Nhìn kìa, một ngày của tháng 9, đất trời bỗng chuyển mình khác lạ, có chăng thu đã về? Cơn gió lạnh se
se luồn vào từng lớp áo nghịch ngợm, sương lãng đãng khắp đường chẳng chịu rời đi, nắng cũng dịu
dàng và trời xanh cũng vời vợi hơn hẳn. Hương hoa sữa thoang thoảng bay trên từng góc phố, đi đến đầu
ngõ đã cảm nhận được “hơi thở” của cốm xanh đang lan toả mọi ngóc ngách, bước vào nhà là thích mê
mùi hương ổi chín phả vào thinh không, rất ngọt. Có một mùa thu Hà Nội phố làm trái tim bao người xao
xuyến đến thế, để bước chân mỗi lần biết thu gõ cửa là gói gém bộn bề để xuôi về mảnh đất Thủ đô văn
hiến ngay. Thèm lắm, những đặc sản mùa thu Hà Nội ăn là nhớ.
Hà Nội bước vào thu nhẹ nhàng như lời hát ru của mẹ, gió sương vừa chùng chình một chút ngoài sân
mang theo hương thị chín là người ta nhận ra ngay, mỉm cười hạnh phúc. Những trái thị vàng tươi thơm
lừng trong gánh hàng của các dì, vừa lướt qua đã nghe hương thơm êm ái đến mát lòng, không chần chừ
được mà chạy ra ngay, mua vài trái đem về để trên bàn, cho hương bay khắp nhà.
Mùa thị chín cũng là mùa người ta nôn nao những câu chuyện về thơ ấu, về cô Tấm ngoan hiền chui ra
từ quả thị, về câu vè mà người ta chẳng thể quên “Thị ơi thị, thị rụng bị bà – Bà để bà ngửi chứ bà không
ăn”. Với lũ trẻ con, mùa thị chín cũng là mùa tựu trường, đôi bàn tay ngượng ngùng tặng bạn quả thị
chín, gửi cả tâm tình con trẻ chưa dám nói. Thị để ngửi lâu thật lâu, cho tới lúc sờ vào thấy chín mềm mới
dám đem ra ăn, vỏ thị xé ra thành nhiều cánh nhỏ, ép đâu đó trên trang giấy học trò, để lưu lại những
tháng ngày đẹp đẽ và bình yên như thế…
(Hà Nội Tháng 9 Thơm Lừng Những Hương Vị Rất Riêng)
Câu 1: Nêu nội dung đoạn trích trên.
Câu 2: Đọc câu văn sau: “Thèm lắm, những đặc sản mùa thu Hà Nội ăn là nhớ.”
Em hãy tìm từ đồng âm với từ “thu” trong câu văn trên. Đặt một câu với từ vừa tìm được.