Rừng là quần xã sinh vật trong đó cây rừng là thành phần chủ yếu. Quần xã sinh vật phải có diện tích đủ lớn. Giữa quần xã sinh vật và môi trường, các thành phần trong quần xã sinh vật phải có mối quan hệ mật thiết để đảm bảo khác biệt giữa hoàn cảnh rừng và các hoàn cảnh khác.
Ngay từ thuở sơ khai, con người đã có những khái niệm cơ bản nhất về rừng. Rừng là nơi cung cấp mọi thứ phục vụ cuộc sống của họ. Lịch sử càng phát triển, những khái niệm về rừng được tích lũy, hoàn thiện thành những học thuyết về rừng.
Năm 1817, H.Cotta (người Đức) đã xuất bản tác phẩm Những chỉ dẫn về lâm học, đã trình bày tổng hợp những khái niệm về rừng. Ông có công xây dựng học thuyết về rừng có ảnh hưởng đến nước Đức và châu Âu trong thế kỷ 19.
Năm 1912, G.F.Morodop công bố tác phẩm Học thuyết về rừng. Sự phát triển hoàn thiện của học thuyết này về rừng gắn liền với những thành tựu về sinh thái học.
Năm 1930, Morozov đưa ra khái niệm: Rừng là một tổng thể cây gỗ, có mối liên hệ lẫn nhau, nó chiếm một phạm vi không gian nhất định ở mặt đất và trong khí quyển. Rừng chiếm phần lớn bề mặt Trái Đất và là một bộ phận của cảnh quan địa lý.
Năm 1952, M.E. Tcachenco phát biểu: Rừng là một bộ phận của cảnh quan địa lý, trong đó bao gồm một tổng thể các cây gỗ, cây bụi, cây cỏ, động vật và vi sinh vật. Trong quá trình phát triển của mình chúng có mối quan hệ sinh học và ảnh hưởng lẫn nhau và với hoàn cảnh bên ngoài.
Năm 1974, I.S. Mê-lê-khôp cho rằng: Rừng là sự hình thành phức tạp của tự nhiên, là thành phần cơ bản của sinh quyển địa cầu.
Rừng theo khái niệm của luật pháp Việt Nam là để chỉ một hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng, cũng như các yếu tố môi trường khác, trong đó cây gỗ, tre nứa hoặc hệ thực vật đặc trưng là thành phần chính có độ che phủ của tán rừng từ 0,1 trở lên.
Hoặc nói cách khác rừng là một hệ sinh thái, là nơi sinh sống của các loài thực vật, động vật, nấm và vi sinh vật, những thành phần này của rừng có mối liên hệ mật thiết với nhau.