Ôn tập ngữ văn 12

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Hải Đăng

“...Những năm gần đây, chúng ta phải đau đớn chứng kiến những chuyện bất hiếu.Và có những chuyện bất hiếu đã trở thành những tội ác man rợ, được các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin và lên tiếng cảnh báo. Nhưng còn có một phía khác của sự bất hiếu mà chúng ta chưa lên tiếng hoặc chưa ý thức rõ về nó mà có người gọi nó bằng cái tên“Sự bất hiếu ngọt ngào”.

“Sự bất hiếu ngọt ngào” là chỉ những đứa con có đủ điều kiện vật chất để nuôi những người mẹ nhưng không cho mẹ mình được tham gia vào những sinh hoạt tinh thần của gia đình. Sự thật là có những bà mẹ chỉ sống giữa những đứa con như một thực thể sống tự nhiên chứ không phải là một trung tâm của tình cảm. Với lý do công việc và với muôn vàn lý do khác, những đứa con đã để mẹ mình sống cô độc ở một làng quê gần, xa nào đó hoặc ngay trong chính thành phố mà họ đang sinh sống.Thay cho sự hiện diện của họ trước mẹ mình trong những ngày nghỉ là sự hiện diện của một gói quà và những đồng tiền. Thay cho lời tâm sự của những đứa con với mẹ mình vào buổi tối khó ngủ là những người giúp việc được trả lương cao."Sự bất hiếu ngọt ngào" còn để chỉ những đứa con bỏ quên mẹ trong chính ngôi nhà của họ.Những người mẹ đó không bị bỏ đói mà ngược lại được “nuôi giấu” trong một đời sống vật chất đầy đủ…

Đức Phật dạy : Tội lớn nhất của đời người là bất hiếu. Có những kẻ đánh đập, nhiếc mọc mẹ mình, có những kẻ bỏ đói, bỏ rét mẹ mình, có những kẻ xưng “bà” xưng “tôi” với mẹ mình như với một người qua đường, qua chợ…Tất cả những kẻ đó đều là kẻ có tội. Và những kẻ vẫn cho mẹ mình ăn ngon, mặc đẹp nhưng bỏ quên mẹ mình trong thế giới tình cảm của họ thì họ cũng mang tội như những kẻ nói trên.

(Trích Sự bất hiếu ngọt ngào - Nguyễn Quang Thiều)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên. (0,5điểm)

Câu 2. Đoạn trích đã nêu lên những biểu hiện cụ thể nào về sự bất hiếu ngọt ngào? (0,5điểm)

Câu 3. Anh/chị suy nghĩ gì về ý kiến sau: “những kẻ vẫn cho mẹ mình ăn ngon, mặc đẹp nhưng bỏ quên mẹ mình trong thế giới tình cảm của họ thì họ cũng mang tội”? (1,0điểm)

Câu 4. Thông điệp anh/chị tâm đắc nhất trong đoạn trích là gì? Vì sao? (1,0điểm)

Nguyễn Thu Hương
19 tháng 9 2019 lúc 9:40

Câu 1. PTBĐ chính: Nghị luận.

Câu 2. Biểu hiện cụ thể của sự bất hiếu ngọt ngào:

- Những đứa con có điều kiện về kinh tế nhưng chỉ "báo hiếu" cha mẹ bằng cách đáp ứng đầy đủ cuộc sống về vật chất, còn gạt họ ra khỏi đời sống tinh thần. => họ bị bỏ quên trong chính ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, bị thiếu thốn về tình cảm.

Câu 3.

Ý kiến trên nêu ra một dạng người tồn tại rất phổ biến và là một thực trạng đau lòng trong xã hội: Những đứa con bỏ rơi mẹ của mình trong đời sống tình cảm vì mải chạy theo guồng quay về vật chất. Những đứa con như thế là những kẻ mang tội.

Mang tội có nghĩa là cũng mắc lỗi giống như những đứa con bất hiếu, bỏ mặc không báo hiếu phụng dưỡng cha mẹ.

Suy nghĩ trên hoàn toàn đúng bởi mẹ đâu cần những thứ vật chất bề ngoài đó, điều mẹ cần ở mỗi người con là có thể vui vầy cùng con cháu lúc tuổi già, được quan tâm và đền đáp bằng tình cảm.

Câu 4. HS có thể chọn ra thông điệp cho mình để lí giải:

- Những kẻ vẫn cho mẹ mình ăn ngon, mặc đẹp nhưng bỏ quên mẹ mình trong thế giới tình cảm của họ cũng họ cũng mang tội.

- Việc bỏ rơi cha mẹ trong cuộc sống vật chất đủ đầy được coi là "sự bất hiếu ngọt ngào".