Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là minh chứng sinh động về sự nhạy bén trong nhận định và chỉ đạo chớp thời cơ khởi nghĩa của Ðảng ta.
Có thể nói, do nhận thức được tầm quan trọng của thời cơ, Ðảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngay từ những năm đầu thập niên 20 (thế kỷ 20), đã sớm đưa ra quan điểm về thời cơ cách mạng ở Ðông Dương đang đến gần. Người viết: Ðằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Ðông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến.
Ðến cuối năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra và lan rộng khắp châu Âu. Tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến mau lẹ, Hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 7 (11-1940) đã được tổ chức tại Ðình Bảng (Bắc Ninh), Hội nghị nhận định về thời cơ của cách mạng Việt Nam: Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Ðảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng: Lãnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Ðông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập.
Năm 1940, phát-xít Ðức tiến công nước Pháp, Pa-ri đã thất thủ rơi vào tay quân Ðức, còn ở Việt Nam, Nhật nổ súng đánh chiếm Lạng Sơn, hai đế quốc Nhật - Pháp tranh nhau miếng mồi Ðông Dương. Phân tích về diễn biến cuộc chiến tranh giữa phe phát-xít và Ðồng minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định, thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về phe dân chủ và nhận định thời cơ giải phóng dân tộc đang đến rất gần, tình thế cách mạng sắp xuất hiện:
Ấy là dịp tốt cho ta
Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông.
Trên tinh thần đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (5-1941) đánh giá, tình hình thế giới, tình hình trong nước sẽ có những biến chuyển theo chiều hướng Liên Xô và các nước Ðồng minh sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát-xít, chính quyền của phát-xít Nhật lung lay, đổ nát; nhân dân ta bị bọn thực dân, phát-xít xô đẩy vào thảm họa diệt vong, sẽ bước vào đường khởi nghĩa vũ trang và giành thắng lợi bằng tổng khởi nghĩa. Hội nghị nhận định: Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.
Với quyết tâm phải giành cho được tự do, độc lập, Ðảng chỉ đạo tích cực xây dựng lực lượng cách mạng trước hết tập trung xây dựng lực lượng chính trị rộng khắp của quần chúng, đồng thời xây dựng LLVT cách mạng; chủ động đón thời cơ, nổi dậy giành chính quyền, khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa. Ðể hoàn thành được nhiệm vụ đó, Ðảng quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Ðồng minh (tức Việt Minh), đưa ra Chương trình Việt Minh, kêu gọi nhân dân giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tích cực chuẩn bị lực lượng, đứng về phe Ðồng minh chống phát-xít.
Nhận định của Ðảng dựa trên cơ sở phân tích khoa học và lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lê-nin một cách biện chứng, khách quan, toàn diện, toàn cục; thể hiện tư duy nhạy bén của Ðảng trong việc đánh giá thời cơ, đánh giá về so sánh lực lượng cách mạng giữa ta và địch, nắm vững quy luật vận động của chiến tranh; tính quy luật tất yếu có áp bức dân tộc, có đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, tầm vóc tư duy chiến lược của Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ: Sớm nhìn thấy quy luật vận động cách mạng, dự báo thời cơ cách mạng, nhanh chóng triển khai thực hiện để thúc đẩy tiến trình cách mạng. Tức là không thụ động chờ thời cơ, mà tích cực, chủ động tiến hành đấu tranh cách mạng để tạo ra thời cơ cách mạng, mà nổi bật là chủ trương xây dựng các tổ chức Việt Minh, các đoàn thể yêu nước trên phạm vi cả nước.
Ngày 9-3-1945, phát-xít Nhật đảo chính Pháp, kéo theo đó là tình trạng khủng hoảng chính trị ở Việt Nam. Ngay lập tức Ban Thường vụ Trung ương Ðảng đã họp và đưa ra những nhận định khách quan về thời cơ khởi nghĩa đang đến rất gần: "Những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi"; và ra Chỉ thị: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Ðảng quyết định phát động cao trào chống Nhật cứu nước.
Ðến tháng 7-1945, phát-xít Ðức, Ý đã bại trận trên chiến trường châu Âu. Ở châu Á, phát-xít Nhật đang trên đường thất bại và sụp đổ. Dù đang bị ốm giữa rừng Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chỉ thị cho các đồng chí: "Lúc này thời cơ đã đến, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập"(1).
Khi phát-xít Nhật đầu hàng Ðồng minh (13-8-1945), Ðảng ta khẳng định, tình thế cách mạng đã xuất hiện, đây là cơ hội giải phóng dân tộc ngàn năm có một: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Cả dân tộc theo tiếng gọi của Người, nhất tề đứng lên khởi nghĩa, chỉ trong chưa đầy nửa tháng, các địa phương trong cả nước đã giành thắng lợi.
Có thể khẳng định, thành công lớn nhất của nghệ thuật khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám: Ðảng ta đã chọn đúng thời cơ "nổ ra đúng lúc". Ðó là lúc 16 nghìn quân Anh chưa vào miền nam và 200 nghìn quân Tưởng chưa vào miền bắc để giải giáp quân Nhật; cũng là lúc quân Nhật bại trận mất tinh thần, ngồi chờ Ðồng minh đến tước vũ khí; ngụy quyền tay sai bỏ trốn hoặc đầu hàng chính quyền cách mạng. Chọn đúng thời cơ là một khoa học, là một nghệ thuật, nhờ thế sức mạnh của toàn dân ta được nhân lên gấp bội, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước một cách nhanh, gọn, không đổ máu và thành công triệt để.
Thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 chứng tỏ, Ðảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn vượt trước thời gian, xác định đúng thời cơ, cho nên đã chuẩn bị tốt lực lượng, sẵn sàng chủ động, chớp thời cơ lãnh đạo nhân dân ta đứng lên tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Ðây là sự vận dụng sáng tạo quy luật vận động phát triển của khởi nghĩa và cách mạng, khôn khéo trong nghệ thuật chỉ đạo chớp thời cơ, giành thắng lợi.
64 năm đã trôi qua, bài học về nhận định thời cơ và chớp thời cơ cách mạng của Ðảng trong Cách mạng Tháng Tám 1945, vẫn còn nguyên giá trị thời sự.
Ngày nay, nhận định về thời cơ trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã có những thay đổi căn bản, vấn đề hội nhập, toàn cầu hóa nổi lên như một xu thế vận động tất yếu của thế giới hiện đại, Ðảng ta khẳng định, cách mạng nước ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới thuận lợi chưa từng có, đồng thời cũng gặp phải những khó khăn, thách thức lớn.
Ðể nắm bắt được thời cơ, vượt qua thách thức, trong điều kiện khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, thời đại phát triển kinh tế tri thức, Ðảng ta chỉ ra rằng, cùng quyết tâm chính trị, thì yếu tố con người, nguồn lực con người có tri thức là yếu tố quyết định.
Nếu như trước đây, trong Cách mạng Tháng Tám, Ðảng chủ trương xây dựng lực lượng, chủ động đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền, thì giờ đây nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ đức, tài, có khả năng nắm bắt, đón đầu, làm chủ được khoa học - công nghệ, chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Cho dù khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng nếu biết tranh thủ thời cơ, tận dụng những yếu tố thuận lợi, những thời cơ nảy sinh từ cuộc khủng hoảng, nhất định chúng ta sẽ vượt qua thách thức đưa đất nước tiếp tục tiến lên, vững bước trên con đường Ðổi mới.