Đối với người dân Tây Nguyên, rượu Cần giữ vai trò là lễ vật khi kính dâng lên các Thần linh, là cách thức giao tiếp với các đấng siêu hình, đồng thời là phương tiện chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, giao kết tình duyên đôi lứa. Trước khi thực hiện giao lưu tình cảm, rượu Cần làm nghĩa vụ thông báo, dâng mời, cầu xin các vị thần linh chứng giám hoặc ban phước. Tuy nhiên, dù sử dụng trong dịp nào, tục uống rượu Cần vẫn là một nét văn hóa đẹp trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Rượu Cần được làm thường xuyên, liên tục nhưng chủ yếu được dùng vào những ngày “ có việc “ của buôn làng hay gia đình, như: cúng Yàng, mừng thọ người già, lễ cưới, đám ma, làm nhà, khi nhà có khách xa đến chơi. Đặc biệt là trong những lễ nghi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, những lễ hội của cả buôn làng. Khi gia đình, buôn làng nào “có việc” như vậy, liền được sự đóng góp của cả họ hàng, cả buôn. Mọi gia đình đều chuẩn bị ghè rượu to nhất, ngon nhất của mình để đem tới góp chung. Vừa sẻ chia, giúp đỡ, vừa tạo nên tình cảm gắn bó, thân tình đầm ấm trong cộng đồng.
Cần rượu được làm bằng cây trúc hoặc cành tre nhỏ, dài từ 1, 2 – 1, 5m, soi thông ruột. Đầu cần là mấu đã được khoét thành khe và đục 3 – 4 lỗ nhỏ, đủ để rượu thấm mà không mang theo bã hoặc trấu. Người Banar, Hrê dùng nhiều cần cắm chung trong một ché. Người Êđê, Xê Đăng chỉ dùng một cần, khi nào đám cưới mới sử dụng hai cần. Cắm vào ché sao cho vừa tầm của người ngồi uống và cần không bị tắc, đó cũng là cái khéo của người cắm cần
Uống rượu Cần còn là một nét văn hóa đẹp trong đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên từ xưa đến nay, là tượng trưng cho tính tập thể của cộng đồng, lòng mến khách của người Tây Nguyên.