Lợi ích nông nghiệp
Nhiều loài sinh vật tưởng chừng như vô dụng cũng đang bắt đầu cho thấy những lợi ích quan trọng trong ngành nông nghiệp. Những người nông dân đang sử dụng côn trùng và các loài động vật ăn sâu bọ để tiêu diệt sâu bọ gây hại cho mùa màng cũng như sử dụng các giống cây trồng chứa các độc tố tự nhiên đẩy lùi các loài côn trùng gây hại. Chúng được gọi là thiên địch và trong nhiều trường hợp, đây là biện pháp thay thế không những an toàn, hiệu quả mà còn thân thiện với môi trường và ít tốn kém hơn các loại thuốc hóa học tổng hợp.
Đóng góp về y học
Trong cuộc đấu tranh sinh tồn không có hồi kết với những loài sinh vật khác, nhiều loài động vật hoang dã đã tự tìm ra vô vàn cách để kháng vi khuẩn và các tế bào gây ung thư. Chúng có thể tạo ra các phân tử mới lạ mà các nhà hóa học chưa từng biết tới. Việc tìm hiểu và nghiên cứu về đặc tính này của các loài có thể giúp các nhà khoa học tìm ra những phương pháp chữa bệnh mới, hiệu quả cho những căn bệnh tưởng chừng như vô phương cứu chữa.
Nguồn cung thực phẩm
Theo ước tính có khoảng 80.000 loài thực vật có thể ăn được, trong số đó khoảng dưới 20 loài đang cung cấp 90% lương thực cho toàn thế giới. Nếu những loài chưa được tận dụng còn lại được dự trữ hay bảo tồn thì con người sẽ có đủ thức ăn cho số dân đang không ngừng tăng lên.
Điều tiết môi trường
Nhiều sinh vật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá chất lượng môi trường. Ví dụ như sự sụt giảm nhanh chóng về số lượng đại bàng đầu bạc và chim ưng vào giữa thế kỷ 20 là lời cảnh báo mạnh mẽ về mức độ nguy hiểm của DDT – một loại thuốc trừ sâu mạnh từng được sử dụng rộng rãi nay tích tụ lại trong mô của cơ thể động vật (làm suy yếu khả năng sinh sản và cản trở quá trình ấp trứng thành công của các loài động vật này). Những loài sinh vật có khả năng chỉ thị môi trường sẽ cảnh báo con người về tác động của biến đổi khí hậu và các chất gây ô nhiễm tới môi trường.
Giá trị kinh tế
Một số lợi ích từ các loài động thực vật là có thể đong đếm được bằng giá trị kinh tế. Theo Ban quản lý vườn quốc gia và động vật hoang dã bang Tesax, Hoa Kỳ, xem chim là hoạt động giải trí ngoài trời phát triển nhanh nhất, ước tính mỗi năm đóng góp khoảng 400 triệu đô la vào ngân sách của bang. Nghiên cứu của Cục Bảo vệ Động vật hoang dã và Thủy sản Hoa Kỳ cũng cho biết hoạt động quan sát môi trường tự nhiên – không chỉ tính riêng hoạt động ngắm chim – đã thu về 85 tỉ đô la cho Hoa Kỳ trong năm 2001.
Những giá trị vô hình
Bên cạnh những giá trị về mặt y tế, kinh tế và khoa học kỹ thuật, rất nhiều loài động vật hoang dã còn mang lại niềm cảm hứng cho vô vàn tác giả, nghệ sĩ và tất cả những ai quan tâm tới sự đa dạng của thế giới tự nhiên. Hàng loạt các triển lãm ảnh về các loài động thực vật hoang dã đã được tổ chức trên toàn thế giới, thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận. Tiêu biểu như hai triển lãm ảnh khai mạc ngày 24/9 tại công viên Gia Định, TP HCM và công viên Hòa Bình, Hà Nội nằm trong chuỗi các hoạt động thường kỳ được tổ chức tại các khu vực đô thị ở Việt Nam trong năm 2011.