Tham khảo!
Đóa sen hồng sống giữa bùn lầy tăm tối vẫn vươn lên tìm nguồn ánh sáng và tỏa ngát hương thơm. Nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao cũng vậy, hoàn cảnh sống đã đẩy lão đến cùng quẫn nhưng lão vẫn chọn cho mình cách sống, cốt cách thanh cao và trong sạch. Ở cuối truyện, lão Hạc đã chọn cho mình cái chết như một hành đồng tự giải thoát. Việc lão Hạc tự chọn lấy cái chết để giữ trọn mảnh vườn cho con, cái chết tự nguyện của lão xuất phát từ lòng thương con âm thầm mà lớn lao, từ lòng tự trọng thật đáng kính. Qua đó ta thêm trân trọng tấm lòng, đức hi sinh cho con của một người cha nghèo. Vậy nhưng, tại sao lão lại chọn cái chết bi thảm là ăn bả chó? Lão hoàn toàn có thể lựa chọn một cái chết êm dịu, nhẹ nhàng và ít đau đớn hơn. Bởi lẽ lão sống cả đời chân thực, chưa biết lừa dối một ai. Vậy mà cậu Vàng – người bạn tâm tình, trung thành với lão mà lão lỡ lừa dối nó. Lão đã lừa để cậu Vàng phải chết thì giờ đây lão cũng phải chết theo kiểu một con chó bị lừa. Đó như một sự tự trừng phạt của lão dành cho mình. Người đọc không khỏi xót xa, thương cảm cho một tấm lòng nhân hậu, trung thực đáng quý ở con người nghèo khổ nhưng thanh cao ấy. Có thể nói, cách kết thúc truyện mang màu sắc bi kịch của Nam Cao đã gây ra sự bất ngờ không chỉ với thế giới nhân vật trong truyện mà còn gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Chi tiết cái chết của lão Hạc đã góp phần tạo nên đặc sắc nghệ thuật cho truyện. Đó là cái chết khiến người đọc thêm xót xa trước thân phận của con người, kính trọng những nhân cách cao đẹp như lão Hạc.