Văn học hiện thực phê phán là dòng văn học Việt Nam được sáng tác những năm 1930 - 1945. Đây là thời đại trước cách mạng tháng tám, nhân dân Việt Nam chịu khổ cực, làm than, chịu nhiều tầng áp bức bóc lột của cả chế độ phong kiến và thực dân Pháp. Vì vậy mà các tác giả văn học sáng tác trong giai đoạn này sẽ hoặc theo hướng lãng mạn để thoát li hiện thực. Hoặc sáng tác theo hướng hiện thực phê phán, tìm thấy những điều đáng lên án trong xã hội đương thời. Các tác giả là những người chứng kiến và trực tiếp sống trong thời đại đó, bởi vậy, chính họ cũng cảm thấy bế tắc và chưa tìm được hướng đi đúng đắn để giải phóng bản thân và giải thoát cho nhân vật của mình. Vậy nên, một người nông dân nghèo khổ, cùng đường như Lão Hạc chọn cái chết để giữ lòng tự trọng. Một người nông dân nghèo khổ khi cùng đường cũng sẵn sàng bị tha hóa, như Binh Tư, Chí Phèo. Một người phụ nữ cùng đường như chị Dậu cũng sẵn sàng phản kháng để chống lại bọn cửa quyền dù hoàn toàn là hành động tự phát, và biết rằng sẽ phải chịu sự trả giá còn nặng nề gấp đôi từ bọn giai cấp thống trị,... Những con người ấy phần lớn là bế tắc, phần lớn là tuyệt vọng, vùng vẫy, chưa tìm được đường hướng đi đúng đắn cho riêng mình.