trong quan niệm tư tưởng của Nho gia, "nhẫn" luôn là một trong những phẩm giá mà con người cần tu dưỡng, rèn luyện. Cho đến ngày nay, nhẫn nhịn, nhường nhịn vẫn có vai trò quan trọng trong việc thiết lập và duy trì mối quan hệ giữa người với người.
Như chúng ta đã biết, nhường nhịn là một trong những đức tính vô cùng tốt đẹp, thể hiện qua việc không toan tính thiệt hơn, không tranh chấp được mất và luôn nhường những phần tốt hơn, đẹp hơn cho người khác. Bởi vậy, những người biết nhường nhịn luôn ngời sáng vẻ đẹp của những hành động như nhường cơm sẻ áo, dành những thứ tốt đẹp cho người khác và nhận lại những thiệt thòi cho bản thân.
Trong xã hội, nếu con người nhường nhịn lẫn nhau thì nền an ninh trật tự của xã hội sẽ được duy trì và bảo vệ, chẳng hạn những hành động như nhường ghế cho người già, phụ nữ và trẻ em khi đi xe buýt, nhường đường cho người khác khi tham gia giao thông,... tuy đơn giản nhưng đem lại những ý nghĩa vô cùng lớn lao trong việc thiết lập các mối quan hệ xã hội. Như vậy, sự nhường nhịn là một trong những cơ sở để thiết lập những gia đình hạnh phúc và xây dựng xã hội ổn định, văn minh hơn. Sự nhường nhịn còn giúp con người vượt thoát khỏi những bon chen, ích kỉ, toan tính của cuộc sống xô bồ, tấp nập thường ngày, giống như ông cha ta từng nói: "Một điều nhịn, chín điều lành". Sống nhường nhịn còn giúp con người bao dung, sẻ chia với những khó khăn, hoạn nạn của người khác và là biểu hiện của lối sống vị tha cao đẹp: "Mình vì mọi người". Khi tránh được những toan tính cũng là lúc con người biết cư xử ôn hòa, không dễ nổi nóng và tức giận.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi nhịp sống của con người trở nên gấp hơn, nhanh hơn và vội vàng hơn thì sự nhường nhịn, không bon chen, tranh giành càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Là thế hệ măng non quyết định tương lai của đất nước, chúng ta cần rèn luyện đức tính nhường nhịn thông qua việc sống đoàn kết, biết suy nghĩ, đồng cảm, sẻ chia với những khó khăn, hoạn nạn của bạn bè cũng như anh chị em trong gia đình.