Bài viết số 5 - Văn lớp 10

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
NTQ VLOGS

Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Phú Yên
MỌI NGƯỜI ƠI GIÚP EM VỚI, MAI EM NỘP RỒI Ạ !

Huỳnh lê thảo vy
3 tháng 3 2019 lúc 17:39

Tháp Nhạn là ngọn tháp nổi tiếng ở Phú Yên gắn với nhiều điều bí ẩn chưa được giải đáp. Tháp nằm gần trên đỉnh ngọn núi Nhạn ở bờ bắc sông Đà Rằng.

Nói về nguồn gốc của ngọn tháp này có rất nhiều tương truyền. Có người cho rằng, xưa kia có nàng tiên nữ Thiên Y A Na giáng trần chỉ dạy cho người dân sống ở vùng đất này tất cả mọi thứ từ cấy cày, dệt vải, kéo sợi…để tìm cách mưu sinh. Sau khi tiên nữ quay trở lại cõi tiên, người dân Chăm-pa vì thương nhớ và muốn khắc ghi công ơn người khai sáng cho dân tộc mình bèn xây ngọn tháp ấy để phụng thờ.

Theo một truyền thuyết khác thì xưa kia, Tuy Hòa là vùng đầm lầy trũng thấp có nhiều thủy quái chuyên quấy phá đời sống người dân. Thấy vậy Ông Trời bèn sai người khổng lồ xuống gánh đất lấp vùng trũng, bảo vệ cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên khi lấp đã gần xong, người khổng lồ vội về nên đã gánh nhiều đá hơn làm chiếc đòn gánh bị gãy. Đá từ hai gánh rơi xuống một bên tạo thành núi Chóp Chài, một gánh tọa trên núi Nhạn.

Đó được cho là nguồn gốc xuất hiện của ngọn tháp. Còn về tên gọi “tháp Nhạn” thì được người dân ở đây giải thích là do có rất nhiều chim nhạn bay tới đây sinh sống, làm tổ nên ngọn tháp cũng được đặt theo tên của loài chim này.

Tháp Nhạn cao khoảng 25m với đế tháp hình vuông, thân tháp được xây to ở phần chân và thu nhỏ dần về phía đỉnh. Trên đỉnh tháp là tượng Linga bằng đá – biểu tượng tâm linh của người dân Chăm-pa. Trong mỗi công trình đền tháp của người Chăm đều có Linga và Yoni tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực cầu mong vạn vật được nảy nở sinh sôi.

Khách du lịch tìm tới tháp Nhạn không chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngọn tháp huyền bí này mà còn bởi tò mò về vật liệu mà người Chăm xưa dùng để xây tháp. Tháp Nhạn được xây dựng hoàn toàn bằng gạch nung xếp khin khít nhau mà rất vững chắc. Theo nghiên cứu, loại gạch này có khối lượng nhẹ hơn một viên gạch thông thường khoảng 1,3 lần. Kể cả độ bền chịu nén, chịu va đập cũng hơn gạch thường rất nhiều.

Tìm hiểu về loại keo dùng để gắn kết các viên gạch này với nhau một cách chắc chắn và không lộ ra chút đường hồ nào thì được biết, người Chăm cũng sử dụng hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên. Khi xưa chưa có xi măng, người dân Chăm-pa đã biết sử dụng chất kết dính từ cây dầu rái vào việc xây dựng. Tuy nhiên, việc pha trộn các loại chất liệu thế nào để có được loại keo bền chắc có thể “nâng đỡ” cả một tòa tháp lớn như vậy thì các nhà nghiên cứu vẫn phải bó tay.

Được biết thêm, để các viên gạch dính lại với nhau chắc chắn như vậy không chỉ do có hỗn hợp keo kể trên mà còn nhờ vào bàn tay khéo léo của những người xây dựng. Các viên gạch được sử dụng kĩ thuật mài chập, nghĩa là sau khi phết keo lên, họ mài các viên gạch với nhau cho đến khi bề mặt tiếp túc hoàn toàn khít không lộ ra một chút kẽ hở nào.

Đi sâu vào phía bên trong tháp, du khách có thể bất ngờ khi thấy bên trong không có tượng hay ban thờ nào, chỉ có duy nhất một cái am nhỏ để nhang khói cho Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi được xây dựng từ thời Hậu Lê. Xung quanh tường có những hoa văn hình rồng được chạm khắc tinh tế trên đá hoa cương đặt ở 4 góc tháp. Đừng từ bên trong nhìn lên đỉnh tháp chỉ thấy một không gian sâu thẳm cao vút đầy huyền bí.

Cùng với sông Đà Rằng, nơi đây đã trở thành cụm danh lam thắng cảnh thu hút đông đảo khách du lịch. Hằng năm cứ tới mỗi dịp lễ tết có rất nhiều hoạt động vui chơi văn nghệ được tổ chức ở trên núi tháp Nhạn. Bởi vậy, lời khuyên cho các bạn có ý định tới thăm quan khu di tích này thì hãy đến vào dịp rằm tháng Giêng Âm Lịch. Khi ấy, ở đây diễn ra đêm thơ Nguyên tiêu thu hút đông đảo văn nghệ sĩ nức tiếng gần xa tới giao lưu nghệ thuật.

Thảo Phương
3 tháng 3 2019 lúc 20:39
Mở bài:

Nhắc đến tỉnh Phú Yên người ta không thể không nhắc đến Gành Đá Dĩa. Với kết cấu địa chất đặc biệt, xảy ra từ hàng triệu năm trước, Gành Đá Dĩa Phú Yên là một trong ba địa điểm trên thế giới có đặc điểm kiến tạo này.

Thân bài:

* Lịch sử hình thành Gành Đá Dĩa:
Gành Đá Dĩa được hình thành từ dung nham núi lửa phun trào cách đây gần 200 triệu năm. Nham thạch nóng bỏng khi phun trào gặp nuớc biển lạnh đột ngột bị đông cứng, đồng thời xảy ra hiện tuợng ứng lưu làm cho các khối đá nứt theo các chiều: dọc, xiên, ngang tạo thành các khối đá nứt hình bát giác, lục giác, ngũ giác…. thẳng đứng hoặc xiên thoai thoải, nửa chìm nửa nổi trên biển.

Theo dòng chảy thời gian, những vết nứt đuợc nước biển bào mòn nhẵn nhụi nhưng những khối đá vẫn bám chặt lấy nhau, bền bỉ. Từng khối đá dài với hình dáng đặc biệt xếp chồng lên nhau, trông xa xa như một tổ ong khổng lồ đựợc xây dựng bên bờ biển, lúc đến gần thì ta lại có cảm tưởng như đây là những chiếc dĩa lớn xếp chồng lên nhau. Có lẽ đó là lí do người ta đặt cho địa danh này cái tên Gành Đá Dĩa.

* Vị trí:

Gành Đá Dĩa thuộc địa phận xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa 30km về phía bắc. Nếu tính từ thị trấn Chí Thạnh, trên quốc lộ 1A, men theo con đường khoảng 10km về hướng đông sẽ đến Gành Đá Dĩa. Có thể nói Gành Đá Dĩa là cảnh quan thiên nhiên kỳ thú nhất Việt Nam.

* Đặc điểm cảnh quan Gành Đá Dĩa:
Dọc bờ khu Gành Đá Dĩa dài khoảng 6km tính từ mũi Gành Đèn đến mũi Nước Giao. Sự hình thành Gành Đá Dĩa cũng có liên quan mật thiết đến Vinh Xuân Đài, Đầm Ô Loan và đèo Cả. Đặc điểm thạch học và cấu trúc lượn sóng dưới tác động lâu dài của sóng biển là cơ sở hình thành sự đa dạng của địa hình dải bờ biển Gành Đá Dĩa.

Từ xa nhìn vào gành thấy những tầng đá lô nhô như vườn tượng của các nhà điêu khắc tài danh, nhưng khi đến gần, gành là những trụ đá nơi cao, nơi thấp hoặc thẳng đứng hoặc hơi nghiêng nghiêng so với mặt nước biển, tạo thành một cảnh quan rất kỳ vĩ. Đứng từ xa nhìn về gành trông giống như một tổ ong khổng lồ nhô ra giữa biển khơi bạc sóng.

Bao quanh gành đá là một bãi cát hình cong lưỡi liềm dài khoảng trên dưới 3 km. Bờ cát trắng mịn, bạc sáng trong nắng ban mai lấp loá, là một bãi tắm rất tốt.

Đá ở Gành Đá Dĩa có màu đen huyền hoặc nâu vàng xếp thành cột, nửa chìm nửa nổi trên mặt nước biển, chồng lên nhau như có một bàn tay vô hình bê từng phiến đá lục giác, bát giác xếp chồng lên nhau như người nội trợ chồng những cái dĩa cao ngất. Mỗi viên đá có độ dày từ 60-80 cm. Do đứng nhô ra biển, quanh năm sóng vỗ nên đã tạo thành những lỗ khuyết tròn láng.

Ở giữa gành có một hõm trũng, nước mưa, nước biển đọng lại lại tạo thành vũng và trong đó có nhiều loại cá nhỏ, có màu sắc sặc sỡ: xanh, vàng, tím, hồng nhạt… bơi lội tung tăng. Xung quanh hõm nước này, đá dựng thành cột liền khít nhau.

Trên thế giới chỉ có 4 nơi có cấu tạo địa chất đặc biệt như Gành Đá Dĩa Phú Yên. Mặc dù kỳ lạ đến thế nhưng trước đây do nằm ở vị trí trắc trở, đường xá đi lại khó khắn, Gành Đá Dĩa chưa được nhiều người biết đến. Phải đến năm 2011, con đường dẫn từ quốc lộ 1A đi qua các xã dọc biển được khai mở thì mới có nhiều người tìm đến tham quan, chiêm ngưỡng.

* Đặc điểm cấu tạo địa chất Gành Đá Dĩa:
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà địa chất học, đá ở Gành Đá Dĩa được hình thành trong quá trình hoạt động núi lửa vùng cao nguyên Vân Hòa (Sơn Hòa), cách vị trí Gành Đá Dĩa khoảng 30 km về phía tây. Một vùng đất nâu đen còn sót lại dọc trên cánh đồng khu vực Hòa Đa, Bình Kiến hay dải đất bazan đỏ phía Hòa Thành Tuy Hòa là dấu tích di chuyển của các dòng nham thạch xa xưa.

Khoảng 200 triệu năm về trước, thời kì hoạt động mãnh liệt của các núi lửa trong vành đai Thái Bình Dương, dòng nham thạch nóng bỏng chảy từ miệng các núi lửa tràn xuống đồng bằng, tiến sát ra biển, gặp nước biển lạnh nên đột ngột đong cứng lại. Ban đầu. các khối đá kết tụ hình khối lớn. Lâu dần, do hiện tượng ứng lực rạn nức, các khối đá dần tách ra theo các mạch tạo thành cột đá hình lục giác như ngày nay. Trải qua thời gian, do tác động của sóng biển và sự ăn mòn, các khối đá có những hình thù kì lạ trong thật đẹp mắt.

Gành Đá Dĩa nằm chung trong khối kiến tạo địa chất với Gành Đèn. Khác với Gành đèn được kiến tạo từ dá Granic, Gành Đá Dĩa được kiến tạo bửi đá Bazan xếp chồng với hai mũi nhô lên khỏi mặt đất. Ranh giới này có thể quan sát được tại Hòn Khô với một bên là đá Granic đa khối màu phiến trắng, một bên là đá Bazan nâu đen khối nhẵn.

Cột đá Bazan tại Gành Đá Dia nhô ra làm hai mũi nhỏ: một mũi nhô lên ở phía bắc với dáng đá nằm nghiêng uốn lượn, một mũi ở phía nam với dáng đá thẳng đứng xếp chồng. Đây là nơi ngư dân thường tập kết ngư cụ chuẩn bị đánh bắt gần bờ.

* Ý nghĩa cảnh quan, địa chất và du lịch Gành Đá Dĩa:
Từ lâu, Gành Đá Dĩa đã trở thành niềm tự hào của người dân Phú Yên. Gành Đá Dĩa chứng kiến cuộc sống thăng trầm, cùng con người vượt qua bao cơn bão tố quyết tâm bám biển. Hình ảnh gành đá trở thành biểu tượng của đức kiên trì, lòng kiên trung, sừng sững kiêu ngạo giữa đất trời thách thức dòng thời gian khắc nghiệt phai mòn. Dãy tường đá kì vĩ, hòa điệu với sóng nước tạo thành bức tranh huyền ảo mang vẻ đẹp kì bí làm say mê khách du lịch trong và ngoài nước không thể rời bước một lần đến nơi đây.

Gành Đá Dĩa là một trong những địa điểm du lịch, mang lại nguồn kinh tế lớn của tỉnh Phú Yên. Năm 1998, Nhà nước Việt Nam công nhận Ghềnh Đá Dĩa là thắng cảnh thiên nhiên cấp quốc gia, khẳng định giá trị của địa danh này trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Kết bài:

Gành Đá Dĩa có quang cảnh kì vĩ phi thường, là kiệt tác của mẹ thiên nhiên, là bản trường ca bất tận của đá và nước, xứng đáng là một trong những hùng quan đất Việt.


Các câu hỏi tương tự
Hoàng Văn Vũ
Xem chi tiết
Bóng Ma
Xem chi tiết
Diệu Linh
Xem chi tiết
Phụng Nguyễn Thị
Xem chi tiết
Nguyễn thị Phụng
Xem chi tiết
Nguyễn Thu Trà
Xem chi tiết
Phạm Tùng Dương
Xem chi tiết
Nguyễn Thị Hằng
Xem chi tiết
Hà Thị Thu
Xem chi tiết