Viết văn 10

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Trà Giang

Phát biểu cảm nghĩ về bài ca dao Hoa sen:

Trong đầm gì đẹp bằng sen ​

​Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng

​Nhị vàng bông trắng lá xanh

​Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Dương Hạ Chi
17 tháng 9 2017 lúc 13:49

Nét trong sáng, cao đẹp trong tâm hồn con người Việt Nam từ bao đời đã được ca ngợi và trở thánh chủ đề của nhiều câu tục ngữ, ca dao. Chúng ta không thể quên bài ca dao quen thuộc:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng

Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Bằng ngôn từ trong sáng, giản dị nhất, bài ca dao làm nổi bật hình ẩnh bông sen thơm ngát, đang nở trên đầm lầy. Bông sen đơn sơ, chân chất như người dân lao động mang nét đẹp bình dị, thôn dã, lúc nào cũng ngan ngát toa hương, một thứ hương thơm đặc biệt tinh khiết không pha lẫn mùi vị nào khác dù hoa sen trong đầm. Đầm lầy càng u tối, thối tha thi bóng hoa lại càng đẹp đẽ, sáng trói. Thông qua bài ca dao, hình ảnh của người dân lao động Việt Nam hiện lên một cách tự nhiên, hợp lý đến tài tình. Tâm hồn của mỗi con người được ví như một bông hoa thơm ngát, dù sống ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng giữ riêng cho mình nét trong trắng, thanh cao nguyên vẹn.

Sống trong sạch là quy tắc, luật sống cua con người Việt Nam từ bao đời nay. Nó trở thành đạo đức, nhân cách được bồi dưỡng và bổ sung truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngay từ chế độ phong kiến nhiễu nhương, thối nát, nhưng nhà nho, trí thức đã quan niệm giấy rách phải giữ lấy lề để sống một cách thanh bạch, giản dị nhưng vô cùng chân thật. Cuộc sống đầy những cạm bẫy, càng lúc càng phô bày đầy đủ những thói xấu của loài người. Nếu như ai cũng sống gần mực thì đen thì có lẽ cả xã hội này không còn tồn tại người tốt. Nhưng với truyền thống đạo lí cao đẹp từ xa xưa, người dân Việt Nam luôn ngẩng cao đầu, sử dụng nhân cách quí giá của chính mình để sống và hành động một cách chân chính nhất. Xã hội càng xấu xa thối nát chừng nào thì con người Việt Nam càng sáng trong chừng ấy. Chúng ta không thể quên bi kịch về cái chết của Lão Hạc, một nông dân chất phác, quê mùa thà chết để giữ được thanh danh không vướng bùn nhơ xấu xa. Chúng ta không thể quên được hình ảnh chị Dậu trong đêm tối đen như mực và như tiền đồ của chị quyết giữ lấy tiết hạnh, lòng thuỷ chung với chồng con. Và ta càng không thế quên được lời khẩn cầu tha thiết, xót xa, nức nở của con cò ăn đêm, quyết giữ tâm hồn trong trắng đến phút cuối cuộc đời

Có xáo thi xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con

Đây có phải là hiện thân của người dân lao động? Quả vậy, kế tục và phát huy truyền thống cao đẹp, họ luôn sống một cách ngay thẳng, chân thực trong bất cứ hoàn cảnh nào để trở thành những đoá sen thơm ngát giữa đầm.

Không thể không có những bông hoa rũ cánh, cúi xuống đầm lầy để vướng phải bùn nhơ. Cũng như trong xã hội, không thiếu những kẻ đứng trước hoàn cảnh khó khăn đã không giữ được mình. Tư tưởng hám danh hám lợi, cầu thân đã đưa họ đến những hành động đi ngược lại với lương tâm, đạo lí con người. Từ những việc nhỏ nhặt họ đã không giữ bản thân mình cho được trong sạch thì đến những việc quan trọng, to lớn hơn làm sao họ không trở nên xấu xa, nguy hiểm. Loại người như vậy là một gánh nặng, một căn bệnh của xã hội, càng trở nên trầm trọng trong cuộc sống hôm nay. Đất nước đang cần, hơn bao giờ hết những người mang đạo đức cách mạng, hết lòng vì dân mà phục vụ. Nối tiếp truyền thống xưa, các cán bộ chân chính hôm nay cũng trở thành những đoá hoa sen. Sống giữa khó khăn của xã hội đầy cạm bẫy, lọc lừa, họ vẫn xác định cho mình một lí tưởng đúng đắn. Để làm một đoá hoa sen cho mai sau, ngay từ bây giờ, ta phải tu dưỡng đạo đức, rèn luyện tinh thần, học hỏi thêm nhiều điều bồ sung lí trí nhằm có suy nghĩ chính xác khi đứng trước những ngã rẽ, biết đi trên những lối mòn quí giá của dân tộc, thêm vào những nhận thức mới mẻ của thời đại. Tất cả sẽ giúp ta trở thành người công dân tốt, không hổ thẹn với truyền thống xưa đồng thời ta cũng tự hào vì đã tiếp tục phát huy di sản tâm hồn quý báu của dân tộc.

Nói tóm lại, là người dân Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào về tất cả những gì cao đẹp được ông bà xưa truyền lại, nhất là ở tâm hồn trong trắng, thanh cao, luôn rạng ngời dù ở bất kì hoàn cảnh môi trường nào. Cũng chính vì thế, ta buộc phải suy nghĩ, hành động một cách nghiêm túc đế không làm mai một đi truyền thống này. Muốn đạt được như thế, ngay từ khi còn là học sinh, ta phải tự nhắc nhở nhau sống như hoa sen.

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Trâm Anhh
21 tháng 6 2018 lúc 7:24

Ca dao là tiếng nói tình cảm thể hiện đời sống tinh thần phong phú của nhân dân lao động. Đó là tấm lòng đối với người thân, với quê hương đất nước. Trong số những bài ca dao được sáng tác bởi nhân dân và được lưu truyền bởi nhân dân có không ít những kiệt tác. Bài ca dao sau là một trong số đó, không chỉ lấp lánh vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn ánh lên vẻ đẹp trong tâm hồn con người:

"Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

Bài ca dao mở ra hình ảnh một đầm sen bát ngát. Đã là đầm sen thì hẳn hoa sen là thứ đẹp đẽ nhất:

"Trong đầm gì đẹp bằng sen"

Câu ca dao có dáng dấp của một câu hỏi "gì đẹp bằng sen" nhưng thực chất đó là một lời khẳng định: Trong đầm không có gì đẹp bằng sen, sen là đẹp nhất. Cách sử dụng câu hỏi tu từ như vậy bộc lộ niềm kiêu hãnh, tự hào về vẻ đẹp hiếm có của hoa sen.

Vậy sen đẹp như thế nào?

"Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh"

Những bộ phận, chi tiết của sen được ngắm nghía, nhận xét khá khắt khe từ "lá", "bông" đến "nhị". Màu sắc của chúng rất sắc nét, rõ ràng "Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng". Màu xanh, màu trắng, màu vàng. Câu ca dao hoàn toàn tả thực đồng thời làm nổi bật những sắc màu tự nhiên, hài hoà của sen. Từ "lại" nhấn mạnh đến sự phong phú, hài hoà rất tự nhiên, giản dị và cũng rất đẹp đẽ ấy. Câu ca dao tiếp hoàn toàn không có ý mới, chỉ là nhắc lại ý trên có đảo trật tự các cụm từ: "Nhị vàng, bông trắng, lá xanh". Vừa trên, bông hoa được ngắm nhìn từ ngoài vào trong, đến đây lại được ngắm từ trong ra ngoài. Sự xem xét ấy kĩ lưỡng, tỉ mỉ lắm, các vế câu đối nhau rất nhịp nhàng, được tách riêng ra bởi dấu phẩy (,); tưởng như người ngắm lật từng phần của sen mà chiêm ngưỡng vậy. Đến lần thứ hai này, sắc màu của sen không hề thay đổi, vẫn là những sắc màu rất giản dị và tự nhiên như thế. Hai câu ca dao lặp lại ý khiến người đọc tò mò về chủ định của tác giả. Và câu cuối cùng đã tháo gỡ những thắc mắc ấy:

"Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn"

Ý thơ mới tuyệt vời làm sao! Từ những sắc màu tươi tắn, thanh khiết của sen, tác giả dân gian liên tưởng đến sự trong sạch đến kì diệu của loài hoa này: gần chốn đầm lầy bùn đọng hôi tanh nhưng không hề bị cái ô uế làm cho phai hương nhạt sắc. Thì ra, việc người thưởng hoa ngắm nghía xem xét bông hoa kĩ lưỡng đến nhường kia là để chắc chắn về cái chất của nó. Khi sự xác minh đã hoàn tất, hoa sen đã vượt qua sự kiểm định khắt khe nhất và được vinh danh trong câu ca dao khép lại của bài: "Gần bùn ma chẳng hôi tanh mùi bùn".

Nhưng bài ca dao không dừng lại ở việc ngợi ca loài hoa thân quen của chốn hương đồng gió nội. Ăn sau đó là những tầng nghĩa sâu xa. Bùn trong đầm hôi tanh là có thực. Nhưng vẻ đẹp thuần khiết của hoa sen cũng là thực. Và trong cái nắng oi bức của trưa hè, mùi thơm ngát hương của sen còn khiến ta quên đi mùi bùn kia nữa. Khi đó, sự thanh cao đã lấn át, đã chiến thấng cái thấp hèn, nhỏ mọn. Không chỉ vậy, hoa sen còn là loài hoa rất gần gũi, thân thiết với đời sống lao động và sinh hoạt của người nông dân Việt Nam. Bởi vậy, ngợi ca hoa sen còn là thầm kiêu hãnh tự hào về vẻ đẹp tiềm ẩn của bản thân mình. Hoa sen đã trở thành hình ảnh ẩn dụ cho cả một giai cấp, cả một dân tộc. Con người Việt Nam dẫu nghèo đói, bần hàn, dẫu bị áp bức bóc lột rồi bị đẩy đến đáy cùng xã hội nhưng vẫn giữ được những bản chất tốt đẹp lương thiện. Nhắc đến đây, ta chợt nhớ đến những chị Dậu, lão Hạc... trong các thiên truyện đầu thế kỉ XX.

"Trong đầm gì đẹp bằng sen" là một bài ca dao hay và đẹp không chỉ ở hình ảnh thơ mà còn ở những lớp nghĩa sâu sắc, giàu tính nhân văn. Bài ca dao đã khép lại những dư âm về một loài hoa diệu kì vẫn còn đó. Chính bởi vẻ đẹp giản dị, trong sáng và thanh cao của mình, hoa sen đã được chọn làm biểu tượng cho tâm hồn, tính cách người Việt Nam.



Thảo Phương
21 tháng 6 2018 lúc 8:05

Gợi ý :

- Câu 1 khẳng định vẻ đẹp không gì sánh nổi của hoa sen. Câu 2 và câu 3 tả thực cây sen. Câu 4 nói đến thương thơm của hoa sen. Bốn câu trong bài đều rất hay, nhưng mỗi câu hay một cách.

->Trong câu mở đầu: Trong đầm gì đẹp bằng sen, tác giả đã khẳng định hoa sen đẹp nhất so với tất cả các loài hoa nở trong đầm bằng một câu hỏi tu từ khéo léo lôi cuốn người nghe, đạt họ vào vị trí và tâm thế thưởng thức cùng với mình, để rồi sau khi so sánh, cân nhắc, họ sẽ rút ra kết luận không thể khác.

-Đến câu thứ 2: Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng. Để chứng minh cho lời khẳng định ở câu trên là đúng, tác giả tuần tự miêu tả vẻ đẹp của cây sen, từ lá xanh qua bông trắng đến nhị vàng. Trên nền xanh của lá, nổi bật là màu trắng thanh khiết của hoa; giữa màu trắng của hoa lại chen chút sắc vàng của nhị. Từ lại được dùng rất tài tình, có tác dụng nhấn mạnh sự đa dạng về màu sắc của hoa sen. Từ chen nói lên sự kết hợp hài hòa giưa hoa và nhị. Tất cả như cùng đua đẹp, đua tươi. Cảnh đầm sen giống như một bức tran thiên nhiên tuyệt mĩ với những nét chấm phá diệu kì.

-Sang câu thứ 3: Nhị vàng, bông trắng, lá xanh, câu này có vị trí đặc biệt trong toàn bài. Đó là câu chuyển (chuyển vần, chuyển nhịp, chuyển ý) để chuẩn bị cho câu kết.

=> Câu đầu và câu cuối là lời nhận định, đánh giá về vẻ đẹp và phẩm chất cao quý của cây sen. Hai câu giữa tả thực đến từng chi tiết: lá xanh, bông trắng, nhị vàng (tả đi); rồi tả lại: Nhị vàng, bông trắng, lá xanh. Tả từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, thật đầu đủ, tỉ mỉ. Dường như người tả đang cố chứng minh bằng được vẻ đẹp của hoa sen: đẹp từ màu nhị đến màu hoa, sắc lá. Nghệ thuật .miêu tả ở đây mới đọc qua tưởng chừng đơn giản, song thực sự đã đạt tới trình độ điêu luyện, tinh vi. Nghệ thuật ấy đã tôn vinh hoa sen lên hàng hoa quý (cúc, mai, liên... ) xứng đáng tượng trưng cho vẻ đẹp của con người chân chính.

-Câu thứ 4: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, dù mang tính chất ẩn dụ tượng trưng nhưng trước hết là câu thơ tả thực về cây sen trong môi trường sống của nó. Sen thường sống ở trong ao hoặc trong đầm; ấy vậy mà hoa sen lại tỏa ra một mùi thơm thanh khiết lạ lùng. Có thể coi đây là đỉnh điểm của nội dung bàu ca dao. Thiếu câu này, hình tượng hoa sen vẫn tồn tại nhưng không có linh hồn và ý nghĩa nhân sinh.

.......................................


Các câu hỏi tương tự
Dương Phúc Khánh
Xem chi tiết
quangminh dang
Xem chi tiết
Chi Kenny
Xem chi tiết
Trà Giang
Xem chi tiết
Thikthichieu
Xem chi tiết
PHẠM HOÀNG HÀ
Xem chi tiết
Trà Giang
Xem chi tiết
Đauđầuvìnhàgiàu Bùnphiền...
Xem chi tiết
bình nhi
Xem chi tiết