Trong lịch sử văn học Việt Nam, bài thơ Khóc Dương Khuê của nhà thơ Nguyễn Khuyến được xếp vào hàng những tác phẩm xuất sắc nhất viết về đề tài tình bạn.
Bao trùm bài thơ này là nỗi lòng đau xót khôn nguôi của tác giả, trước việc bạn qua đời.
Nguyễn Khuyến mở đầu bài thơ bằng một tiếng than thảng thốt:
"Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta!
Tin bạn mất đột ngột quá, bất ngờ quá khiến nhà thơ sững sờ. Cách xưng hô ở câu thơ đầu khiến người đọc ít nhiều có thể đoán được đây là mối quan hệ bạn bè giữa những người cao tuổi. Đúng vậy, khi Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến đã ngót 70 tuổi. Nỗi đau của người già, hơn nữa lại là một nhà nho luôn quen sống chừng mực, thâm trầm tất phải lận vào trong lòng, phải xoáy vào trong tim, ít khi phô ra bên ngoài. Bằng cách sử dụng nhiều tình thái từ một cách tự nhiên gợi cảm, nhà thơ không nói trực tiếp đến việc bạn mất, nhưng người đọc ai cũng hiểu. Đây là một cách nói giảm, dường như nhà thơ sợ không nhắc trực tiếp đến một sự thực phũ phàng. Hơn nữa, cụm từ “thôi đã thôi rồi” còn thể hiện tình cảm nuối tiếc lẫn sự bất lực của nhà thơ trước sự thật đau đớn. Mất bạn, Nguyễn Khuyến thấy không gian rộng lớn dàn trải, “nước mây" đâu cũng thấm đượm một nỗi buồn thầm lặng khôn nguôi: "Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”.
Sau phút giây hàng hoàng ban đầu, dường như nhà thơ có phần trấn tĩnh. Nguyễn Khuyến nhớ lại những kỉ niệm gắn bó giữa hai người: những ngày thời đi học, đi thi, đỗ đạt... Nhà thơ cảm thấy sự gắn bó giữa mình và Dương Khuê như đã có “duyên trời định sẵn". Nguyễn Khuyến và bạn đã từng đặt chân đến những vùng đất xa lạ, có tiếng suối “róc rách lưng đèo”, cùng thưởng thức thú đi hát ả đào “thú vui con hát lựa chiều cầm xoang”, cùng nhau uống rượu và bàn luận văn chương. Đặc biệt, họ đã cùng nhau sống trong cảnh đau khổ của đất nước: “Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn - Phận đẩu thăng chẳng dám than trời". Viết câu thơ trên, khẳng định sự đồng cảnh giữa hai người, chứng tỏ Nguyễn Khuyến cảm thông sâu sắc nỗi lòng của bạn: cho dù vẫn làm quan với tân triều, nhưng đâu phải Dương Khuê không có ít nhiều nỗi chán ngán trước thế cuộc?
Bằng đoạn hồi tưởng này, người đọc có thể hình dung ra đôi bạn Nguyễn - Dương đều là những “tao nhân mặc khách" gắn bó keo sơn với nhau lâu bền từ lúc hàn vi tới khi vinh hiển. Những kỉ niệm được trình bày theo trình tự thời gian tạo nên ở người đọc ấn tượng về mối quan hệ liên tục bền vững trong toàn bộ cuộc đời của hai người. Trong tình bạn ấy có cả sự kính trọng, lẫn tình yêu mến “kính yêu”, thủy chung “từ trước đến sau”.
Nhà thơ còn nhớ rất rõ lần cuối cùng gặp gỡ người bạn già cách đây đã ba năm. Tác giả chỉ mô tả lần gặp gỡ này bằng một vài chi tiết:
“Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can”
Người đọc đủ hình dung ra hình ảnh thật xúc động của Nguyễn Khuyến đối với Dương Khuê. Nhà thơ ân cần hỏi han bạn đủ điều và mừng rỡ khi thấy bạn tuổi đã cao, song vẫn minh mẫn, tỉnh táo. Đây chính là nét đáng quý trong con người Nguyễn Khuyến, dù đã có khi đạt tới đỉnh cao danh vọng, tâm hồn nhà thơ vẫn bình dị, gần gũi, thương mến vợ con, bè bạn, xóm giềng... Chẳng cứ đối với Dương Khuê, tình cảm nhà thơ đối với Bùi Văn Quế (tức ông nghè Châu Cầu) cũng đằm thắm không kém. Nhân nước lụt, nhà thơ hỏi thăm bạn thật kĩ lưỡng, tỉ mỉ tựa hồ như một nhà nông chính cống thăm hỏi người ruột thịt cùng cảnh ngộ: