượt qua được những điều tưởng chừng như không thể đó.
Trong Thư gửi cán bộ và chiến sỹ ở Mặt trận Điện Biên Phủ (vào tháng 12 năm 1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết như sau:
“ Năm nay, sau những cuộc chỉnh huấn chính trị và quân sự, các chú đã tiến bộ hơn. Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh.
Quyết tâm tiêu diệt địch,
Quyết tâm giữ vững chính sách,
Quyết tâm giành nhiều thắng lợi.”
Đọc từng câu từng chữ của Người, chúng ta có thể cảm nhận được sự quyết tâm mà Người đang mong mỏi ở từng cá nhân đang thực hiện nhiệm vụ. Người nhấn mạnh như một chỉ thị nhưng nó cũng như lời thôi thúc tinh thần cho mọi người. Điều này có sức thuyết phục vô cùng mạnh mẽ.
Không có mặt trực tiếp trên mặt trận chiến đấu nhưng Người luôn kịp thời chỉ đạo cũng như gửi lời động viên tới mọi người. Ngay khi các đơn vị ta tiến lên Tây Bắc, Người đã gửi thư cho cán bộ và chiến sỹ mặt trận Điện Biên Phủ: “Thu - Đông năm nay, các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào bị giặc đè nén.
Năm ngoái, các chú đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều địch, đã thắng lợi to. Bác rất vui lòng... các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh... Bác và Chính phủ chờ tin thắng lợi để khen thưởng các chú”.
Câu “.. phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh…” của Bác thực sự đã trở thành nguồn động lực to lớn đối với mỗi người chiến sỹ khi đó. Có thể nói, từng câu nói của Bác như tiếp thêm sinh lực cho từng chiến sỹ, để họ có đủ ý chí, nghị lực vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt của cuộc chiến gian khổ này.
Trước khi bước vào trận đánh có tính chất quyết định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời gửi thư động viên các đơn vị, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Trong lá thư đó, Người căn dặn: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang... Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng to”. Lời động viên, căn dặn của Người khi ấy đã có tác dụng cổ vũ, thôi thúc mạnh mẽ hành động thực tế của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ. Mỗi cá nhân đều xác định được ý chí quyết tâm mạnh mẽ chiến đấu với kẻ thù để giành được thắng lợi cho bằng được.
17 giờ, chiều ngày 07-5-1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta bay phấp phới trên nóc hầm Tướng Đờ Cátxtơri, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ngay ngày hôm sau (08-5-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt”.
Hình ảnh lá cờ chiến thắng trên trận địa Điện Biên Phủ
Nhìn lại mốc son lịch sử chói lọi đã qua, ta thấy cảm phục biết bao tinh thần chiến đấu dũng mãnh của cán bộ, chiến sỹ, đồng bào ta. Khó khăn, gian khổ chồng chất nhưng bằng ý chí mạnh mẽ, quyết tâm sắt đá, chúng ta đã cùng nhau vượt lên trên tất cả. Những điều tưởng chừng như không thể thực hiện được để hoàn thành một cách xuất sắc, đảm bảo điều kiện cần thiết cho cuộc chiến không cân sức.
Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn cho Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ từ việc hoạch định đường lối chung đến chỉ đạo từng trận đánh. Người đã truyền cho các chiến sỹ ta một ý chí quyết chiến quyết thắng, một nghị lực, một sức mạnh phi thường, một niềm tin sắt đá để quân và dân ta vượt qua khó khăn, hiểm nguy giành thắng lợi hoàn toàn.
Đến niềm tin quyết thắng trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước ngày nay
Sau 75 ngày đấu tranh ngoại giao kiên quyết và mềm dẻo, ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Các nước tham gia Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Văn bản của Hội nghị có đoạn ghi: Thừa nhận rằng mục đích căn bản của Hiệp định về Việt Nam là giải quyết vấn đề quân sự để đình chiến và giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời. Việc thống nhất hai miền Nam - Bắc Việt Nam sẽ được thực hiện thông qua tổng tuyển cử toàn quốc vào tháng 7-1956. Mỹ ngoan cố không chịu ký vào văn bản Hội nghị để thực hiện dã tâm xâm lược sau này. Ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân: “Từ nay, chúng ta phải ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc”.
Bác Hồ gắn Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ cho cán bộ chiến sĩ lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch
Kết thúc Chiến dịch thắng lợi, nhưng tinh thần quyết tâm vẫn luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao. Ngay trong Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ, Bác đã viết: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để giành lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chia sẻ ông đã suy nghĩ nhiều về câu này của Bác Hồ. Bởi Đại tướng biết Bác đã thấy trước được con đường phía trước: Chặng đường đấu tranh trước mắt còn dài. Và mấy chục năm sau, khi nhớ lại, Đại tướng đã viết: “Những lời như vậy chỉ có được ở Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
60 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành mốc son lịch sử chói lọi, là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam quật cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo, là niềm tin của các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do.
Rất nhiều các cán bộ, chiến sỹ Điện Biên đã nằm lại mãi mãi trên mảnh đất đó. Họ không có cơ hội trở về để hưởng cuộc sống thái bình ngày hôm nay. Và hơn ai hết những người trở về hiểu ý nghĩa của hòa bình, của nền độc lập, tự do này.
Dù tuổi đã cao, sức đã yếu đi nhiều nhưng những chiến sỹ Điện Biên năm xưa vẫn luôn một lòng hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tháng 5, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, tôi đã may mắn được trò chuyện với rất nhiều các chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Tôi cảm nhận được tình cảm của từng người dành cho cuộc chiến, dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Họ là một thế hệ Bộ đội Cụ Hồ anh dũng, kiên cường, là niềm tự hào của cả dân tộc ta. Nhắc lại câu chuyện về ý chí quyết tâm, niềm tin quyết thắng đó của Bác Hồ kính yêu mà ai ai cũng cảm thấy xúc động sâu sắc.
Giờ đây, khi chiến tranh đã đi xa, hòa bình đã ở khắp mọi miền của Tổ quốc, lắng nghe mỗi câu chuyện của họ kể lại tôi vẫn cảm nhận được ý chí quyết tâm để giành chiến thắng. Như lời ông Vũ Trọng Phượng (81 tuổi) chia sẻ: Ngày đi tham gia Chiến dịch, tôi không nghĩ đến may mắn là mình sẽ còn sống bởi cuộc chiến ác liệt lắm, nếu mình có hy sinh thì cũng là hy sinh cho Tổ quốc, cho dân tộc. Mục đích lúc ấy chỉ là phải chiến đấu, chiến đấu để giành chiến thắng cuối cùng. Tất cả chúng tôi đều luôn tự nhủ nhớ lời dạy về ý chí quyết tâm của Bác Hồ kính yêu. Thật sự những năm đó, gian khổ vô cùng. Nếu không xác định được quyết tâm thì có lẽ chúng ta không thể giành được chiến thắng vẻ vang đó.
Có mặt tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Bản (84 tuổi) đã không giấu được niềm xúc động. Nhắc lại những ký ức chiến tranh, nhớ về đồng đội, nhớ về Bác Hồ mà nước mắt ông cứ rơi. Ông bảo: Để chuẩn bị cho trận mở màn cũng như chiến dịch lâu dài, đơn vị tôi đã quyết tâm đào hầm mở đường đánh cứ điểm Him Lam. Nhiều hôm bị địch phát hiện, chúng bắn rất nhiều đạn ra. Cuộc sống gian khổ, nguy hiểm lúc nào cũng rình rập nhưng những người chiến sỹ Điện Biên chúng tôi khi ấy vẫn luôn nêu cao ý chí quyết tâm, một lòng chiến đấu vì thắng lợi. Những lời của Bác luôn là nguồn động viên, cổ vũ to lớn cho chúng tôi vượt qua tất cả.
Những chiếc Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên mãi mãi là kỷ vật vô cùng quý giá và thiêng liêng
Hầu hết những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như ông Bản, ông Phượng đều mong mỏi được vào Lăng viếng Bác Hồ. Hơn nữa, đó còn là nguyện vọng lúc cuối đời của họ. Trở về bên Người, trên ngực là chiếc Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên năm xưa, tưởng nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng vào những ngày cả nước kỷ niệm 124 năm Ngày sinh của Người… đó là niềm hạnh phúc vô cùng.
Thật sự, những người chiến sỹ đã chiến đấu bằng sự quyết tâm vô hạn, niềm tin tất thắng của Chiến dịch. Và khi trở về cuộc sống trong thời bình, họ vẫn giữ được tinh thần đó. Họ sống và lao động để tạo nên một gia đình hạnh phúc. Đó chính là cách để cống hiến một phần sức lực của mình vào công cuộc xây dựng đất nước. Hơn thế, như lời ông Hạnh (80 tuổi) chia sẻ: Khi tuổi cao sức yếu, chúng tôi không thể làm gì ngoài kể những câu chuyện chiến đấu năm xưa cho lớp lớp con cháu nhằm giáo dục chúng hiểu về lịch sử, về giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay để chúng quyết tâm, nỗ lực, cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện, trở thành người có ích trong xã hội.
Có thể nói, bằng niềm tin quyết thắng, Chiến sỹ Điện Biên năm xưa đã anh dũng chiến đấu trong chiến tranh và nỗ lực phấn đấu, đóng góp cho đất nước trong thời bình. Với họ, lời Bác Hồ đã dạy không gì có thể thay đổi. Bởi như họ nói: Những lời Bác Hồ đã nói thật sự rất đúng đắn. Có sống trong gian khổ, trải qua những năm tháng đó, hiểu từng khó khăn đó thì mới hiểu ý chí quyết tâm quan trọng đến như thế nào. Lòng quyết tâm,ý chí của Bác đã gửi gắm từ rất nhiều năm trước nhưng đến nay nó vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Bởi công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của ta còn không ít những khó khăn, gian khổ ở phía trước. Đặc biệt, trong tình hình chính trị thế giới đang có nhiều bất ổn, những tranh chấp đang xảy ra từng ngày, việc nêu cao tinh thần quyết tâm để bảo vệ chủ quyền đất nước càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tinh thần ấy, niềm tin ấy sẽ mãi mãi là bài học cho mỗi thế hệ người dân Việt Nam, cho cả dân tộc ta ở mọi thời kỳ.
Luôn luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Ý chí quyết thắng mà Người để lại giờ đã trở thành một động lực, động viên tất thảy mọi người cố gắng hơn nữa, đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai thực hiện Đề án“Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”.
Các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua được tôn vinh tại Chương trình kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 124 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Một số hình ảnh biểu diễn văn nghệ trong chương trình
Trong tình hình chính trị thế giới đang có nhiều biến động, các thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá, là đơn vị nằm ở vị trí trung tâm của Thủ đô Hà Nội, thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt, toàn thể cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đơn vị, góp phần vào sự phát triển ổn định của đất nước.
Có thể nói, không chỉ có niềm tin quyết thắng mà toàn bộ những tư tưởng của Bác đã và đang soi rọi con đường xây dựng đất nước của dân tộc ta.
Bác Hồ kính yêu đã đi xa nhưng những tư tưởng, những lời dạy của Người vẫn luôn được các thế hệ nhớ đến và làm theo. Mỗi khi tháng Năm về, chúng ta lại bồi hồi nhớ về Người, nhớ về Chiến dịch Điện Biên Phủ oai hùng. Thời gian trôi mãi, dân tộc Việt Nam ngày càng phát triển và Người “sẽ còn sống mãi với non sông đất nước”. Đúng như lời Giáo sư Mighen Đêtêphanô của Cuba đã đánh giá: “Sau chín năm chiến tranh, sức mạnh quân sự của thực dân Pháp đã bị đập tan tại Điện Biên Phủ. Tháng 7 năm đó (1954) với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, các dân tộc Đông Dương đã giành được độc lập. Với vũ khí của mình, Hồ Chí Minh đã là tác giả của thắng lợi đó... Và tên tuổi của Người đã được ghi vào những trang sử vẻ vang nhất”./.