(TỪ THẾ KỈ X ĐẾN THẾ KỈ XV)
I. CÁC CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN XÂM LƯỢC TỐNG (THẾ KỈ X – XI)
1. Cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê (năm 981)
Năm 980, lợi dụng việc vua Đinh Tiên Hoàng bị ám hại, triều đình Đại Cồ Việt gặp nhiều khó khăn, vua Tống sai quân xâm lược nước ta. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lập tức được bà Thái hậu họ Dương và nhiều tướng lĩnh tôn lên làm vua, chỉ đạo cuộc kháng chiến. Năm 981, quân Tống tiến vào nước ta. Với truyền thống yêu nước sâu sắc và ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, quân và dân Đại Cồ Việt đã chiến đấu anh dũng và đầy mưu trí, đánh tan các đạo quân xâm lược ngay ở vùng Đông Bắc. Một số tướng giặc chết hoặc bị bắt. Cuộc kháng chiến hoàn toàn thắng lợi. Quan hệ Việt - Tống trở lại ổn định.
Năm 1005, khi Lê Hoàn mất, một số đại thần nhà Tống xin vua Tống sai quân sang đánh nước ta một lần nữa, vua Tống trả lời: “Họ Lê thường vẫn sai con vào chầu, không thiếu trung thuận, nay nghe tin mới chết, chưa có lễ thăm viếng đã vội đem quân sang đánh, như vậy không đáng là bậc vương giả”.
2. Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý (1075 – 1077)
Gần 100 năm yên bình trôi qua, Đại Việt thời Lý đang vươn lên trong xây dựng đất nước. Cùng lúc đó, nhà Tống suy yếu lại gặp nhiều khó khăn ở trong nước cũng như ở vùng biên giới phía Bắc. Theo đề nghị của Tể tướng Vương An Thạch, vua Tống hạ lệnh chuẩn bị gấp rút cuộc xâm lược Đại Việt với mục tiêu: “Nếu thắng, thế Tống sẽ tăng, các nước Liêu, Hạ sẽ phải kiêng nể”.
Được tin đó, vua Lý mời các đại thần vào cung hội bàn. Thái uý Lý Thường Kiệt đã chủ trương: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân đánh trước để chặn mũi nhọn của giặc”. Được sự tán đồng của mọi người và được sự ủng hộ của quân sĩ, Thái uý Lý Thường Kiệt - người chỉ đạo cuộc kháng chiến, đã thực hiện chiến lược “Tiên phát chế nhân”, kết hợp với lực lượng dân binh của các dân tộc miền núi, đem quân đánh lên phía bắc. Năm 1075, quân ta đánh sang châu Khâm, châu Liêm (Quảng Đông, Quảng Tây – Trung Quốc), rồi tập trung bao vây thành Ung Châu (Nam Ninh - Quảng Tây), đánh tan hoàn toàn lực lượng chuẩn bị xâm lược của nhà Tống và rút về. Năm 1077, 30 vạn quân Tống tràn sang nước ta. Bằng trận quyết chiến trên bờ Bắc sông Như Nguyệt (sông Cầu - Bắc Ninh), quân ta do Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy, đã đánh tan quân xâm lược. Bài thơ:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Tạm dịch là:
Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận ở sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
(theo Lịch sử Việt Nam, tập I, NXB Khoa học xã hội, H., 1971)
Mãi mãi vang vọng non sông.
II. CÁC CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN XÂM LƯỢC MÔNG – NGUYÊN (THẾ KỈ XIII)
Thế kỉ XIII, trên bước đường ổn định và phát triển đất nước dưới thời Trần, nhân dân Đại Việt lại phải đương đầu với một cuộc thử lửa lớn lao kéo dài suốt 30 năm. Với tư tưởng bành trướng, làm chủ toàn bộ phương Nam, quân Mông – Nguyên đã ba lần đánh xuống nước ta (vào các năm 1258, 1285 và 1288). Dưới sự chỉ huy của vị thống soái, nhà quân sự thiên tài Trần Hưng Đạo và các vua Trần yêu nước, cùng hàng loạt tướng lĩnh tài năng, “cả nước đứng dậy” cầm vũ khí, gậy gộc chiến đấu dũng cảm, quyết bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Cùng với hai hội nghị lịch sử - Bình Than và Diên Hồng, vang lên lời hịch của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo: “Ta thường đến bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa cũng nguyện xin làm” (theo Thơ văn Lý - Trần)
Kinh thành Thăng Long ba lần bị vó ngựa Mông – Nguyên giày xéo, bộ tổng chỉ huy kháng chiến có lần bị kẹp giữa hai “gọng kìm” của giặc, nhưng với tinh thần “sát Thát”, thực hiện kế “thanh dã”, chủ động đối phó với mọi âm mưu của giặc, quân dân Đại Việt đã đánh bại quân xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc. Chiến thắng Bạch Đằng vang dội mãi mãi đi vào lịch sử như một biểu tượng của truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, quật cường của dân tộc.
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
Tạm dịch:
Non sông nghìn thủa vững âu vàng.
Cùng trong khoảng thời gian này, năm 1282, quân Mông – Nguyên đã đánh vào Cham-pa. Dưới sự chỉ đạo của vua Cham-pa và Thái tử Ha-ri-gít, quân và dân Cham-pa đã rút khỏi kinh đô Vi-giay-a, rồi sau đó phản công chiến đấu quyết liệt, buộc giặc phải tách một bộ phận rút lên mạn bắc, để rồi theo lệnh trên đánh lên Đại Việt.
III. PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG XÂM LƯỢC ĐẦU THẾ KỈ XV VÀ KHỞI NGHĨA LAM SƠN
Cuối thế kỉ XIV, nhà Trần suy vong. Bằng một cuộc cải cách lớn, Tể tướng Hồ Quý Ly mong cứu vãn tình thế để có đủ lực lượng chống lại sự đe doạ xâm lược của nhà Minh. Đầu thế kỉ XV, do không đoàn kết được nhân dân, nhà Hồ chịu thất bại trước cuộc xâm lược của quân Minh. Năm 1407, Đại Việt lại rơi vào ách đô hộ nghiệt ngã, tàn bạo. Hàng loạt cuộc khởi nghĩa đã bùng lên ở miền xuôi cũng như miền ngược, nhưng đều bị đàn áp. Xuất phát từ niềm tự hào:
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương (Bình Ngô đại cáo)
Năm 1418, một cuộc khởi nghĩa lớn đã dấy lên ở đất Lam Sơn (Thanh Hoá), do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo.
Với tinh thần “quyết không đội trời chung cùng quân giặc”, nghĩa quân Lam Sơn đã chiến đấu ngoan cường, bất khuất, sẵn sàng chịu hi sinh gian khổ để rồi vượt qua được giai đoạn khó khăn, chủ động đánh vào Nam, giải phóng Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá, và sau đó, làm chủ Thanh Hoá. Tháng 9 – 1426, nghĩa quân mở cuộc tấn công đại quy mô ra Bắc. Với tư tưởng “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, đem chí nhân mà thay cường bạo”, nghĩa quân không chỉ lôi cuốn được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, mà còn phân hóa được lực lượng của kẻ thù, đẩy quân Minh vào thế bị động. Không còn cách nào khác, quân giặc phải sai người về nước xin cứu viện. Cuối năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn chiến đấu chủ động, sáng tạo đã làm nên chiến thắng lẫy lừng Chi Lăng – Xương Giang, đánh tan tành 10 vạn viên binh của giặc. Quân xâm lược Minh đầu hàng và phải rút về nước.
Mùa xuân năm 1428, đất nước sạch bóng quân thù.
Giang sơn từ đây đổi mới.