Thời cơ:
Thứ nhất, đó là bắt đầu từ sự kiện ngày 12/8/1946, sau khi nhận được tin phát xít Nhật Bản đã bị thua to trên hầu khắp các chiến trường châu Á - Thái Bình Dương trong thế chiến II, nên phải gửi công hàm cho các nước Đồng minh đề nghị ngừng bắn. Bằng nhãn quan chính trị nhạy bén, tầm nhìn chiến lược, nắm bắt thời cuộc kịp thời, đồng chí Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã nhóm họp ngay tại Tân Trào để quyết định Tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước. Ngay sau cuộc họp, “Mệnh lệnh khởi nghĩa” đã được phát ra.
Chiều tối ngày hôm sau, 13/8/1945, đang trong lúc Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp để nhận định tình hình, phân công nhiệm vụ chỉ đạo khởi nghĩa vụ trang, thì tiếp tục nhận được thêm một tin rất quan trọng, đó là phát xít Nhật đã bại trận và chuẩn bị đầu hàng quân Đồng minh. Ngay lập tức, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc; đồng thời soạn thảo “Quân lệnh số 1”. Đến 23 giờ đêm cùng ngày, bản “Quân lệnh số 1” hoàn thành và được phát đi ngay, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc.
Ngày 14/8/1945, sau khi nghe tin Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hirôsima của Nhật Bản, đồng chí Hồ Chí Minh đề nghị họp Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào. Hội nghị đã nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”. Trên cơ sở đó, đồng chí Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội”
Tại sao lại phải tiến hành Tổng khởi nghĩa ngay lúc đó là vì đồng chí Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã nhận định và nắm bắt được tình hình có sự chuyển biến nhanh chóng: phát xít Nhật đã chết gục theo phát xít Đức; quân đội Nhật đã và đang tan rã, bị tước vũ khí trên khắp các chiến trường; quân Đồng minh sắp kéo vào Đông Dương. Vì vậy nếu không khởi nghĩa giành chính quyền từ tay quân Nhật, mà để đến khi quân Đồng minh kéo vào nhận bàn giao chính quyền từ tay quân Nhật, thì nhân dân ta không thể tiến hành khởi nghĩa được nữa, vì lúc này Việt Minh đang cùng phe với quân Đồng minh.
Thứ hai, sự kiện Chính phủ cách mạng lâm thời yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị và tiếp nhận sự thoái vị của nhà vua (ngày 30/8/1945 tại Huế) cũng là việc lực lượng cách mạng đã chớp thời cơ, tranh thủ thời cơ và vận dụng đúng thời cơ. Việc vua Bảo Đại thoái vị đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền phong kiến; đồng thời triệt tiêu một đầu mối quan trọng mà các thế lực đế quốc, phản động muốn duy trì, sử dụng để mưu toan chống phá chính quyền cách mạng, đặt lại ách thống trị trên đất nước ta.
Thứ ba, sự kiện ngày 2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” tuyên bố với toàn thể nhân dân Việt Nam và với thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập và tự do đã ra đời; Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã chính thức ra mắt trước quốc dân đồng bào. Nếu chậm trễ không tuyên bố độc lập, chủ quyền trước khi quân Đồng minh tiến vào thì dù có cướp được chính quyền cũng phải bàn giao lại cho quân Đồng minh tiếp quản. Vì vậy, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chớp thời cơ, khẩn trương chỉ đạo sớm tiến hành tổ chức Lễ Độc lập liền sau khi cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công trên cả nước chính là nhằm ngay lập tức khẳng định chủ quyền của nhân dân Việt Nam trước các thế lực đế quốc, phản động đội lốt dưới danh nghĩa quân Đồng minh.
Tóm lại, Cách mạng Tháng Tám và Lễ Độc lập chỉ có thể thực hiện thành công trong khoảng thời gian 22 ngày ấy. Nếu Tổng khởi nghĩa diễn ra trước ngày 12/8/1945 sẽ không được vì khi ấy phát xít Nhật vẫn còn khá mạnh, chưa chịu ngừng bắn và đầu hàng quân Đồng minh. Còn nếu Lễ Độc lập tuyên bố và khẳng định chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra muộn hơn sau ngày 2/9/1945 cũng không được vì khi ấy quân Anh và quân Tưởng đã vào nước ta giải giáp, tiếp quản chính quyền từ tay quân Nhật.
Cách mạng Tháng Tám thành công và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã làm rung chuyển cả Đông Nam Á, châu Á, châu Phi và nhiều khu vực khác trên thế giới; tạo ra làn sóng cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do của các nước thuộc địa như: Inđônêxia cùng giành được độc lập trong tháng 8/1945; Ấn Độ giành độc lập năm 1947; Mianma giành độc lập năm 1948; Marôc giành độc lập năm 1956; Malaixia giành độc lập năm 1957; Ănggôla giành độc lập năm 1961; Angiêri giành độc lập năm 1962…