Người tìm hiểu các phong trào chống Pháp của các bậc cách mạng đi trước và rất khâm phục tinh thần yêu nước của các sĩ phu yêu nước Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…, nhưng không tán thành con đường cứu nước của họ. Tinh thần yêu nước của Nguyễn Tất Thành khác với những người yêu nước đương thời, ở Anh có sự suy nghĩ chín chắn, sáng suốt, với nhãn quan chính trị đúng đắn. Nhờ vậy, đã giúp người thanh niên này thấy được nhược điểm của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh: “Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương…Chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương”, “Cụ Phan Bội Châu hi vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau” [ 4 : 10 và 11]. Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta và thống trị nhân dân Việt Nam, cách mạng nước ta đã trải qua nhiều cuộc khảo nghiệm nhưng kết cục đều thất bại. Trước và cùng với Nguyễn Tất Thành, đã có nhiều người Việt Nam yêu nước đi ra nước ngoài để tìm một con đường nhằm giải quyết và đáp ứng nhu cầu của lịch sử dân tộc nhưng đều bế tắc.
Nguyễn Tất Thành tuy khâm phục Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh nhưng không theo xu hướng cứu nước của họ bởi vì với sự nhạy cảm sáng suốt, Nguyễn Tất Thành thấy rõ tất cả những xu hướng cứu nước thời ấy đều không mang lại kết quả như mong muốn. Vậy nên để cứu nước thì cần phải tìm ra một con đường, một xu hướng khác.