tham khảo
Trần Hưng Đạo có tên thật là Trần Quốc Tuấn, là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu vua Trần Thái Tông, quê làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Nam Định). Ngài thông minh đĩnh ngộ, văn võ song toàn; chí biết dẹp thù nhà, thân biết đoàn kết anh em dòng họ cùng lo toan việc nước. Ngài vốn có tài quân sự, lại là tôn thất nhà Trần, do đó trong cả 3 lần quân Nguyên – Mông tấn công Đại Việt, ông đều được vua Trần cử làm tướng chống trận. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần 2 và lần 3, ông được vua Trần Nhân Tông phong làm Tiết chế các đạo quân thủy bộ (Tổng tư lệnh quân đội). Dưới tài lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi giặc ra khỏi nước vì thế ngài được phong tước Hưng Đạo Vương. Ngài mất vào ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý (1300).
Tham khảo
Hồ Chủ tịch là lãnh tụ cách mạng vô sản kiệt xuất, một chiến sĩ cộng sản lão thành, Danh nhân văn hóa của thế giới. Với dân tộc Việt Nam, Người là Cha, là Bác, là Anh, Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ… (Tố Hữu). Đất nước ta, dân tộc ta tự hào về Hồ Chủ tịch – con người giản dị và vĩ đại – tiêu biểu cho truyền thống bốn ngàn năm lịch sử vẻ vang.
Đầu thế kỉ XX, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành thấu hiểu nỗi nhục nô lệ dưới ách xâm lược của thực dân Pháp nên đã noi gương các sĩ phu tiền bối như Phạn Bội Châu, Phan Chu Trinh… tìm đường cứu nước. Rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) năm 1911, Nguyễn Tất Thành nung nấu ý chí là phải sang tận nước Pháp để tìm hiểu kẻ thù, từ đó có cách chống lại chúng.
Ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, người chiến sĩ cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc đã cống hiến rất nhiều cho phong trào đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của các dân tộc thuộc địa bị áp bức bóc lột trên toàn thế giới và trở thành người sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 1941, với vốn sống thực tế, với kinh nghiệm dày dặn và trình độ hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ, dân tộc ta vùng lên phá tan xiềng xích của chế độ phong kiến suy tàn và ách nô lệ của thực dân Pháp cùng phát xít Nhật, giành lại chủ quyền độc lập, tự do. Ngày 2-9-1945, người chiến sĩ cộng sản lão thành Nguyễn Ái Quốc đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập và trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Chủ tịch Hồ Chí Minh.)
Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ sáng suốt lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân trường kì kháng chiến và đã kết thúc vẻ vang bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Nhân dân miền Bắc sau giải phóng phấn khởi bắt tay vào xây dựng đất nước và sát cánh cùng đồng bào miền Nam tiếp tục đấu tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng trí tuệ siêu việt, bằng tấm gương suốt đời phấn đấu, hi sinh vì dân vì nước, đã đoàn kết toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chiến đấu đến cùng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khẳng định truyền thống bất khuất, anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Lòng nhân ái của Hồ Chủ tịch thể hiện lí tưởng cao cả là một đời phấn đấu, hi sinh để mưu cầu độc lập tự do cho dân, cho nước: Tự do cho tổ quốc tôi, cơm áo cho đồng bào tôi. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
Tình yêu thương con người của Bác sâu sắc và rộng lớn. Trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ, Bác thương em bé mới nửa tuổi đã phải theo mẹ vào chốn lao tù (Cháu bé trong nhà lao Tân Dương – Nhật kí trong tù). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác thương các cháu nhi đồng phải sống khổ sở vì thiếu thốn, vì bom đạn: Nay vì vận nước gian nan, trẻ em cũng phải lầm than cực lòng. Bác luôn quan tâm và yêu thương các cháu với tình cảm chân thành, ruột thịt: Ai yêu nhi đồng, bằng Bác Hồ Chí Minh…
Bác thông cảm với người lao động vất vả, cơ cực, lo nỗi lo mất mùa, chia sẻ niềm vui được mùa với nông dân: Nghe nói năm nay trời đại hạn, Mười phân thu hoạch chỉ vài phân… Khắp chốn nông dân cười hớn hở, Đồng quê vang dậy tiếng ca vui.. (Nhật kí trong tù).
Lòng nhân ái của Bác Hồ bao trùm khắp các tầng lớp nhân dân:
Bác sống như trời đất của ta,
Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa,
Tự do cho mỗi đời nô lệ,.
Sữa để em thơ, lụa tặng già.
(Bác ơi- Tố Hữu)
Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta,
Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa,
Chỉ biết quên mình cho hết thảy,
Như dòng sông chảy nặng phù sa.
(Theo chân Bác – Tố Hữu).
Bác suốt đời cống hiến, hi sinh vì quyền lợi của đất nước và dân tộc: Nâng niu tất cả chỉ quên mình (Theo chân Bác – Tố Hữu). Bác sống giản dị, thanh bạch, không bao giờ nói về mình. Đức khiêm tốn, sự hài hòa giữa tư tưởng vĩ đại và phong thái tự nhiên, hồn hậu, gắn bó chan hòa với con người và thiên nhiên của Bác đã tạo nên sức thuyết phục lớn lao đối với dân tộc và nhân loại.
Hồ Chủ tịch là một nhân cách khiêm tốn, giản dị và vĩ đại. Tài năng và đức độ của Bác rất xứng đáng với những danh hiệu cao quý mà cả nhân loại đã tôn vinh: lãnh tụ cách mạng vô sản xuất sắc, chiến sĩ hòa bình, Danh nhân văn hóa thế giới… Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi Bác là kết tinh tinh hoa của bốn ngàn năm lịch sử và thời đại. Bác Hồ là hình ảnh đẹp nhất về một Con Người chân chính.