DÀN Ý THAM KHẢO:
Mở bài: Đã từ rất lâu, thật thà là một phẩm chất quý báu của con người trong cuộc sống. Thế nhưng, đôi khi, sự “thật thà” lại khiến cho con người gặp nhiều phiền toái, thậm chí còn bị chê bai như câu tục ngữ: “Thật thà là cha thằng dại”. Tại sao lại như vậy?
Thân bài: viết thành từng phần, đoạn
Giải thích câu tục ngữ: Chuyển ý: Trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là “Thật thà là cha thằng dại”. “Thật thà” có nghĩa là trung thực, thẳng thắn, không gian dối đối với mọi người. “Cha”: là người có công sinh thành, dưỡng dục. Còn “thằng dại” được hiểu là một người khờ dại, là người làm điều dại dột. Suy cho cùng, câu tục ngữ mang hàm ý thật thà sinh ra dại dột. Hay nói ngắn gọn hơn “Thật thà là dại”. Tại sao “Thật thà là cha thằng dại” ?- Chuyển ý: Câu tục ngữ trên là vô lí chăng? Vậy chẳng phải ông cha lại khuyên chúng ta đừng nên thật thà? Thực sự mà nói, thật thà vẫn là một đức tính tốt đẹp ngàn đời. Là bài học cha mẹ dạy cho con cái từ thuở lên ba. Tuy nhiên, trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng nên “thật thà”.
- Nhiều người ngay thẳng có những khi bị cô lập, thậm chí là trù dập. Ngay chính nhiều bậc cha mẹ muốn giữ thân cho con luôn khuyên rằng: "Đừng có thật thà quá mà chuốc họa vào thân". Thực tế có những công nhân đứng lên tố cáo sai phạm của các xí nghiệp, nhà máy, họ thắng kiện rồi bị cho... nghỉ việc. Cứ như thể chúng ta đang sống chung với bệnh giả dối và nó đã là... người bạn quá thân quen.
- Không phải lời nói dối nào cũng xấu (Có những lời nói dối không xấu như người con đang ở xa gia đình, gặp bất trắc hoặc có vấn đề về sức khỏe, khi cha mẹ già yếu hỏi thăm thì con lại nói đang có cuộc sống hoặc sức khỏe tốt. Một ví dụ khác ngược lại là cha mẹ già yếu nay ốm mai đau, nhưng khi con cái - vốn đang đi công tác xa - gọi điện thoại hỏi thăm thì cha mẹ nói rằng sức khỏe vẫn bình thường. Trên đây chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng còn nhiều ví dụ khác nữa cho ý kiến không phải lời nói dối nào cũng xấu. Tất nhiên, vẫn có nhiều lời nói dối đem đến cái xấu cho xã hội.)
- Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng…(điều này thật ra mình không dại mà chỉ vì người khác không đón nhận sự chân thành của mình)
- Một doanh nhân trên thế giới rằng: “nói dối khi cần và nói thật khi có thể”. Tức là khi cần vẫn có thể nói dối và chỉ nói thật khi điều mình nói ra không ảnh hưởng đến người khác, không ảnh hưởng đến mình và những mối quan hệ khác.Người quá thật thà không dễ thành công ?
- Vì vậy, “thật thà” không đúng lúc, đúng nơi thật sự chính là “cha thằng dại”.
- Tìm thêm lí lẽ, dẫn chứng…
Chúng ta cần phải làm gì?- Để tránh nói ra những điều khiến một giây sau phải hối hận, cách tốt nhất là nên im lặng suy nghĩ về cái được và cái mất của mình trước lúc nói. Không ai bắt mình phải nói ngay cả. Cha ông ta đã từng đúc kết “phải uốn lưỡi bảy lần trước lúc nói” là vì vậy. Nếu không nghĩ được cái gì để nói thì có thể im lặng và không bày tỏ quan điểm. Không nói gì còn hơn nói ra để rồi sau đó phải ân hận.
- Thời gian im lặng để suy nghĩ đó cũng chính là thời gian giúp người thật thà làm chủ được cảm xúc của mình. Khi đã làm chủ được mình, họ sẽ tìm ra được cách nói thế nào sẽ mang lại hiệu quả nhất. Tuy nhiên, đó chỉ là cách điều trị để giảm bớt triệu chứng, để không nói ra những câu nói “hớ hênh”. Không dễ chữa được “bệnh” thật thà, vì nó là bẩm sinh, là tố chất của con người.
- Thật thà đúng thời điểm. (Ta nghĩ nên thay từ "thật thà" bằng từ "trung thực". Những lời nói thật rất khó tiếp thu. Vậy ta nên nêu cao tinh thần trung thực thì hơn. Chúng ta không nói dối, không làm sai và khi cần thì ta sẽ thẳng thắn. Ta nói là "khi cần" vì trong những trường hợp khác, tự nhiên bạn sẽ bị đi vào thế cô lập. Những lời nói quá thẳng thắn có thể gây tổn thương, thậm chí khắc cốt ghi tâm vào lòng người nghe như một sự nhẫn tâm. Vậy, khẳng định: thật thà, thẳng thắn là đúng nhưng phải biết hành động đúng thời điểm, đúng người).
- Và, nói dối mà tốt cho mọi người, không hại ai thì “nói dối lại là cha thằng khôn”. Tuy nhiên, không vì thế mà để nói dối trở thành thói quen.
Kết bài: Câu tục ngữ trên thật sâu sắc, khuyên chúng ta cần khéo léo trong giao tiếp ứng xử. Nói thật đôi khi có hại mà ngược lại nói dối lắm lúc lại là điều cần thiết trong cuộc sống. Bản thân là học sinh, ta cần rèn luyện nhiều đức tính tốt đẹp như nhân ái. dũng cảm, kiên trì… trong đó không thể thiếu trung thực. Tuy nhiên, mỗi người cần vận dụng một cách linh động không nên cứng nhắc để dẫn đến nhiều điều không hay.
Nguồn: Internet
1. Tìm hiểu đề:
— Về nội dung, đề bài yêu cầu em hiểu lời khuyên đúng hay sai trong câu tục ngữ “Thật thà là cha dại”. Bài viết của em cần cho thấy: lời khuyên về cách sống khôn ngoan có thể đúng nhất thời trong một số việc, những sống thật thà, chân thật mới đem lại lợi ích lâu dài; khôn ngoan là thủ thuật sông, thật thà là đạo đức sống. Do đó, em cần bàn luận mở rộng để thấy tính hai mặt của câu tục ngữ này. Cùng với lí lẽ, em phải dùng thực tế đời sống để làm rõ hai mặt đó của đó của câu tục ngữ “Thật thà là cha dại”.
— Về hình thức, đề bài yêu cầu em viết bài văn nghị luận kết hợp giải thích với chứng minh và bàn luận mở rộng để cho thấy nhận thức toàn diện về câu tục ngữ này, lời văn chính xác, rõ ràng.
2. Dàn bài
a. Mở bài: Nêu vấn đề cần bàn luận từ câu tục ngữ “Thật thà là cha dại”: sống thật thà là dại hay không?
b. Thân bài: Dùng lí lẽ và dẫn chứng thực tế để làm rõ “thật thà” không phải là “cha dại” mà là đức tính tốt đem lại điều lành cho bản thân và mọi người.
— Giải thích câu tục ngữ: “Thật thà là cha dại”.
+ Thật thà (làm sao nói vậy, có gì nói thế,...) trái với dối trá (có ít nói nhiều, làm một đằng nói một nẻo,...). Thật thà là tính nết của con người biểu hiện trong các mối quan hệ xã hội (cùng với dũng cảm, dối trá, trung thành,...). Thật thà đồng nghĩa với chân thật, trung thực là những đức tính tốt của con người từ xưa đến nay, bộc lộ ở mọi mặt đời sống, trong dó có nhà trường (khi mắc lỗi tự nhận lỗi là thật thà; nhặt được của rơi đem trả người mất là thật thà; không quay cóp trong khi làm bài thi là thật thà,...).
+ Dại là dại dột, trái nghĩa với khôn ngoan, chỉ ý nghĩ, hành động, lời nói không đem lại an toàn, lợi ích cho bản thân; cha là người đứng đầu trong gia đình; cha dại là đứng đầu sự dại dột (dại nhất là khi mắc lỗi tự nhận lỗi; dại nhất là nhặt được của rơi đem trả người mất; dại nhất là không quay cóp trong khi làm bài thi,...).
+ Nghĩa cả câu “Thật thà là cha dại”: dại nhất là thật thà.
+ Kinh nghiệm được đúc rút: Sống thật thà bất lợi cho bản thân. Từ đó suy ra bài học: cần biết sống khôn ngoan
- Bàn luận mở rộng: Bài học về sự khôn ngoan trong câu tục ngữ trên có thể đúng một phần nhưng không hoàn toàn đúng. Câu tục ngữ này có mặt tích cực và mặt hạn chế.
+ Có việc cần phải khôn khéo để giải quyết mới thành công (liên hệ thực tế: (kinh tế, học hành,...).
+ Nhiều việc chỉ giải quyết bằng “thật thà” (liên hệ chuyện tình cảm, học tập, rèn luyện,... là một quá trình, cần bền bỉ, trung thực).
+ Thật thà là đạo đức sống có lợi lâu dài; khôn ngoan là kỹ thuật sống chỉ lợi trước mắt. (dẫn chứng)
c. Kết bài:
- Khái quát mặt tích cực và mặt hạn chế của câu tục ngữ này.
- Liên hệ bản thân: cần sống chân thật trọng học tập, tình bạn,...
BÀI LÀM
Tục ngữ có câu “Thật thà là cha dại”. Vậy thế nào là thật thà? Thật thà có lợi hay có hại đến bản thân? Đó là những vấn đề chúng ta cần tìm hiểu để xây dựng lối sống luôn được mọi người yêu quý: lối sông chân thật.
Ai cũng biết thật thà là tính nết vốn có của con người. Người thật thà là người làm sao nói vậy, có gì nói thế, trái với kẻ dối trá có ít nói nhiều, làm một đằng nói một nẻo. Thật thà đồng nghĩa với chân thật, trung thực, là những đức tính tốt của con người. Tính thật thà của con người được bộc lộ trong các mối quan hệ xã hội. Thời xa xưa, cô Tấm, Thạch Sanh vì thật thà mà được hưởng hạnh phúc; trái lại mẹ con Cám và Lý Thõng ranh ma lừa lọc nên bị trừng phạt. Với chúng ta, khi mắc lỗi tự nhận lỗi là thật thà, nhặt được của rơi đem trả người mất là thật thà, không quay cóp trong khi làm bài thi là thật thà,...
Ai cũng biết dại là dại dột, trái nghĩa với khôn ngoan, chỉ ý nghĩ, hành động, lời nói không đem lại an toàn, lợi ích cho bản thân; cha là người đứng đầu trong gia đình; cha dại là đứng đầu sự dại dột. Theo nghĩa này thì cô Tấm, Thạch Sanh xưa vì thật thà mà nhiều phen bị khốn khổ; mẹ con Cám và Lý Thông do khôn ngoan lừa lọc mà nhiều lần được lợi; hoặc ngày nay, dại nhất là nhặt được của rơi đem trả lại người mất, dại nhất là không quay cóp trong khi làm bài thi,...
Từ đó, “Thật thà là cha dại” có nghĩa: dại nhất là thật thà. Kinh nghiệm được đúc rút là: không nên sống thật thà, vì thật thà bất lợi cho bản thân. Từ đó có bài học: cần biết sống khôn ngoan!
Bạn tin không khi tôi nói rằng câu tục ngữ này có mặt tích cực và mặt hạn chế? Mặt tích cực thì ít, mặt hạn chế thì nhiều?
Ta biết rằng, ngày nay người ta giải quyết nhiều việc trước mắt bằng sự khôn khéo. Để bán một mặt hàng mới như sữa bột, bột ngọt, bia, nước giải khát,... người ta dùng truyền hình quảng cáo với các thông tin giật gân, hình ảnh choáng lộn. Muốn thúc đẩy nhanh tốc độ giải phóng hàng hoá, nhiều siêu thị tổ chức các đợt bán hàng khuyến mại hạ giá, thậm chí đại hạ giá. Để bán được nhiều hàng, các cô nhân viên đon đả chào khách bằng những lời nói mĩ miều cùng cử chỉ lịch thiệp khác thường,... trong những trường hợp ấy, “thật thà” chưa chắc đã được việc.
Nhưng rất nhiều việc, ta giải quyết bằng thật thà mới là khôn ngoan. Bà ngoại tôi thường ngày nói to, lại hay ví von bằng tục ngữ, ca dao, nhưng khi bà thông gia đến chơi nhà, thì bà toàn nói những lời thông thường, mộc mạc, với giọng nhỏ nhẹ dễ nghe. Ấy là vì bà ngoại tôi lấy thân tình để đối đãi lâu bền với thông gia. Bố tôi bình thường thì nói to, uống nước trong cốc vại, khi ông ngoại sang chơi thì nói năng nhã nhặn, lấy chè ngon pha đặc trong bộ ấm chén đẹp nhất và mời mọc ân cần. Ấ là vì bố tôi thật lòng yêu quý ông. Lớp tôi có bạn gái con nhà giàu, lực học bình thường thôi, nhưng nói năng kiểu cách, ăn mặc điệu đàng, lại sẵn tiền rủ bạn ăn quà nên chỉ chơi được với vài ba cô bạn nhà khá giả. Chắc bạn sẽ đồng ý với tôi nhận xét này: trong quan hệ bạn bè, khôn khéo có thể giúp ta thiết lập nhanh chóng mối quan hệ, nhưng chân thành mới giúp ta có được nhiều bạn -những người sẵn sàng chia sẻ buồn vui với ta.
Bạn còn nhớ trong giờ Giáo dục công dân, cô giáo kể cho chúng ta nghe một câu chuyện về đức tính thật thà? Nhà vua muốn tuyển người kế vị ngai vàng bèn cho gọi các thanh niên trai tráng trong vương quốc đến rồi phát cho mỗi người một hạt giống, bảo về trồng một năm sau sẽ mang thành quả gieo trồng đến để vua lựa chọn tân hoàng đế. Ai nấy đều được mang một hạt giống vua ban về nhà, trong dó có một chàng trai nhà nghèo. Chàng gieo hạt trong một chiếc chậu sành, hàng ngày xới đất, tưới nước cẩn thận, nhưng đợi mãi không thấy hạt nảy mầm. Trong khi đó, cây đã mọc xanh tốt trong chậu của mọi người. Đúng ngày hẹn, các chàng trai trong vương quốc đó hoan hỉ mang cây đến bày trước mặt đức vua. Chỉ có chàng trai nhà nghèo buộc phải đến với cái chậu đất không. Vua xem qua một lượt thấy cây ở các chậu đều xanh tốt, có cây đã ra hoa, liền khen ngợi mọi người có tài gieo hạt. Vua nhìn ra phía xa thấy chàng thanh niên với cái chậu không cây, bèn tiến lại hỏi. “Cây của nhà ngươi đâu?”. Chàng trai ấp úng: “Thần đã gieo hạt... nhưng... không nảy mầm được, xin đức vua trị tội!”. Vua mỉm cười dắt tay chàng trai bước lên nói: “Những hạt ta giao cho các ngươi đã được luộc chín, làm sao nảy mầm thành cây được! Các người đã tráo hạt cây để lừa ta. Chỉ có chàng trai này là thật thà, trung thực. Do đó đây sẽ là tân hoàng đế của các ngươi”.
Câu chuyện trên cho thấy thật thà mới chính là đức tính mang lại danh dự và lợi ích lâu dài cho con người.
“Đất nước ngày một đi lên trong thời kì hội nhập quốc tế, sẽ không còn chỗ cho sự dối trá hoặc khôn vặt của con người”, đó là nhận định thầy giáo tôi trong giờ Giáo dục công dân. Là công dân tương lai của đất nước, bạn nghĩ sao về lời khuyên “Thật thà là cha dại”?