Vì đa dạng sinh học cung cấo cho chúng ta những nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng. Nguồn tài nguyên này cung cấp cho nhân dân ta một thực phẩm, sức kéo, dược liệu, sản phẩm công nghiệp,..
Cho nên chúng ta cần phải chung tay bảo vệ sự đa dạng sinh học của động vật. Việc làm này không phải của cá nhân ai mà là của tất cả mọi người.
1.1. Cộng đồng là ai?
Một trong những những nhiệm vụ quan trọng bảo vệ đa dạng sinh học là tính xã hội hoá, là nhiệm vụ của toàn dân, của cộng đồng dân cư lân cận các khu bảo tồn thiên nhiên. Nếu không có sự hỗ trợ và tham gia của người dân sống trong vùng đệm thì công tác bảo vệ các khu rừng không thể đạt kết quả. Do đó, việc giáo dục nhận thức cũng như tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng dân cư vùng đệm có thể là yếu tố then chốt để đảm bảo thành công bảo tồn các khu rừng đặc dụng. Vùng đệm hiện nay không thuộc quyền quản lý của Ban quản lý các khu rừng đặc dụng, nhưng Ban quản lý có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương của chính vùng đệm để nâng cao đời sống của nhân dân và lôi cuốn họ tham gia vào công tác bảo vệ các khu rừng.
Cộng đồng là những nhóm người có những đặc điểm về thái độ, cách ứng xử, tập quán sinh hoạt và ước muốn tương đối giống nhau, kể cả những tổ chức xã hội do cộng đồng lập ra cùng sống trong bối cảnh tự nhiên, kinh tế, xã hội. Ở nhiều dân tộc thiểu số, Già làng, Trưởng bản là những người giàu kinh nghiệm, nắm giữ phong tục tập quán của cộng đồng mình, đồng thời cũng là trung tâm của các cuộc hoà giải, những tranh chấp, xung đột, được cộng đồng tôn sùng nên hoàn toàn có thể đại diện cho cộng đồng.
1.2. Thời kỳ trước năm 1990
Thời kỳ này, hầu hết cộng đồng dân cư trên mọi miền đất nước đặc biết là một số đồng bào các dân tộc vùng sâu vùng xa chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng cũng như sự cần thiết bảo tồn đa dạng sinh học. Do vậy, tài nguyên sinh vật, đặc biệt là tài nguyên rừng bị suy giảm nhanh, đe doạ trực tiếp đến kế sinh nhai của chính bản thân họ. Nhận thức về quản lý và sử dụng tài nguyên sinh vật của các cấp lãnh đạo chính quyền thôn, xã, huyện, tỉnh và cả các ngành ở Trung ương cũng chưa đúng mức.
Ở tầm vĩ mô, của những năm của thập kỷ 60, một số văn bản pháp luật về đa dạng sinh học đã được ban hành, tuy không thật đầy đủ và toàn diện. Việc đào tạo cán bộ khoa học trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ tài nguyên sinh vật, cũng như giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường cũng đã bước đầu được quan tâm.
1.3. Thời kỳ từ năm 1990 đến nay
Từ sau năm 1990, thuật ngữ đa dạng sinh học cùng vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học đã bắt đầu xuất hiện và được quan tâm nhiều ở Việt Nam. Công tác giáo dục nâng cao nhận thức cùng các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học đã đạt được những kết quả và tiến bộ nhất định. Các tổ chức đoàn thể như Trung ương, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân,… đã thực hiện một số dự án giáo dục nâng cao nhận thức môi trường cũng như bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên sinh vật của đất nước. Các dự án đó góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức đa dạng sinh học cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Tuy nhiên, trong nhận thức về đa dạng sinh học của người dân vẫn còn nhiều hạn chế do:
- Việc giáo dục nâng cao nhận thức đa dạng sinh học vẫn chưa đồng bộ, không liên tục, phụ thuộc nhiều vào các điều kiện bên ngoài;
- Chưa có cơ quan đầu mối quốc gia về giáo dục đa dạng sinh học nên thiếu sự tổ chức chỉ đạo;
- Giáo dục đa dạng sinh học chưa đến được với các cộng đồng dân cư vùng sâu, vùng xa, nơi rất cần tăng cường nhận thức về đa dạng sinh học;
- Phương pháp và hình thức giáo dục chưa phong phú, phù hợp.
Bên cạnh đó, những nguyên nhân khách quan cũng đóng vai trò quan trọng, là những thách thức trong việc nâng cao nhận thức của người dân:
- Sức ép của gia tăng dân số, đặc bệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa;
- Đói nghèo là một thách thức quan trọng, hạn chế trình độ nhận thức của người dân, do đó giáo dục để thay đổi nhận thức cũng như hành vi trở nên cực kỳ khó khăn.
- Nạn du canh du cư và các phương thức canh tác lạc hậu truyền thống;
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh đã tạo sự không đồng đều đối với sự phân tầng xã hội về kinh tế, văn hóa và xã hội.
Vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.
Thực tế cho thấy rằng, giải pháp kỹ thuật tốt trong quản lý tài nguyên chỉ mới là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để trở thành một giải pháp có ích. Giá trị của nó chỉ thể hiện khi người sử dụng thấu hiểu, chấp nhận nó trở thành của cải vật chất, tức là điều kiện để sẵn sàng áp dụng cũng quan trọng như chính sự đúng đắn của giải pháp mà giới nghiên cứu tạo ra. Do vậy, sự cùng tham gia của cộng đồng ngày càng được chấp nhận rộng rãi như một nguyên tắc bền vững để quản lý tài nguyên trên bình diện quốc gia, quốc tế. Mục đích chính của sự tham gia cộng đồng là lôi kéo mọi người đóng góp tài năng, trí tuệ và công sức vào quá trình quan lý tài nguyên và phát triển kinh tế.
2.1. Tại sao cần có sự tham gia của cộng đồng?
Sự tham gia của người dân địa phương và bản địa trong quản lý đa dạng sinh học là cần thiết bởi hai lý do có tính nguyên tắc. Thứ nhất là nếu thiếu điều này, sự bền vững lâu dài của nhiều hệ sinh thái sẽ bị đe doạ. Thứ hai là người dân địa phương và bản địa có quyền được hưởng lợi nhờ sử dụng bền vững đa dạng sinh học cho sinh kế, nghỉ dưỡng, các nhu cầu văn hoá xã hội và các lý do tâm linh của họ. Tuy nhiên đây là những lý do chính nhất cho sự tham gia của địa phương vàọ quản lý đa dạng sinh học còn rát nhiều những lợi ích về quản lý khác cũng cần được cân nhắc.
Những quyết định về quy hoạch, kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống cộng đồng. Những người trong cộng đồng chịu ảnh hưởng do:
- Sống trong khu vực đó;
- Làm việc trong khu vực đó;
- Học tập trong khu vực đó;
- Thường qua lại trong khu vực đó.
Do đó, sự cần thiết phải có được những ý kiến của họ về những gì họ đang làm, những gì họ đang muốn có và trong nhiều trường hợp chính cộng đông là những người ra quyết định. Thực tiễn đã cho thấy nếu những kế hoạch và phát triển đa dạng sinh học phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của cộng đồng thì cộng đồng cũng sẽ tự hào về xử sự của mình.
Việc tư vấn của cộng đồng đòi hỏi 2 yếu tố quan trọng:
- Thông tin thu được từ cộng đồng về ý kiến, thái độ của họ phải được chuyển tới các nhà lập kế hoạch/quy hoạch, các nhà ra quyết định. Về phần mình, các nhà ra quyết định, lập quy hoạch/kế hoạch có trách nhiệm thu thận các thông tin này một cách nghiêm túc và xem xét trong mối quan hệ với quá trình lập kế hoạch/quy hoạch.
- Các nhà lập kế hoạch, quy hoạch thông qua việc tham dự các cuộc họp toàn dân để nghe ý kiến cộng đồng, hoặc những ý kiến cộng đồng được trình bày báo cáo, có trách nhiệm phải đảm bảo giúp cộng đồng hiểu được ý kiến của họ đóng góp cho các bản kế hoạch bảo tồn, phải có trách nhiệm đạt được thoả hiệp qua việc giải thích cho cộng đồng hiểu được lý do và chấp nhận việc ra quyết định như vậy.
Các hệ thống quản lý gắn kết được nhiều bên liên quan, đặc biệt là cư dân địa phương và cộng đồng bản địa, thường sẽ bền vững hơn so với các hệ thống được xây dựng mà thiếu sự tham gia của địa phương. Thông qua gắn kết người dân địa phương trong các việc: xác định vấn đề, quyết điịnh giải pháp, thực hiện kế hoạch quản lý, giám sát tính hiệu quả của biện pháp đã thoả thuận nhằm đáp ứng các vấn đề và các cơ hội sẽ giúp nâng cao tính bền vững của hoạt động quản lý.
Nhìn chung, tiến trình có sự tham gia của cộng đồng góp phần xây dựng một xã hội trong đó các bên liên quan ở địa phương tự mình gánh vác các chức năng và trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, cần nhận thức được rằng sự tham gia của cộng đồng địa phương trong các hình thức quản lý ngoài các lợi ích cũng có thể đòi hỏi phải có các chi phí nhất định.
2.2. Cộng đồng có thể tham gia như thế trong việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học?
Rõ ràng cộng đồng tham gia vào nhiều bước khác nhau, nhiều hình thức khác nhau, nhiều mức độ khác nhau.
a. Cộng đồng địa phương cùng bàn bạc để tìm ra các giải pháp bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học
Sự tham gia của cộng đồng trước hết thể hiện ở việc một cộng đồng được tham gia tư vấn ý kiến, tỏ thái độ và mối quan tâm của họ về một kế hoạch phát triển, hay một quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên. Đó là cơ hội để người dân có thể bày tỏ ý kiến của mình và bằng cách đó, họ có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định.
b. Cộng đồng địa phương là những người thực hiện việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học
Bảo tồn đa dạng sinh học trước hết xuất phát từ nhận thức của cộng đồng, sau đó biến thành hành động và trở thành nhu cầu, mong muốn của mỗi người trong cộng đồng. Nhận thức đúng về bảo tồn đa dạng sinh học, cộng đồng sẽ nhận thức trong mọi hành động của mình, từ các hoạt động sản xuất đến sinh hoạt hàng ngày. Sự tham gia thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học có thể chỉ là những việc rất nhỏ như không mang lửa vào rừng, không dùng các phương pháp đánh bắt thuỷ sản mang tính huỷ diêt,...Sự thay đổi trong các hoạt động hàng ngày của cộng đồng chính là sự tham gia một cách đắc lực vào việc bảo tồn đa dạng sinh học.
c. Cộng đồng địa phương là người theo dõi, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học
Một kế hoạch được đánh giá là khả thi, một dự án được xem là phù hợp với thực tế địa phương cũng chưa thể đảm bảo một cách chắc chắn là sẽ thực hiện thành công nếu trong quá trình triển khai không có các bước kiểm tra, theo dõi và đánh giá. Cộng đồng địa phương là những trợ lý đắc lực trong các hoạt động này.
d. Cộng đồng địa phương là những người quản lý tài nguyên đa dạng sinh học
Trong mọi hoạt động quản lý tài nguyên nói chung và quản lý đa dạng sinh học nói riêng, sự tham gia của cộng đồng là giải pháp đảm bảo hiệu quả cao. Người dân địa phương đã thực hiện quản lý rừng qua nhiều thế kỷ và các tập quán truyền thống của các nhóm dân tộc thiểu số là rất quý đối với việc quản lý đất rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004) đã có quy định cụ thể về sự tham gia cộng đồng vào quản lý rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Sự thay đổi quan trọng là công nhận cộng đồng thôn bản có thể được giao quản lý các khu vực rừng bên ngoài các khu bảo tồn. Rừng tự nhiên cũng được giao cho cộng đồng quản lý, tạo nên tiềm năng rất lớn cho sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn và sử dụng bền vững các khu rừng đó. Với những quy định mới của pháp luật hỗ trợ quyền pháp lý của các cộng đồng đại phương, vai trò của họ chắc chắn sẽ được tăng cường.