THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ HOA KỲ VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
MỘT SỐ NÉT CƠ BẢN VỀ HỢP CHÚNG QUỐC HOA KỲ
---
I. Một số tư liệu chung
- Tên nước: Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (United States of America), ta thường gọi là nước Mỹ, gồm 50 bang và đặc khu Columbia (District of Columbia hay còn gọi là thủ đô Washington D.C.) hợp thành.
- Vị trí địa lý: Nằm ở Tây bán cầu; bắc giáp Canada; nam giáp Mexico và vịnh Mexico; đông giáp Đại Tây Dương; tây giáp Thái Bình Dương; bang Alaska nằm phía Tây bắc Canada, quần đảo Hawaii nằm ở Thái Bình Dương.
- Diện tích: 9.159.123 km2; đứng thứ 4 thế giới sau Nga, Canada, Trung Quốc; chiếm 6,2% diện tích toàn cầu; từ đông sang tây rộng 4.500 km, từ bắc xuống nam rộng 2.500 km.
- Dân số: 300.000.000 người (tháng 10/2006), trong đó da trắng 77.1%; Da đen: 12.9%; Gốc châu Á 4.2%; Thổ dân Mỹ 1.5%; Thổ dân Alaska và Hawaii và các quần đảo TBD thuộc Mỹ: 0.3%, các nhóm người khác 4%. Tăng trưởng dân số hàng năm: khoảng 0.92% (khoảng 30% là nhập cư).
- Đơn vị tiền tệ : Đô-la Mỹ.
- Ngôn ngữ: phổ biến là tiếng Anh. Có các cộng đồng lớn nói tiếng Tây Ban Nha, Pháp và nhiều ngôn ngữ khác (theo xuất xứ nhập cư).
- Tôn giáo: Tin lành: 56%; Cơ đốc giáo La Mã: 28%; Do thái: 2%; Các đạo khác: 4%; Không theo đạo nào: 10%.
- Ngày Quốc khánh (ngày Tuyên ngôn Độc lập) : 4/7/1776.
II. Khái quát về lịch sử:
Năm 1492, Christopher Columbus phát hiện Châu Mỹ.
Năm 1607, Anh bắt đầu đặt chân lên Châu Mỹ và lập hệ thống thuộc địa ở hầu hết lãnh thổ Bắc Mỹ. Các nước Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan chiếm các vùng còn lại.
Năm 1775, cuộc đấu tranh giành độc lập nổ ra. Ngày 4/7/1776, các nhà cách mạng Mỹ công bố "Tuyên ngôn Độc lập", tách Mỹ khỏi Đế quốc Anh, thành lập Hợp chúng quốc Hoa Kỳ gồm 13 bang.
Năm 1783, Anh ký Hiệp định Versailles thừa nhận nền độc lập của nước Mỹ.
Ngày 7/9/1787, Hiến pháp Liên bang đầu tiên của Mỹ được thông qua và đến 4/3/1789 có hiệu lực. George Washington được bầu là tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.
Sau cuộc nội chiến 1861-1865, Mỹ củng cố nền độc lập, phát triển kinh tế và mở rộng ảnh hưởng ở Tây bán cầu. Cuối thế kỷ 19, Mỹ trở thành nước tư bản chủ nghĩa hàng đầu thế giới, bắt đầu tranh giành thuộc địa, mở đầu bằng cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha (1898 - 1899).
Sau chiến tranh thế giới II, Mỹ trở thành đế quốc mạnh nhất, tiến hành chiến lược toàn cầu khống chế các nước TBCN, ngăn chặn CNXH và phong trào giải phóng dân tộc. Mỹ đã can thiệp trực tiếp vào 2 cuộc chiến tranh cục bộ ở Triều Tiên (1950-53) và Việt Nam (1964-75). Thất bại trong chiến tranh ở Việt Nam đẩy Mỹ vào thời kỳ suy yếu tương đối trong khi Tây Âu và Nhật phát triển. Mỹ dồn sức củng cố thực lực đồng thời tiếp tục thúc đẩy chạy đua vũ trang với Liên Xô.
Sau khi Liên Xô sụp đổ (1991), chiến tranh lạnh và trật tự thế giới hai cực kết thúc, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất có sức mạnh toàn diện về kinh tế, quân sự. Mỹ đang trong quá trình điều chỉnh chiến lược và tìm cách xây dựng trật tự thế giới mới phù hợp với thế và lực của Mỹ.
Sự kiện khủng bố tấn công Trung tâm thương mại quốc tế 11/9/2001 và các diễn biến kể từ đó đến nay đã có tác động lớn đến đời sống chính trị, an ninh, kinh tế-xã hội Mỹ, cũng như cách nhìn nhận và quan điểm của Mỹ về các vấn đề này, do đó cũng tác động đến việc điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ.
III. Về Chính trị:
Mỹ là nước Cộng hoà Liên bang, theo chế độ tam quyền phân lập. Theo Hiếp pháp Mỹ, quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Tổng thống và quyền tư pháp thuộc về Toà án tối cao. Các cơ quan nhà nước liên bang Mỹ hoạt động trên nguyên tắc ‘kiểm soát và cân bằng’, trong đó hiến pháp Mỹ quy định quyền cụ thể của một cơ quan để kiểm soát chéo hai cơ quan còn lại. Hiến pháp Mỹ quy định rõ các quyền thuộc về nhà nước liên bang và các chính quyền tiểu bang, trong đó các chính quyền tiểu bang có nhiều quyền hạn lớn.
Mỹ theo chế độ đa đảng. Đảng Dân chủ (thành lập năm 1828) và Cộng hòa (thành lập năm 1854) thay nhau nắm chính quyền. Từ sau chiến tranh thế giới II, đã có 7 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ và 7 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa.
a/ Chính phủ Liên bang: Tổng thống nắm quyền hành pháp, có quyền hạn của nguyên thủ quốc gia, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Tổng thống có quyền phủ quyết các điều luật do quốc hội thông qua và để đảo ngược quyền phủ quyết của tổng thống cần 2/3 số phiếu của cả 2 viện của quốc hội. Nhiệm kỳ tổng thống dài 4 năm. Kể từ 1951, mỗi tổng thống chỉ được cầm quyền tối đa 2 nhiệm kỳ.
Nội các của tổng thống gồm 15 bộ trưởng. Tổng thống bổ nhiệm các bộ trưởng và phải được sự đồng ý của Thượng viện.
Tổng thống hiện nay là Barack H. Obama (Tổng thống thứ 44, nhậm chức ngày 20/1/2009); Phó Tổng thống Joe Biden; Ngoại trưởng Hillary Clinton; Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates; Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner, Chủ tịch Fed Ben Bernanke. Đại diện thương mại Robert B. Zoellick, Bộ trưởng tư pháp Eric Holder, Trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campell.
Chính phủ Liên bang nắm quyền điều hành toàn bộ đất nước, quy định các chính sách thuế chung, chính sách đối ngoại, thương mại quốc tế và giữa các bang, chịu trách nhiệm về quốc phòng, an ninh, phát hành tiền, hệ thống đo lường, bản quyền... Các bang của Mỹ có hiến pháp và pháp luật riêng, nhưng không trái với Hiến pháp Liên bang.
b/ Quốc hội: Gồm hai viện:
Thượng viện gồm 100 thượng nghị sĩ và 24 UB, trong đó có 4 UB hỗn hợp lưỡng viện. Mỗi bang có 2 thượng nghị sĩ với nhiệm kỳ 6 năm. Phó Tổng thống giữ chức danh Chủ tịch Thượng viện, có quyền bỏ phiếu quyết định trong tình huống bất phân thắng bại (50/50).
Hạ viện gồm 435 hạ nghị sĩ, 22 UB và 7 UB đặc biệt. Mỗi bang có ít nhất 1 hạ nghị sĩ, còn lại căn cứ theo số dân của bang đó. Các hạ nghị sĩ có nhiệm kỳ 2 năm. Vào các năm chẵn, ngày Thứ Ba đầu tiên của tháng 11 sẽ tiến hành bầu cử quốc hội, bầu lại toàn bộ hạ viện và 1/3 thượng viện.
Quốc hội hiện nay là khóa 111 (2009-2010). Kết quả bầu cử Quốc hội tháng 11/2008 đã đưa đảng Dân chủ lên nắm đa số ở cả hai viện quốc hội Mỹ. Hiện nay, Chủ tịch Thượng viện đồng thời là Phó Tổng thống Joe Biden; Lãnh tụ phe đa số và thiểu số tại Thượng viện lần lượt là TNS Harry Reid (DC-Ne) và TNS Mitch McConnell (CH-Ken); Chủ tịch Hạ viện hiện nay là HNS Nancy Pelosi (DC-Ca); Thủ lĩnh phe thiểu số và đa số Hạ viện lần lượt là HNS Steny Hoyer (DC-Ma) và HNS John Boehner (CH-Oh).
c/ Toà án tối cao: Gồm 1 chánh án và 8 thẩm phán và đều do tổng thống chỉ định với sự chấp thuận của thượng viện, nhiệm kỳ suốt đời. Chánh án Toà án tối cao là John Roberts bắt đầu nhiệm kỳ từ tháng 9/2005.
IV. Về Kinh tế:
1) Khái quát nền kinh tế Mỹ: Mỹ là nước công nghiệp phát triển hàng đầu trên thế giới. Mỹ có nền kinh tế hỗn hợp, các tập đoàn và công ty tư nhân có vai trò quan trọng trong khi chính phủ có xu hướng hạn chế tác động vào nền kinh tế. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2008 là 14,29 nghìn tỷ đô la, chiếm khoảng gần 30% GDP toàn thế giới. GDP theo đầu người là 48 nghìn đô la. Trong cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm khoảng 80%, công nghiệp 18%, nông nghiệp 2%.[1]
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ chiếm khoảng 25% GDP, là nước xuất, nhập khẩu lớn nhất thế giới. Các bạn hàng buôn bán lớn nhất của Mỹ là Canada, Trung Quốc, Mexico, Nhật, ASEAN, Anh, Đức Pháp, Hà Lan. Mỹ bị thâm hụt thương mại ở mức cao liên tiếp trong gần 2 thập kỷ, đặc biệt tăng liên tục ở mức kỷ lục là 720 tỷ đô la (5,7%) năm 2008, vượt mức báo động (5,5% GDP).
Kinh tế Mỹ hiện đang rơi vào khủng hoảng sau được coi là tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng 1929-1933, bắt đầu từ khủng hoảng tài chính dưới chuẩn từ 2007. GDP của Mỹ giảm mạnh: 6,3% Q4/08; 6,1%Q1/09. Cuộc khủng hoảng này đang kéo lùi các chỉ tiêu phát triển kinh tế Mỹ (7/10 chỉ số sản xuất của Mỹ dưới mức 2002). Mô hình kinh tế-tài chính của Mỹ bị nghi ngờ: trước đây Mỹ được coi là thiên đường an toàn của đầu tư quốc tế, cả ngắn hạn và dài hạn; hiện nay các nước đều thận trọng khi đầu tư vào Mỹ. Các tổ chức quốc tế do Mỹ lãnh đạo hoặc chi phối, như IMF, WB đang bị thách thức. Để khắc phục, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh và chưa có tiền lệ: QH thông qua gói cứu trợ tài chính 700 tỷ đôla để cứu khu vực tài chính; FED liên tục hạ lãi suất cơ bản và bơm tiền vào hệ thống ngân hàng. Chính quyền Mỹ đã đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh G20 (15-16/11) để tranh thủ quốc tế. Về triển vọng, dự báo mới nhất của Fed: kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng âm 2% năm 2009 (so với 1,3% dự báo trước), thất nghiệp 10%; quá trình phục hồi trong 2010 và 2011 sẽ chậm hơn dự kiến.
2) Một số số liệu về kinh tế Mỹ
Số liệu |
2000 |
2001 |
2002 |
2003 |
2004 |
2005 |
2006 |
2007 |
2008 |
Real GDP (ngàn tỷ $) |
9,817 |
9,890 |
10,074 |
10,381 |
11,735 |
12,760 |
13,246 |
13,790 |
14,29 |
Tăng trưởng GDP (%) |
3.7 |
0.8 |
1.9 |
3.0 |
4.4 |
3.5 |
3.4 |
2.2 |
1,3 |
GDP/đầu người (ngàn $) |
34,7 |
34,5 |
34,9 |
|
40,1 |
43,5 |
44,1 |
46,0 |
48,00 |
Tỷ lệ thất nghiệp (%) |
4.0 |
4.7 |
5.8 |
6.0 |
5.2 |
4.8 |
4.6 |
4.6 |
7,2 |
Tỷ lệ lạm phát (%) |
3.4 |
2.8 |
1.6 |
2.3 |
-0.1 |
2.5 |
2.8 |
2.7 |
4,2 |
Ngân sách (tỷ $) |
+ 236.4 |
+127.4 |
-157.8 |
-375.3 |
-413 |
- 329 |
- 239 |
-163 |
-590 |
XK (nghìn tỷ $) |
1,421 |
1,293 |
1,242 |
1,314 |
1,175 |
1,272 |
1,446 |
1,628 |
1,826 |
NK (nghìn tỷ $) |
1,779 |
1,632 |
1,657 |
1,770 |
1,781 |
1,998 |
2,204 |
2,336 |
2,522 |
V. Về Chính sách đối ngoại:
Kể từ khi thành lập nước Mỹ đến trước chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã thực hiện chiến lược "biệt lập" theo học thuyết Mon-rô (Tổng thống Mỹ giai đoạn 1817-1825) với nội dung "Châu Mỹ của người Châu Mỹ" để bành trướng ở Tây bán cầu trong lúc Mỹ chưa đủ lực để vươn xa hơn.
Sau chiến tranh thế giới thứ II, với thế và lực mới mạnh hơn trước nhiều, Mỹ thực hiện chiến lược "ngăn chặn", một chiến lược toàn cầu nhằm trở thành bá chủ thế giới. Để thực hiện ý đồ bá chủ, giới cầm quyền ở Mỹ thực hiện hai mục tiêu chiến lược: xoá bỏ trật tự thế giới cũ của các đế quốc Tây Âu, đưa toàn bộ thế giới TBCN vào một trật tự chính trị và kinh tế mới do Mỹ khống chế và làm suy yếu, ngăn chặn sự phát triển và lan rộng ảnh hưởng của Liên Xô (cũ) và của chủ nghĩa xã hội.
Sau khi Liên Xô và khối XHCN tan rã, Mỹ một lần nữa điều chỉnh lớn chiến lược đối ngoại, đưa ra chiến lược "dính líu và mở rộng", thực chất nhằm củng cố và tăng cường vị trí bá chủ toàn cầu trong tình hình mới. Nội dung chính của chiến lược "dính líu và mở rộng" là: Phục hồi và phát triển nền kinh tế Mỹ, giữ vững địa vị là nền kinh tế mạnh nhất thế giới; Duy trì ưu thế quân sự của Mỹ, tổ chức, cơ cấu lại và hiện đại hoá quân đội Mỹ nhằm đáp ứng tình hình mới; Phát huy ưu thế về chính trị và quân sự, thúc đẩy "kinh tế thị trường" và "dân chủ" phương Tây nhằm tiến tới thiết lập một trật tự thế giới có lợi cho Mỹ.
Sau sự kiện 11/9/2001, Mỹ đẩy mạnh quá trình điều chỉnh chiến lược cho thế kỷ 21, coi chống khủng bố là ưu tiên cao nhất. Chống khủng bố được sử dụng để tập hợp lực lượng nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới do Mỹ lãnh đạo, dùng lý do chống khủng bố, Mỹ thực hiện biện pháp quân sự đánh phủ đầu Afghanistan và Irắc. Năm 2002, Chính quyền Bush đưa ra Chiến lược an ninh quốc gia với các nội dung chủ yếu: (1) Coi chủ nghĩa khủng bố quốc tế, những quốc gia thù địch bất kham, những nước ủng hộ và che giấu khủng bố, tìm kiếm và sử dụng vũ khí giết người hàng loạt là kẻ thù nguy hiểm nhất của Mỹ ; nêu cao khả năng sử dụng vũ lực đơn phương, đưa ra học thuyết "đánh đòn phủ đầu" để hợp lý hoá việc sử dụng quân sự; (2) Tập hợp lực lượng toàn thế giới chống khủng bố, coi chống khủng bố là ưu tiên cao nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ và thành chuẩn mực trong quan hệ của Mỹ với các nước (phân chia 2 loại nước đi với Mỹ chống khủng bố hay đi với khủng bố quốc tế); (3) Trong quan hệ các nước lớn, Mỹ theo đuổi chính sách "cân bằng quyền lực", tìm kiếm quan hệ xây dựng với Trung quốc nhưng cảnh giác trước việc nước này tăng cường tiềm lực quân sự, xây dựng quan hệ chiến lược mới với Nga, tăng cường quan hệ với Ấn Độ, củng cố, mở rộng và cải tổ NATO, củng cố đồng minh truyền thống. Tuy nhiên, do bị sa lầy tại Iraq nên từ nhiệm kỳ II của Tổng thống Bush, Mỹ tiến điều chỉnh chiến lược theo hướng tranh thủ đồng minh, bạn bè, bớt đơn phương hơn, nhấn mạnh các thể chế đa phương trong quan hệ quốc tế.
Nhậm chức trong bối cảnh nước Mỹ gặp nhiều khó khăn về kinh tế-tài chính (cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Mỹ được cho là lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng 1929-1933) và không ít khó khăn về đối ngoại, đặc biệt là hai cuộc chiến còn ‘dang dở’ là Iraq và Afganistan, Tổng thống Obama tiếp tục phải điều chỉnh chính sách đối ngoại Mỹ theo hướng giảm đơn phương, tăng mặt hòa giải và hợp tác đa phương nhằm trước mắt là đưa Mỹ ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, về lâu dài là duy trì vị trí lãnh đạo của Mỹ trên thế giới. Mỹ đã đưa ra phương châm "sức mạnh thông minh" trong đối ngoại, kết hợp tất cả các thành tố sức mạnh, từ quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, để đạt được mục đích.
[1] Xem bảng số liệu kinh tế Mỹ kèm theo
Tình hình quan hệ Việt - Mỹ
1. Kể từ khi bình thường hoá quan hệ (tháng 7/1995) đến nay, quan hệ Việt-Mỹ đã phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hai bên đã có nhiều cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao: Tổng thống Bush thăm Việt Nam (11/2006) và các vị lãnh đạo Việt Nam thăm Mỹ (Thủ tướng Phan Văn Khải - 6/2005, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết - 6/2007 và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - 6/2008). Ba Tuyên bố chung và những thoả thuận đạt được qua các chuyến thăm nói trên đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quan hệ hai nước phát triển ổn định trong khuôn khổ “Đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, cùng tôn trọng lẫn nhau” vì lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp cho hoà bình và hợp tác quốc tế. Các cơ chế hợp tác cụ thể được thiết lập và đang được triển khai trên các lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, giáo dục, đào tạo, nhân đạo... góp phần tiếp tục củng cố quan hệ Việt - Mỹ.
2. Trong triển khai chính sách đối ngoại mới, Chính quyền Obama coi trọng hơn khu vực CÁ - TBD do vai trò ngày càng quan trọng của khu vực này, đồng thời coi trọng và tranh thủ nhiều hơn vai trò của Đông Nam á và ASEAN, tăng cường quan hệ với cả ASEAN cũng như quan hệ và hợp tác với từng nước thành viên. Trong bối cảnh như vậy, quan hệ hai nước vẫn tiếp tục được duy trì và hợp tác vẫn đang là dòng chảy chính bên cạnh những tồn tại, khó khăn trong quan hệ đặc biệt là những vấn đề liên quan tới dân chủ, nhân quyền, tôn giáo.
2.1 Về chính trị, an ninh, quốc phòng: Việt Nam và Mỹ tiếp tục duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp Lãnh đạo hai bên. Phía Mỹ thăm ta có các đoàn: Phó trợ lý Ngoại trưởng (2/09); TNS McCain (4/09); Phó Đại diện thương mại Mỹ (7/09). Phía VN thăm Mỹ có các đoàn: Bộ trưởng Công an (4/09); Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (4/09); Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao thăm Mỹ và tham gia Đối thoại chiến lược về chính trị, an ninh, quốc phòng Việt-Mỹ lần thứ 2 (6/09) (Đối thoại chiến lược lần đầu vào 10/2008). PTTg, BTNG ta đã tiếp xúc với NT Clinton bên lề HN ARF (7/09) và Bộ trưởng Công Thương ta tiếp xúc song phương với Đại diện USTR bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế APEC tại Singapore (7/09). Các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn lãnh đạo hai bên tạo cơ sở để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển trong thời gian tới. Lần đầu tiên đoàn Bộ Quốc phòng VN thăm tàu sân bay Mỹ (4/09) và tàu Mỹ vào vùng biển VN hợp tác tìm kiếm MIA (6/09).
2.2 Về kinh tế-thương mại: Quan hệ kinh tế-thương mại, đầu tư được đẩy mạnh, đạt kết quả đáng khích lệ, là cơ sở và động lực cho quan hệ song phương. Kể từ khi HĐTM có hiệu lực đến nay, quan hệ mậu dịch giữa hai nước tăng nhanh: kim ngạch mậu dịch 2 chiều năm 2005 đạt 7,8 tỉ USD, tăng gấp hơn 5 lần năm 2001 (1,5 tỉ USD); 9,7 tỷ USD năm 2006; 11,789 tỷ USD năm 2007; 14,504 tỉ USD năm 2008 ( tăng 23 % so với năm 2007), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 11,869 tỉ USD (tăng 17,6%) và nhập khẩu đạt 2,635 tỉ USD (tăng 55%). 6 tháng đầu 2009 kim ngạch XNK hai nước ước tính đạt 6,2 tỷ USD giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó xuất khẩu sang Mỹ đạt 5,1 tỷ giảm 6,6% và nhập khẩu đạt 1,15 tỷ USD giảm 13,4%. Đây là mức giảm xuất khẩu đầu tiên sang Mỹ tính theo 6 tháng kể từ khi hai nước ký Hiệp định thương mại. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế so với các thị trường khác VN vẫn được coi là 1 trong số ít quốc gia xuất khẩu thành công sang thị trường Mỹ thời gian qua. FDI của Mỹ vào vào VN từ 1988 cho đến 12/2008 (tính những dự án còn hiệu lực) chỉ đạt 4,25 tỉ USD, đứng thứ 12 trong số các nước đầu tư vào VN. Thế nhưng trong bối cảnh suy thoái kinh tế nà 6 tháng đầu 2009 FDI của Mỹ vào ta đạt 3,86 tỷ USD (Dự án xây dựng Saigon Atlantis Hotel của tập đoàn Winvest LLC, Mỹ, đã tăng vốn từ 300 triệu USD lên 4,1 tỷ USD) chiếm hơn 50% tổng số vốn FDI vào Việt Nam và sau 7 năm đàm phán, Công ty dầu khí Chevron, Mỹ, và Tập đoàn dầu khí VN (PVN) đã đạt thoả thuận và hai bên dự kiến (cuối tháng 7/09) sẽ ký Thoả thuận khung về Dự án khai thác khí trị giá gần 5 tỷ USD trong đó Chevron đầu tư 2 tỷ. Với các dự án này, Mỹ đã vươn lên trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại VN.
Ngoài ra, hai bên cũng đang tiếp tục đàm phán Hiệp định đầu tư song phương (BIT) và phối hợp trong việc tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong cơ chế họp theo khuôn khổ TIFA (Hiệp định Thương mại và Đầu tư) để giải quyết các vướng mắc trong quan hệ kinh tế thương mại hai nước. Ta cũng đã đồng ý nhập thị bò không xương trên 30 tháng tuổi từ Mỹ.
2.3 Trong lĩnh vực giáo dục, khoa học-công nghệ, môi trường và nhân đạo: Hai bên triển khai các thoả thuận giữa lãnh đạo hai nước đạt được trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (6/08) trong đó Nhóm Chuyên trách về giáo dục Việt-Mỹ đã hoàn tất Báo cáo về tình hình hợp tác giáo dục đại học song phương trình Chính phủ hai nước xem xét để đi đến ký kết; triển khai lập các nhóm làm việc để thúc đẩy các vấn đề hợp tác về thay đổi khí hậu và nước biển dâng. Hai bên cũng tăng cường hợp tác về y tế, phòng chống HIV/AIDS, phía Mỹ đã chính thức thông báo ngân sách phân bổ cho chương trình PERFAR VN năm 2009 là 88 triệu USD (= mức 2008). Phía Mỹ cũng đã thông qua (cuối tháng 5/2009) khoản ngân sách bổ sung 3 triệu USD cho năm 2009 (khoản 3 triệu USD của năm 2007 đã bắt đầu được giải ngân từ tháng 10/2008) giúp tẩy độc các điểm nóng và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Hai bên tiếp tục trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, hạt nhân….
2.4 Bên cạnh những điểm sáng trong hợp tác song phương, hai bên cũng đã và đang hợp tác tốt trên khuôn khổ đa phương như tại HĐBA LHQ. Phía Mỹ mong VN đóng góp tích cực trong ASEAN và đánh giá cao việc VN sẵn sàng hợp tác trong khuôn khổ tiểu vùng Mekong.
3. Bên cạnh những tiến bộ đạt được, hai bên vẫn còn có quan điểm khác biệt về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo. Nhiều nhóm Việt kiều cực đoan ở Mỹ tiếp tục tìm cách vận động quốc hội Mỹ ra các dự luật, nghị quyết "phê phán" tình hình nhân quyền ở Việt Nam và đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách "các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo". Ở quốc hội do Đảng Dân chủ kiểm soát vấn đề gắn nhân quyền với thương mại đang được một số nghị sỹ thúc đẩy, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới đà phát triển quan hệ Việt - Mỹ