Viết văn 10

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
tuanlinh tran

Phân tích ánh trăng trong truyện kiều

Đạt Trần
15 tháng 4 2019 lúc 20:33

Từ thủa còn thơ “mẹ bồng ra ngõ hái hoa em cầm”, có người mẹ Việt nào lại không một lần chỉ cho bé nhìn ông trăng trên trời cùng với những ngôi sao đêm lấp lánh, để con trẻ khởi đầu cảm được từ vô thức, bằng vô thức, tượng hình kỳ diệu của vũ trụ vô tận vô cùng. Cũng tương tự như mẹ hát ru con, con chưa “ngộ” được những câu ca buồn buồn tràn đầy một nỗi niềm thương cảm, thương thân, thường người, thương đời của người Việt; những là “sung chát với đào chua”, những là “trăm năm trong cõi người ta-chữ tài chữ mệnh. . .”; những là “muối mặn gừng cay”. . .

Nhưng trái tim thơ bé, qua đôi tai “thẩm âm” bé bỏng đã “lọt” tiếng ru ngàn đời ấy như cơ thể non nớt ngấm từng giọt sữa mẹ quê nghèo chắt ra từ thân gầy đen đúa lam lũ nhọc nhằn. Và rồi biết đâu, vầng trăng ấy sẽ theo chân bao nhiêu con người tài hoa tài tình tài tử mà trái tim của họ như “cây đàn muôn điệu” (Thế Lữ). Ví như cụ Nguyễn Tiên Điền, luôn có trăng “theo ta” trên “đường thế đồ gót rỗ kỳ khu” (Cung oán ngâm- Nguyễn Gia Thiều) ở mọi “thiên nhai giác hải”- chân trời góc bể của cuộc thế trầm luân

Trăng, nhiều phương ngữ, đặc biệt vùng châu thổ sông Hồng, có khi gọi chệch, biến âm là “giăng”. Thơ Nguyễn Bính “chân quê” hơn khi ta đọc, ta ngâm” sáng giăng sáng cả vườn chè- ba gian nhà cỏ đi về có nhau” chứ không nhất thiết phải “sáng trăng” chuẩn mực. . . kinh kỳ. Bài đồng dao thủơ nào tóc bỏ trái đào “ông giẳng ông giăng- xuống đây với tôi –có nồi cơm nếp – có tệp bánh chưng – có lưng vò rượu. . .”

Do đặc điểm sử dụng ngôn ngữ giầu biểu cảm của người Việt, ngay khi dùng từ trăng thuần Việt thông dụng, người Việt đã có xu hướng “biểu cảm hóa” từ này khởi sự từ việc gọi. . . ông giăng ,ông trăng, xem trăng như ông già , ông tiên cổ tích của con trẻ dưới trần gian.

Riêng truyện thơ Kiều xếp vào hàng cổ điển, kinh điển vang danh vào bậc nhất văn học nước nhà, trong đó trăng xuất hiện vài mươi lần; từ trăng được biểu cảm hóa đặc biệt. Có khi vầng trăng viên mãn sáng ấm được ví như mặt người con gái đoan trang hiền thục, phúc hậu. Đối sánh với vẻ đẹp sắc sảo mặn mà của người chị Thúy Kiều, người em Thúy Vân được miêu tả ước lệ là “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”. Có khi trăng gắn liền với một mùa thời gian trong năm. Nói về sự giao mùa từ xuân sang hè, thơ Kiều có câu “dưới trăng quyên đã gọi hè”.

Quyên- chim cuốc thường khắc khoải kêu vào những đêm hè trăng sáng, thanh âm “cuốc cuốc” đều đều thê thiết triền miên, đêm càng khuya càng gợi cảm, khêu nỗi sầu vô duyên cớ. Tiếng kêu ấy gắn liền với điển tích nói về một ông vua thời cổ xưa bên Trung Hoa lỡ để “vong quốc” vì “thiếu cảnh giác” cho quân Tần hùng mạnh. . . “mượn đất mượn đường”; hối hận buồn đau quá chết đi hóa thân thành con chim cuốc, kêu tiếng “quốc quốc” nỉ non nghĩa là nước, quốc gia

Người đọc tinh tế sẽ dễ nhận ra trăng trong truyện Kiều chủ yếu được dùng để “hình tượng hóa” tâm trạng nhân vật. Trăng thấm đẫm cảm xúc vui buồn tùy theo tâm cảnh . Khi nàng Kiều trên bước đường lưu lạc nhớ về mối tình đầu đã được “chung kết thề nguyền” với chàng Kim, thì ấn tượng nhất với nàng vẫn là vầng trăng như chứng nhân duy nhất, chứng nhân của thiên địa trời đất :

Trăng thế còn đó trơ trơ

Dám xa xôi mặt mà thơ thớt lòng

Thời điểm chia tay “tạm biệt” chàng Thúc- người đem cuộc tình ân nghĩa đến cho nàng, thì vầng trăng chia đôi, chia đều cho hai phương trời thương nhớ, nửa giãi trên gối lẻ, nửa soi chân ngựa gõ nước kiệu dặm trường đều đều buồn tẻ:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường

Chàng Thúc mang nửa vầng trăng thương nhớ ấy về với vợ cả Hoạn Thư !Và khi chàng Kim nhớ “người xưa”, nhìn trăng thượng huyền, trăng non treo cao trên bầu trời thời điểm đầu tháng, liên tưởng đến lông mày lá liễu uốn cong của người tình “tiếc thay chút nghĩa cũ càng”:

Mày ai trăng mới in ngần

Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa

Trăng trong truyện Kiều có thể gọi là vầng trăng biểu tượng, vầng trăng biểu cảm hàm chứa tâm trạng buồn vui trữ tình của nhân vật .Từ trăng ở những ngữ cảnh đẹp nhất không dùng theo nghĩa “trung tính”, thông tin lạnh ngắt vô hồn về đêm mà cũng không đặt vào lối tả thực cường điệu đến . . ” suồng sã, sỗ sàng” đậm đặc chất dân dã như thơ của Bà Chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương

Một trái trăng thu chín mõm mòm

Một vừng quế đỏ đỏ lòm lom

Tính biểu cảm của trăng trong truyện Kiều đã khiến hình ảnh trăng bớt phần ước lệ. Cụ Nguyễn Du viết “nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng”, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Với người Việt căn tính đậm “duy cảm”, ” cảnh với tình tuy hai mà một”, cảnh không nằm ngoài tình như khách thể thuần túy. Cảnh trí trong truyện Kiều, trong đó có vầng trăng như là biểu tượng trung tâm quy tụ nhiều xúc cảm buồn vui của nhân vật, của con người viết hoa.

Biểu cảm hóa ngôn ngữ, xu hướng đưa sắc thái tình cảm vào việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ thơ ca, thể hiện đặc trưng lối cảm, lối nghĩ, lối nói, lối phô diễn của người Việt. Cảm nhận từ trăng trong truyện Kiều cũng là một cách lý giải và viện dẫn phong cách ngôn ngữ mẹ đẻ quen thuộc này ./.


Các câu hỏi tương tự
Nguyễn Thế Anh
Xem chi tiết
Nguyễn Minh Anh
Xem chi tiết
Hằng Vi
Xem chi tiết
My Phùng
Xem chi tiết
Nguyễn Công Phương
Xem chi tiết
Trần Tháp
Xem chi tiết
Nguyễn Thị Hà
Xem chi tiết
Whyte Hole
Xem chi tiết
Nguyễn Quang Huy
Xem chi tiết