Nhắc đến Nguyễn Du, ai trong chúng ta cũng nghĩ ngay đến “Truyện Kiều” bởi đây là một tác phẩm kiệt xuất của thơ ca trung ca trung đại Việt Nam. Song, ngoài “Truyện Kiều” Nguyễn Du cũng còn sáng tác nhiều bài thơ thể hiện sự đồng cảm, thương xót đối với những thân phận hồng nhan nhưng bạc mệnh. Trong số các bài thơ đó thì “Độc Tiểu Thanh kí” là bài thơ tiêu biểu hơn cả.
Bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” được gợi cảm hứng từ một câu chuyện có thật về một cô gái sống vào đầu đời nhà Minh. Cô gái ấy tên là Tiểu Thanh, nàng có nhan sắc vẹn toàn, cầm kì thi họa đều giỏi cả. Thế nhưng nhà nghèo cho nên nàng được gả vào làm vợ lẽ một nhà giàu. Vì bị vợ cả ghen tuông, bắt nàng ra sống riêng ở Cô Sơn, gần Tây Hồ. Trong những ngày tháng cô quạnh đó, nàng Tiểu Thanh đã viết thơ để bày tỏ tình cảnh và nỗi lòng mình. Ít lâu sau, nàng vì quá muộn phiền mà qua đời khi mới mười tám xuân xanh. Người vợ cả đã đem đốt hết những bài thơ của nàng, tuy nhiên một số bài vẫn còn xót lại. Người ta vì thấy thơ hay nên chép lại và đặt tựa là “Phần dư tập”.
Nguyễn Du khi đọc được những bài thơ của nàng Tiểu Thanh đã rất đồng cảm, thương thay cho một thân phận tài hoa nhưng bạc mệnh. Thương cho nàng Tiểu Thanh, tác giả cũng nghĩ đến chính bản thân mình, và từ đó ông cũng nhận ra cuộc đời là đầy rẫy những bất công, khổ ải.
Ngay từ mở đầu bài thơ, không gian nơi nàng Tiểu Thanh từng sống đã gợi lên một nỗi buồn xa vắng:
Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn
Đọc lên hai câu thơ, người đọc hình dung đến một khung cảnh hoang vắng nào đó của miền sơn cước. Ở đó, chỉ duy nhất có một người con gái lẻ loi ngồi bên lầu. Tây Hồ cảnh tuy đẹp nhưng lại hóa gò hoang vắng, quạnh quẽ, đìu hiu. Một cô gái tuổi còn xuân xanh mà phải chôn vùi ở một nơi heo hút thế này sao không buồn bã cho được.
Những nỗi lòng buồn hận ấy, nàng đã giãi bày qua những vần thơ bi ai, tha thiết. Hình ảnh “thổn thức” bên song cửa sổ với những mảnh giấy tàn còn gợi nhắc về câu chuyện nàng bị người vợ cả ghen tuông đem đốt hết những vần thơ ấy. Để bây giờ chỉ còn lại những “mảnh giấy tàn” nhưng đủ sức làm cho người ta phải cảm thấy thương tâm bởi những “thổn thức” đau đáu không biết giãi bày với một ai của nàng Tiểu Thanh. Có lẽ, số phận của nàng cũng là số phận chung của rất nhiều cô gái trong xã hội phong kiến ngày đó. Cuộc đời của những người tài giỏi, tài hoa thường hay bị vùi dâp và chà đạp đến thương tâm.
Những tâm tư đau khổ của nàng Tiểu Thanh dường như vẫn còn sức ám ảnh rất lớn, cho nên Nguyễn Du mới có cảm giác như mảnh giấy tàn ấy vẫn còn vương vấn linh hồn của người con gái bạc mệnh ấy:
Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương
Tác giả dùng từ “son phấn” để chỉ sắc đẹp của người con gái. Thế nhưng cái đẹp, cái tài ấy lại bị vùi dập không thương tiếc. Mảnh giấy tàn như vẫn còn vương vấn những u buồn và uất hận bởi nàng phải chết khi còn quá trẻ. Chính vì phải chết khi còn quá trẻ cho nên người đời không khỏi xót thương cho thân phận tài hoa bạc mệnh của nàng. Không những thế, những trang thơ mà nàng viết để bày tỏ nỗi lòng cũng bị người ta đốt cháy hết. Chỉ còn lại một phần những mảnh giấy tàn là còn lưu lại đến ngày nay. Có thể thấy rằng, xã hội phong kiến không chỉ cướp đi tuổi xanh của người con gái mà còn muốn vùi dập, bóp chết một tài năng.
Đến đây, nhà thơ Nguyễn Du không khỏi thương xót cho số phận nàng Tiểu Thanh:
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang
Một sự tuyệt vọng, bi ai oán và u sầu xoáy tận tâm can! Nỗi oan trái của người con gái đem hỏi trời cao, trời cao không thấu, trách kẻ bạc tình, người nào có hay. Nỗi oan trái ấy dường như đã trở thành cái “án” của những người tài hoa. Tài hoa nhưng bạc mệnh. Hiểu rõ điều đó, Nguyễn Du thốt câu hỏi để rồi nhận ra thực tế đầy chua xót. Đó là cái số phận sinh ra đã thế hay chính cái xã hội phong kiến đã đẩy họ vào bước đường cùng oan trái như vậy? Câu trả lời có lẽ sẽ khiến người đọc phải day dứt và ám ảnh mãi không thôi.
Và ở hai câu kết, từ sự bạc mệnh của nàng Tiểu Thanh, tác giả đã vận vào số phận của mình và để lại cho người đọc một câu hỏi chất vấn về số phận của những con người tài hoa:
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?
Một câu hỏi mà chứa đựng rất nhiều xót xa, ngậm ngùi. Ba trăm năm sau những vần thơ của nàng Tiểu Thanh vẫn còn khiến người đời thương cảm. Thế nhưng liệu rằng ba trăm năm sau có “ai khóc Tố Như chăng?”. Câu hỏi như xoáy vào tâm can của người đọc. Người đời còn nhớ hay sẽ quên những số phận tài hoa bạc mệnh thương tâm như thế này? Vào thời điểm đó, thực sự đây là một câu hỏi hãy còn để ngỏ. Thực tế đã chứng minh cho đến ngày nay, đã qua ba thế kỉ mà chúng ta vẫn còn nhớ và nhắc đến tài năng Nguyễn Du. Điều này đã cho thấy, dù là trải qua bao nhiêu thời gian thì tài năng và những giá trị của những người kiệt xuất vẫn luôn được trân trọng và cảm thông.
“Độc tiểu thanh ký” là một bài thơ để lại những thương cảm trong lòng người đọc về số phận bất hạnh của những con người tài hoa nhưng bạc mệnh. Đồng thời qua đây, tác giả cũng muốn nói lên thực trạng xã hội phong kiến tàn ác đã đẩy con người vào những bước đường cùng, chà đạp lên nhân phẩm và hòng bóp chết những tài năng của họ.
Chúc bạn học tốt#