Lửa thiêng (1940) của Huy Cận là một tập thơ sáng giá trong Thơ mới Việt Nam. Phong cảnh trong Lửa thiêng, nhất là trong các bài thơ Vạn lí tình, Tràng giang, Đẹp xưa… đều đượm một nỗi buồn man mác:
Tới ngã ba sông nước bốn bề
Nửa chiều gà lạ gáy trên đê…
Đó là con sông Thâm bên núi Mồng Gà thuộc Hương Sơn (Hà Tĩnh), quê hương thân yêu của nhà thơ. Trong Tràng giang, một nỗi buồn như dồn nén thấm sâu vào cảnh vật và lan xa muôn vàn con sóng, nhất là bốn câu kết của bài thơ:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa,
Bao trùm cả bài thơ là một không gian nghệ thuật bao la, thật đẹp và cũng thật buồn. Có sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp. Có lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu. Có lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng… Và trước mắt nhà thơ là một khung cảnh bao la, vắng vẻ: Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Khổ thơ cuối nói đến hoàng hôn trên tràng giang. Một cái nhìn xa vời vợi. Trước mắt nhà thơ là những núi mây nhô lên, đùn lên lớp lớp màu trắng bạc. Cảnh sắc thiên nhiên rất tráng lệ. Bầu trời chắc là xanh thẳm, hoặc tím thẫm trong khoảnh khắc hoàng hôn nên màu mây ở cuối chân trời mới ánh lên màu bạc ấy. Giữa cái bao la mênh mông bỗng xuất hiện một cánh chim nhỏ nhoi. Cánh chim đang chở nặng bóng chiều, bay vội vã. Trên cái nền tím sẫm, nhạt nhòa của bóng chiều hôm, hiện lên những núi bạc mây cao và một con chim lạc đàn nghiêng cánh nhỏ. Hai nét vẽ ấy tượng trưng cho những cảnh chiều hôm trong tâm tưởng người lữ thứ: Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi… (Bà Huyện Thanh Quan), Chim hôm thoi thót về rừng… (Nguyễn Du). Nghệ thuật tương phản giữa cánh chim nghiêng nhỏ bé và mờ xa dần với núi mây bạc hùng vĩ, với trời đất bao la đà làm cho cảnh đất trời và tràng giang thêm mênh mông hơn, xa vắng hơn, và cũng buồn hơn.
Thơ Huy Cận hàm súc, cổ điển và thấm đẫm màu sắc triết lí suy tưởng. Một hồn thơ bơ vơ, sầu não ấy luôn hướng tới sự giao hòa giữa con người và tạo vật trên một không gian mênh mông, vắng lặng. Cảnh sắc trong Tràng giang đẹp mà buồn. Tình quê, lòng quê trong bốn câu kết thật vô cùng sâu sắc, thắm thiết. Đó là những vần thơ mãi măi vương vấn lòng người trong mọi thời gian và không gian.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Câu thơ tả thực rất chính xác khung cảnh cuối hè, khi nhìn lên bầu trời thường gặp hiện tượng mây dồn cả về phía mặt trời lặn khi chiều xuống. Sự kết hợp giữa ánh hoàng hôn và những dải mây sẽ tạo thành vẻ đẹp lạ lùng tráng lệ. Nếu không hiểu hiện tượng này dễ liên tưởng hình ảnh kết hợp “mây – núi” thông thường, và như vậy câu thơ sẽ chẳng có gì đặc sắc. Các nhà địa vật lý gọi đó là mây thành, tầng tầng lớp lớp những đám mây tích điện, có thể tạo ra những tiếng sấm ầm ì. Với những tâm hồn giàu liên tưởng, ngắm ánh hào quang xuyên tỏa sắc bạc qua những đám mây, ngỡ như cuộc tụ hội của thiên binh thiên tướng!!! Trong một lần trả lời phỏng vấn, Huy Cận từng nói ông học được từ “đùn” của thơ Đỗ Phủ trong Thu hứng với hình ảnh “Mặt đất mây đùn cửa ải xa”. Có lẽ nhà thơ đã có chút nhầm lẫn vì chính xác đây là hình ảnh dịch phóng khoáng của cụ Nguyễn Công Trứ cho câu thơ : “Tái thượng phong vân tiếp địa âm” (trên cửa ải những đám mây sa sầm xuống sát mặt đất). Nguyễn Công Trứ khi dịch đã đem đến cách hiểu khác hẳn, để ta cảm nhận những đám mây mang sức sống mãnh liệt của thiên nhiên “đùn” lên từ mặt đất bao bọc cửa ải xa. Huy Cận tiếp thu tinh thần này, để diễn tả mây dựng nên “núi bạc” – một khung cảnh hoành tráng diễm lệ nhưng cũng chất ngất nỗi buồn. Bởi ánh nhìn đã bị giới hạn bởi bức thành sầu mây dựng kia!
Đến câu thơ tiếp theo, ta lại nhận ra thủ pháp đối lập quen thuộc đậm chất cổ điển: một bên là “chim nghiêng cánh nhỏ”, một bên là “bóng chiều sa”. Cái nhỏ bé hữu hạn của một sinh linh đối lập với cái mênh mông vô hạn của vũ trụ khi chiều xuống. Dấu hai chấm giữa dòng thơ như một sự giải thích rõ ràng: vì bóng chiều “sa” khiến cho sức nặng của bầu trời đè nặng lên đôi cánh chim, không mang nổi nên khiến “chim nghiêng cánh nhỏ”. Không gian chuyển đổi như báo hiệu bóng tối sắp thay thế ánh sáng, khiến lòng người sầu càng sầu thêm! Trong câu thơ, ta bắt gặp biểu tượng lãng mạn trong hình ảnh “cánh chim” – mang nỗi khát vọng vượt thoát khỏi không gian, giới hạn của vũ trụ. Không còn nữa cái khát khao hăm hở muốn ôm cả bầu trời như thơ Xuân Diệu: “Chim nghe trời rộng giang thêm cánh” (Thơ Duyên) gắn với niềm vui hội ngộ. Cũng chẳng thể ngẩn ngơ tiếc nuối vì “Mây vẩn tầng không chim bay đi” (Đây mùa thu tới – Xuân Diệu) mà cánh chim trong thơ Huy Cận chới với, chao đảo, trĩu nặng bao buồn thương trước viễn cảnh những vẻ đẹp sắp chìm khuất trong bóng tối. Khi khát vọng vượt thoát không thể thực hiện, chỉ còn quay lại với chính mình trong nỗi buồn sâu thẳm.