Ôn thi vào 10

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
DuaHaupro1

phân tích số phận Thúy Kiều - nhân vật chính truyện Kiều của Nguyễn Du để chứng tỏ đời nàng là 1 cung gió thảm mưa sầu

Lưu Quang Trường
13 tháng 5 2021 lúc 11:19

tham khảo:

Truyện Kiều" của Nguyễn Du không còn là tác phẩm xa lạ đối với mỗi chúng ta.Tác phẩm được Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm với 3254 câu thơ lục bát dựa trên cốt truyện "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân - tác giả nổi tiếng của văn học Trung Quốc."Truyện Kiều" không chỉ mang ý nghĩa tố cáo hiện thực xã hội bất công, bạo tàn mà còn nổi bật bởi giá trị nhân đạo sâu sắc được thể hiện thông qua nhân vật Thúy Kiều.Đây là nhân vật chính của "Truyện Kiều" và cũng là nhân vật để lại nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc.

Giá trị nhân đạo là những tình cảm chân thành xuất phát từ trái tim người nghệ sĩ đối với nhân vật của mình nói riêng và những tình cảm đối với con người nói chung. Đó là những sự đồng cảm, niềm cảm thương dành cho những số phận bất hạnh.Bên cạnh đó, tác giả cũng thể hiện sự trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn, niềm tin vào công lí xã hội và khát vọng về sự tự do trong tình yêu của con người.Những điều ấy đều được Nguyễn Du thể hiện qua nhân vật Thúy Kiều - một hồng nhan bạc phận để lại biết bao nỗi xót thương nơi độc giả.

Nguyễn Du đã ca ngợi vẻ đẹp của nàng bằng những câu thơ ước lệ đầy ấn tượng:

"Làn thu thủy nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai".

Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, là một người có cái nhìn tinh tế nên Nguyễn Du không thể bỏ qua chi tiết ấy.Đôi mắt của Thúy Kiều mang vẻ đẹp trong sáng của làn nước mùa thu, đôi lông mày thanh thoát như nét núi mùa xuân. Vẻ đẹp hình thể ấy khiến thiên nhiên như hoa, liễu cũng nảy sinh lòng đố kị. Phải chăng chi tiết ấy đã dự báo cho cuộc đời về sau của Thúy Kiều sẽ không được êm đềm trong "trướng rủ màn che" nữa mà sẽ gặp nhiều trắc trở, sóng gió? Các động từ "ghen" và "hờn" đã bộc lộ sự ghen ghét của thiên nhiên đối với vẻ đẹp "mười phân vẹn mười" của Thúy Kiều. Vẻ đẹp "nghiêng nước nghiêng thành"không ai sánh nổi đó trong nhân gian chỉ có duy nhất nàng Kiều còn về tài năng thì may mắn có người thứ hai. Kiều là một người vẹn toàn cả về nhan sắc và trí tuệ:

"Thông minh vốn sẵn tính trời

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm

Cung thương làu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương".

Trời phú cho nàng sự thông minh, tài giỏi nên nàng am hiểu và có tài năng cả về bốn lĩnh vực: cầm, kì, thi, họa nhưng nàng giỏi nhất là đàn. Kiều thuộc lòng năm nốt: cung, thương, dốc, chủy, vũ trong âm giai của nhạc cổ. Tài đàn của nàng vượt xa, "ăn đứt" mọi người. Không những thế, nàng còn sáng tác "thiên Bạc mệnh" mang âm hưởng đau khổ, sầu não.

Vẻ đẹp của Thúy Kiều trở nên toàn diện hơn bởi sự hiếu thảo với cha mẹ và lòng chung thủy với người yêu:

"Duyên hội ngộ, đức cù lao

Chữ tình chữ hiếu bên nào nặng hơn?

Để lời thệ hải minh sơn

Làm con trước phải đền ơn sinh thành".

Kiều đau đớn nhường nào khi phải lựa chọn giữa chữ hiếu và chữ tình.Nàng đã chấp nhận hi sinh tình yêu với Kim Trọng để bán mình chuộc cha và em.Ngay cả khi ở lầu Ngưng Bích, nỗi nhớ cha mẹ lại càng da diết và khôn nguôi. Nàng thương cha mẹ đã về già mà nàng thì không thể ở bên cạnh chăm sóc:

"Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ".

Giá trị nhân đạo của "Truyện Kiều" còn được thể hiện trong tình yêu của Thúy Kiều với Kim Trọng. Đó cũng là quan niệm về một tình yêu tự do của đại thi hào Nguyễn Du. Mới gặp nhau lần đầu tiên trong tiết thanh minh nhưng cả "người quốc sắc" và "kẻ thiên tài" đều "tình trong như đã mặt ngoài còn e". Để rồi từ đó, Kim Trọng thuê trọ gần nhà Thúy Kiều để được trông thấy nàng còn Thúy Kiều thì "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" sang nhà Kim Trọng để thề nguyền "trăm năm tạc một chữ đồng đến xương". Tình yêu của họ là tình yêu tự do, chủ động, xuất phát từ sự tự nguyện của hai phía. Nó đã phá tan đi những lễ giáo phong kiến trói buộc người phụ nữ vào những quy tắc, luật lệ hà khắc. Họ hoàn toàn bị động và không có quyền chủ động trong tình yêu.Lòng thủy chung với chàng Kim đã khiến Thúy Kiều vô cùng đau đớn khi trao duyên lại cho Thúy Vân và mong em sẽ thay mình thực hiện lời thề nguyền với Kim Trọng.

Cuộc đời nàng là một chuỗi các bi kịch tiếp nối nhau.Tình yêu say đắm với Kim Trọng chưa được bao lâu thì "giữa đường đứt gánh tương tư" bởi biến cố bất ngờ mà gia đình Thúy Kiều gặp phải. Tình yêu tan vỡ, hai người phải chịu cảnh chia li, xa cách trong một thời gian dài và khi gặp lại nhau tuy tình cảm dành cho nhau vẫn còn nhưng hai người lại chọn cách ứng xử "duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy".

Song song với bi kịch tình yêu là bi kịch bị chà đạp lên nhân phẩm. Để có tiền chuộc cha và em, Kiều đã bán mình cho Mã giám Sinh để làm vợnhưng kẻ lọc lừa, xảo trá ấy đã bán Kiều vào lầu xanh khiến nàng phải "thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần". Nàng gặp phải những kẻ buôn thịt bán người đầy mưu mô như Tú Bà, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Mã Giám Sinh, Sở Khanh,...Thúy Kiều phải sống cuộc sống ô nhục ở chốn lầu xanh nhơ nhớp. Đó là bức tranh hiện thực mà tác giả muốn tố cáo. Nguyễn Du đã lên án xã hội vì đồng tiền mà nhân phẩm con người bị chà đạp, sức mạnh của đồng tiền có thể đổi trắng thay đen, khiến những con người vô tội phải chịu nỗi oan uổng.

Bàn về giá trị nhân đạo của "Truyện Kiều", Mộng Liên Đường đã đưa ra nhận định xác đáng: "Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy khiến ai đọc cũng thấm thía ngậm ngùi". Quả đúng là như vậy, Nguyễn Du viết về thân phận người phụ nữ bằng bao nhiêu sự xót xa, đồng cảm:

"Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"

Ông đau đớn cho số phận của Thúy Kiều phải chịu sự vùi dập. Ông cũng trân trọng khát vọng về một tình yêu tự do, khát vọng sống và khát vọng hạnh phúc của nàng. "Nếu không phải con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì không tài nào có được bút lực ấy" (Mộng Liên Đường).Nếu không phải một nhà thơ có tình yêu thương đối với những con người bất hạnh thì có lẽ Nguyễn Du đã không viết nên được tác phẩm "Truyện Kiều" nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài.

Thúy Kiều là nhân vật Nguyễn Du gửi gắm những tư tưởng nhân đạo của mình.Đồng thời, nàng cũng là nhân vật thể hiện giá trị nhân đạo của toàn bộ thiên kiệt tác. "Truyện Kiều" đã đánh thức trái tim của mỗi chúng ta, khiến chúng ta rơi lệ bởi sự thương xót cho nhân vật Thúy Kiều. "Truyện Kiều" là di sản vĩ đại, là linh hồn của dân tộc Việt Nam. "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn" (Phạm Quỳnh).

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-nhan-vat-thuy-kieu-de-lam-noi-bat-gia-tri-nhan-dao-cua-truyen-kieu-42030n.aspx
 

Sunn
13 tháng 5 2021 lúc 11:24

Làm nên sự thành công rực rỡ của kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du không chỉ ở nội dung phản ánh sâu sắc, nhân văn; nghệ thuật “ngụ cảnh tả tình” bậc thầy của nhà văn mà còn nằm trong cách xây dựng chân dung nhân vật chân thực, bứt phá. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” mà xuất sắc nhất là trong xây dựng chân dung nhân vật Thúy Kiều. Bốn câu mở đầu là lời giới thiệu chung về hai nhân vật có nhan sắc lộng lẫy, hai cô con gái đầu lòng của nhà viên ngoại họ Vương. Hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng kết hợp với phép ẩn dụ là những biện pháp tu từ trong thơ văn cổ cho ta thấy sắc đẹp hai chị em Thúy Kiều thật là thanh tao, trong trắng như mai như tuyết của thiên nhiên. Những người con gái vừa mới lớn dậy này đã được Nguyễn Du giới thiệu thật súc tích nhưng đầy trân trọng, mến thương: Mai cốt cách, tuyết tinh thần, Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười. Họ đẹp từ hình dáng bên ngoài cho đến tâm hồn bên trong. Sau lời giới thiệu chung là bức chân dung của nàng Vân. Vẫn bút pháp ước lệ kết hợp với một hệ thống từ ngữ chọn lọc, bốn câu thơ tiếp theo như vẽ ra trước mắt ta hình ảnh người thiếu nữ trong sáng, ngây thơ, rất đỗi đoan trang, phúc hậu dễ hòa lẫn với chung quanh. Đây là cái đẹp toàn bích của một người hiền dịu, trong sáng, vô tư, không gợn một nét nhỏ bụi trần từ “khuôn trăng', “nét ngài” cho đến nụ cười, giọng nói. Nhưng nhà họa sĩ hình như không phải dụng công nhiều trong miêu tả nhân vật này. Bút lực của ông còn dành cho nhân vật Thúy Kiều. Nhà thơ tả Thúy Vân, tưởng như sắc đẹp của Thúy Vân không ai hơn được nữa để rồi sau đó Thúy Kiều xuất hiện thì Thúy Vân chỉ là cái nền làm tôn thêm vẻ đẹp của Kiều. Chỉ hai câu: Kiều càng sắc sảo mặn mà, So bề tài sắc lại là phần hơn. Như là một phép đòn bẩy, nhà thơ đã nâng nhân vật chính lên một bậc cao hẳn cả tài lẫn sắc trước mắt người đọc. Đến đây, tác giả không dừng lại ở hình thức bên ngoài mà đi sâu vào tài năng, tính cách bên trong, vào sự "sắc sảo mặn mà", “một hai nghiêng nước nghiêng thành” của Thúy Kiều. Nếu ở nàng Vân, cái đẹp phúc hậu, đoan trang dễ chinh phục chung quanh: Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da thì ở nàng Kiều, cái đẹp “sắc sảo mặn mà dễ gây tạo vật ghen tuông, hờn dỗi: "Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh". Các cụ ta xưa đã nhận xét về cái đẹp của hai chị em Kiều, một người là“ sắc trung chi hiền”, một người là “ sắc trung chi thánh kể cũng đã chí lí lắm vậy. Thực ra vẻ đẹp bên ngoài là điều đáng chú ý, song đáng quan tâm hơn vẫn là tài hoa và tính cách của nhân vật. Tác giả đã dùng nhiêu câu kiến trúc theo lối tiểu đối để cho tài và sắc của Thúy Kiều được giới thiệu đến mức độ tới hạn của nó: Mai cốt cách/ tuyết tinh thần Mây thua nước tóc/ tuyết nhường màu da Làn thu thủy /nét xuân sơn Hoa ghen thua thắm/ liễu hờn kém xanh Sắc đành đòi một/tài đành họa hai. Chưa hết, Nguyễn Du đã không tiếc lời ca ngợi nàng bằng một loạt từ ngữ biểu thị giá trị tuyệt đối: “ Thông minh vốn sẵn tính trời”“Pha nghề thi hoạ, đủ mùi ca ngâm". "Cung thương lầu bậc ngũ âm, nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”'. Không một chữ đưa đẩy, các chữ, các hình ảnh được đối chọi với nhau và các từ ngữ biểu thị giá trị tuyệt đối, đã thực sự tạo nên nhịp thơ trang trọng, đĩnh đạc càng tôn thêm tài sắc của Thúy Kiều. Hai vẻ đẹp khác nhau nhưng bút pháp xây dựng lại giống nhau. Tác giả xây dựng hình tượng nhân vật thuần đường cong: làn nước mùa thu, ngọn núi mùa xuân, khuôn trăng, nét ngài, tóc mây, da tuyết,... Nói là chị em Thúy Kiều, nhưng đoạn thơ chỉ nhằm giới thiệu nàng Kiều với vẻ đẹp sắc sảo, tài hoa mà sắc sảo tài hoa đến mức “hoa ghen” “liễu hờn", trong đó tài hoa mới thực là điều đáng trọng. Tóm lại, đoạn thơ ngắn gọn, bố cục hoàn chỉnh, chặt chẽ, nghệ thuật tả người bậc thầy, với bút pháp điêu luyện đã chỉ đúng thần thái, cốt cách của nhân vật, từ ngoại hình đã bộc lộ nội tâm, lưu ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, đồng thời dự báo những gì sẽ đến với từng nhân vật: cuộc đời Thuý Vân sẽ chẳng biết đến "sóng gió” là gì, còn cuộc đời Thúy Kiều sẽ không tránh khỏi “mệnh bạc", kiếp “đoạn trường".


Các câu hỏi tương tự
DuaHaupro1
Xem chi tiết
Nguyễn Thị Thuỳ
Xem chi tiết
Duy Văn
Xem chi tiết
Phương Nguyễn 2k7
Xem chi tiết
DuaHaupro1
Xem chi tiết
Vân Anh Nguyễn.
Xem chi tiết
nguyễn ngọc huy tâm
Xem chi tiết
khong có
Xem chi tiết
Bích Nguyệtt
Xem chi tiết