Nhà văn đã dùng hình ảnh người khách bộ hành ngã gục giữa sa mạc với đôi mắt gần rạn nứt để so sánh với bé Hồng vừa diễn tả được chính xác hoàn cảnh sống của bé Hồng giữa một họ hàng giàu có mà bằng giá tình thương, vừa diễn tả khát khao gặp mẹ của bé thật cháy bỏng, mãnh liệt. Khát khao ấy giống như ánh nhìn mòn mỏi đau đáu của người khách bộ hành giữa sa mạc mênh mông nóng bỏng mơ về một dòng nước trong mát
.
Còn người mẹ nhà văn đã so sánh giống như dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành gục ngã trước sa mạc. Đây là hình ảnh so sánh đẹp bởi mẹ vốn bao dung, hiền hòa nhân hậu, mẹ vốn dịu dàng như nước suối nguồn trong mát, tắm mát tâm hồn con trước mọi nỗi đắng cay của cuộc đời.
Nhà văn đã đẩy sự vật so sánh và hình ảnh so sánh đến tận cùng của cái chết và sự sống, với lối văn biểu cảm để nhấn mạnh và làm nổi bật nỗi khát khao gặp mẹ của bé Hồng là mãnh liệt đến vô cùng. Với bé, niềm hạnh phúc, niềm khát khao duy nhất lúc này đó chính là mẹ. Mẹ là tất cả.
Qua hình ảnh so sánh này, ta càng thấu hiểu, cảm thông với nhà văn, với những tuổi thơ bất hạnh. Tuổi thơ có bao điều khao khát ước mơ, nhưng có khát khao, ước mơ nào lớn hơn là khao khát tình mẹ. Có lẽ không chỉ với tuổi thơ, mà với cả cuộc đời mỗi con người, mẹ chính là điều thiêng liêng nhất vì môi khi va vấp ưu phiền mỗi khi hạnh phúc êm đềm con chỉ tìm về với mẹ thôi.
Cũng qua hình ảnh so sánh này, nhà văn càng diễn tả niềm đau đớn đến tuyệt vọng, cùng cực của bé Hồng nếu không được gặp mẹ. Ta hãy tưởng tượng giữa sa mạc mênh mông cát trắng nóng bỏng xuất hiện trước mắt người khách bộ hành ngã gục dòng nước trong suốt nhưng chao ôi đó chỉ là ảo ảnh chứ không phải sự thật, ta mới cảm thông với niềm đau vô hạn của bé Hồng nếu người đàn bà ngồi trên xe kéo không phải là mẹ.