Các cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra làm cho các triều địa phong kiến thống trị Trung quốc phải luôn đối phó. Sau phong trào khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 - 43, từ đầu thế kỷ II, phong trào khởi nghĩa nhân dân lại phát triển rộng rãi và mạnh mẻ hơn trước. Năm 178, hàng vạn ngưòi dân các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lương Long, đánh chiếm các quận, huyện làm chủ đất nước suốt 4 năm (178 - 181). Sang thế kỷ III cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu năm 248 được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng đã làm “chấn động toàn thể Châu giao”(A195:110) . Đầu thế kỷ VI, ở Trung quốc nhà Lương cướp ngôi nhà Tề. Cũng như các triều đại phong kiến khác ở phương bắc, nhà Lương đã thực hiện chính sách thống trị và bốc lột hà khắc đối với nhân dân ta. Chúng chia nhỏ Châu Giao, cắt miền biển lập Châu Hoàng (Quảng Ninh) đặt Châu Ái ở Cửu Chân xưa (Thanh Hoá), Châu Đức ở Cửu Đức xưa (Đức Thọ - Hà Tỉnh), lập thêm hai châu mới để dễ bề cai trị. Với bộ máy cai trị, đô hộ khổng lồ, chúng tăng cường cướp bóc, vơ vét của cải, tô thuế nặng nề. Trước tình hình đó, mùa xuân năm 542 cuộc khởi nghĩa của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Lý Bí đã nổ ra đánh đổ ách thống trị nhà Lương giành lại độc lập dân tộc. Sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi, tháng giêng năm 544 Lý Bí tuyên bố lập nước, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Lý Bí lên ngôi hoàng đế, xưng là Nam đế (vua của Nước Nam), dựng điện Vạn Thọ, tổ chức triều đình với hai ban Văn - Võ. Nam đế phế bỏ niên hiệu nhà Lương, đăt niên hiệu mới là Đại đức (Đức lớn). Ông sai dựng chùa Khai quốc (mở nước), ban sắc và phong thần cho các anh hùng tiền bối của dân tộc.
Cuộc khởi nghĩa Lý Bí thắng lợi, dựng nước Vạn Xuân đã nói lên ý chí độc lập tự cường và lòng tin vững chắc của nhân dân ta về một nền độc lập dân tộc bền vững trong tương lai. Việc Lý Bí xưng đế vương và đặt niên hiệu riêng đã “phủ định ngang nhiên quyền làm bá chủ thiên hạ” của hoàng đế phương Bắc, vạch rõ sơn hà, cương vực và là sự khẳng định dứt khoát rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc độc lập, là chủ nhân của đất nước và vận mệnh của mình”.
Đầu năm 545, triều đại phong kiến nhà Lương đã đem quân tiến đánh Vạn Xuân hòng xoá bỏ nền độc lập còn non trẻ, Lý Nam Đế lãnh đaọ nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Sau khi Lý Nam Đế bị bệnh chết, Triệu Quang Phục tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, một lần nữa giành lại độc lập dân tộc. Năm 589 nhà Tùy thống nhất Trung quốc, phong kiến phương bắc lại đặt ách đô hộ của chúng lên đất nước ta. Đến năm 622 ách thống trị của phong kiến phương bắc được chuyển qua nhà Đường. Trong suốt ba thế kỷ bị nhà Đường thống trị, nhân dân ta không ngừng nổi dậy chống lại ách áp bức nặng nề, sự bốc lột tàn bạo và đấu tránh giành quyền độc lập dân tộc. Các cuộc khởi nghĩa lớn trong thời kỳ này có thể kể đến: khởi nghĩa Lý Tự Tiên và Đinh Kiến (687), khởi nghĩa Mai Thúc Loan (722), khởi nghĩa Phùng Hưng (766-791), khởi nghĩa Dương Thanh (819-820).
Cuối thế kỷ IX triều đại nhà Đường đổ nát. Nạn cát cứ của các tập đoàn phong kiến phương bắc nổi lên ngày càng ác liệt. Chính quyền đô hộ ở nước ta đang lung lay. Nắm lấy cơ hội đó, Khúc Thừa Dụ, một hào trưởng ở đất Hồng Châu (Hải Hưng) được nhân dân ủng hộ nổi lên tự xưng là Tiết độ sứ, lợi dụng bộ máy và danh nghĩa của bọn đô hộ để giành lại độc lập dân tộc. Tuy còn mang danh hiệu quan chức của nhà Đường, về thực chất, Khúc Thừa Dụ đã giành lấy chính quyền từ tay phong kiến nước ngoài, xây dựng chính quyền tự chủ, kết thúc về cơ bản ách thống trị nghìn năm của phong kiến phương bắc.
Không từ bỏ âm mưu đặt ách thống trị lại nước ta, năm 930 quân Nam Hán lại đem quân sang xâm lược. Dương Đình Nghệ, một tướng cũ của họ Khúc đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân xâm lược, giành lại quyền tự chủ của đất nước.
Năm 938, vua Nam Hán lại sai đem thuỷ quân sang xâm lược nước ta một lần nữa. Ngô Quyền, một vị tướng tài và là con rể của Dương Đình Nghệ đã kéo quân từ Châu ái ra giết chết tên bán nước Kiều Công Tiễn trừ mối hoạ bên trong và lãnh đạo quân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nam hán. Nắm vững đường tiến quân của địch từ biển vào, Ngô Quyền đã huy động lực lượng quân dân đẵn gỗ, đẽo cọc, đầu bịt sắt nhọn, cắm đầy sông Bạch Đằng tại nơi hiểm yếu gần cửa biển, xây dựng thành một trận địa ngầm mai phục, sẳn sàng chờ giặc. Thuỷ quân Nam Hán ồ ạt kéo vào cửa Bạch Đằng. Đang lúc triều lên nước ngập hết bãi cọc, Ngô Quyền dùng thuyền nhẹ ra đánh nhử quân giặc. Đợi khi thuỷ triều xuống, Ngô Quyền cho quân phản kích đánh mạnh, thuỷ quân nam Hán quay đầu chạy. Ra đến gần cửa biển, thuyền địch đâm phải bải cọc nhọn, bị vỡ và đắm nhiều. Tướng giặc là Hoàng Thao bỏ mạng tại trận. Đội quân xâm lược thất bại nặng nề, ý chí xâm lược của Nam Hán bị đè bẹp.
Chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng cuối năm 938 đã kết thúc hoàn toàn thời kỳ mất nước kéo dài hơn một nghìn năm. Dân tộc ta đã giành lại chủ quyền đất nước. Đó là quá trình đấu tranh liên tục, bền bỉ và dũng cảm của dân tộc ta vì độc lập và tự do. Âm mưu đồng hoá của kẻ thù phong kiến phương bắc hoàn toàn bị phá sản. Bản sắc văn hoá, tiếng nói dân tộc được bảo tồn và phát triển trong khi không ngừng tiếp thu và dân tộc hoá tinh hoa văn hoá và vốn từ ngữ nước ngoài. Trong quá trình đấu tranh, dân tộc ta không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Trước hết đó là sự trưởng thành ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước kiên cường bất khuất. Lực lượng quân sự, nền tảng kinh tế xã hội chính trị, kinh tế văn hoá đã có bước phát triển mới. Sức sống mãnh liệt của dân tộc đã đưa đến độc lập dân tộc ở thế kỷ X. Chính sức mạnh ấy sẽ tạo tiền đề vật chất và tinh thần cho việc bảo vệ nền độc lập dân tộc và phát triển đất nước của các thế kỷ tiếp theo.
Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), triều đình xẩy ra nhiều biến loạn và xung đột làm cho chính quyền Trung ương suy yếu. Là một chính quyền non trẻ, mới được xây dựng nên tổ chức còn đơn giản và mức độ tập quyền chưa cao. Ở nhiều địa phương vẫn tồn tại những thế lực phong kiến khá mạnh với cơ sở kinh tế và lực lượng quân sự riêng. Lợi dụng tình trạng đó, các thế lực phong kiến địa phương nổi dậy, mỗi người hùng cứ một phương và tranh giành nhau quyết liệt. Đó là thời kỳ loạn Mười Hai Sứ Quân. Việc cát cứ của các sứ quân đã làm suy yếu thế nước, nền độc lập non trẻ vừa mới giành được lại đang đứng trước nguy cơ xâm lược mới. Trước tình hình đó Đinh Bộ Lĩnh đã nêu cao ngọn cờ thống nhất đất nước, dẹp loạn Mười Hai Sứ Quân, xây dựng chế độ trung ương tập quyền. Năm 968 ông lên ngôi hoàng đế gọi là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, bỏ niên hiệu của các hoàng đế phương bắc, đặt niên hiệu riêng là Thái Bình, đặt kinh đô ở Hoa Lư (Ninh Bình). Đó là những biểu hiện của triều đình quyết tâm giữ độc lập dân tộc và xây dựng nhà nước tự chủ, quyết tâm phủ định quyền bá chủ của các hoàng đế phương bắc.
Dưới triều Đinh, chế độ trung ương tập quyền được xây dựng, củng cố, lực lượng quân đội được tăng cường và tổ chức thống nhất. Công cuộc xây dựng đất nước vừa được tiến hành chưa được bao lâu thì năm 979 Đinh Tiên Hoàng bị sát hại. Con trai thứ của Đinh Tiên Hoàng mới 6 tuổi được lập lên làm vua. Nhiều vụ xung đột xẩy ra trong triều đình. Các thế lực phong kiến thù địch ở trong và ngoài nước, lợi dung thời cơ tiến hành âm mưu lật đổ và thôn tính.
Ở phía Nam từ Đèo Ngang trở vào, nước Chiêm Thành của người Chăm trở thành một quốc gia độc lập đang phát triển. Trong suốt thời gian bị phong kiến Trung quốc đô hộ các dân tộc Việt ở phía bắc và dân tộc Chăm ở phía nam đều có một kẻ thù chung là các thế lực phong kiến xâm lược phương bắc. Trong các cuộc khởi nghĩa của của dân tộc các dân tộc Việt Nam ở các quận, huyện phía Bắc đều được sự ủng hộ, đồng tình hưởng ứng của nhân dân, dân tộc Chăm ở phía Nam và ngược lại. Nhưng khi giành được độc lập, các triều đại phong kiến tập quyền bao giờ cũng muốn mở rộng lãnh thổ. Vì vậy, quan hệ giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành tuy là láng giềng, trước đây có chung kẻ thù nhưng không tránh khỏi xung đột. Trong quan hệ giữa Chiêm Thành và Đại Việt, Chiêm Thành là nước giành độc lập, xây dựng Nhà nước phong kiến tập quyền sớm, lại dựa vào thế mạnh của những người quen chinh chiến, đã nhiều lần cất quân đánh ra phía Bắc dưới thời phong kiến Trung Quốc đô hộ. Khi người Việt giành được độc lập, trong những thời cơ thuận lợi họ thường tiến hành các cuộc chiến tranh nhằm mở rộng lãnh thổ.
Tháng 5 năm 543 khi cuộc khởi nghĩa Lý Bí nỗ ra, quân và dân Vạn Xuân đang tiến công quét sạch bè lũ đô hộ nhà Lương thì vua Lâm Ấp cho quân đánh phá châu Đức (Hà Tĩnh). Lý Bí vừa phải lo đánh quân Lương ở phía Bắc, phải cử tướng Phạm Tu đánh tan quân Chiêm ở phía Nam. Như vậy, ngay từ khi Nhà nước Vạn Xuân được thành lập quan hệ giữa Vạn Xuân và Chiêm thành đã có sự xung đột. Đến thời kỳ này, sau khi Đinh Tiên Hoàng bị sát hại, nội bộ triều đình bất hoà. Ngô Nhật Khánh, một trong những sứ quân trước đây bị Đinh Tiên Hoàng đánh bại phải quy hàng rồi chạy trốn sang Chiêm Thành. Nhân thời cơ triều đình nhà Đinh đang gặp khó khăn, Ngô Nhật Khánh dẫn đường vua Chiêm đưa hơn 1000 chiếc thuyền định đánh vào kinh đô Hoa Lư. Quân Chiêm vừa vượt biển tiến vào hai cửa đại Ác và Tiểu Khang thì gặp bão tố, đoàn thuyền bị đắm gần hết, chỉ có thuyền vua Chiêm thoát về nước. Đây là lần thứ hai Chiêm Thành tiến đánh Vạn Xuân với tư cách là một Nhà nước độc lập có chủ quyền.
Ở phía Bắc, lúc bấy giờ nhà Tống đã được thành lập và hoàn thành việc thống nhất quốc gia. Cũng như các triều đại phong kiến Trung Quốc trước đây tự coi mình là “Thiên triều” có quyền thống trị các nước xung quanh. Nhân sự suy yếu của triều Đinh nhà Tống phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Trước tình hình vua Đinh còn ít tuổi, chưa đủ khả năng và uy tính để tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống, một số quan lại và quân sĩ suy tôn Lê Hoàn lên làm vua gọi là Lê Đại Hành. Lê Hoàn lên làm vua, lập nên triều đại mới gọi là triều Tiền Lê. Dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn quân dân Tiền Lê gấp rút tổ chức cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống.
Đầu năm 981, quân Tống chia thành hai đạo quân thuỷ, bộ đào ạt tiến vào xâm lược nước ta. Đạo quân bộ từ Ung châu (Quảng Tây) theo hướng Lạng Sơn tràn vào. Đại quân thuỷ từ Quảng châu (Quảng Đông) vượt biển tiến sang. Chúng dự định quân thuỷ, bộ sẽ phối hợp tiến vào vây hãm kinh thành Hoa Lư. Học tập sáng tạo chiến thuật của Ngô Quyền hơn bốn mươi năm trước, Lê Hoàn sai quân sĩ đóng cọc ở sông Bạch Đằng ngăn chặn chiến thuyền của địch. Với truyền thống thuỷ chiến anh dũng của dân tộc, quân ta đánh tan đội thuỷ quân Tống trên sông Bạch đằng, phá tan âm mưu phối hợp với đạo quân bộ. Trên các tuyến đường bộ quân Tống chỉ huy là Hầu Nhân Bảo bị giết, nhiều tướng khác bị bắt sống. Quân xâm lược Tống bị đại bại. Nền độc lập dân tộc được giữ vững.
Sau khi chiến thắng quân xâm lược Tống, Lê Hoàn tìm cách lập lại quan hệ bang giao với nhà Tống. Đối với nước Chiêm Thành ở phía Nam, nhà Lê cũng đã cố gắng khôi phục quan hệ láng giềng, bang giao hoà bình. Lê Hoàn đã cho sứ giả sang giao hiếu với quân Chiêm Thành. Nhưng vua Chiêm vẫn giữ thái độ thù địch, bắt giam sứ giả của Lê Hoàn(1). Nhận thức được mối hiểm hoạ từ phía Nam, trước thái độ thù địch của Chiêm Thành, nhằm bảo vệ nền độc lập vững chắc tập trung vào công cuộc xây dựng đất nước, Lê Hoàn quyết định tự cầm quân tiến đánh Chiêm Thành.
Cuộc tiến binh của Lê Hoàn năm 982 - 983 được sử cũ chép: “Khi vua đi đánh Chiêm thành, qua núi Đồng Cổ (Thiệp Yên - Thanh Hoá) đến sông Bà Hoa (Tỉnh Gia - Thanh Hoá), đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mệt mỏi, đường biển thì sóng to khó đi lại, bèn sai người đào kênh. Đến đây làm xong, thuyền bè đi lại đều được thuận tiện”. Đội quân Lê Hoàn tiến vào đánh Chiêm Thành đánh phá kinh thành In-đơ-ra-pu-ra (tức Đồng Dương - Quảng Nam) tiêu diệt lực lượng lớn quân đội, san phẳng thành trì.
Cuộc tiến binh đánh nước Chiêm Thành của Lê Hoàn ở cuối thế kỷ X là một cuộc tiến quân tự vệ, nhằm cảnh cáo thái độ thù địch của vua Chiêm thành, loại bỏ âm mưu đánh phá quấy rối từ phía Nam, hoàn toàn không có ý đồ thôn tính, thiết lập bộ máy cai trị. Vì vậy sau khi hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, Lê Hoàn cho quân rút về nước.
Sau cuộc kháng chiến chống Tống ở phía bắc và bình Chiêm ở phía nam thắng lợi, Lê Hoàn tập trung vào công cuộc xây dựng đất nước. Sau cuộc tiến quân của Lê Hoàn, nước Chiêm Thành phải chấp nhận giữ mối quan hệ bang giao hoà hiếu. Tháng 6 năm 991 Lê Đại Hành cho người Chiêm thành nhận lĩnh hơn 360 người ở thành cũ Châu Địa lý (Quảng Bình) đem về Châu Ô lý (Quảng Trị - Thừa Thiên). Tháng 8 năm 991, Lê Đại Hành sai Phụ quốc Ngô Tử An đưa 3 vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam giới (Hà Tĩnh) đến Châu Địa lý (Quảng Bình ngày nay).
Sang cuối đời Tiền Lê, vua Lê lúc đó là Lê Long Đỉnh hung tàn, bạo ngược, sống sa đoạ, không đủ tư cách và năng lực cầm đầu triều đình. Lê Long Đỉnh đã có những hành động đàn áp dã man nhân dân và ngược đãi sư sãi làm cho lòng người oán giận. Vì vậy khi Lê Long Đỉnh chết, triều đình đưa Lý Công Uẩn lên làm vua lập nên triều Lý (1009 - 1225). Ngay sau khi lên làm vua, Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành Thăng Long (Hà Nội). Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ nói rõ mục đích dời đô là “đóng nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu đời sau”. Thăng Long là nơi hội tụ điều kiện để xây dựng một kinh đô “ở nơi trung tâm bờ cỏi đất nước, được cái thế rồng cuộn, hỗ ngồi; vị trí ở giữa bốn phương đông, tây, nam, bắc; tiện hình thế núi sông sau trước... là nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời”.
Việc dời đô về Thăng Long phản ánh sự lớn mạnh và yêu cầu phát triển mới của quốc gia phong kiến tập quyền, chứng tỏ khả năng quyết tâm và lòng tin của dân tộc ta vì sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước. Cũng với tinh thần đó, năm 1054 nhà Lý đổi tên nước là Đại Việt, khẳng định ý chí tự tôn và tự chủ của cả dân tộc. Khi triều Lý được thành lập, Lý Thái Tổ đã tập trung củng cố chế độ Trung ương tập quyền, tăng cường xây dựng quân đội và thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế. Đối với các dân tộc trong nước Đại Việt, triều đình Lý thực hiện nhiều chính sách nhằm củng cố khối đoàn kết dân tộc để bảo vệ quốc gia thống nhất. Đối với các nước láng giềng, nhà Lý cố gắng giữ mối bang giao hoà hiếu, tránh xung đột để giữ vững hoà bình, ổn định, tập trung cho việc xây dựng đất nước. Thế nhưng, đối với triều đình nhà Tống ở phía Bắc, sau khi thất bại trong cuộc xâm lược lần thứ nhất dưới thời Tiền Lê, chúng chưa chịu từ bỏ âm mưu thôn tính nước ta một lần nữa. Ở phía Nam, mặc dầu Chiêm Thành đã bị thất bại nặng nề sau nhiều lần đánh ra Bắc và đặc biệt là cuộc tiến đánh kinh đô Chiêm thành của Lê Đại Hành năm 982 - 983 các vương triều Chiêm vẫn không từ bỏ âm mưu đánh phá, quấy rối Đại Việt. Nhận thức được kẻ thù nguy hiểm của Đại Việt là tập đoàn phong kiến phương Bắc, triều Lý đã tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống xâm lược Tống. Muốn vậy phải ổn định biên giới phía Nam. Trước tình hình quấy phá của Chiêm thành ở các vùng ven biển phía Nam trong những năm đầu triều Lý mới thành lập, Lý Thái Tổ cho quân tiến đánh Chiêm Thành. Tháng 12 năm 1020 Lý Thái Tổ sai Khai Thiên Vương và Đạo Thạc Phụ đem quân đánh Chiêm Thành ở trại Bố Chính (Bắc Quảng Bình ngày nay). Quân Đại Việt tiến thẳng vào núi Long Tỵ (thuộc huyện Quảng Trạch ngày nay) giết tướng Chiêm thành là Bố Linh và nhiều quân sĩ. Cuộc tiến quân lần này chỉ nhằm tiêu diệt lực lượng quân Chiêm Thành ở Bố Chính, nơi Chiêm Thành thường cho quân ra đánh phá các quân phía Bắc thuộc Đại Việt. Vì vậy, quân Đại Việt không tiến sâu vào đất Chiêm Thành. Đánh xong trại Bố Chính, quân Đại Việt rút về nước.
Sang đời Lý Thái Tông, từ khi lên ngôi, trong quan hệ với Chiêm thành, vua chỉ “ban ơn đức vỗ về”nhưng vua Chiêm thành lại không ngừng sai quân quấy phá các quận phía Nam của Đại Việt. Năm Minh Đạo thứ 2 (Quý Mùi,1043) mùa hạ, tháng tư, “giặc gió sóng” (nghĩa là nhân gió sóng mà đi cướp) Chiêm Thành cướp bóc dân ven biển”.
Trước tình hình đó, Lý Thái Tông đem quân đánh Chiêm Thành để ổn định biên cương phía Nam. Đại việt sử ký toàn thư chép:
Tháng 12-1043 vua xuống chiếu cho quân sĩ sửa soạn giáp binh, chuẩn bị hẹn đến mùa xuân tháng 2 sang năm đi đánh Chiêm thành.
Tháng 1 - 1044 phát khí giới trong kho ban cho các quân.
Ngày Quý Mão, vua thân chính đi đánh Chiêm thành, cho Khai hoàng vương là Nhật Tôn làm lưu thủ Kinh sư.
Cuộc tiến quân của Lý Thái Tông được Đại Việt sử ký toàn thư mô tả như sau:
"Ngày Giáp Thìn, quân đi từ Kinh sư, ngày Ất Tỵ đến cửa biển Đại Ác, gặp lúc sóng gió yên lặng, đại quân qua biển dễ dàng, cho tên Đại Ác thành Đại An. Đến núi Ma Cô có đám mây tím bộc lấy mặt trời. Qua vụng Hà Não, có đám mây che thuyền ngự, theo thuyền mà đi hoặc ngừng. Ngày hôm ấy đến đóng doanh ở cửa biển Trụ Nha. Ngày hôm sau, nhờ thuận gió, trong một ngày qua hai bãi Đại Tiểu Trường sa(1). Đến cửa Tư khách có con cá trắng nhảy vào thuyền. Vua nghe tin Chiêm thành đem quân và voi bày trận ở bờ nam sông Ngũ Bồ(2) muốn chống cự quan quân. Vua truyền cho quân bỏ thuyền lên bộ, đem quân sĩ lên bờ bắc, thấy quân Chiêm đã dàn ở bên sông, vua mới cắt đặt quân sĩ dựng cờ nỗi trống, sang tắt ngang sông đánh. Binh lính chưa chạm nhau mà quân Chiêm đã tan vỡ, quan quân đuổi chém được ba vạn thủ cấp. Quách Gia Di chém được đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu(3) tại trận đem dâng. Đoạt được 30 voi thuần, bắt sống hơn 5 nghìn người, còn thì bị quan quân giết chết, máu nhuộm gươm giáo, xác chất đầy đồng. Vua tỏ ý cảm khái, xuống lệnh rằng “kẻ nào giết bậy người Chiêm thành thì sẽ giết không tha”.
Tháng 7, vua Lý Thái Tông đưa quân vào kinh đô Chiêm thành là Phật Thệ, sai sứ đi khắp các hương ấp phủ dụ, trấn an dân chúng.
Tháng 8, Lý Thái Tông cho quân rút về nước. Đối với các tù binh Chiêm Thành, Lý Thái Tông cho họ nhận người cùng bộ tộc và cho định cư từ trấn Vĩnh Khang (thuộc huyện Tương Dương, Nghệ An ngày nay) đến Đăng Châu (thuộc đất Yên Bái và Lào Cai ngày nay), đặt hương ấp phỏng theo tên cũ của Chiêm thành.
Cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành dưới triều đại Lý Thái Tông đã diễn ra với quy mô lớn. Quân Đại Việt đã đánh vào kinh đô Phật Thệ giết cả vua Chiêm nhưng Lý Thái Tông không có chủ trương cướp đất, giành dân, đặt quan cai trị. Những chủ trương cấm giết tù hàng binh, cấp đất cho họ định cư lập hương ấp theo phong tục Chiêm Thành phần nào đã nói lên tính nhân đạo và không muốn khoét sâu mối hận thù của triều Lý.
Sau khi vua Lý Thái Tông mất (1054) Lý Thánh Tông lên ngôi, nguy cơ xâm lược từ triều đại phong kiến phuơng Bắc là nhà Tống càng đến gần. Trong lúc đó ở phía Nam, sau một thời gian phục hồi, vua Chiêm thành là Chế Cũ lại bắt đầu gây rối vùng biên cương phía Nam. Năm 1068, Chiêm Thành, một mặt chịu triều cống nhưng mặt khác lại tích cực quấy nhiễu biên giới. Để loại trừ mối uy hiếp từ phía Nam, làm thất bại âm mưu liên kết của quân Tống với nước Chiêm thành, Lý Thánh Tông quyết định đánh Chiêm thành. Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1069), Lý Thánh Tông thân chinh cầm quân, cùng với tướng quân Lý Thường Kiệt đánh vào kinh thành Phật Thệ (tức Vijaya - Bình Định) của Chiêm Thành. Trong khi vua ra trận, công việc triều chính nhà Lý giao cho bà Nguyên Phi Ỷ Lan trong coi. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, trong lần xuất chinh này, “vua đánh Chiêm thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên Phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hoá hoà hợp, trong cõi vững vàng, tôn sùng phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: “Nguyên Phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng làm được việc gì hay sao !” bèn quay lại đánh nữa, thắng được”.
Trong cuộc tiến công này, khi Lý Thánh Tông đến cửa Nhật Lệ, thuỷ quân Chiêm đã chặn đánh dữ dội. Vua sai tướng Hoàng Kiện đốc thúc quân sĩ đánh trực diện. Quân Chiêm chống cự không nổi bèn rút chạy vào phía trong. Khi đến kinh đô Phật Thệ, quân lính đổ bộ tiến đánh quân Chiêm Thành ở hai bờ sông Tu Mao. Trong trận chiến đấu này, hai anh em Lý Thường Kiệt và Lý Thường Hiến đã lập công xuất sắc. Nghe tin thất trận ở Tua Mao, vua Chiêm là Chế Cũ (Rudreverma III) đưa vợ con bỏ thành chạy trốn về phía nam. Quân Lý vào thành Phật Thệ, người trong thành ra hàng. Lý Thường Kiệt cho quân đuổi theo và bắt được Chế Cũ đưa về Thăng Long. Chế Cũ xin dâng ba châu Bố chính, Địa lý, Ma linh (tức phần đất Quảng Bình và bắc Quảng Trị ngày nay) cho Đại Việt. Lý Thánh Tông chấp nhận, cho Chế Cũ về nước.
Cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm thành năm 1069 với chiến thắng của quân dân Đại Việt có ý nghĩa rất quan trọng đối với lịch sử vùng đất Quảng Bình nói riêng và lịch sử nước ta nói chung. Kể từ nay (1069) về cơ bản địa phận Quảng Bình và một phần đất phía Bắc Quảng Trị được sát nhập vào quốc gia Đại Việt. Biên giới Đại Việt đã vượt qua Hoành Sơn (Đèo Ngang) tiến về phía Nam, mở đầu cho công cuộc mở cõi về phương nam để có non sông một giải từ Bắc vào Nam như ngày nay. Đó là kết quả tất yếu của lịch sử. Trong các cuộc chiến tranh với Chiêm Thành, Đại Việt không có chủ trương chiếm đất, giành dân, thiết lập bộ máy cai trị mà chủ yếu là xuất phát từ mục đích tự vệ, giữ vững biên cương phía Nam, tập trung lực lượng đối phó với kẻ thù xâm lược của các triều đại phong kiến phuơng Bắc. Trong lịch sử quan hệ giữa nước ta và Chiêm Thành, người Chiêm thành đã nhiều lần tổ chức chiến tranh muốn mở rộng lãnh thổ ra phía Bắc. Các triều đại phong kiến độc lập từ nhà Đinh sang nhà Lý luôn giữ mối quan hệ bang giao hoà hiếu và đã có nhiều chính sách để giữ vững ổn định, hoà bình, để xây dựng đất nước. Việc Chế cũ dâng ba châu Bố chính, Địa lý, Ma linh cho Đại Việt là kết quả thất bại tất yếu qua trình xung đột giữa các tập đoàn phong kiến nhưng đã mang lại một hệ quả lịch sử là đưa Quảng Bình nhập vào Đại Việt, trở lại với đất nước Việt Nam mà từ thời Âu Lạc những cư dân Việt đã định cư ở đây. Trải qua những biến động lịch sử, mảnh đất Quảng Bình từ đây trở thành phên dậu của Đại Việt ở phía Nam, có vị trí cực kỳ quan trọng trong việc mở mang bờ cỏi đất nước ở những giai đoạn lịch sử kế tiếp.