Quy trình, thủ tục lập hiến ở những nét chung nhất là trình tự, thủ tục được quy định cũng như các tập tục truyền thống được áp dụng để ban hành, sửa đổi, bổ sung hiến pháp. So với trình tự, thủ tục lập pháp, trình tự, thủ tục lập hiến có tính đặc biệt và đặc thù hơn.
Đến lượt mình, quy trình lập hiến lại có sự phân biệt giữa quy trình ban hành hiến pháp và quy trình sửa đổi, bổ sung hiến pháp. Việc ban hành hiến pháp luôn gắn với sự ra đời một chế độ chính trị mới (gọi là lập quốc). Hiến pháp được ban hành gắn liền với việc thiết lập chế độ dân chủ, chế độ hiến pháp. Bất kỳ một lực lượng nào nắm chính quyền, lập nên một bản hiến pháp để cho ra đời một chế độ dân chủ, pháp quyền (lập hiến hay hợp hiến) đều được coi là cha đẻ của hiến pháp đó. Nói cách khác, một chế độ lập hiến là đã gắn với một bản hiến pháp. Bản hiến pháp này được lập ra theo những điều kiện, hoàn cảnh được chấp nhận với những cách thức, thủ tục khác nhau. Thường thì, bản hiến pháp (đầu tiên) do một Quốc hội hay Hội đồng được bầu ra chỉ để thông qua Hiến pháp gọi là Quốc hội/Hội đồng lập hiến, sau là giải tán để lập ra Quốc hội lập pháp theo Hiến pháp (ví dụ, nước Mỹ, và Quốc hội được bầu năm 1946 của nước ta cũng là Quốc hội lập hiến).