Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, khái niệm kết hôn được hiểu đơn giản là sự kết hợp giữa nam và nữ, để duy trì nòi giống, gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau.
Theo đó, hôn nhân phải trên cơ sở tự nguyện, tiến bộ, xuất phát từ tình yêu chân chính, mỗi cá nhân đều quyền tự do lựa chọn bạn đời cho mình và không ai có quyền ép buộc họ làm trái với ý chí kết hôn của mình. Quyền tự do hôn nhân đều được quốc tế, pháp luật mỗi quốc gia thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ nhằm đảm bảo cho mỗi cá nhân được quyền yêu thương, kết hôn với người bạn đời lý tưởng của mình. Bất kể hành động ép buộc nào khiến họ kết hôn với người không mong muốn đều sẽ vi phạm nguyên tắc và sẽ không được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, nếu cuộc hôn nhân xảy ra mâu thuẫn không thể hàn gắn thì vợ chồng có quyền yêu cầu ly hôn. Việc kết hôn là dựa trên tình yêu nam nữ, việc ly hôn dựa trên quan hệ vợ chồng không thể tồn tại.
Trong Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị 1966, quy định những quyền dân sự và quyền chính trị của mỗi người cũng đã dành hẳn một điều khoản để quy định về quyền tự do hôn nhân của mỗi cá nhân.
Cụ thể, Điều 23 Công ước quy định: “Thanh niên nam nữ đến tuổi thành hôn có quyền kết hôn và lập gia đình” và “Hôn thú chỉ được thành lập nếu có sự ưng thuận hoàn toàn tự do của những người kết hôn”.
Theo quy định của Công ước, gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản trong xã hội và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ, mỗi cá nhân nam nữ khi đến một độ tuổi trưởng thành, nhận thức được đầy đủ hành vi thì đều có quyền được kết hôn và lập gia đình. Tuy nhiên, hôn nhân phải được xác lập trên cơ sở tự do lựa chọn người kết hôn, không bị ép buộc hay phải chịu một sức ép nào đó.
Đặc biệt, Công ước cũng quy định, các quốc gia hội viên ký kết Công ước này phải ban hành những biện pháp để bảo đảm sự bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm của vợ chồng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú, cũng như khi ly hôn. Trong trường hợp ly hôn phải quy định những biện pháp bảo vệ quyền lợi của các con.
Tuyên bố của Liên hợp quốc về tiến bộ xã hội trong phát triển cũng tiếp tục khẳng định, gia đình là đơn vị cơ bản của tổ chức xã hội và là môi trường tự nhiên cho sự phát triển và hạnh phúc của mỗi thành viên, nhất là trẻ em. Đảm bảo quyền tự do hôn nhân của mỗi cá nhân là đảm bảo cho sự ổn định, hạnh phúc mỗi gia đình, là môi trường phát triển lý tưởng, tốt đẹp của trẻ em. Vì hôn nhân có hạnh phúc viên mãn thì trẻ em mới có điều kiện để được giáo dục, chăm sóc tốt, đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai.
Tại Việt Nam, quyền tự do kết hôn đã được nhà nước thừa nhận và bảo vệ và cụ thể hóa trong Hiến pháp, Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự, các pháp lệnh…
Điều 36 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã quy định: “Nam, nữ có quyền kết hôn, li hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”.
Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng quy định: “ Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của luật về hôn nhân và gia đình có quyền tự do kết hôn”.
Luật hôn nhân và gia đình 2014 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 thay thế Luật hôn nhân và gia đình 2000 cũng đã quy định chế độ hôn nhân và gia đình; chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình.
Theo đó, tại Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình quy định hôn nhân phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Điều 2 cũng quy định, Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ cũng đồng thời phải đảm bảo tự do li hôn. Nếu như không thể bắt buộc người ta kết hôn thì cũng không thể bắt buộc họ tiếp tục chung sống cuộc sống vợ chồng, khi cuộc sống đó không thể hòa hợp, tình cảm rạn nứt và hạnh phúc gia đình không thể hàn gắn được. Đặc biệt, việc li hôn phải đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước thông qua tòa án, khi mà 1 bên vợ hoặc chồng hoặc cả hai đều muốn đệ đơn li hôn ra tòa.
Việc thực hiện hôn nhân tự nguyện, tiến bộ nằm xây dựng mái ấm gia đình ấm no,hạnh phúc, kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.
Đặc biệt, vấn đề kết hôn đồng tính đang đặt ra những tranh cãi không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới và đang đặt ra câu hỏi là có nên thừa nhận vấn đề này hay không. Tại Việt Nam, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi năm 2014 đã bỏ quy định "cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính" từ ngày 1 tháng 1 năm 2015. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 vẫn quy định "không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính" và những người đồng giới tính vẫn có thể chung sống với nhau nhưng sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra.