Nguyễn Trãi được xem là tác gia quan trọng hàng đầu của văn học thời Lê sơ. Những tác phẩm được truyền tụng nhiều nhất của ông gồm có:
Bình Ngô đại cáo: viết tháng 3 năm 1427, thuật lại cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn - quá trình đánh đuổi quân Minh, giành lại độc lập cho nước Đại Việt. Tác phẩm này được coi là áng thiên cổ hùng văn, là bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 trong lịch sử Việt Nam.
Quân trung từ mệnh tập: Là tác phẩm văn xuôi do Nguyễn Trãi thay Lê Lợi viết trong màn trướng từ năm 1423 đến 1427, phần lớn là thư từ gửi cho tướng lĩnh nhà Minh trong thời gian chiến tranh và các biểu, dụ. Tổng số còn sưu tầm được đến nay là 69 bài.
Ức Trai thi tập: tập thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, hiện còn lại 99 bài.
Quốc âm thi tập: Tập thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi, hiện còn 254 bài[2]. Đây là tập thơ Nôm cổ nhất và cũng là mốc đánh dấu bước phát triển của chữ Nôm thế kỷ 15.
Nguyễn Mộng Tuân cũng là nhà văn nổi tiếng đương thời. Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là Hạ thừa chỉ Ức Trai tân cư (Mừng nhà mới của quan thừa chỉ Ức Trai)
Lý Tử Tấn có tập thơ Chuyết Am, trong đó nổi tiếng nhất là Đề Ức Trai bích (đề thơ trên vách nhà Ức Trai). Ngoài ra, ông còn có hai bài phú nổi tiếng là Chí Linh sơn phú (Phú núi Chí Linh) và Xương Giang phú (Đại ý: Ca ngợi chiến thắng Xương Giang ngày 3 tháng 11 năm 1427 của nghĩa quân Lam Sơn)