Em dám chắc rằng, tất cả những ai đã đọc “Tôi đi học” của Thanh Tịnh đều sẽ rất xúc động, rất bâng khuâng. Bởi nó gợi cho chúng ta về buổi đầu tựu trường, về ngày trọng đại đầu tiên trong cuộc đời, mà nhân vật tôi trong truyện cũng như chính chúng ta đang quay về cái ngày đầu đẹp đẽ xen lẫn chút lo lắng, hồi hộp đó.
Nhà văn thật tài tình khi dẫn dắt cảm xúc của chúng ta xuyên suốt, liền mạch theo dòng cảm xúc của nhân vật tôi khi nhớ về buổi đầu đi học. “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.” Mùa thu, mùa của sự dịu dàng, thanh bình, mùa của những cái nắng vàng nhạt không cháy da cháy thịt như mùa hè nữa, đó cũng là mùa tựu trường của không chỉ nhân vật tôi mà của tất cả các bạn học sinh khác nữa. Và cái cảm giác, cái dư vị mà “tôi” cảm thấy rõ rệt nhất, không thể nào bị pha trộn được đó là “những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.” hay “Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều có sự thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn. Hôm nay tôi đi học.” Những xúc cảm đầu đời, những trải nghiệm thú vị như đang ùa về theo từng thước phim quay chậm được Thanh Tịnh miêu tả thật nhẹ nhàng, sâu lắng, thật trong sáng nhưng cũng rất rụt rè, sợ sệt. Cái “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh.” Đó là buổi sáng đẹp nhất, đáng nhớ và nhiều kỷ niệm nhất của nhân vật tôi. Buổi sáng làm thay đổi con người, thay đổi suy nghĩ, nhận thức của “tôi” và không những thế còn làm thay đổi cả cảnh vật xung quanh “tôi” nữa, bởi “Hôm nay tôi đi học.” “Tôi” thấy trước mắt mình “trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần.” vậy mà giờ “tôi” lại thấy là lạ, cảnh vật dường như đều có sự đổi thay. Và điểm quan trọng nhất chính là sự thay đổi trong chính con người “tôi”. “Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa. Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi thất mình trang trọng và đứng đắn.” Nhờ việc “Hôm nay tôi đi học” mà nhân vật tôi đã trưởng thành hơn, đã thấy mình dường như đang trở thành người lớn, không còn có ý thích chơi mấy trò chơi con nít như thằng Quý, thằng Sơn nữa. “Tôi” coi mình như một người khác hoàn toàn, một người có trách nhiệm và chững chạc hơn. Nhưng cái ngây ngô, dễ thương của một cậu bé lần đầu tiên đi học đã được Thanh Tịnh khắc họa hết sức tài tình và tinh tế qua ý nghĩ “vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.” Thật là trẻ con và hồn nhiên quá. Chỉ vì “Mấy cậu đi trước o sách vở thiệt nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết.” “tôi” cũng muốn mình làm được như các bạn nên xin mẹ cầm luôn cả bút thước nhưng mẹ “tôi” trả lời lại là “Thôi để mẹ nắm cũng được.” Vậy là cái ý nghĩ chắc chỉ người thạo mới cầm nổi xuất hiện như thế, nó xuất hiện “nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọ núi.”
1. Dựa vào văn bản đoạn trích, có thể tóm tắt trình tự diễn biến tâm trạng nhân vật “tôi” theo trình tự :
– Từ hiện tại mà nhớ về dĩ vãng : biến chuyên của trời đất cuối thu (thời gian mở đầu một năm học) và hình ảnh mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên tới trường gợi cho nhân vật “tôi” nhớ lại mình ngày ấy cùng những kỉ niệm trong sáng.
– Trên con đường cùng mẹ tới trường.
– Khi nhìn ngôi trường ngày khai giảng, nhìn mọi người, các bạn, lúc nghe “ông đốc” gọi tên mình và phải rời tay mẹ để vào lớp.
– Lúc ngồi vào chỗ của mình và đón nhận giờ học đầu tiên.
Khi làm bài tập này, cần dựa vào trình tự trên để phân tích tâm trạng nhân vât.
Bố cục này làm nên sự kết hợp hài hoà giữa tự sự với trữ tình của truyện ngắn Tôi đi học. Toàn bộ tác phẩm là “những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường” qua hồi tưởng của nhân vật “tôi”. Tôi đi học mang tính chat tự truyện, một sáng tác đặc sắc của ngòi bút văn xuôi giàu chất trữ tình Thanh Tịnh.
2. Để phân tích, so sánh hai đoạn văn này, cần đặt chúng trong dòng cốt truyện của tác phẩm. Đây là hai đoạn văn diễn tả tâm trạng nhân vặt “tôi” ở hai thời điểm khác nhau.
Đoạn văn thứ nhất diễn tả tâm trạng “tôi” khi đứng trước ngôi trường ở lần đi học đầu tiên. Đó là tâm trạng ngỡ ngàng, mới lạ dù không phải mình thấy ngôi trường này lần đầu. Hôm nay, nhân vật “tôi” cảm thấy ngôi trường oai nghiêm, cao rộng còn mình thật bé nhổ nên lo sợ vẩn vơ.
Đoạn văn thứ hai diễn tả tâm trạng “tôi” khi đã rời bàn tay mẹ, được ông đốc khuyên nhủ, được thầy giáo trẻ tươi cười đón nhận rồi ngồi vào chỗ của mình trong lớp. Đó là tâm trạng tuy vẫn còn ngỡ ngàng nhưng đã bắt đầu cảm thấy ấm áp, quyến luyến thật tự nhiên. Hãy giải thích xem tại sao “tôi” không còn cảm giác sợ hãi nữa (chú ý hình ảnh ông đốc, thầy giáo)… Từ đây với “tôi”, người bạn ngồi bên và mọi vật chung quanh bỗng trở nên thân thuộc. Tình cảm quyến luyến nảy nở bất ngờ mà tự nhiên trong lòng chú bé.
Ở đoạn văn thứ nhất, nhân vật “tôi” bỗng cảm thấy lạ trước những điều tưởng chừng đã quen. Ở đoạn văn thứ hai, nhân vật “tôi” từ lo sợ vẩn vơ bỗng tự nhiên có cảm giác gần gũi, tin cậy. Qua hai đoạn văn này, chúng ta thấy niềm vui trong trẻo, ấm áp của nhân vật “tôi” trong ngày tựu trường đầu tiên được Thanh Tịnh ghi lại rất chân thực.
3. Chú ý từng nội dung so sánh và hình ảnh so sánh được đưa ra. Phân tích xem những hình ảnh ấy được tác giả lấy ở đâu, có sức gợi cảm như thế nào. Suy nghĩ xem những hình ảnh so sánh ấy có hiệu quả nghệ thuật ra sao khi diễn tả tâm trạng, cảm xúc của con người.
4. Để trình bày suy nghĩ, cảm xúc của mình sau khi đọc truyện ngắn này, cần thâm nhập không khí của câu chuyện mà rung cảm cùng nhân vật “tôi”. Có thể trình bày theo các hướng sau :
– Buổi tựu trường đầu tiên có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời mỗi con người ? Những kỉ niệm trong dòng hồi tưởng của nhân vật “tôi” gợi lại cho ta điều gì ? Nội dung của truyện ngắn là những kỉ niệm rất riêng nhưng gần gũi, thân quen với mỗi chúng ta như thế nào ?
– Về chất trữ tình nhẹ nhàng, thắm đượm của truyện ngắn; về sự kết hợp hài hoà giữa miêu tả với biểu cảm của ngòi bút văn xuôi Thanh Tịnh.
– Về sức lay động, giá trị lâu bền của truyện ngắn Tôi đi học.
Bài tập này có tính chất luyện tập kĩ năng viết một bài văn với nội dung hoàn chỉnh. Muốn thực hiện có kết quả, cần viết bằng những suy nghĩ, cảm xúc chân thành. Khi viết/ chú ý tái hiện cho sinh động bối cảnh không gian, thời gian, môi trường thiên nhiên,… Chú ý thể hiện tình cảm bạn bè, tình cảm thầy trò trong buổi tựu trường.
Câu chuyện được tái hiện qua sự hồi tưởng của tác giả đồng thời cũng là nhân vật tôi. Bằng biện pháp nghệ thuật kể chuyện kết hợp miêu tả , truyện đã diễn tả dòng cảm xúc của nhân vật, tức là cái tôi trữ tình, rất trong trẻo, sinh động về ngày đầu tiên đi học.
Từ thực tại của đất trời cuối thu (thời gian mở đầu năm học), tác giả nhớ về dĩ vãng, về “những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường” đầu tiên trong đời mình. Dòng cảm xúc về kỉ niệm ấy được nhân vật “tôi” nhớ lại theo trình tự thời gian. Đầu tiên là sự háo hức, cảm thấy lòng mình thay đổi, như đã lớn lên, trang trọng và đứng đắn hơn lúc trên đường theo mẹ đến trường; là nỗi e sợ, phải đứng nép vào mẹ khi đứng dưới sân trường; thật sự lúng túng, xúc động khi nghe tiếng trống trường vang lên; ngơ ngác khi nghe gọi đến tên mình và cảm thấy mọi thứ như vừa quen vừa lạ khi ngồi trong lớp học. Tác giả tả cảnh mọi người vào trong lớp, vừa có gì lạ lẫm mà cũng tràn đầy háo hức, vừa lo lắng nhưng cũng rất thân quen để cùng khám phá một không gian mới, nơi có bàn ghế, bạn bè, thầy cô. Tác giả kết thúc bằng sự miêu tả một hình ảnh rất đẹp: “Một con chim non liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao”.
Những kỉ niệm về ngày đầu tiên đến trường, chắc hẳn sẽ là những kỉ niệm rất đẹp trong kí ức cuộc đời của mỗi người về thuở ban đầu rụt rè và nhút nhát. Chính mái trường và thầy cô ngày xưa đó đã chắp cánh và cho ta thêm sức mạnh để bay tới những phương trời xa xôi ngày hôm nay.