Khi gặp rắc rối hoặc đối diện một thử thách trong cuộc sống, thay vì hỏi: Tại sao? Sao lại là tôi? Thì bạn hãy hỏi: Mình sẽ phải làm gì? Mình sẽ làm như thế nào? Đặt những câu hỏi như thế sẽ có lợi cho ta vì ta cảm thấy bình tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn khi đối mặt với bất cứ chuyện gì. Ta dùng năng lượng và khả năng của chính bản thân để phản ứng lại với hoàn cảnh khắc nghiệt. Bởi bản thân không thể thay đổi những gì xảy đến, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tự lựa chọn cho mình cách đối diện và vượt qua.Thành công không phải là đích đến cuối cùng, thất bại cũng chẳng phải vực sâu, đó chỉ là động lực để bạn vững vàng hơn trên con đường sắp bước.Đại dương mênh mông sẽ không thể đánh chìm một con tàu nếu nước không tràn vào bên trong nó. Cũng tương tự như thế, những khó khăn sẽ không thể quật ngã bạn nếu bạn không cho phép chúng làm thế.Vì vậy, đừng ngại sự đau khổ trong chốc lát, vì khi đau khổ, hoàn cảnh sẽ mở ra cho bạn cơ hội để trưởng thành và điều chỉnh lại bản thân thành con người nổi bật mà bạn có khả năng trở thành.
Rất nhiều người luôn dựa vào trực giác của họ trước khi quyết định công việc. Trực giác còn được gọi là “bản năng gốc” hay “trái tim”. Nó có thể là tiếng nói bên trong luôn mách bảo người ta. Có người nói: “Tôi tin vào trực giác của mình“, và sau đó coi nó là lựa chọn sáng suốt. Trên thực tế, ngoài trực giác, chúng ta còn có nhiều cách khác để ra quyết định.
Có những người thích thu thập nhiều thông tin trước khi ra một quyết định hợp lý. Một số người lại thích ra quyết định sau khi đã chia sẻ cảm xúc và cách nhìn nhận vấn đề với người khác. Một số khác lại cầu vào sự giúp đỡ tâm linh của chiêm tinh gia hay nhà nghiên cứu lý số, ví dụ “Kinh Dịch”.
Đây thực sự là một quá trình khó khăn và mất thời gian, đặc biệt là khi người ta phải chịu ảnh hưởng không mong đợi của những nhân tố cảm xúc tiêu cực, lo lắng kèm theo. Khi xuất hiện lo lắng, chúng ta bắt đầu tập trung vào nỗi sợ của chính mình hơn là nhìn thấy cơ hội. Khi ấy, các loại nguy cơ bỗng trở nên to lớn hơn một cách rõ rệt.
Vì thế nhận biết được trạng thái cảm xúc tiêu cực và lý do gây ra nó là việc rất quan trọng. Hãy viết những điều này xuống sổ tay của bạn vì nó sẽ giúp bạn nhận ra những gì đang ảnh hưởng đến các quyết định của mình. Và rồi, bạn hãy chọn cho mình một con đường đi chính xác nhất.
Ra quyết định bằng trực giác
Ra một quyết định tốt chính là cân bằng giữa kinh nghiệm sống, trí tuệ, bản năng đời thường và cả trực giác. Trạng thái tốt nhất khi ra quyết định chính là tinh thần bình thản, tự tin và tin theo trực giác của mình.
Tiến sĩ Laura Koniver, một bác sĩ chuyên nghiên cứu về trực giác đã gợi ý một số cách thức mà chúng ta có thể dùng để giải mã tư duy đang bị rối loạn giữa cảm xúc cá nhân và trực giác. Những kinh nghiệm này có lẽ sẽ giúp ích khi bạn cảm thấy đầu óc quá tải và không chắc chắn có thể hiểu được mình.
Trực giác hay chỉ là ý nghĩ?
Ý nghĩ của tôi đến từ đầu óc tôi hay sâu thẳm hơn trong con người tôi? Ở đây, Laura gọi phần sâu thẳm ấy là “Solar Plexus” (thuật ngữ gọi là Nê Hoàn Cung hoặc Luân Xa Tùng Thái Dương). Laura cho rằng nếu đến từ đầu óc bạn thì nó chính là tư duy, trong khi đó sâu xa hơn, nó có thể là trực giác.
Tư duy của tôi có dẫn đến cảm xúc không hay chỉ là một tiếng lòng điềm đạm và chắc chắn? Laura cho rằng trực giác thường yên lặng hơn và thực tế hơn, trong khi đó tiếng lòng thì luôn đầy tính biểu cảm.
Tôi có quá lo nghĩ không? Trực giác của bạn thường chỉ loé lên một lần rồi biến mất. Còn tiếng lòng lại luôn lặp lại vì nó có thể là kết quả của thói quen đã dưỡng thành từ trước như sợ hãi, nghi ngờ hay tự ti.
Tư duy của bạn đem đến sự giải thoát tư tưởng nhẹ nhàng hay căng thẳng ngay lập tức? Thường thì trực giác luôn là cảm giác “Đúng” và cho bạn một giải pháp đáng tin, có thể làm theo và thành công. Còn tư duy cảm xúc thì ngược lại, luôn tạo ra thêm nhiều nghi vấn, khiến bạn băn khoăn khi cứ phải suy xét lại mãi.
Những trở ngại của việc ra quyết định
Trong bài viết “Effective Decision Making” (Quyết định hiệu quả) của Skills You Need có liệt kê ra một số chướng ngại có thể cản trở việc ra quyết định hiệu quả như sau:
Quá nhiều thông tin: Điều này khiến bạn dễ cảm thấy bị ngợp. Quyết định nên thẳng thắn và đơn giản, vậy nhưng nhiều khi bạn lại đang làm nó phức tạp lên.
Quá ít thông tin: Khiến bạn cảm thấy hoang mang, không nắm được sự việc mà mình sắp quyết định. Những lúc ấy, bạn hãy thử gọi điện thoại cho bạn bè hoặc một người nắm rõ được thông tin để tìm hiểu thêm. Với nhiều thông tin hơn, bạn sẽ có nhiều góc độ hơn để cân nhắc.
Quá nhiều người tham gia vào việc ra quyết định: “Lắm thầy thối ma”, thật đúng như người xưa hay nói. Bạn vốn là một người có trách nhiệm với mọi người. Tuy nhiên thật không may là bạn sẽ phải ra những quyết định khó khăn, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều người. Một lời khuyên từ chuyên gia có thể sẽ hữu ích trong tình huống này.
Lợi ích cá nhân: Hãy luôn rõ ràng, minh bạch khi xác định lợi ích thực sự của bạn là gì. Nó là tác nhân quan trọng sẽ tác động đến quyết định của bạn.
Cảm xúc trói buộc hay chí công vô tư? Cả hai thái cực này đều cực đoan và sẽ mang đến vấn đề. Lý tưởng nhất là hãy chọn đúng điểm cân bằng mà hành xử công bằng với tất cả mọi người, trong đó có bạn.
Kiên nhẫn là một đức tính tốt
Khi không thể đưa ra quyết định sớm, rất có thể bạn sẽ phải trải qua những “tra tấn” nhất định về tinh thần. Bạn không thể phân biệt nổi đâu là trực giác, đâu là sự sợ hãi, hay đâu là điều bạn đang tự huyễn hoặc mình.
Những khi ấy, hãy bình tâm, đợi cho sự căng thẳng lắng xuống và suy xét thấu đáo hơn.
Có một câu nói của Lão Tử hoàn toàn chính xác cho hoàn cảnh này: “Hãy chờ cho đến khi nước đục dần trở nên trong”.
Điểm cốt lõi có lẽ là lòng kiên nhẫn, bởi đây không phải lúc ra quyết định. Kinh nghiệm cho thấy rằng, khi ra quyết định vào lúc không bình tĩnh, người ta dễ nhận phải kết cục không mấy tốt đẹp.
Trong “Đạo Đức Kinh” chương 15, Lão Tử viết: “Ai có thể (như nước) đang đục nhờ tĩnh lại mà dần dần trở nên trong. Ai có thể đang yên tĩnh vậy mà động ngay lúc cần thiết nhất. Bậc đắc đạo thì không tự mãn. Vì không tự mãn nên luôn tiếp thụ và đổi mới” (nguyên văn: “Thục năng trọc dĩ tĩnh chi từ thanh? Thục năng an dĩ động chi từ sinh? Bảo thử đạo giả, bất dục doanh. Phù duy bất doanh, cố năng tế nhi tân thành”).
Ý tứ ở đây đã rất rõ ràng. Lão Tử dạy người ta nên biết sống thuận theo Đạo. Ông hay lấy hình tượng Nước để ví von, đưa ra bài học cho người đời. Nhẫn chính là phải như Nước từ đục trở thành trong mà vẫn điềm tĩnh không oán trách, không nhờ cậy ai, chỉ tự nội tâm mình lắng xuống mà trở nên trong. Trí huệ của đời người phải học để trở thành như dòng nước ấy.
Đạo gia giảng Âm Dương tương hỗ, trong Dương có Âm và ngược lại. Một người khi tâm thái an tĩnh vô vi, tưởng như bất động nhưng khi cần hành động thì từ ngay trạng thái thanh tĩnh mà đưa ra hành động chính xác nhất.
Từ trong Tĩnh mà đã có Động, hàm chứa năng lượng to lớn để từ trạng thái chí Âm chí Tĩnh chuyển sang chí Dương chí Động, quyết liệt dứt khoát. Những kẻ tầm thường tuyệt đối không thể làm điều này, chỉ có bậc đắc Đạo, sống hài hòa với vũ trụ, tùy kỳ tự nhiên với đại trí huệ mới làm được.
Bây giờ là con đường do bạn chọn
Cần có lòng can đảm để lựa chọn và ra quyết định trong đời vì chỉ có bạn mới biết được điều gì là đúng, là tốt cho bản thân. Chúng ta ai cũng có thể gây ra lỗi lầm và lựa chọn sai, nhưng bạn đều có thể coi nó như là một cơ hội để học tập. Vì hành trình của cuộc đời thú vị nhất không phải là con đường bạn chọn mà chính là quá trình bạn bước từng bước tiến về phía trước.